I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Chương trình được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên, tình nguyện viên nước ngoài và học sinh, sinh viên Nhà trường được trải nghiệm, tham gia giao lưu, tìm hiểu văn hóa của các dân tộc, đất nước.

- Đây là hoạt động văn hóa, mang ý nghĩa xã hội; giúp học sinh, sinh viên có thêm hiểu biết về văn hóa của các quốc gia trong khu vực, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa cán bộ, tình nguyện viên, sinh viên, lưu học sinh đang học tập tại Trường Đại học Vinh nói riêng, giữa các dân tộc nói chung.

- Thể hiện được vị thế, tầm vóc của Trường Đại học Vinh, nơi tụ hội nhiều sinh viên quốc tế và có nhiều chương trình đào tạo tiên tiến, gắn với nhu cầu thực tiễn của của sinh viên trong nước và quốc tế.

2. Yêu cầu

- Chương trình tổ chức đảm bảo an toàn, tiết kiệm, phát huy tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng trong Trường Đại học Vinh.

- Ngoài sự tham gia, cổ vũ của cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, học viên, lưu học sinh trong nhà trường, chương trình còn hướng đến sự tham gia của đông đảo các đối tượng học sinh, sinh viên ngoài trường và sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan, doanh nghiệp.

II. NỘI DUNG, THÀNH PHẦN THAM GIA

1. Nội dung

Lưu học sinh, sinh viên đang học tập tại trường lập thành 8 đội tuyển dự thi dựa trên quốc gia; phong tục tập quán, văn hóa, ẩm thực, thời trang; nhóm sinh hoạt, học tập để tham gia Ngày hội với các nội dung sau:

1.1. Ẩm thực

- Các đội tham gia thực hiện các yêu cầu: Nấu, chế biến, trình bày món ăn mang tính đặc trưng của quốc gia, dân tộc, vùng miền.

- Các thành viên trong đội thi trực tiếp nấu, chế biến và trình bày món ăn, cử 01 thành viên thuyết trình về sản phẩm dự thi.

- Thời gian chế biến và trình bày món ăn 60 phút, thời gian thuyết trình tối đa 06 phút.

- Ban Tổ chức chấm điểm dựa trên các tiêu chí:

+ Món ăn có hương vị riêng, ngon, được trình bày đẹp mắt; ưu tiên món ăn theo đặc sắc vùng miền, dân tộc…

+ Nguyên liệu chế biến, cách chế biến đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm;

+ Chế biến, trình bày và thuyết trình không vượt quá thời gian quy định;

+ Phần thuyết trình món ăn đảm bảo nêu được chủ đề, tên các món, nguyên liệu, cách chế biến, ý nghĩa của món ăn.

1.2. Thời trang

- Mỗi đội cử 02 thành viên (1 nam, 1 nữ) tham gia nội dung trình diễn thời trang theo trang phục truyền thống. Trang phục có thể tự thiết kế trên các chất liệu nhưng làm nổi bật được nét truyền thống đặc trưng.

- Phần trình diễn của các đội theo kịch bản đã được Ban Tổ chức thống nhất và triển khai.

- Khuyến khích các đội có thuyết minh về chủ đề hoặc nét đặc sắc của trang phục dự thi.

- Ban Tổ chức chấm điểm dựa trên các tiêu chí:

+ Trang phục đặc sắc, thể hiện được nét đặc trưng quốc gia, dân tộc, vùng miền.

+ Phong thái tự tin, kỹ thuật trình diễn và thời gian thực hiện đúng yêu cầu, quy định của Ban Tổ chức.

+ Hấp dẫn, lôi cuốn khán giả.

1.3. Văn nghệ

            - Mỗi đội tham gia biểu diễn 01 tiết mục văn nghệ, khuyến khích tiết mục mang tính tập thể và thể hiện được đặc trưng văn hóa của đội.

- Thời gian: Tối đa 6 phút.

- Ban Tổ chức chấm điểm dựa trên các tiêu chí:

+ Tiết mục mang tính nghệ thuật, đặc trưng của quốc gia, dân tộc, vùng miền.

+ Thí sinh thể hiện tính chuyên nghiệp, tự nhiên, thu hút khán giả.

1.4. Team Building

Là phần thi thiết kế, trình bày biểu trưng của đội và giao lưu giữa các đội thi thông qua các trò chơi tập thể (có kịch bản kèm theo).

1.5. Gala Sắc màu văn hóa

Các đội cùng thưởng thức, giao lưu với các ca sĩ chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các sinh viên Trường Đại học Vinh đoạt giải trong các cuộc thi nghệ thuật có uy tín, các tiết mục biểu diễn xiếc, võ thuật ấn tượng…

2. Thành phần các đội dự thi

- Đội 1: Lưu học sinh Lào 1;

- Đội 2: Lưu học sinh Lào 2;

- Đội 3: Lưu học sinh Thái Lan;

- Đội 4: Sinh viên học tiếng Hàn 1 và Tình nguyện viên của Hiệp hội chấn hưng thương mại hóa công nghệ Hàn Quốc (KTCA);                                                                             

- Đội 5: Sinh viên học tiếng Hàn 2 và Tình nguyện viên của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA);

- Đội 6: Sinh viên học tiếng Nhật Bản;

- Đội 7: Học sinh, sinh viên Việt Nam 1;

- Đội 8: Học sinh, sinh viên Việt Nam 2.

Ghi chú: Mỗi đội tham gia Ngày hội đăng ký 20 - 30 thành viên tham dự và tối thiểu có 50 cổ động viên cùng tham gia gửi về Ban Tổ chức trước ngày 30/10/2018.

3. Khách mời, Ban Tổ chức

3.1. Khách mời:

- Đại diện Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh Nghệ An, Hội Hữu nghị Việt - Lào, Hội Hữu nghị Việt - Thái, Hội Hữu nghị Việt - Hàn, Hội Hữu nghị Việt - Nhật tỉnh Nghệ An.

- Ban Giám hiệu Trường Đại học Vinh.

- Phòng Công tác chính trị và Học sinh, sinh viên; Trung tâm Nội trú; Phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế; Phòng Hành chính Tổng hợp.

3.2. Ban Tổ chức:

- Đại diện các đơn vị, đoàn thể trong nhà trường: Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp; Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trường; Câu lạc bộ Hoa Chăm Pa.

- Đại diện KOICA, KTCA và các đối tác có đại diện tham gia chương trình.

- Đại diện Đoàn Lưu học sinh Lào, LHS Thái Lan.

4. Giải thưởng

- Ban Tổ chức dự kiến trao giải và cờ lưu niệm cho các đội tham gia, dự kiến gồm: 01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 2 giải Ba và 3 giải Khuyến khích.

Ghi chú: Điểm thi của mỗi đội là tổng điểm của 4 nội dung thi: Ẩm thực, Thời trang, Team Building và Văn nghệ.

III. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM TỔ CHỨC

1.  Thời gian: Chiều và tối, 13h30’ ngày 04/11/2018 (Chủ Nhật).

2.  Địa điểm: Dự kiến Sân Ký túc xá số 5 Trường Đại học Vinh (nếu thời tiết thuận lợi) hoặc Hội trường A.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp

- Chủ trì phối hợp với cơ quan, doanh nghiệp, Đoàn lưu học sinh và các đơn vị, đoàn thể liên quan xây dựng nội dung, chương trình;

- Mời đại biểu, Ban giám khảo

- Chuẩn bị cơ sở vật chất; làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức để tất cả lưu học sinh Lào, Thái Lan và các sinh viên Việt Nam theo thành phần nêu trên được tham gia và cổ vũ chương trình Ngày hội.

- Phối hợp chuẩn bị bếp, các dụng cụ nấu, chế biến, bàn ghế và các trang thiết bị phục vụ cho việc các đội tham dự phần thi theo kế hoạch.

- Phối hợp với lực lượng vệ sỹ để đảm bảo công tác an ninh; điều động, bố trí nhân sự trực tại khu vực tổ chức chương trình theo kế hoạch.

2. Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên trường

- Phối hợp tổ chức đêm Gala ‘Sắc màu văn hóa”; truyền thông, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực, sôi nổi tham gia chương trình.

- Cử đại diện tham gia tư vấn và làm giám khảo cho các nội dung thi theo kế hoạch.

3. Liên Chi đoàn khoa Kinh tế, Câu lạc bộ Hoa Chăm Pa

 - Phối hợp tổ chức chương trình; chịu trách cùng Đoàn lưu học sinh Lào và Thái Lan chủ trì, triển khai thành lập các đội thi theo kế hoạch cho Lưu học sinh Lào, Lưu học sinh Thái Lan.

- Tuyên truyền, động viên, khuyến khích đoàn viên, lưu học sinh tham gia và cổ vũ cho các đội thi trong chương trình Ngày hội.

4. Trung tâm Nội trú

- Khuyến khích sinh viên, lưu học sinh trong Ký túc xá tham gia chương trình; phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ về cơ sở vật chất để việc tổ chức được thực hiện theo đúng kế hoạch.

5. Phòng Quản trị và Đầu tư

- Phối hợp bố trí sân bãi, nguồn điện, hỗ trợ công tác tổ chức.

- Chuẩn bị Hội trường A, hệ thống âm thanh, ánh sáng cho các hoạt động (nếu trời mưa, chương trình được tổ chức tại Hội trường A)

- Phối hợp làm tốt công tác vệ sinh trước và sau chương trình.

6. Phòng Kế hoạch - Tài chính

Cấp kinh phí tổ chức chương trình sau khi dự toán được Hiệu trưởng Nhà trường phê duyệt; hướng dẫn thủ tục thanh quyết toán khi kết thúc chương trình.

7. Các đơn vị, đoàn thể liên quan

- Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa để cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên biết và tham gia chương trình.

- Phối hợp tham gia Chương trình Ngày hội theo kế hoạch, kịch bản đã được phê duyệt.

Trên đây là kế hoạch tổ chức chương trình “Ngày hội sắc màu văn hóa” Trường Đại học Vinh lần thứ nhất, Nhà trường yêu cầu trưởng các đơn vị, đoàn thể liên quan chịu trách nhiệm triển khai nghiêm túc các nội dung trên./.