Cụ thể, đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập năm học 2015 - 2016 thì mức học phí là từ 60.000 - 300.000 đồng/tháng/học sinh đối với khu vực thành thị; từ 30.000 - 120.000 đồng/tháng/học sinh đối với khu vực nông thôn và từ 8.000 - 60.000 đồng/tháng/học sinh đối với miền núi.

Đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư cụ thể như sau:

Với ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản, học phí từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2017 - 2018 là 1,75 triệu đồng/tháng; từ năm học 2018 - 2019 đến năm học 2019 - 2020 là 1,85 triệu đồng/tháng; năm học 2020 - 2021 là 2,05 triệu đồng/tháng.

Khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch, học phí từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2017 - 2018 là 2,05 triệu đồng/tháng; từ năm học 2018 - 2019 đến năm học 2019 - 2020 là 2,2 triệu đồng/tháng; năm học 2020 - 2021 là 2,4 triệu đồng/tháng.
Khối ngành y dược có học phí cao nhất. Cụ thể, học phí từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2017 - 2018 là 4,4 triệu đồng/tháng; từ năm học 2018 - 2019 đến năm học 2019 - 2020 là 4,6 triệu đồng/tháng; năm học 2020 - 2021 là 5,05 triệu đồng/tháng.

Học phí tăng theo chỉ số giá tiêu dùng

Trao đổi với PV Dân trí, ông Bùi Hồng Quang Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, học phí mầm non, phổ thông vẫn tăng bình quân hàng năm theo chỉ số giá tiêu dùng, và vẫn do địa phương quy định đảm bảo phù hợp với thu nhập của người dân tại địa phương như trước đây.

Học phí đại học chương trình đại trà tại trường chưa tự chủ tăng 10%, tăng chậm hơn giai đoạn 2011 - 2015 (trước đây khoảng 20%/năm).

Các trường tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, mức trần học phí có cao hơn mức học phí các trường áp dụng hiện nay. Tùy tình hình cụ thể các trường xác định mức học phí phù hợp để một mặt nâng cao chất lượng đào tạo nhưng mặt khác đảm bảo được mức chi trả của người dân. Đến nay đã có 11 trường thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư.

Đối với học sinh nghèo, học sinh diện chính sách, vẫn được hưởng chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập như trước đây.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị tự chủ): Học phí được xây dựng theo lộ trình tính đủ chi phí đào tạo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể: Đến năm 2016, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; Đến năm 2018, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý; Đến năm 2020, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

Đối các cơ sở giáo dục đại học chưa tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị chưa tự chủ), mức thu học phí tăng dần hàng năm khoảng 10%, do vậy khả năng bù đắp chi phí đào tạo còn thấp, tính trung bình đến năm học 2019 - 2020 mức học phí mới đáp ứng được một phần chi phí đào tạo, phần còn lại do NSNN cấp phát.

Trong điều kiện hiện nay kinh tế khó khăn, việc làm và thu nhập của người dân còn thấp nên không thể tăng đại trà học phí mà việc xây dựng học phí lần này chưa tính đến tăng đồng loạt để bù đắp chi phí.

Chất lượng giáo dục phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó học phí chỉ là một yếu tố. Ngoài ra đối với các trường công lập, học phí chỉ là một nguồn thu của cơ sở giáo dục, trên thực tế những năm trước đây và cho đến hiện nay, về cơ bản nhà nước vẫn đảm bảo hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên và chi đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục để đảm bảo hoạt động giáo dục, giảng dạy của các cơ sở giáo dục được diễn ra bình thường, đảm bảo chất lượng.

Hồng Hạnh (Báo Dân trí)