Bộ phận Truyền thông cũng mong rằng sẽ tiếp tục được đón nhận nhiều sáng tác về Trường của các thế hệ cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, học viên.

 

THẦY TÔI, PHAN HUY DŨNG

 

Tôi nhớ nhất lần thứ hai đến nhà ông, căn nhà một tầng sơn xanh với một trụ quyết màu đỏ, nằm khiêm nhường trong một ngõ nhỏ mà tôi không để ý tên đường, số nhà (ngày nay, tôi vẫn đến đấy bằng thói quen của bước chân, nhắm mắt vẫn đến được, nhưng ai hỏi địa chỉ thì xin chịu). Cổng vào xanh một màu dịu sẫm nhờ tán lá của cây khế. Vào mùa, những bông hoa tím rụng bâng khuâng. Ông tất bật pha trà, kiểu pha không cầu kỳ như tôi vẫn hình dung. (Hồi ấy, trong con mắt thơ ngộ của chúng tôi, ông như bậc thánh nhân. Bất cứ việc gì ông cũng ở tầm mức điển phạm, hoặc vượt qua tất cả những gì của kẻ phàm).

PGS.TS. Phan Huy Dũng

Có lẽ đấy mới là một hạnh ngộ thực sự mà ông dành cho tôi. Hôm đó, ông nhận hướng dẫn tôi làm luận văn Thạc sĩ. Chúng tôi đã không nói chuyện nhiều, chỉ trao đổi định hướng lựa chọn đề tài. Nhưng, không ngờ chính cái buổi ấy lại gắn chặt tôi lại, với cái cổng màu xanh sẫm dịu ấy, như một định mệnh. Lần tiếp theo tôi đến, ông mang cho tôi một ít tài liệu. Không có sách in, chỉ là những bài báo trên Văn nghệ ông tỉ mẩn cắt góp hoen màu thời gian nhưng vẫn phẳng nếp, thẳng góc; mấy cuốn vở ông ghi chép tư liệu trên Tiền vệ, Talawas, Hợp lưu…; một cuốn luận văn cao học của ông về Nguyễn Minh Châu. Những nét chữ mềm mại, đẹp nhẫn nại. Tôi để ý, luận văn căn lề khá rộng, để người hướng dẫn góp ý sửa chữa. Tôi cũng để ý, thường ngay dưới mỗi góp ý của người hướng dẫn là những dòng chữ - vẫn rất nhẫn nại - của ông: “giữ nguyên”. Tôi sửng sốt vì điều này. Thường tôi chỉ biết là học viên thường rất ít dám “cãi lại” người hướng dẫn. Có thể, điều đó đã khiên tôi ngộ ra được cái quyền của chính tôi sau này, khi là học trò và khì làm nhân viên.

Có cái lì lợm điềm đạm ấy, bởi ông tin vào nội lực bản thân. Tôi nhớ có lần ông nói với tôi: “mình (chỉ tôi - người viết bài này) theo đuổi công trình cả mấy năm trời, họ chỉ đọc một vài ngày hay một vài tuần, phải tin rằng họ còn có chỗ thua kém mình trong vấn đề cụ thể mà mình đang theo đuổi”. Hôm tôi bảo vệ luận văn, dường như ông để tôi được tự do “phản biện” lại hội đồng. Tôi còn nhớ năm ấy luận văn của tôi nộp muộn, ông còn thanh minh hộ: “tôi biết luận văn của anh nộp hơi trễ tràng, bởi trong những ngày cuối anh còn mải mê viết thêm những điều mình nghĩ. Tôi đành để anh có thoải mái thăm dò trữ năng của chính mình”. Điều đó khích lệ, động viên tôi rất nhiều. Ông luôn biết cách vực dậy lòng tự tin, tự tôn của học trò hoặc bất cứ ai quen biết. Nói cách khác, ông không bao giờ bỏ lỡ cơ hội biến những tiềm năng của những người ông biết thành những năng lượng thực sự, giúp người ta sống một cách sang trọng hơn, đóng góp nhiều hơn. Không chỉ những người sống quanh ông, trong môi trường học thuật, có những người tưởng như lãng phí trong những môi trường khác, ông vẫn biết cách để đánh thức tiềm năng nghiên cứu ở họ. Sở dĩ ông làm được điều đó, bởi ông, bên cạnh tấm lòng liên tài là một lòng yêu tha thiết với văn chương, sự chia sẻ với con người.

 Cách nay mới hơn một năm thôi, có vị giáo sư ở Hà Nội, vốn rất nể trọng ông, có rỉ tai tôi: “Cậu này không hiểu tại sao lại yếm thế như vậy?”. Tôi đáp: “Thưa thầy, có lẽ không phải là yếm thế đâu ạ. Em ở gần, em biết”. Mà cái cách ông biểu hiện, trong nhiều trường hợp, có thể người xa lạ sẽ nghĩ thế thật. Ông điềm đạm, ông kiềm chế và nhất là ít ham hố cái trước mắt. Một vài bạn bè đồng khóa hoặc sau khóa ông, có chút máu mặt, có chút ấn phẩm là“chém” tới bời, thậm chí có kẻ còn coi việc ông không có chuyên luận như là một tiêu chí để so sánh với chính họ (dẫu chuyên luận của họ cũng chỉ là in lại luận án - ông có thể có hàng trăm cái hơn thế). Hình như ông quá cầu toàn, quá tự tôn, thậm chí là quá khắt khe với chính mình. Ông ngại công bố những thứ mà ông cảm thấy chứa thực sự thỏa mãn, và dường như ông vẫn canh cánh món nợ ấy với mình, với người, với văn chương. Ông quan tâm và viết khá nhiều về chương trình phổ thông có lẽ với mong muốn chữa từ gốc những căn bệnh kinh niên, phá bỏ những nguy hiểm bởi biết bao sai sót, ngộ nhận đang diễn ra ở phía ấy (điều này chắc chắn ông không chỉ nhìn thấy từ chương trình, từ những cuộc đánh giá giáo viên, mà từ chính những sinh viên, học viên của ông). Ông có cái điềm đạm của một người đã đạt đến một cảnh giới nào đó của sự đọc, sự quan chiêm để thấu suốt lẽ đời. Con người ấy, mặt không hề biến sắc cả khi Thái Sơn có sập xuống ngay trước mặt. Có những cuộc gặp gỡ, toàn những người tự xưng là Thái Sơn Bắc Đẩu cả, nổ vang trời, riêng ông, vẫn ngồi đấy, như núi. Thỉnh thoảng, cầm đũa gõ bậy gõ bạ vào bát vài tiếng lanh canh, và uống. Hình như ngày xưa Trang Tử cũng đã từng gõ bồn trong tâm thế của một đấng thông mệnh. Tất nhiên, với những người như ông, một cơn thịnh nộ cũng có thể khiến trời sập xuống. Tôi đã chứng kiến chuyện này. Hồi đó, ông dính một chút quản lý - thứ công việc mà tình thế đặt ông vào, và ông cũng biết không chống lại được tình thế. Ông đứng ở hành lang, quát vào máy điện thoại, đúng ra là ông hét lên, đến lạc giọng, với sắc mặt vừa giận dữ vừa tuyệt vọng. Một kẻ lì lợm như tôi mà đến bây giờ nghĩ lại, tóc chắc cũng bạc thêm vài sợi.

Học trò yêu ông bằng một tình cảm cuồng nhiệt. Tuổi trẻ coi ông là bậc thánh. Cái sự thánh ấy, đôi khi dẫn đến những chuyện bi hài. Số phận dun dủi thế nào mà cuối cũng tôi cũng có vợ, hai con một gái một trai. Nhưng quả thật tôi đã từng vì ông mà có ý định không màng chuyện lập gia đình. Số là thế này: một hôm tôi đến nhà lúc khoảng 10 giờ trưa, chợt thấy bậc thánh của chúng tôi bận một áo may ô, quần đùi loại vải mát, hai bên có chẻ tí xíu, kẻ sọc đứng màu xanh, loại sọc nhỏ, đang lúi húi vò gạo trong cái ruột nồi cơm điện, và huýt sáo vui tươi. Tôi sốc toàn tập. Ối giời là bậc thánh! Vợ con gia đình thế vậy thì đâu còn thời gian mà làm khoa học. Tôi nung nấu ý định độc thân từ đó. Tất nhiên, sau này tôi mới biết đấy là một ý nghĩ không tồi nhưng khá hài hước. Tuổi trẻ thời chúng tôi thường thế.

Ông sâu sắc, ông tài hoa. Không chỉ là một họa sĩ kí họa tài ba, nhất là ký họa chân dung, ông còn là người hiểu tận chân tơ kẽ tóc về hội họa và các loại hình nghệ thuật liên quan; không chỉ là người có giọng hát nghe được, ông còn khá am tường về âm nhạc. Những bài thơ ông viết thì đã nhận được khen ngợi từ một vài nhà phê bình rất đáng tin cậy (tôi không chấp những coment dưới những bài thơ của ông trên mạng xã hội kiểu “hay qua a oi”; “em xin chia se thay nhe”, “thay lam em…”). Nói phê bình của ông, phải nói đến một nhân cách phê bình. Lựa chọn cho mình một lối riêng trong tư duy và trong diễn đạt, ông luôn mang đến cho đối tượng những giá trị mới, và khác. Nhưng cao hơn hết là ông luôn chú ý tìm ra những thỏa thuận với văn bản trên tinh thần khách quan, thấu hiểu và hướng người đọc đến những ấm áp của tình người. Sức cuốn hút của ông không chỉ ở chỗ khiến người ta hướng về, mà đậm nhất, và cũng là oái oăm nhất, là không ít người chịu ảnh hưởng ông một cách quá sâu sắc. Một số học trò của ông gần như trở thành bản photo copy của ông, nhưng vụng về, thiếu mực.

Tôi không muốn kể về những gì ông giúp người, và tôi có lẽ là người được ông giúp đỡ nhiều nhất. Tôi biết ông cũng không trông chờ tôi kể ra những gì ông đã mang đến cho tôi. Tôi chỉ kể một vài ví dụ nho nhỏ: Hồi tôi tốt nghiệp thủ khoa Thạc sĩ, thuộc diện chuyển tiếp NCS (khi đó phải thi, không xét hồ sơ như bây giờ), ông động viên tôi tiếp tục. Tôi thú thật với ông là gia đình tôi đã khánh kiệt, không thể theo học nữa, ông nói với tôi rằng đây là cơ hội không có lần hai. Sau một hồi lâu thuyết phục, ông chốt lại bằng một câu sẽ đi dọc cuộc đời tôi, suốt những bầm dập của tôi, xốc tôi lên khi tôi toan gục ngã: “cùng tắc biến, biến tắc thông”. Tôi đi làm NCS, đến chào ông, ông hỏi có bao nhiêu tiền, tôi nói dối là có 3 triệu. Ông bảo, như thế sợ không đủ, ông cho thêm ba triệu. Hà Nội mênh mông người, tôi loay hoay sống không ra sống. Ông giúp thêm cho nhiều, kể cả mua cho một chiếc xe máy để đi làm đỡ vất vả. Chiếc xe đã cùng tôi ghi dấu những cú lừa ở các trung tâm gia sư, những lần lang thang vẽ Hà Nội, những buổi chiều trở gió ngắm lá vàng đuổi bắt trên đường Cổ Ngư và cả tình yêu của tôi trong nghèo túng. Ông, thậm chí còn dắt tôi, khi đó còn rất ngu ngơ, ra thẳng nhà thầy Trương Đăng Dung, năn nỉ thầy nhận hướng dẫn tôi làm Luận án. Mỗi lần ra Hà Nội, ông thường gọi tôi, dù ông không thiếu bạn bè, để xem tôi sống thế nào, cho tôi cái này cái khác. Ông cũng thỉnh thoảng dẫn tôi đến số 5 Đinh Lễ, mua cho tôi những cuốn sách - như những định hướng sự đọc cho tôi… Đinh Lễ ngày nay nhan nhản sách, nhưng bao giờ tôi cũng vào tận cái hiệu sách kiểu tầng vòm pháp viện Kafka để bồi hồi nhớ lại những gì đã qua.

Ông sống thế, nên không phải không ít người ngại hay đố kị. Về chuyên môn của ông, cũng có vài người ngấm ngầm không phục. Có một vị, trao đổi với tôi về một vấn đề chuyên môn, có nói “mình có hỏi thằng…” xong chột dạ, bồi thêm “tất nhiên nó cũng chẳng phải là gì…” v.v.. Khen ông, dĩ nhiên là rất nhiều. Nhưng tôi thấy phần lớn lời khen dành cho ông đều có gì đó sai sai. Khen, mà không hiểu ông; khen, nhưng khen theo kiểu phong trào. Những lời khen thật nhạt nhẽo và đôi khi hình như hạ thấp giá trị của ông, như một sự dìm hàng. Có người chỉ muốn nhắc đến tên ông để làm sang, lấy oai cho mình. Sau những ê chề ấy, không biết có nhiều người hiểu thấu nỗi cô đơn của ông. Tôi nhớ có lần, tôi đến nhà ông, chuyện trò thật lâu, đêm về khuya, đâu chừng hơn 12h, mấy lần tôi cáo biệt, mấy lần ông giữ tôi lại: “ngồi thêm tí nữa, mấy khi…”. Tôi hiểu ông cần một ai đó để chuyện trò (tôi cũng không thuộc số vài người thân thiết nhất mà ông có thể chia sẻ được mọi nỗi). Học trò xúm xít quanh ông, đôi khi trở thành nỗi phiền phức, nhưng ông rộng lượng không đành nói thẳng. Ông không muốn phũ mặt, bỉ mặt ai bao giờ. Ông ngại làm người khác tổn thương. Đôi khi, với vài người thân thiết, ông cũng văng tục, văng tục một cách hả hê. Lúc ấy, tôi thấy vui hơn, vì chắc rằng ông nhiều ít vợi đi những ố, nộ. Uy tín khoa học và nhân cách khiến ông lúc nào cũng nhiều học trò, đồng nghiệp… xin hướng dẫn, mượn tài liệu, nhờ tư vấn, sửa chữa. Cứ thế ông bị cắt lẻ xé vụn, bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu dự định đành gác lại cho hy vọng về sau. Mấy năm nay, tóc ông bạc nhiều, thưa nhiều. Lắm phen tôi phát bực vì những câu nói để mà nói, kiểu thầy ơi tóc thầy bạc nhiều rồi, thầy ơi tóc thầy rụng hết rồi. Tôi muốn hét lên: chính các vị đang làm tóc thầy bạc đấy, các vị tôn kính ạ!

Ông như con tàu thời vô chính phủ. Lẽ ra chỉ dành để chở một mặt hàng vào loại cao khiết vô trùng, thì số phận đặt lên các toa của nó quá nhiều thứ hỗn tạp. Và càng gần đến đích thì con tàu ấy càng cảm nhận được cái trớ trêu, cái tréo ngoe của sự đời. Càng ngày ông càng cảm nhận, đúng ra là càng nhận thấy rõ hơn sự phi lý, sự tội nghiệp của đối tượng mà ông dành rất nhiều thời gian, tâm huyết, dành cả tuổi thanh xuân để theo đuổi một cách đau khổ, nhọc nhằn. Ông vừa nhìn thấy giá trị của văn chương, nhưng cũng không ngừng hoài nghi về sự phù phiếm của nó; ông hy vọng đến lúc nào đó, văn chương sẽ lại được trở lại vị trí của ngày xưa, nhưng ông cũng cảm thấy ngay thấy sự bấp bênh của hy vọng bởi ông nhìn thấy tính đàng điếm của cái môi trường mà bản thân văn chương tồn tại. Nên có lần, trong lúc một vị mở đầu câu khai mạc một buổi bảo vệ Luận văn Thạc sĩ rằng: “Kính thưa các nhà khoa học”, ông quay lại nói nhỏ với tôi: “Khoa học khu ẻ!”(*) Ông thấy “điều rất quý mà văn chương có thể làm được là giúp con người có tâm thế sống an nhiên, tự chủ, thấy kiếp nhân sinh cũng “nhẹ bồng”, sau khi nó đã phơi trải dưới mắt ta toàn bộ cái mà ta thường vẫn gọi là sự phức tạp của con người, của cuộc đời”. Nhưng ông cũng thấy “văn học tự đánh mất sinh khí vì những sự minh họa khô cứng và bị chìm lút đi giữa những món giải trí dễ dãi, rẻ tiền. Văn học thiếu tư tưởng lớn, thiếu khát vọng lớn. Vì thiếu những cái đó mà dũng khí không còn. Nỗi lo về sự an toàn khiến người sáng tác buộc phải đầu tư nhiều cho những trò tiểu xảo, dốc không ít năng lượng sáng tạo vào việc hoàn thiện hệ thống tiểu xảo”.

Tôi không dám nói là biết nhiều về ông, nhưng chắc chắn những gì về ông, tôi biết không ít, toàn điều tốt cả. Tôi có thể viết riêng cho ông một chân dung cả trăm trang, hoặc giả, có tài, thì là tiểu thuyết. Những dòng này, chỉ là những ý nghĩ vụn, chưa xứng với ông, thậm chí, có thể còn kéo ông xuống, như một cách dìm hàng. Nhưng biết làm sao, bởi đôi khi người ta không cưỡng lại sự mở miệng của chính mình. Tôi tạm khép lại bài viết này, với hình dung về một chiếc bóng lênh khênh, đơn độc với những bước tất bật trong cái ngõ nhỏ vào một buổi chiều thành Vinh trở gió.

Học trò: TS. Lê Thanh Nga