CỰU SINH VIÊN TRƯỜNG VINH NƠI MẢNH ĐẤT CỰC NAM CỦA TỔ QUỐC

 

Người tôi muốn nói trong bài viết này là anh Lê Minh - một người bạn thân của tôi. Tốt nghiệp Sư phạm Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Vinh năm 1979, anh được điều động về công tác tại Trường THPT Rạch Sỏi, Kiên Giang. Nhờ sự phấn đấu kiên trì anh đã tốt nghiệp thạc sĩ Tin học, rồi làm đến Phó Hiệu trưởng Trường THPT Rạch Sỏi, Giám đốc Trung tâm Tin học thuộc Trường Cao đẳng Cộng đồng Kiên Giang.

Anh Lê Minh

Tuy nhiên điều tôi muốn nói ở đây là những sản phẩm "Made by Le Minh" phục vụ cộng đồng. Anh làm rất nhiều, tôi chỉ liệt kê một số công việc tiêu biểu:

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, Đài Truyền hình Việt Nam khai trương kênh VTV3 với nhiều chương trình rất hấp dẫn nhất là chương trình SV96, nhưng người dân Kiên Giang không xem được do không có anten phù hợp, lúc đó Đài Truyền hình Kiên Giang chỉ phát VHF (kênh 13), sóng rất mạnh nên làm nhiễu các kênh khác nhất là tại vùng Rạch Giá. Nắm bắt được nhu cầu này, anh Minh đã nghiên cứu, sản xất anten và bộ khuếch đại UHF để bán cho người dân. Khi chế tạo bộ khuếch đại UHF, anh Minh đã sử dụng những kiến thức vật lý đã học được để tạo ra bộ lọc chống nhiễu, vì vậy mới có thể có tín hiệu VTV3 để xem được trên tivi. Sản phẩm làm ra được người dân yêu thích, đến mua nườm nượp, anh phải huy động cả nhà cùng sản xuất và được mệnh danh là "Người đưa ánh sáng VTV3 về cho dân Kiên Giang".  

Cũng những năm đó Trung tâm Điện tử Tin hoc, Trường Đại học Cần Thơ có mở lớp dạy làm bảng quảng cáo bằng đèn quang báo. Vì ham thích chương trình này, anh Minh "bao lớp" để học một thầy, một trò. Trong chương trình giảng dạy, các thầy sử dụng một máy ép ROM để nạp nội dung lên bảng đèn. Anh Minh không có máy này nên sau khi học xong, anh phải tự chế ra máy ép ROM bán thủ công để sản xuất các bảng đèn quảng cáo với các dòng chữ chạy rất hấp dẫn. Sản phẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng không chỉ vì tính hiện đại mà còn đăng tải được các nội dung quảng cáo tùy ý.

Ngày nay ai đến bến xe Rạch Giá hẳn rất ngạc nhiên vì có hệ thống tivi thông báo giờ các xe xuất bến, vào bến; y hệt như bảng thông báo giờ cất cánh, hạ cánh tại các sân bay. Tương tự như vậy là các chương trình thông báo cho bệnh nhân tại khoa Gây mê hồi sức và khoa Hồi sức ngoại của Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cũng thực sự hữu ích. Đó là các phần mềm do anh Minh viết!

Những năm đầu đất nước mới thống nhất, một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp của Trường Đại học Sư phạm Vinh được phân công vào công tác tại miền Nam, trong đó đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 500 người. Hàng năm, anh em cựu sinh viên Trường Vinh tại đồng bằng sông Cửu Long đều tổ chức gặp mặt để giao lưu, ôn lại kỷ niệm xưa. Trong cuộc gặp mặt được tổ chức tại Rạch Giá hồi tháng 10 năm 2018, mỗi người đều nhận được quà tặng là một áo thun có in logo cuộc gặp mặt. Điều đáng nói ở đây là áo thun được in từ một máy in do anh Minh cải tiến từ chiếc máy in trên giấy (Epson T60 và Epson 1390). Một chi tiết thú vị: sau cuộc gặp mặt, một số anh em đề nghị tôi ghé tham quan "xưởng in áo" của Lê Minh, tại đây anh Minh chụp ảnh cả nhóm và in ảnh vừa chụp lên áo tặng mỗi người một cái rất "nóng sốt". Không chỉ chúng tôi mà nhiều người khác, các tổ chức khác đều thích thú với dịch vụ in ảnh mình lên áo này. Minh còn tự chế một máy khắc laser để in hình lên gỗ và các loại vật liệu khác nhau.

Máy in trên áo

Máy khắc bằng laser

Sản phẩm áo có in logo và hình ảnh

Hình Bác Hồ khắc bằng máy laser

Trường Đại học Sư phạm Vinh đã có lịch sử 60 năm xây dựng và trưởng thành. Nhà trường đã đào tạo hàng trăm ngàn sinh viên, những sinh viên này sau khi ra trường đã có những đóng góp to lớn sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước và làm rạng danh uy tín Nhà trường. Anh Lê Minh là một ví dụ. Bài viết ngắn này nhằm cung cấp thông tin đến mọi người nhất là những người đã từng học tập, công tác tại trường Vinh để ngưỡng mộ anh Lê Minh ("Minh vè", hậu vệ phải đội tuyển bóng đá Trường Vinh 1975 - 1979) và thêm yếu quý ngôi trường đại học trọng điểm của cả nước trên quê hương Xứ Nghệ. 

Nguyễn Văn Linh, Cựu sinh viên 16B K3

Nguyên Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Cần Thơ