NHỚ VỀ TUỔI 20... TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH!

Tôi ngồi viết những dòng này khi quê tôi gió Lào, cát trắng "nắng chang chang" đã một tháng trời nay... Rừng thông Hồng Lĩnh đang cháy, nước Sông Lam đã gần cạn đáy... thì bỗng dưng có tin áp thấp nhiệt đới, cơn bão số 2... và một "trận mưa vàng" đã đổ xuống... Mừng vui khôn xiết, tạ ơn Tạo hóa vô cùng! Trời mát mẻ, dịu êm gợi lên trong tôi bồi hồi nỗi nhớ - Nhớ trường xưa, bạn cũ cách 40 năm trước... Khi tôi có giấy báo gọi về nhập học Khoa văn trường Đại học sư phạm Vinh vào mùa thu năm 1979.

Trường Đại học Vinh hôm nay vừa tròn 60 tuổi, Trường được ra đời năm 1959, ngày tôi vào nhập học cũng là ngày Người tròn 20 tuổi. Người đã cõng trên lưng hàng trăm tấn sách vở tài liệu, thiết bị dạy học đi sơ tán về nhiều miền quê như Thạch Thành (Thanh Hóa), Quỳnh Lưu, Yên Thành (Nghệ An) đã tránh bom đạn hủy diệt của máy bay Mỹ. Vừa dạy, vừa học, vừa trưởng thành cả dáng hình và đội ngũ, năm 1973, Người về lại nơi thành phố Vinh thân yêu!

Thầy Hiệu trưởng ngày ấy là Nhà giáo Lê Hoài Nam, người con Bình Định tập kết ra Bắc... Thầy có dáng người cân đối giọng nói miền Nam rất dễ nghe, Thầy dạy phần tác giả Hồ Xuân Hương thuộc tổ văn học Việt Nam. Ngay trong buổi chào cờ đầu tiên, sau khi ổn định lớp, Thầy đã nói rõ mục đích, phương châm đào tạo của nhà trường là góp phần đưa chúng tôi trở thành những nhà giáo "Thầy ra Thầy"...

Quả thật, thương hiệu của sinh viên được đào tạo từ Trường Đại học Sư phạm Vinh ngày ấy thật đáng tự hào, ra trường khóa nào là các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc về tiếp nhận tận nơi. Tôi nhớ lớp 20A - Khoa Văn có 55 thành viên, gần một nửa là công nhân, bộ đội sau chiến tranh về nhập hoc. Nhiều bạn nữ nước da còn đọng lại những năm tháng "Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi" khi ở Trung đoàn 76 xây dựng Tây Nguyên trở về, còn khoảng một nửa là học sinh phổ thông vừa thi đậu đại học. Chúng tôi đã hòa đồng với nhau thật nhanh, tôi đã 29 tuổi  tốt nghiệp lớp 10 năm 1969, đi dân công hỏa tuyến ở Thượng Lào về làm công nhân lái máy kéo.... Tôi đã có gia đình và ba cậu con trai còn nhỏ, lại lớn tuổi nhất lớp nên được các bạn bầu làm lớp trưởng. Thầy giáo của khoa Văn là những cán bộ giảng dạy giỏi nổi tiếng cả nước, hồi đó các thầy cô chưa có những học hàm, học vị như giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ,... như bây giờ Thầy cô nào cũng bình dị, thân thương và gần gũi, khiêm nhường.

Tôi nhớ dạy Văn học dân gian là Thầy Hoàng Tiến Tựu - Thầy là Chủ nhiệm khoa, có kiến thức uyên thâm, có lời bình giảng ca dao dân ca ngọt ngào, say đắm - Cùng thầy Hoàng Minh Đạo một nhà giáo trẻ trung, mới được giữ lại trường. Dạy Văn học Việt Nam là thầy Nguyễn Sĩ Cẩn, thầy Nguyễn Trung Hiếu, thầy Lê Kinh Khiên, thầy Tưởng Đăng Trữ, thầy Chu Học Hiệu, thầy Hồ Ngọc Quang, thầy Nguyễn Văn Lợi, thầy Tạ Cẩn... Dạy Văn học nước ngoài là thầy Ngô Xuân Anh, thầy Từ Đức Trịnh, thầy Lê Nguyên Cẩn, thầy Nguyễn Minh Thận... Dạy Lý luận văn học là thầy Lê Bá Hán, thầy Trần Quốc Chửng (Thầy Chủ nhiệm năm thứ nhất của lớp 20A). Và dạy Ngôn ngữ học là thầy Nguyễn Quang Hồng, thầy Phan Thiều, thầy Nguyễn Hữu Dỵ... Dạy Cổ văn Hán Nôm là thầy Nguyễn Hải, thầy Phan Kính, thầy Nguyễn Phức. Còn biết bao nhiêu thầy, cô dạy chúng tôi về Tâm lý giáo dục học, hay thể dục, quốc phòng như thầy Phan Huy Xý, thầy Bùi Thúc Căn... Cùng một số thầy cô vừa chuyển ra dạy ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I như thầy Hoàng Ngọc Hiến, thầy Phùng Văn Tửu, thầy Nguyễn Văn Bình...

Tôi không thể quên nổi hình ảnh mấy chục thầy cô giáo đã từng giảng dạy trong bốn năm trời. Họ là những tấm gương mẫu mực trong sinh hoạt đời thường, cho đến nhiều tiết dạy trên lớp. Những năm đất nước ta "lụt Bắc, lụt Nam, máu trào biên giới. Tay chống trời, tay giữ nước, căng gân", buổi đất nước bao khó khăn thiếu thốn của thời kỳ bao cấp, thế mà thầy cô đã dìu dắt chúng tôi vượt qua. Bốn năm học đại học, đúng là bốn năm ăn "Sư""Phạm" gần như đúng nghĩa của nó, nhưng bù lại là chúng tôi được rèn luyện được thử thách để thêm vững vàng về kiến thức và đạo đức tư cách để trở thành nhà giáo tốt sau này... Bù lại với những thiếu thốn về  cái ăn, cái mặc, về những bữa ăn chỉ toàn sắn lát, bo bo là chúng tôi được những nhà giáo tài năng, "những thế hệ vàng" truyền dạy cho muôn vàn kiến thức mới mẻ, với cách giảng dạy say sưa, tài hoa, cuốn hút... Những tiết giảng của thầy Hoàng Tiến Tựu, thầy Nguyễn Trung Hiếu, thầy Lê Bá Hán, thầy Ngô Xuân Anh, thầy Phan Huy Xý... giờ đây sau 40 năm như vẫn còn hiển hiện trước mắt chúng tôi. Thầy giảng say sưa, trò như nuốt lấy từng lời, rồi những sự dẫn dắt gợi mở, những buổi biểu diễn văn nghệ về văn học dân gian, về Nguyễn Du, Nguyễn Trãi... Chúng tôi chỉ thấy thời gian trôi nhanh, bốn năm trời trải qua bao khó khăn thiếu thốn, cũng có những bạn sinh viên không chịu đựng nổi đã có va vấp trong môi trường sư phạm nên họ đành phải chia tay...

Bốn năm trời được học tập và tu dưỡng tại khoa có biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn... Nhớ mãi những ngày thầy trò cùng nhau đi điền dã sưu tầm văn học dân gian ở làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ bên dòng sông La hiền hòa, xanh trong... Nhớ mãi những ngày đi tham quan và thực tập tâm lý ở trường cấp 3 Cao Bá Quát (Gia Lâm - Hà Nội) được vào lăng viếng Bác Hồ kính yêu. Nhớ mãi những lần được trực tiếp nghe nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Huy Cận về trường nói chuyện cùng sinh viên khoa Văn hoặc được nghe các nhạc sĩ Thái Cơ, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi (con trai nhà thơ Thế Lữ) cùng ca sĩ Thu Hiền, Kiều Hưng ca hát... Vui nhất là hồi đó chưa có cầu Bến Thủy, chỉ có một bãi cỏ rộng làm nơi chiếu phim màn ảnh rộng ở trước cửa hàng ăn uống, phim bảy giờ mới chiếu, mà sáu giờ khoảng một chục sinh viên đã có mặt, chúng tôi ghé vào cửa hàng, cô nhân viên đon đả chào mời:

- Các anh mua gì thế ạ?

- Cảm ơn chị, chúng tôi không mua gì cả, chỉ xin chị cho phép mấy đứa được soi gương!!!

Cũng có những kỷ niệm buồn mà đến giờ vẫn còn day dứt. Đó là những ngày mới vào nhập trường, người thầy giáo Phó Chủ nhiệm khoa Văn, thầy Lê Kinh Khiên dạy phần "Nguyễn Du và Truyện Kiều" hay nổi tiếng, thầy không may bị tai nạn bất ngờ khi vừa mới chuyển lên căn nhà mới ở phố Quang Trung. Thi hài thầy được đưa về trạm xá nhà trường để khâm liệm và tổ chức tang lễ... Đêm đó, bọn con trai lớp tôi cùng túc trực bên thầy. Rồi đám tang thầy giáo Tưởng Đăng Trữ, thầy đau yếu và qua đời khi đang công tác tại trường, cả khoa Văn đưa tiễn thầy về nơi an nghỉ cuối cùng.

Những ngày buồn, những ngày vui hòa lẫn tạo nên một bức tranh bốn năm trời và từ ấy chúng tôi trưởng thành để đến hôm nay khi viết lại những dòng này tôi đã là ông già bảy mươi tuổi... Còn các thầy, cô kính yêu ngày ấy phần lớn đã đi về với cõi thiên thu! Và các bạn lớp tôi 20A khoa Văn, 54 con người giờ đây đã tung cánh muôn phương giảng dạy khắp trong nước, phần lớn đã nghỉ hưu và có 5 bạn đã vĩnh viễn không về hôm nay được nữa!

Sắp tới ngày 21 tháng 9 năm 2019, Trường Đại học Sư phạm Vinh, nay là Trường Đại học Vinh tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (1959 - 2019). Hòa chung vào xu hướng đổi mới khoa Văn thân yêu năm xưa của chúng tôi nay đã nhập cùng khoa Lịch sử, khoa Địa lý, khoa Giáo dục chính trị để lập nên Viện Sư phạm Xã hội. Cậu bé 5 tuổi con trai tôi mới ngày nào theo cha vào trường chơi, được các chú các cô thương yêu nhường cho từng miếng thịt bát cơm giờ đã là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Viện trưởng. Nhiều thế hệ anh em, cha con như gia đình chúng tôi ở các tỉnh Bắc Miền Trung đã lớn lên từ mái trường này. Có nhiều người đã trở thành những cán bộ lãnh đạo ở trong nước và trong tỉnh... mà tôi không thể kể hết.

Tôi may mắn được sống và giảng dạy ở Thành phố Vinh, nên nhiều lần về thăm trường cũ, nơi cái nôi đào tạo ra hàng vạn giáo viên, và sau này là hàng vạn cử nhân, kỹ sư... cho đất nước. Thi thoảng anh em trong lớp, trong khoa, trong trường ngày ấy gặp nhau, nhìn vào ánh mắt nhau chúng tôi như cùng muốn nói: "Tự hào là sinh viên trường Vinh". Từ mái trường này, là bệ đỡ cho chúng tôi bay xa!

Kính chúc Trường đại học Vinh - Trường Đại học trọng điểm quốc gia vững bước tiến lên cùng đất nước!

Chúng con mãi mãi ghi nhớ công ơn Người... Trường Vinh ơi!

Trần Vũ Bảo

Cựu sinh viên Lớp 20A Khoa Văn

----------

Bộ phận truyền thông mong rằng sẽ tiếp tục được đón nhận nhiều sáng tác về Trường của các thế hệ cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, học viên chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Trường.

Các tác phẩm thơ, nhạc, văn xuôi... vui lòng gửi qua email: hoanghanam@vinhuni.edu.vn hoặc hoanghanamdhv@gmail.com.