Bộ phận Truyền thông trân trọng giới thiệu bài viết và mong rằng sẽ tiếp tục được đón nhận nhiều sáng tác về Trường của các thế hệ cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, học viên.
NHỚ VỀ MỘT THẾ HỆ VÀNG - NHỮNG NGƯỜI THẦY CỦA TÔI!
Có một thế hệ vàng - những người thầy của tôi từng công tác tại Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh (nay là Trường Đại học Vinh) đã ra đi, mãi mãi không về. Mùa Vu lan năm nay/ 2019, xin được viết ít dòng thay nén nhang tưởng nhớ, tri ân những người thầy kính yêu mà tôi may mắn từng được trực tiếp thụ giáo và gần gũi, gắn bó với những kỷ niệm không thể nào quên: Nguyễn Trung Hiếu (1925 - 1995), Lê Hoài Nam (1930 - 2019), Nguyễn Đăng Mạnh (1930 - 2018), Hoàng Ngọc Hiến (1930 - 2011), Hoàng Tiến Tựu (1933 - 1998), Lê Bá Hán (1933 - 2006),... Trong cảm nhận của tôi, đấy là những trí thức/ kẻ sĩ, những nhân cách đáng nể trọng, có đóng góp xuất sắc không chỉ cho Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh, mà còn cho lịch sử văn hóa và giáo dục nước nhà. Trường Vinh cũng như Khoa Văn đã vào tuổi 60, đang tiếp tục hành trình đi về tương lai. Những người Thầy tiên phong, xây nền, đắp móng, khai mở hành trình ấy, Hồn ở đâu bây giờ?
Các thầy giáo của tôi (tác giả Biện Minh Điền)
Trung tuần tháng 8/1975, tôi đến Trường Đại học Sư phạm Vinh, nhập học. Đến nơi, trời đã tối hẳn. Con nhà quê ra ra phố lần đầu, chẳng có ai thân quen, nhìn ai cũng thấy... đầy bí hiểm. Nhìn về phía rìa nằm trong khu vực của Trường, thấy có ánh đèn, tôi "liều mạng" lần vào. Một căn nhà cấp 4 nhỏ nhoi, lọt thỏm giữa những mía và cỏ lau. Chào bác! Cháu là sinh viên mới, đến nhập học Trường Đại học Sư phạm Vinh, Khoa Văn. Trời tối quá rồi, chẳng biết đi về đâu, xin bác cho cháu nghỉ trọ lại đây một đêm, cháu ở ngoài thềm cũng được. Chủ nhà - một người phụ nữ thật hiền lành, đôn hậu: "Mời cháu cứ nghỉ lại đây". Tôi thực sự bất ngờ trước tấm lòng thơm thảo của chủ nhà với một "vị khách" nhếch nhác không mời mà đến. Cô thu xếp cho tôi được nghỉ trên một chiếc giường ở phòng ngoài của nhà. Phòng ngủ có chăn bông. Lần đầu tiên tôi được biết chăn bông, mỏng thôi, nhưng khác hẳn loại "chăn" đắp (bằng chiếu rách) ở vùng nông thôn nghèo - nghèo đến mức không thể nghèo hơn được nữa như quê tôi, nhất là nhà bố mẹ tôi. Hết đêm, tôi cứ tưởng mình dậy sớm nhất nhà. Không! Mọi người đã dậy từ lúc nào. Cô Nhung (lúc này thì tôi đã biết tên cô): "Cháu đánh răng, rửa mặt, rồi mời vào ăn sáng với gia đình cô". Lại một bất ngờ nữa! Ăn sáng bằng cơm rang mỡ. Thơm ngon lạ lùng... Được một chốc, cô cho biết: "Đây là Nhà tôi - anh Lê Hoài Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Vinh". Tôi sững người. Xấu hổ!... Thầy cười vui: "Không sao! Em cứ tự nhiên. Thầy cũng là dân Văn mà! Chút nữa Thầy phải lên trường trước". Thầy gọi tôi bằng em, xưng Thầy, lại còn tạo sự đồng cảm, kết nối ("dân Văn mà"). Ấn tượng đầu đời về một người thầy giáo đại học, hơn thế, là Hiệu trưởng[1], trong tôi thật đặc biệt. Ấm áp, gần gũi, như không hề có khoảng cách!
Khóa tôi không được học Thầy Lê Hoài Nam. Nhưng nhờ sự "liều mình" xin trọ qua đêm nhà Thầy, biết Thầy, tôi càng chú ý đọc Thầy. Cái tên đẹp Lê Hoài Nam thấm vào tôi ngay từ những ngày đầu vào đại học. Thầy viết về Truyện Nôm khuyết danh[2]; về Hồ Xuân Hương[3]; về Văn học hiện thực trào phúng: Nguyễn Khuyến[4];... Tất cả đều với một thái độ cẩn trọng của người làm khoa học nghiêm túc. Những gì Thầy viết, cách đây đã gần nửa thế kỷ, cho đến hôm nay, vẫn còn có ý nghĩa, nhất là khi Thầy bàn về việc cần chú trọng "tiếng nói khách quan của tác phẩm qua hình tượng nghệ thuật"; về "vấn đề dâm và tục trong thơ Hồ Xuân Hương", về "tác phẩm cũng như tài liệu về Hồ Xuân Hương có nhiều điều đáng nghi ngờ lắm"; về "Văn học hiện thực trào phúng: Nguyễn Khuyến";... Nhà nghiên cứu Lê Hoài Nam hoàn toàn có cơ sở và thực sự tinh tường khi khái quát Hồ Xuân Hương "rất có ý thức về giá trị của mình", "sẵn sàng chống lại những gì ràng buộc con người, những cái giả dối hoặc trái tự nhiên". Đấy là những giá trị nhân văn nổi trội mà Thầy Lê Hoài Nam từng tìm kiếm, dựng xây cả trong học thuật và trong đời sống. Tôi từng lấy làm lạ về việc một kẻ xa lạ đường đột đến nhà lạ xin nghỉ, chủ nhà lạ không những hồn nhiên chấp nhận mà còn hơn thế, thương yêu, săn sóc như con em mình. Sau gần 45 năm (1975 - 2019), ngẫm lại, bây giờ tôi mới vỡ lẽ: vì đấy là việc thật thà, không hề trái tự nhiên mà chỉ với những chủ nhà thường trực trong mình ý thức chống lại những gì giả dối hoặc trái tự nhiên cùng tấm lòng nhân ái, bao dung mới có thể nhận ra, thông cảm và cưu mang. Chủ nhà ấy, trên cõi trần này, ngoài Thầy Lê Hoài Nam - cô Nhung, còn có thể là ai?...
Vào năm học thứ nhất (1975 - 1976), một nhóm chúng tôi được gặp Thầy Hoàng Tiến Tựu[5] tại văn phòng khoa; còn tôi được học Thầy chủ yếu là ở chuyên đề Cao học (1979 - 1981). Hoàng Tiến Tựu là chuyên gia hàng đầu của chuyên ngành Văn học dân gian với nhiều công trình mà người nghiên cứu Folk literature không thể không tham khảo: Văn học học dân gian Việt Nam[6]; Mấy vấn đề về phương pháp nghiên cứu và giảng dạy văn học dân gian[7]; Bình giảng truyện dân gian[8]; Bình giảng ca dao[9]... Hình như trời sinh ra Thầy Tựu là để "làm" văn học dân gian. Hồn nhiên, tinh tế, dí dỏm, nhẹ nhàng mà sâu sắc, thấm thía. Tôi vẫn còn nghe phảng phất đâu đây giọng bình có sức cám dỗ thôi miên của Thầy, về: Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc..., về: Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím/ Em có chồng rồi giả yếm cho anh/ Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh/ Yếm em em mặc cớ chi anh anh đòi... Thầy là người giỏi truyền cảm hứng cho học trò cũng như bất cứ ai. Hễ ai có gì băn khoăn, thắc mắc, lo khó, ngại khổ, đến gặp Thầy Hoàng Tiến Tựu, cứ trình bày... Thầy chú ý theo dõi, nghe hết. Rồi, giải quyết đâu vào đấy, "ngon lành". Cái tài của Thầy là "giải quyết" mọi sự chủ yếu bằng sự chia sẻ, cảm thông, động viên. Khoan thai, rủ rỉ, thủ thỉ, mà thấm, mà ngấm, người nghe "bị" thuyết phục tự lúc nào chẳng hay. Khóa tôi có 17 người thi trượt tốt nghiệp. Buồn, chán, thậm chí có người định xuống sông Lam "trông vời con nước"... Vậy mà, chỉ sau một hồi được Thầy tâm sự, sẻ chia, ai nấy vui hẳn lên. Thì ra, thi trượt, ở lại lớp, cũng có nhiều cái hay: "có điều kiện để cũng cố chuyên môn hơn; được trải nghiệm nhiều hơn; có thêm bạn bè mới, rất có thể có thêm nhiều cái may mắn khác",... Ngày tôi lên đường nhập ngũ (vào quân đội), trong sâu xa, tôi buồn lắm (vì đang chuẩn bị đi làm NCS)... Thầy đến: "Anh cứ vui vẻ lên đường. Xong nghĩa vụ anh về giờ đấy mà. Vào Quân đội cũng có nhiều cái hay mà ở trường đại học không thể nào có được, không bao giờ có được"... Ngày tôi trở về, thầy đến chúc mừng và mời đến nhà Thầy (ngôi nhà nhỏ, cấp 4, nằm ở vị trí số 30 Đường Bạch Liêu, Phường Bến Thủy, TP. Vinh hiện nay) nhắm rượu. Thầy - trò với bao nhiêu chuyện buồn vui của khoa Văn một thuở hiện về theo chén rượu nồng... Năm 1991, đưa sinh viên đi thực tập tại Trường THPT Lam Sơn (Thanh Hóa), thật bất ngờ, tôi lại được Thầy đến thăm và mời đi đánh chén (lúc này Thầy đã chuyển về làm Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa (nay là Trường Đại học Hồng Đức). Trước khi Thầy mất mấy hôm, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô và nhà riêng của Thầy (Hà Nội), tôi đến thăm. Thầy gầy đi nhiều quá, nhưng vẫn rất tỉnh táo, bình thản. Thầy hỏi tôi ngày bảo vệ luận án và chúc bảo vệ thành công... Thầy Tựu ơi, ở thế giới bên kia, thế nào, chúng em chưa rõ; còn ở thế giới bên này, có lẽ một thời, Thầy không để ý: không dễ có một vị Giáo sư - Chủ nhiệm khoa - Hiệu trưởng thống nhất trong một thầy giáo bình dị, đời thường, tinh tế và thấu cận nhân tình đến thế!...
Nhiều thế hệ học trò Trường Đại học Sư phạm Vinh từng rất nhớ đến Thầy Lê Bá Hán - người gắn bó với Khoa Văn gần như cả cuộc đời thanh xuân và khỏe mạnh của mình, từ ngày đầu thành lập Trường (16/7/1959, lúc này mới là Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh) và Khoa (8/1959, lúc này đang là Ban Văn - Sử) cho đến lúc Thầy nghỉ hưu. Thầy là tác giả của những công trình mà ngay từ năm thứ nhất, sinh viên chúng tôi đã tìm đọc: Những bức thư văn học[10]; Từ điển thuật ngữ nghiên cứu văn học[11]; Cơ sở lý luận văn học[12]; và một số công trình về sau: Tinh hoa Thơ mới, thẩm bình và suy ngẫm[13]; Về một số vấn đề lý luận văn nghệ đang được tranh luận qua công cuộc đổi mới[14]; Con người Nghệ An trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa[15],... Hơn 40 năm gắn bó với Khoa Văn và Trường Vinh, nhất là qua nhiều chặng đường chông gai, phức tạp, lắm biến động, biết bao buồn vui, gian khổ, nhọc nhằn. Tôi biết Thầy có nhiều nỗi niềm tâm sự, có những điều không phải ai cũng thấu hiểu, cảm thông... Lớp trẻ chúng tôi biết cả, và luôn nhận được ở Thầy sự động viên sâu sắc. Khi trò chuyện với chúng tôi cũng như khi đăng đàn diễn thuyết, Thầy luôn bộc lộ một khát khao mong cho Khoa Văn luôn "hồng hào, khỏe mạnh". Dường như trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là khi lên lớp giảng dạy, Thầy Lê Bá Hán luôn đĩnh đạc, phong độ. Không biết do trời phú hay do rèn luyện, Thầy có một sắc giọng hùng hồn, nồng ấm và truyền cảm lạ lùng. Cũng như với nhiều thầy giáo khác, chúng tôi được làm học trò trực tiếp của Thầy hai lần (ở đại học và sau đại học). Khi tôi chưa bảo vệ luận án tiến sĩ, Thầy có hướng dẫn một luận văn cao học (sau này là thạc sĩ) chuyên ngành Lý luận văn học. Một học viên do Thầy hướng dẫn, anh này đòi bằng được làm luận văn trên cứ liệu văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX, đặc biệt là Trần Tế Xương. Thầy nhờ tôi hướng dẫn (dĩ nhiên, trên danh nghĩa, người hướng dẫn vẫn là Thầy Lê Bá Hán). Công việc hoàn thành tốt đẹp. Thầy mang tiền hướng dẫn đến cho tôi. Tôi kiên quyết không nhận. Thầy kiên quyết bắt tôi phải nhận. Hai cái kiên quyết đều đạt đến tột cùng đỉnh cao. Nghĩ lại, thấy thật vui, và thương Thầy nhiều!...
Những ngày Thầy đau nặng tại Hà Nội, tôi và Đinh Trí Dũng đến thăm Thầy, dẫu rất đau nhưng Thầy vẫn gắng ngồi dậy, hơn thế, rất vui nói chuyện với chúng tôi. Lại có thêm nhiều điều mới mẻ, thú vị. Sau đó mấy ngày, về Vinh, tôi nhận được điện thoại từ Hà Nội của anh Lê Cảnh Nhạc (Nhà thơ, Tổng Biên tập Báo Gia đình và Xã hội): "Anh phải có bài về Thầy ngay trong chiều nay, vì sách chuẩn bị lên khuôn". Trời đất! Làm sao kịp? Tôi được biết, ít nhất đã có hai người (Đinh Trí Dũng và Phan Huy Dũng) viết về Thầy, phần nào đã đỡ áy náy. Tôi gọi lại cho Lê Cảnh Nhạc: "Chậm nhất, một tiếng nữa, tôi gửi ra, không phải bằng văn bản mà bằng "ngôn bản" (giọng nói). Tôi đọc, anh ghi, rất ngắn thôi, và nhớ đọc lại cho Thầy nghe, giúp tôi". Khoảng 30 phút sau, tôi có ngay mấy lời rút tự đáy lòng:
Tiên thiên hạ... nhi bần chi lạc[16]
Ly rượu trong sóng sánh ánh cười
Cạn chén! Giọng Thầy vui, thật ấm
Trang thơ nhòa... Con thầm gọi... Thầy ơi...
Anh Lê Cảnh Nhạc cho tôi biết, Thầy rơm rớm nước mắt khi nghe đọc mấy dòng ngắn ngủi ấy...
Tôi may mắn được gặp Thầy Nguyễn Đăng Mạnh vào năm 1980 khi Thầy cùng Thầy Nguyễn Đình Chú vào giảng dạy chuyên đề cho lớp cao học khóa IV Trường Đại học Sư phạm Vinh (1979 - 1981). Nguyễn Đăng Mạnh là tác giả của nhiều công trình được nhiều người ưa thích, tiêu biểu như: Mấy vấn đề phương pháp tìm hiểu, phân tích thơ Hồ Chí Minh[17]; Nhà văn tư tưởng và phong cách[18]; Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn[19]; Nhà văn Việt Nam hiện đại, chân dung và phong cách[20]; Những bài giảng về tác gia văn học Việt Nam hiện đại[21];...
Nguyễn Đăng Mạnh là "một nhà phê bình có khả năng nhận ra được cái thần của mỗi nhà văn" (Hồ Dzếnh), "là một nhà phê bình có phong cách" (Tô Hoài). Các trang viết của Thầy Nguyễn Đăng Mạnh đều rất có hồn. Trong nghiên cứu, tôi cũng từng theo đuổi vấn đề phong cách, vì thế có dịp đọc sâu các công trình của Thầy. Thầy chia sẻ với tôi nhiều điều. Nhưng tôi nhớ nhất mấy điều như là lời căn dặn của Thầy: "Làm khoa học, đừng đi tắt. Có anh đi tắt, ngóng hớt, múa bút được mấy bài, cứ tưởng mình vĩ đại. Nhầm. Vãi đị thì có"; "Nguyễn Tuân nói đúng: phong cách là chỗ "xôm nhất, đáng nghiên cứu nhất"; "nhà văn phải có tư tưởng, tư tưởng nghệ thuật"; "Ngày nay, lý thuyết nhiều; không nên rẻ rúng lý thuyết nào, nhưng phải cẩn trọng trước các lý thuyết". Tôi biết Thầy Mạnh cũng như nhiều người Thầy tài hoa khác của tôi, ít nhiều, ai cũng có những cực đoan và không phải không có những giới hạn nào đó. Nhưng điều quan trọng là các Thầy đều là những tấm gương sáng trong lao động khoa học, nghiên cứu và giảng dạy; nghiêm túc, say mê và ráo riết đến cùng với những điều cao đẹp mà mình theo đuổi; nói, viết bằng tâm, não của chính mình, hết sức tránh kiểu nói dựa, "nói lấy được"...
Năm 1994, Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh lại được đón Thầy Nguyễn Đăng Mạnh vào dạy chuyên đề cho cao học. Tôi đưa Thầy đi thăm Khu Di tích lưu niệm Nguyễn Du và mộ Thi hào, sau đó thăm Đền thờ Nguyễn Công Trứ (đều ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Đến sát Đền thờ Nguyễn Công Trứ rồi nhưng do trời tối quá, không nhận ra đường. Tôi hỏi một ông chữa xe đạp lối vào Đền thờ Nguyễn Công Trứ. Ông ta trừng mắt: "Đây làm gì có Nguyễn Công Trứ; làm gì có Đền thờ Nguyễn Công Trứ"; Không có, nha"! ("nha": tiếng Nghệ, như trợ từ ngữ khí, nhấn mạnh, khẳng định quyết liệt). Tôi không hiểu nổi. Thầy Mạnh càng không hiểu nổi. Sao vô lý thế? Thôi, đành phải tự tìm. Thì ra nó sát ngay vị trí ông chữa xe đạp. Dọc đường về, hai thầy trò cứ thắc mắc mãi chuyện này, không sao lý giải được. Đúng là quái gở. Năm 2008, tại Cửa Lò, Thầy Nguyễn Đăng Mạnh kể lại chuyện "không sao hiểu nổi" này với Thầy Hoàng Ngọc Hiến và đám học trò chúng tôi. Thật bất ngờ với cách lý giải của Thầy Hoàng Ngọc Hiến: "Các ông không hiểu. Không phải ông ta (chỉ người chữa xe đạp) không biết Nguyễn Công Trứ vì Nguyễn Công Trứ ở ngay quê ông ấy, Đền thờ Nguyễn Công Trứ cũng sát ngay chỗ ông ấy chữa xe. Biết. Biết rõ. Biết hết. Nhưng ông ta không chỉ đường, vì lười trả lời. Lười trả lời là một đặc điểm của dân Nghệ"! Tài thật. Sắc sảo, tinh quái trong khái quát sự vật, sự việc, "thì treo giải nhất, chi nhường cho"... Thầy Hoàng Ngọc Hiến!
Đêm 2/8/1994, tôi đưa thầy Nguyễn Đăng Mạnh lên chơi nhà Thầy Nguyễn Trung Hiếu. Hai Thầy say sưa đàm đạo. Tôi say sưa "điếu đóm". Cũng may có khoảnh khắc này, tôi "ghi lại" được "bằng ánh sáng" (Photography) chân dung của hai Thầy. Bức ảnh trong lễ tang Thầy Nguyễn Trung Hiếu (cũng là bức ảnh thờ Thầy của gia đình Thầy hiện nay) do tôi tách từ đây...
Thầy Nguyễn Trung Hiếu và Thầy Nguyễn Đăng Mạnh
Được gần gũi nhiều, được làm học trò Thầy Nguyễn Trung Hiếu thực sự là một hồng phúc. Lên năm thứ 3 đại học, tôi mới được tiếp cận Thầy. Ấn tượng đầu tiên găm sâu vào tôi là bài giảng Khái quát Văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX của Thầy. Thầy khái quát ngắn gọn bối cảnh: "Năm 1858, bọn Pháp sang xâm lược nước ta. Chúng quăng mấy hòn đá xuống cửa bể Đà Nẵng. Thế là cóc nhái xứ này nhảy lung tung cả lên"... Cả lớp cười, khoái chí, vô cùng thích thú. Nhưng, nhìn nhau, chẳng biết ghi thế nào?... Tôi nhận ra cái tài của Thầy trong chinh phục người nghe dựa trên sự đa văn quảng kiến, sự sắc sảo trong tư duy và khả năng bao quát, nắm bắt bản chất đối tượng/ vấn đề cần chiếm lĩnh của mình. Nói đến Thầy Nguyễn Trung Hiếu là nói đến một nhân cách lớn; một nhà giáo uyên thâm, hóm, biết bắt học trò động não, tự tìm chân lý; một tài hoa nghệ sĩ; một nhà khoa học sắc sảo, cá tính. Trong nghiên cứu khoa học, Thầy luôn tìm cách đập vỡ mọi khái niệm hay cách nói chung chung, mơ hồ; quyết tìm bằng được hạt nhân, gọi cho được đặc thù của đối tượng/ vấn đề. Thầy viết không nhiều. Nhưng những gì Thầy viết, đã nửa thế kỷ, nếu còn sống, đọc lại, tôi tin Thầy vẫn mỉm cười, không hổ danh với người mang tên: Nguyễn Trung Hiếu. Thầy rất mê Nguyễn Tuân. Trong mối liên hệ này, tôi sực nhớ đến Nguyễn Tuân, nhất là khi Nguyễn Tuân tự bộc lộ chân thành: "Tôi đọc lại tôi, tôi phục tôi quá đi"... Hãy còn đây những công trình của Thầy Nguyễn Trung Hiếu, được viết rất tài hoa, đích thực là ngôn ngữ khoa học, vừa rất trí tuệ, vừa giàu tính tạo hình và biểu cảm: Cái nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu và tấm lòng ý chí Việt Nam[22]; Về tính hệ thống của văn học[23]; Để hiểu Đồ Chiểu rõ hơn về mặt nghệ thuật[24]; Truyện Kiều trong yêu cầu đổi mới của khoa nghiên cứu văn học[25]; Từ đặc thù văn học nhìn lại vị trí của phản ánh luận và thế giới quan[26]; Độc giả có mặt ngay giữa tác phẩm và nội dung tác phẩm phải nhờ độc giả tổng hợp[27];...
Học trò Biện Minh Điền và Thầy Nguyễn Trung Hiếu
Nhân cách lớn và sự sắc sảo, độc đáo, tài hoa của Thầy Nguyễn Trung Hiếu đã được nhiều thế hệ học trò của Thầy biết đến, và cũng đã có khá nhiều người viết về Thầy (tuy nhiên không phải tất cả đều chân thực, sát, đúng)... Tôi tiếc vô cùng một cuộc hẹn đặc biệt đã không thực hiện được, và không bao giờ thực hiện được nữa. Đấy là vào dịp hè 1995, Thầy Trần Quốc Vượng vào Vinh. Sau buổi nói chuyện cho cán bộ và sinh viên trường Vinh, tôi cùng thầy ngồi uống bia hơi trước "Chợ Đại học", phía đông, sát ngay Trường Đại học Vinh hiện nay, và bàn "kế hoạch" cho một cuộc gặp gỡ, cuộc gặp của hai người Thầy "quái kiệt" của tôi: Nguyễn Trung Hiếu và Trần Quốc Vượng. Thầy Vượng đề xuất với tôi: "Anh không được giới thiệu gì về tôi; tôi sẽ cải trang, đóng vai một người đi xin lá số tử vi". Không được đâu, Thầy ơi. Thầy Hiếu là người "ghét cay ghét đắng, ghét vào tận tâm" sự giả dối, không trung thực, dẫu là "sự giả dối" giả!, sự "không trung thực" giả. Thầy Vượng hoàn toàn nhất trí với tôi về sự xuất hiện đường hoàng với "hành tung" rõ ràng của Thầy. Thời gian gặp, theo lịch đã lập: đúng 5 giờ chiều, tại nhà Thầy Nguyễn Trung Hiếu (422, C2 - Quang Trung). Nhưng, tiếc quá, chiều đó, Tỉnh ủy Nghệ An "rước tay trên" Thầy Trần Quốc Vượng của tôi. Sau khi Thầy Vượng về Hà Nội chừng 2 tháng thì Thầy Nguyễn Trung Hiếu mất (15/9/1995).
Ngày Thầy Hiếu mất, tôi đã cố gắng tìm một chỗ để chôn cất Thầy, một nơi đừng quá heo hút, lạnh lẽo. Chỗ đấy chỉ có thể là nghĩa trang Hưng Dũng. Tôi lên gặp bà Phan Quỳnh Trang (Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vinh), cầm thư bà Trang xuống gặp UBND phường Hưng Dũng. Ai cũng biết Thầy Nguyễn Trung Hiếu và hết sức kính nể Thầy. Nhưng tất cả đều bất lực... Tôi tìm đến ông Nguyễn Bá (học trò cũ của Thầy) - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An lúc bấy giờ. Nhưng rồi, tất cả đều là con số 0 (không)! Không còn cách nào khác, phải đưa Thầy về nghĩa trang Hưng Lộc[28]... Nỗi đau nhòa trong nước mắt. Bên thi hài Thầy, tôi chỉ ghi được vào sổ tang mấy dòng ngắn ngủi: "Thầy ơi! Em đã cố gắng hết sức. Nhưng, thua rồi... Thầy ơi! Lúc sống, Thầy đã chẳng cần gì, không bao giờ xin xỏ ai bất cứ một điều gì. Chết, mọi thứ còn có ý nghĩa gì nữa, phải không Thầy?". Đám tang Thầy, mưa như trút nước, mưa hoài, không dứt. Đông đảo nhân dân, học trò của Thầy tiễn đưa Thầy về nơi an nghỉ cuối cùng mà không cầm nổi nước mắt. Tôi về sau cùng. Xe bị ngập nước. Chết máy thực rồi. Cánh đồng tang chìm trong mưa và nước mắt ngày ấy gieo vào tôi bao nỗi xót thương, ngậm ngùi...
Một đời người - bức tranh thầy vẽ (hình như ký họa chân dung người mẹ của Thầy) ngày trước đâu rồi? Em đang cố gắng tìm lại. Có lẽ đây là bức tranh lay thức lòng người nhất trong số những bức tranh mà Thầy đã vẽ bằng cả tài hoa và tâm huyết sâu thẳm của mình với tiêu đề như một định mệnh mà Thầy đã chọn...
PGS.TS. Biện Minh Điền
[1]. Thầy Lê Hoài Nam, PGS.NGND, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Vinh từ 1974 đến 1980.
[2]. Nhiều tác giả, Lịch sử văn học Việt Nam, tập III, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1978, tr.222 - 242.
[3]. Nhiều tác giả, Lịch sử văn học Việt Nam (Sđd), tr.92 - 125.
[4]. Nhiều tác giả, Lịch sử văn học Việt Nam, tập IVA, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1978, tr.121 - 152.
[5]. Thầy Hoàng Tiến Tựu, PGS, Chủ nhiệm Khoa Văn ĐHSP Vinh từ 1969 đến 1987.
[6]. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1990.
[7]. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1983.
[8]. Nxb Giáo dục, TP HCM, 1986.
[9]. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997.
[10]. Lê Bá Hán, Những bức thư văn học, Nxb Nghệ An, 1974.
[11]. Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), Nxb Giáo dục, tái bản nhiều lần.
[12]. Lê Bá Hán - Hà Minh Đức, Cơ sở lý luận văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1961.
[13]. Lê Bá Hán (Chủ biên), Tinh hoa Thơ mới, thẩm bình và suy ngẫm, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998.
[14]. Lê Bá Hán (Chủ nhiệm), Đề tài Khoa học cấp Tỉnh, Nghệ An, 1992.
[15]. Lê Bá Hán (Chủ nhiệm), Đề tài KH&CN trọng điểm cấp Tỉnh, Nghệ An, 1996 - 2000.
[16]. Tôi "vô phép" "chỉnh lại" câu của Phạm Trọng Yêm tạm theo ý mình (Trước/ hơn thiên hạ là cái nghèo, nhưng vui), dựa trên một kỷ niệm sâu sắc - uống rượu suông bên lề đường vào chiều 20.11. 1992 giữa Thầy và chúng tôi (Biện Minh Điền, Bùi Thúc Tam, Hoàng Trọng Canh).
[17]. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1981.
[18]. Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1983.
[19]. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1994.
[20]. Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2000.
[21]. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2005.
[22]. Sách Nguyễn Đình Chiểu, tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật, Nxb KHXH, 1973.
[23]. Trường Đại học Sư phạm Vinh xuất bản, 1983.
[24]. Tạp chí Văn học, số 4.1982, tr.7 - 13 + tr.22.
[25]. Tạp chí Văn học, số 6.1986, tr.128 - 134.
[26]. Tạp chí Văn học, số 4.1989, tr.64 - 71 + tr.93.
[27]. Báo cáo khoa học tại Hội thảo khoa học về Dạy – học ngữ văn…, Nghệ Tĩnh, 1989.
[28]. Năm 2004, mộ Thầy Nguyễn Trung Hiếu đã được gia đình cải táng, đưa về nghĩa trang xã Diễn Bình, Diễn Châu, Nghệ An (quê Thầy). Thầy đã được yên nghỉ nghìn thu giữa "vòng vây" ấm áp của Tổ tông và các vị Tiên Linh…