Tham dự Hội thảo có GS.TS.NGND. Trần Đình Sử - Nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Ủy viên Hội đồng Chức danh nhà nước ngành Văn học; PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn mới; PGS.TS. Hoàng Thị Mai - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức; đông đảo các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu giáo dục, các giảng viên đến từ nhiều trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo sư phạm trong cả nước. Về phía Trường Đại học Vinh có TS. Nguyễn Ngọc Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; TS. Trần Bá Tiến - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Trần Vũ Tài - Bí thư Đảng bộ bộ phận, Viện trưởng Viện Sư phạm Xã hội; đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên Viện Sư phạm Xã hội và ngành Ngữ Văn.
Đại biểu tham dự Hội thảo
Đông đảo đại biểu và sinh viên quan tâm nội dung Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Bá Tiến - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mô hình giáo dục phát triển năng lực trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Lãnh đạo Nhà trường đánh giá cao việc Viện Sư phạm Xã hội, ngành Ngữ văn tổ chức Hội thảo nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học, các thầy cô giáo nghiên cứu, trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông theo định hướng tiếp cận năng lực, đáp ứng yêu cầu giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn trong bối cảnh mới.
TS. Trần Bá Tiến - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu
Hội thảo có hơn 60 báo cáo của các nhà khoa học và những người quan tâm, công tác ở các đơn vị khác nhau từ nhiều vùng miền của đất nước gửi đến. Nội dung của các bài viết khá phong phú, đa dạng, bàn đến hầu hết mọi vấn đề quan trọng, mọi khía cạnh, từ vĩ mô đến vi mô, từ lý thuyết đến thực tiễn, từ đào tạo đến bồi dưỡng, từ quản lí đến giảng dạy, từ những vấn đề khái quát đến những đơn vị bài học cụ thể, từ kinh nghiệm được đúc kết đến những ý tưởng đang cần thể nghiệm... Trên cơ sở nội dung các bài viết, Ban Tổ chức chia 2 mảng lớn: Những vấn đề chung về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình mới và Những vấn đề cụ thể trong dạy học Ngữ văn phát triển năng lực học sinh.
Chủ trì Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe một số báo cáo như Chuyển hướng đào tạo năng lực trong giáo dục và một số suy nghĩ đổi mới phương pháp dạy học Văn của GS.TS.NGND. Trần Đình Sử; Dạy học Ngữ văn theo yêu cầu phát triển năng lực và khoảng trống trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống; Phát triển chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn đáp ứng chuẩn năng lực nghề nghiệp và tiếp cận chuẩn quốc tế của PGS.TS. Hoàng Thị Mai; Dạy học phát triển năng lực môn Ngữ văn - những thách thức phía trước của TS. Lê Thanh Nga...
Ngoài ra, báo cáo đề dẫn Hội thảo cho biết, muốn hình thành và phát huy được năng lực của học sinh thì trước hết, người giáo viên phải thực sự có năng lực. Đây là quan điểm được nhiều nhà nghiên cứu, nhà sư phạm tham gia Hội thảo nhấn mạnh. Các bài tham luận trình bày về nội dung này khá phong phú, xuất phát từ vị trí công tác khác nhau của người viết. Nhiều bài viết tham gia hội thảo mong muốn có tác động tích cực nhằm cải thiện một thực trạng bấy lâu gây bất an cho xã hội nói chung, ngành giáo dục nói riêng.
TS. Đặng Lưu báo cáo đề dẫn Hội thảo
Một nội dung cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà nghiên cứu là những vấn đề cụ thể trong dạy học Ngữ văn theo hướng phát triển năng lực học sinh. Giữa dạy học theo hướng tiếp cận nội dung, cung cấp tri thức với hướng tiếp cận năng lực khác nhau căn bản ở chỗ nào? Làm sao để vận dụng những hiểu biết có tính lý thuyết về dạy học phát triển năng lực vào giải quyết nội dung dạy học ở từng tiết học? Đâu là mô hình hợp lý của một bản thiết kế giáo án kiểu mới? Bằng cách nào để giải quyết mối quan hệ giữa tri thức cần kiến tạo và năng lực cần phát triển qua mỗi giờ dạy? Khả năng phát triển năng lực học sinh ở từng loại bài dạy, ở từng thể loại văn học là như thế nào? Dạng câu hỏi kiểm tra, đánh giá năng lực có diện mạo ra sao? Chỉ riêng mối quan tâm này cũng đủ thấy đây vừa là điểm mấu chốt cần được nhận thức sâu sắc, đầy đủ, cần được thảo luận để làm sáng tỏ, vừa là những nan giải, thách thức mà người giáo viên trực tiếp đứng lớp phải thường xuyên đối mặt.
GS.TS.NGND. Trần Đình Sử trình bày báo cáo tại Hội thảo
PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống trình bày báo cáo tại Hội thảo
Hội thảo khoa học Quốc gia "Đổi mới hoạt động đào tạo và bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn đáp ứng mô hình giáo dục phát triển năng lực" là hoạt động có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Vinh, kỷ niệm 60 năm Khoa Ngữ Văn - Ngành Ngữ Văn (1959 - 2019), Ban Tổ chức hy vọng kết quả của Hội thảo sẽ góp phần cùng với giáo dục cả nước đào tạo và bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn phục vụ đắc lực cho Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Toàn cảnh Hội thảo
Bài và ảnh: HN