Bộ phận Truyền thông cũng mong rằng sẽ tiếp tục được đón nhận nhiều sáng tác về Trường của các thế hệ cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, học viên.

 

BẠN CŨ

 

Sau nhiều năm "mất liên lạc", bất ngờ tại Thành Vinh tôi gặp lại đồng nghiệp, một bạn thơ cũ, anh Lê Quang Hưng. Anh từ Hà Nội vào Trường Đại học Vinh, tham gia hội đồng chấm luận văn thạc sĩ, kết hợp về quê xứ Nghệ thăm thú người thân...

Xa lâu, nhiều chuyện để hỏi, để kể về một thuở Trường Đại học sư phạm Vinh (mãi sau này chuyển đổi thành Trường Đại học Vinh) từ những năm non sông được Thống nhất, cho đến thời đất nước ta rục rịch "đổi mới". Anh còn nhớ nhóm thơ trường ta với các gương mặt thân thuộc như Trần Lê Xuân, Nguyễn Trọng Tuất, Từ Ngọc Lang, Nguyễn Thế Việt, Mạnh Lê, Nguyễn Công Bình, Vũ Xuân Hương,... không? Còn nhớ, cái lần gia đình anh chuyển nhà từ trường về ở khu A, nhà A2, chung cư Quang Trung, Vinh, mình được thầy phân công kéo xe chở bao nhiêu sách báo cùng về, mồ hôi nhễ nhãi mà vui, thêm một chút "tự hào"? Còn nhớ những đêm trăng sao tuyệt đẹp của tuổi thanh xuân hăm hở mà khờ khạo, anh em rủ nhau đi "tán" cô Thu, cô Nguyệt; thất bại, và bây giờ chúng ta đã thành ông thành bà cả rồi? Còn nhớ mấy lần hai nhà thơ Xuân Diệu và Huy Cận đến trường nói chuyện, người nghe, kẻ xem mặt hai nhà thơ nổi tiếng đông hơn cả trẩy hội, có đêm "quá tải" người cứ dào lên như sóng biển, khiến nhà thơ Xuân Diệu buộc đề nghị giải tán? Còn nhớ, một thời các giáo sư Hà Nội hay vào Trường Vinh thỉnh giảng, có một chiều, mình đạp xe chở thầy Nguyễn Đình Chú đi cùng với thầy Nguyễn Đăng Mạnh đến thăm nhà thầy Hán, rồi ăn cơm tối cùng gia đình thầy? Còn nhớ một chiều họp khoa, trước đông đảo cán bộ, Phó Giáo sư Lê Bá Hán, Tổ trưởng Tổ Lý luận chỉ xin tất cả chú ý nghe cho thầy danh mục các công trình đã xuất bản, và sau đó thầy đã khóc... Còn nhớ, hồi cả xã hội quá khó khăn, thầy cô và sinh viên còn khó khăn bội phần, mình tranh thủ ngày nghỉ nhận sách từ Phát hành sách thành phố về bày bán bên lề đường ngã tư đại học, bị mấy chú công an quát tháo, đòi phạt, ít mồm ít miệng như mình cũng phải to tiếng, đôi co với họ; còn anh thì nghe nói đạp xe chở quần đùi gia công vào tận Can Lộc - Hà Tĩnh nhập "hàng", chẳng may bị bắt, phải gọi về khoa cho người vào tận nơi can thiệp? Mà thôi, tháng 9 tới, mừng Trường Đại học Vinh và Khoa Ngữ văn tuổi 60, chúng ta lại có dịp hàn huyên thêm.

Là con trai thầy Lê Bá Hán (đã mất), anh hơn tôi hai tuổi, học khóa 14 Khoa Ngữ văn. Tôi khóa 16. Thân, quý nhau được lâu lâu có lẽ là nhờ Nàng Thơ, vả lại tính nết hai chúng tôi cũng lành nữa. Công tác mười ba năm ở bộ môn Văn học dân gian cùng nhóm với thầy Tựu, thầy Đức, thầy Đạo, tôi xin chuyển khỏi khoa, trường sang làm việc tại một số cơ quan báo chí, văn chương loanh quanh Hà Tĩnh, Nghệ An; anh thì vẫn tiếp tục "cày bừa, gặt hái" trên cánh đồng mang tên Văn học Việt Nam hiện đại tại Trường Vinh, sau đó chuyển hẳn ra Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội 1. Sách mới nhất của anh lấy tên "Những quan niệm, những thế giới Nghệ thuật văn chương" là cuốn thứ 8 ra mắt bạn đọc kể từ năm 1997 anh cho in cuốn sách đầu lòng.

À, lại nhớ cái năm 97, tôi ra Hà Nội nhận tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam. Biết tin, anh đến tận trụ sở Hội Liên hiệp cùng dự cuộc vui do nhà thơ Nguyễn Đình Thi chủ trì. Trưa ấy, chúng tôi ghé tòa soạn Báo Văn Nghệ chào hai anh Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thành Phong đang bận túi bụi làm tờ Văn Nghệ Trẻ. Xong, cả hai ra phố tìm quán ăn trưa, anh bảo cất tiền thưởng đi, ta ăn cơm bụi thôi. Trở về nhà, anh cặm cụi viết bài phê bình, giới thiệu tập thơ "Hai đầu bão" vừa nhận tặng thưởng, rồi gửi và in Báo Văn Nghệ. Không ồn ào, chi chút, tận tình, và thấu hiểu, đấy là những gì tôi quý ở anh!

Nhà thơ Nguyễn Văn Hùng (bên phải) và Nhà giáo Lê Quang Hưng (bên trái) "hội ngộ" tại Thành phố Vinh

Giờ gặp lại, tóc đã bạc rồi (tóc anh bạc dày hơn tôi). Thôi kệ! Tặng sách cho nhau xong, đến giờ điện thoại réo gọi thầy liên tục, đành chia tay... Các bạn có dịp thử nhìn bức ảnh chụp chiều hôm gặp, ở tuổi 62, 63 mà còn cười được tự nhiên như anh em bọn tôi, kể cũng chưa đến nỗi quá tệ?! Ai đó nói "bạn càng cũ càng tốt", tôi nghiệm ra không hẳn thế. Có điều, với chúng tôi, dù có ới gọi nhau nhiều hay do tuổi tác, việc nhà, lắm khi cả do lười nhác nữa mà ít liên lạc giữa Vinh - Hà Nội, Hà Nội - Vinh thì đã có sao đâu, chúng tôi đã là bạn cũ. Mãi mãi là bạn cũ Trường Vinh?!

Nguyễn Văn Hùng