Sinh viên tình nguyện cắm chốt

Trên các địa bàn thuộc tỉnh Nghệ An, tại các chốt phong dịch ngoài các lực lượng chức năng (LLCN) còn có các sinh viên tình nguyện sẵn sàng ở tuyến đầu phòng chống dịch.

Tại điểm chốt cầu Bồ, đoạn xóm Đức Thịnh, xã Hưng Lộc (TP. Vinh), giữa những ngày hè nắng chói chang, 2 cô gái tình nguyện Nguyễn Thị Hương Trà (sinh viên ngành Du lịch) và Nguyễn Thị Phương Hòa (sinh viên ngành Sư phạm Toán) thay nhau làm những nhiệm vụ đo thân nhiệt, hướng dẫn khai báo y tế và cả những công việc hậu cần, nước nôi. Là những bí thư chi đoàn trên địa bàn xã Hưng Lộc nên hai cô sinh viên nhỏ nhắn luôn xung phong tình nguyện trên tuyến đầu chống dịch ở quê nhà.

Hai cô sinh viên nhỏ nhắn Hương Trà và Phương Hòa cùng LLCN tại điểm chốt 

Dù biết công việc sẽ rất nguy hiểm, nhiều lúc trở về nhà còn phải tự cách ly với gia đình nhưng hai cô gái vẫn vững niềm tin, ý chí sắt đá trên hành trình chống dịch bệnh. Phương Hòa chia sẻ: “Dịch bệnh nguy hiểm nên khi đi giữ chốt gia đình và bản thân cũng có sự lo lắng, nhưng vì đây là nhiệm vụ của tuyến đầu chống dịch nên chúng em gác lại sự lo lắng đó để chuẩn bị tinh thần vững vàng đứng chốt, luôn chuẩn bị tinh thần cho trường hợp xấu nhất”.

Hương Trà cũng chia sẻ thêm: “Bản thân mình cũng là Bí thư chi đoàn và là 1 cán bộ Đoàn ở lớp nên những công việc dù khó khăn đến mấy chúng em cũng sẽ sẵn sàng đảm nhiệm”.

Tại điểm chốt Khối 3 và điểm chốt tại cầu Bến Thủy, phường Bến Thủy (TP. Vinh), ngay những ngày đầu tiên có trường hợp F0 trên địa bàn, Nguyễn Duy Vinh (sinh viên lớp 61A5 Khoa Sư phạm Ngoại ngữ) đã tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch tại đây. Là một Đảng viên trẻ, nhận thấy rõ được tinh thần và trách nhiệm của mình, Vinh đã xung phong tình nguyện cắm chốt và hỗ trợ test Covid cùng các LLCN. Mỗi ngày đều đặn 6 tiếng và trải dài trong hơn 2 tuần tại điểm chốt. Dù làm nhiều công việc khác nhau nhưng ở Vinh vẫn nhận thấy rõ nét mặt tươi tắn cùng nụ cười luôn nở trên môi. Vinh nói: “Công việc hằng ngày tại điểm chốt tuy khá phức tạp vì gặp nhiều người trong bối cảnh dịch bệnh nhưng em vẫn cảm thấy rất vui vì được chung tay giúp đỡ cộng đồng, ngoài ra khi tham gia trực chốt em còn cảm nhận rõ được tình cảm của người dân dành cho những chiến sĩ chống dịch. Từ chai nước đến thức ăn, hay những lời động viên đó không khác gì những liều thuốc tinh thần cho em cùng những người khác”.

Vinh hỗ trợ LLCN tại điểm chốt cầu Bến Thủy 

Hỗ trợ thí sinh ôn thi tốt nghiệp THPT

Hè đến cũng đồng nghĩa với một kỳ thi tốt nghiệp THPT bắt đầu, không khí ôn thi nhộn nhịp lại ngập tràn đối với các học sinh cuối cấp. Tại huyện miền núi Kỳ Sơn, thực hiện mô hình “Mỗi giáo viên, sinh viên trẻ hỗ trợ 1 em thí sinh ôn thi”, với tinh thần xung kích vì cuộc sống cộng đồng cũng như mong muốn các thí sinh có kết quả tốt nhất trong kì thi sắp tới, Moong Văn Bún - sinh viên lớp 58B Chính trị học đã cùng nhiều giáo viên, sinh viên khác hỗ trợ, kèm cặp nhiệt tình cho các em.


Moong Văn Bún đang giúp thí sinh ôn luyện môn thi Tiếng Anh 

Là một sinh viên học học lực xuất sắc và là một Đảng viên trẻ có nhiều thành tích nổi bật, nên khi phong trào được phát động, Bún đã là người xung phong đầu tiên để góp sức mình cho các thí sinh huyện nhà. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, khi gặp gỡ và tiếp xúc với em học sinh, Bún cảm thấy khá thoải mái vì bản thân luôn đặt mình vào tình thế của các em thí sinh, rằng mình cũng từng trải qua kỳ thi gian khổ ấy cho nên Bún rất tận tình trong các giờ giúp đỡ thí sinh. Với thế mạnh về vốn ngoại ngữ, Moong Văn Bún luôn tìm cách có thể truyền đạt hết khả năng, kiến thức cho học sinh mà mình giảng dạy. Nhiều khi “hai thầy trò” phải học đến khuya, tuy nhiên cả 2 người đều cảm thấy rất vui vì những kiến thức Bún dạy đều rất bổ ích. Anh mỉm cười: “Tuy chỉ có 1 tuần ngắn ngủi được đồng hành cùng các em, nhưng tôi thấy được sự quyết tâm rất cao để chinh phục ngành, nghề, ngôi trường mơ ước của các em. Điều đó làm tôi nhớ lại bản thân tôi 5 năm trước cũng từng như thế. "Cảm ơn Huyện đoàn Kỳ Sơn đã giúp tôi có được 1 kỷ niệm ý nghĩa trong kỳ hè, tôi mong muốn sẽ có nhiều chương trình như thế nữa để được đóng góp 1 ít sức trẻ cho cộng đồng, đặc biệt là trong tình hình dịch Covid - 19 đang diễn biến phức tạp” - Bún tâm sự.

Đến tận nhà cõng thí sinh đi thi

Sáng 7/7/2021, tại điểm thi Trường THPT Lang Chánh, huyện miền núi Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa có một thí sinh đặc biệt được các tình nguyện viên đưa đón và cõng vào phòng thi khiến nhiều người rất xúc động. Đó là thí sinh Phạm Mai Hương (lớp 12A1, Trường THPT Lang Chánh). Hương bị tai nạn đứt gân chân cách đây 20 ngày nên không thể tự di chuyển được. Sau khi nắm bắt thông tin, ban tổ chức "Tiếp sức mùa thi" huyện Lang Chánh đã cử hai tình nguyện viên đến nhà đưa đón và cõng thí sinh Phạm Mai Hương đến điểm thi. Một trong hai tình nguyện viên đó có bạn Lê Thanh Tùng (sinh viên lớp 59B Quản lý Nhà nước).

Lê Thanh Tùng cõng thí sinh lên phòng dự thi

Tùng là một cán bộ Đoàn - Hội tích cực của Viện KHXH&NV (Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Viện), trong các hoạt động Đoàn - Hội Tùng tham gia rất tích cực. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Tùng tham gia vào đội tình nguyện viên “Tiếp sức mùa thi” cho các em học sinh tại quê nhà. Khi nhận được thông tin có một thí sinh bị đứt gân chân không thể di chuyển được, Tùng cùng một bạn tình nguyện viên khác đã có mặt tại nhà thí sinh để đưa đón và cõng thí sinh vào phòng thi. Tùng cho biết: “Bản thân tôi thấy đây là một việc ý nghĩa và thiết thực, thực ra đây là một điều mà bản thân cũng không mong muốn xảy ra vì đều mong mọi người sẽ luôn khoẻ mạnh, sau việc làm này tôi cũng cảm thấy rất vui vì đã làm được những điều có ích, và tôi tin chắc rằng nếu bạn Tình nguyện viên nào ở đây khi thấy trường hợp đó cũng sẽ làm như mình vậy”.

Hình ảnh “những chiến sĩ áo xanh” của Đại học Vinh đã và đang được lan tỏa rộng rãi đến nhiều nơi, nhiều hoàn cảnh khác nhau. Từ đó không chỉ mang tính truyền tải thông điệp, mà còn khơi gợi, thúc đẩy tuổi trẻ phát huy sự sáng tạo trong suy nghĩ và hành động bằng việc làm cụ thể. Đối với những thanh niên khoác trên mình màu áo xanh tình nguyện, mỗi chặng đường một lần trải nghiệm đáng nhớ. Và mỗi việc làm đều mang một ý nghĩa khác nhau, nhưng trên tất cả đó là sự nhiệt huyết của tuổi trẻ được cống hiến hết mình, góp sức cùng dựng xây quê hương giàu đẹp. Xứng đáng với 8 chữ vàng của tuổi trẻ Đại học Vinh “Đoàn kết - Sáng - Xung kích - Hội nhập”.

Tin bài: VP Đoàn Trường