Lá đơn tình nguyện của những chiến sĩ tóc dài

“Với sức trẻ của mình, mình cũng muốn chung sức chống dịch”, đó là những lời chia sẻ của cô gái Nguyễn Thị Thu Hiền - sinh viên lớp 60A2 QTKD khi thấy các lực lượng chức năng ngày ngày thực hiện công tác chống dịch.

Những ngày vừa qua, trên địa bàn Huyện Nghi Lộc xuất hiện ngày càng nhiều ca nhiễm với hàng trăm F1 và hàng ngàn F2 đang cách li tại nhà. Nhận thấy mình cần đóng góp sức mình để hỗ trợ cho quê hương, Hiền không ngần ngại viết đơn tình nguyện tham gia chống dịch tại xã Khánh Hợp.

Hằng ngày với nhiệm vụ hỗ trợ khai báo y tế, hỗ trợ đội ngũ lực lượng chức năng tại 2 điểm chốt Km1 Quốc lộ 46 đoạn qua xóm Hợp Bình và Km6+878 Tỉnh lộ 536 qua cầu Khe Giám, xã Khánh Hợp, Hiền chia sẻ: “Tuy ban đầu công việc chưa quen, cộng thêm tâm lí lo lắng khi tiếp xúc với nhiều người, nhưng nghĩ đến cảnh những nhân viên y tế đang vất vả, gồng mình chống dịch. Nhiều người còn ngã quỵ vì mệt mỏi, mình thương lắm thế nên mình lại cố gắng hơn trong từng buổi trực”. Là người con gái trong gia đình khi hỏi về những khó khăn gặp phải, Hiền vui vẻ trả lời: “Cả nhà ai cũng đi chống dịch cả nên bố mẹ cũng luôn ủng hộ, đôi khi còn lý đó là niềm vui để bản thân có thể yên tâm cống hiến sức trẻ của mình"

Nguyễn Thị Thu Hiền làm nhiệm vụ tại điểm chốt

Còn tại mảnh đất Đô Lương, thời gian gần đây đã ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm Covid-19 tại hơn 20 địa phương trên toàn huyện. Là người con của quê hương Nam Sơn, Lê Thị Vân Anh - sinh viên lớp 60A2 GDMN đã tình nguyện viết đơn tham gia chống dịch.

Trong đơn Vân Anh viết đã bộc lộ rõ khí chất của cô gái: “Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, người người, nhà nhà chung sức chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Bản thân tôi nhân thấy mình cần có trách nhiệm chung tay cùng địa phương, Đảng, Nhà nước trong công tác chống dịch…”

Là chị cả trong gia đình, thế nhưng với bầu nhiệt huyết tuổi trẻ cùng quyết tâm cao, Vân Anh sẵn sàng tham gia vào mặt trận chống dịch bất chấp những khó khăn có thể xảy ra. “Công việc hằng ngày là quan sát, đo thân nhiệt và phụ trách việc khai báo y tế của người dân qua chốt, sau mỗi buổi trực lại còn cũng các anh chị tham gia dọn vệ sinh. Ban đầu công việc khá đơn giản thế nhưng nó lại giúp rèn thêm tính tỉ mỉ và cẩn trọng cho bản thân” Vân Anh chia sẻ.

Lê Thị Vân Anh làm nhiệm vụ cùng lá đơn tham gia tình nguyện

Màu áo xanh nơi tuyến đầu chống dịch

Từ khi các địa phương trên điạ bàn tỉnh Nghệ An ban hành chỉ thi 15 và 16, các hoạt động tuyên truyền càng được đặc biệt nhấn mạnh. Tại huyện Nghi Lộc, nhận thức được tầm quan trọng của việc tuyên truyền, Phạm Thị Hòa - sinh viên năm 3 ngành Việt Nam học đã xung phong vào lực lượng chống dịch cùng các ĐVTN ưu tú khác trong xã. Hòa chia sẻ: “Tuy không đóng góp được quá nhiều, nhưng hi vọng với những gì mình đã và đang làm sẽ một phần nào đó nâng cao ý thức người dân, để chúng ta được sống trong môi trường an toàn, không còn lo sợ”.

Cũng gần 2 tuần qua, “Tiếng loa thanh niên” tại Thị trấn Con Cuông ngày ngày vang lên, đó cũng chính là tiếng đọc ngân vang của cô gái Lê Phan Cẩm Ly - sinh viên lớp 61B1 TCNH. Tiếng loa xuất hiện tại các ngõ ngách, vừa tuyên truyền vừa vận động người dân về cách ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh Covid như: Rửa tay bằng xà phòng, hạn chế di chuyển khỏi nơi cư trú, không ra đường khi thật sự cần thiết và tuyên truyền về nguyên tắc 5K. Ly kể: “Có nhiều hôm phải đi dưới trời nằng gắt của hè tháng 8, tuy mệt mỏi và đuối lắm nhưng lại nghĩ về cảnh những chiến sĩ ngày đêm căng mình chống dịch, thế nên chúng em lại càng ý chí thêm. Công tác tuyên truyền tốt thì ý thức của người dân sẽ ngày càng được nâng cao”

Phạm Thi Hòa cùng Lê Phan Cẩm Ly làn nhiệm vụ tuyên truyền lưu động

Đồng hành cùng bà con mùa dịch cũng như các chiến sĩ ở các điểm chốt, không thể không nhắc đến những bữa cơm nghĩa tình của những ĐVTN. Tại xã Nghi Quang, huyện Quỳ Hợp ĐVTN trẻ Vi Thị Hằng cùng nhiều tình nguyện viên khác ngày ngày lại chuẩn bị những suất ăn cho các chiến sĩ cũng như người dân  ở các khu cách ly. Đó cũng là những công việc mà Phan Thị Hương đảm nhiệm tại khu vực xóm Thường Xuân, xã Nam Cát, huyện Nam Đàn. Tuy công việc chính chỉ là chuẩn bị những khẩu phần ăn, thế nhưng 2 cô gái đều cảm thấy vui và đầy tự hào, cả hai cùng có chung suy nghĩ rằng: “Những người chiến sĩ hi sinh sức mình để ngoài mặt trận chống dịch thì mình cũng phải làm điều gì đó để các chiến sĩ có thêm sức khỏe hoàn thành tốt nhiệm vụ hơn.  Mỗi suất cơm chính là những gì chúng em muốn gửi gắm cho các cán bộ ngày đêm căng mình tại các điểm chốt”.

Vi Thị Hằng cùng Phan Thị Hương đan chuẩn bị những suất cơm cho cán bộ chiến sĩ cùng nhân dân vùng phong tỏa

Bên cạnh đó, nhu yếu phẩm trong những ngày giãn cách đang là vấn đề cấp bách cần giải quyết cho bà con trong các khu vực cách ly. Từ đó nhiều đội hình shipper tình nguyện được hình thành tại các địa bàn trên tàn tỉnh. Tại xã Quỳnh Vinh, Thị xã Hoàng Mai bất kể nắng mưa, khi bà con trong vùng phong tỏa có nhu cầu với các mặt hàng thiết yếu, Nguyễn Thị Linh Chi - 61A4 GDMN cùng các shipper khác luôn sẵn sàng đưa đến giao cho bà con nơi đây. Linh Chi nói: “Tuy mệt mỏi nhưng đã làm thì thích lắm, bà con ai cũng đón nhận một cách vui vẻ. Dịch mà nên ai cũng thiếu thốn cả, thấy những món đồ cần thiết được giao người dân lại càng an tâm phòng chống dịch”. Cũng tại xóm 16, xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên, dich bệnh ngày càng phức tạp, khi đăng ký vào đội hình shipper tình nguyện, Phan Hữu Thắng - sinh viên lớp 59K3 CNTT cảm thấy khá lo lắng, tuy nhiên khi làm nhiệm vụ được một thời gian, Thắng lại cảm thấy rất vui, Thắng chia sẻ: “Làm việc có ích, không phải Thắng mà những ĐVTN ở đây ai cũng thấy thoải mái hẳn. Được làm việc và tiếp xúc với nhiều bạn mới, làm nhiệm vụ đi Ship đôi khi còn được bà con gửi gắm ít hoa quả bồi bổ, thấy được sự quan tâm của người dân như thế nên ngày càng có nhiều động lực để cống hiến sức trẻ của mình hơn”

Đội hình shipper trong đó có sự tham gia của hai đồng chí Nguyễn Thị Linh Chi và Phan Hữu Thắng

Với tinh thần tình nguyện, sức trẻ cùng với nhiệt huyết “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, những chiến sỹ tình nguyện đặc biệt đã không chỉ khẳng định vai trò của Tuổi trẻ Nhà trường trong công tác đẩy lùi dịch bệnh mà còn khẳng định vai trò, trách nhiệm của lớp thế hệ trẻ trong công tác phát triển xã hội ở từng địa phương. Những ngày vất vả nhưng đầy ý nghĩa này sẽ là kỷ niệm đẹp của thời thanh niên sôi nổi, góp phần phát huy và tô điểm 8 chữ vàng truyền thống của sinh viên Trường Đai học Vinh “Bản lĩnh - Trí tuệ - Văn minh - Tình nguyện”.

Tin, bài: VP Đoàn Trường