Học phần Thanh toán trong ngân hàng thương mại triển khai học kỳ II năm học 2017 - 2018 được bộ môn Tài chính - Ngân hàng xây dựng với hai phần gồm lý thuyết tại lớp học và thực hành trên mô hình ngân hàng thực hành với phần mềm hệ thống Core-Banking. Trong đó, Phần lý thuyết tại lớp học giúp sinh viên rèn luyện những kỹ năng cần thiết, tạo lập thái độ đối với học phần như đạo đức nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tuân thủ, tác phong làm việc, cung cấp sinh viên những kiến thức cần thiết về Hợp đồng ngoại thương;các chứng từ thương mại, các phương tiện trong thanh toán như hối phiếu, kỳ phiếu, séc và thẻ thanh toán; điều kiện và các phương thức trong thanh toán quốc tế như Remittance, Open Account, Collection of payment, Letter of credit. Sinh viên được chia sẻ kiến thức, rèn luyện kỹ năng, thái độ bởi các giảng viên giỏi, giàu kinh nghiệm của bộ môn Tài chính ngân hàng, được trao đổi với các chuyên gia đang làm việc tại các ngân hàng có uy tín trên địa bàn tỉnh và cả nước. Phần thực hành môn học này giúp sinh viên phát triển kỹ năng nghề nghiệp, thực hành các nghiệp vụ chuyên sâu trên phần mềm hệ thống Core-Banking. Với các tình huống, bài tập thực hành được thực hiện trên hồ sơ thực tế, sinh viên được trải nghiệm các giao dịch, nghiệp vụ thanh toán quốc tế trong ngân hàng thương mại dựa trên tác nghiệp các phân hệ của phần mềm Hệ thống Core-Banking. Phần thực hành được thiết kế theo các phân hệ nghiệp vụ sau:

(1) Thực hành nghiệp vụ chuyển tiền nước ngoài: giúp sinh viên nắm bắt được quy trình chuyển tiền quốc tế thực tế tại ngân hàng, biết cách tư vấn hồ sơ chuyển tiền, biết tác nghiệp soạn điện chuyển tiền quốc tế (MT 103), tu chỉnh/tra soát (MT 199). Phân hệ này sinh viên phải có khả năng kiểm tra hồ sơ chuyển tiền, lập lệnh chuyển tiền, hạch toán chuyển khoản, thu phí và soạn điện chuyển tiền, tu chỉnh/ tra soát khi lập bộ chứng từ có sai sót

(2) Thực hành nghiệp vụ Nhờ thu kèm chứng từ nhập khẩu: giúp sinh viên nắm bắt được quy trình nhờ thu chứng từ thực tế tại ngân hàng, biết cách tư vấn hồ sơ nhờ thu nhập khẩu, biết tác nghiệp soạn điện nhờ thu (MT 202, 410,400). Phân hệ này yêu cầu sinh viên phải có khả năng kiểm tra Thư chỉ thị nhờ thu (cover letter), khai báo giao dịch nhờ thu trên hệ thống Core-banking, ký hậu B/L, Hạch toán, thu phí và soạn điện thanh toán nước ngoài.

(3) Thực hành nghiệp vụ Tín dụng chứng từ: Mục đích của phân hệ nhằm giúp sinh viên nắm bắt được quy trình phát hành thư tín dụng thực tế tại ngân hàng, Biết cách tư vấn hồ sơ L/C, biết tác nghiệp soạn điện phát hành L/C (MT 700). Phân hệ này nhằm tăng cường khả năng kiểm tra giấy đề nghị mở L/C so với Hợp đồng, hướng dẫn Khách hàng điều chỉnh Giấy đề nghị, tác nghiệp mở L/C trên Core-banking như Soạn điện MT700, hạch toán thu phí mở L/C, hạch toán ký quỹ.

Việc xây dựng chương trình đào tạo môn học Thanh toán trong ngân hàng thương mại theo hướng tăng cường thực hành, nghiên cứu những tình huống thực tiễn nhằm giúp sinh viên ngành Tài chính  - Ngân hàng tăng cường khả năng thực tế, kỹ năng nghề nghiệp, giúp các em làm quen và thích ứng với môi trường chuyên nghiệp, phát triển kỹ năng, nắm bắt được các quy trình, công việc đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Dưới đây là một số hình ảnh sinh viên tại phòng học mô hình ngân hàng thực hành:





Bài và Ảnh: NCS. Trần Thị Lưu Tâm, BM Tài chính - Ngân hàng