Hội nghị tổ chức nhằm rèn luyện các kỹ năng thực hành sư phạm, thúc đẩy các hoạt động văn hóa, tăng cường hiểu biết giao lưu học tập kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho sinh viên sư phạm, góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, đáp ứng yêu cầu về năng lực ứng dụng CNTT trong thiết kế bài học, thực hành giảng dạy phát triển năng lực nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm Địa lý. Đồng thời tạo động lực cho sinh viên trong quá trình rèn luyện nghiệp vụ, không ngừng phát triển bản thân trong quá trình học tập.
Tham gia Hội nghị, các báo cáo viên là những giáo viên dạy học bộ môn có kinh nghiệm trong quá trình dạy học ở phổ thông, có hành trình vượt qua những khó khăn của điều kiện dạy học cũng như bản thân để làm chủ về CNTT nhằm tối ưu hóa quá trình dạy học môn Địa lý. Đại biểu khách mời là thầy giáo Lê Minh Tân - Giáo viên môn Địa lý, trường phổ thông dân tộc nội trú - THCS Con Cuông, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An và cô Phạm Thị Ngọc Mai - Giáo viên Địa lý, trường THPT Đức Thọ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh. Tham dự Hội nghị có đại diện Ban lãnh đạo Viện Sư phạm Xã hội, toàn thể giảng viên và sinh viên ngành Sư phạm Địa lý.
Thầy Lê Minh Tân đã có những chia sẻ về quá trình dạy học ở những ngôi trường trong số những vùng khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An. Đó là hành trình chinh phục học sinh dân tộc ít người ở các ngôi trường phổ thông dân tộc nội trú, những trăn trở tìm kiếm cách tổ chức hoạt động học tập sao cho thu hút học sinh, làm cho môn học trở nên sinh động, gần gũi, hấp dẫn hơn. Bằng quá trình tự học, chủ động kết nối các khóa tập huấn để không ngừng nâng cao năng lực CNTT của bản thân, thầy đã có những cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả, phù hợp với bối cảnh dạy học chưa có điều kiện tốt nhất cho việc ứng dụng CNTT. Báo cáo mà thầy thiết kế và tương tác với sinh viên cũng là minh chứng rất sinh động, thiết thực để giới thiệu các cách sử dụng các công cụ, các phần mềm ứng dụng: đó là giới thiệu hành trình qua các ngôi trường khác nhau qua Google Earth Pro, là trò chơi định danh người học và quản lý hoạt động học tập của học sinh qua gọi số ngẫu nhiên,… Bên cạnh đó, khi không có điều kiện tốt nhất cho việc sử dụng CNTT trong lớp học thì cách thức mà giáo viên hướng dẫn học sinh tìm kiếm tư liệu, thông tin học tập để hoàn thành nhiệm vụ học tập là những gợi ý thiết thực cho sinh viên thích ứng trong các điều kiện dạy học khác nhau.
Những chia sẻ từ cô giáo Phạm Thị Ngọc Mai là hành trình trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo của cộng đồng giáo viên sáng tạo Microsoft Việt Nam (MIE Việt Nam) và là cố vấn học tập toàn cầu (Global Learning Mentor). Từng là cựu sinh viên khóa 47 ngành Sư phạm Địa lý, Trường Đại học Vinh, trong hơn 10 năm gắn bó với sự nghiệp giảng dạy, bằng niềm đam mê, ham học hỏi cô đã từng bước tham gia các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, học từ đồng nghiệp, từ các tổ chức dự án và tự học để đưa CNTT vào quá trình giảng dạy của mình. Bắt đầu từ các dự án “Skyper in classroom”, các tiết học kết nối với giáo viên và học sinh trong khu vực và các quốc gia trên thế giới biến các tiết học địa lí sinh động, hấp dẫn và đa văn hóa đến việc trở thành chuyên gia của mạng lưới giáo viên sáng tạo toàn cầu. Chia sẻ của cô Ngọc Mai đối với sinh viên là các cách ứng dụng khác nhau của đa dạng các phần mềm, công cụ hỗ trợ trong việc thiết kế và tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh. Phần chia sẻ của báo cáo viên không những có tính chất hướng dẫn thao tác mà còn tạo động lực học tập, không ngừng trau dồi kĩ năng sử dụng CNTT, ngoại ngữ trong quá trình học tập cho sinh viên.
Buổi hội nghị chuyên đề cũng trao đổi với sinh viên các “Tips” ứng dụng CNTT có hiệu quả trong dạy học địa lí, những lời khuyên về xác lập mục tiêu học tập và chinh phục mục tiêu. Những câu hỏi, băn khoăn của sinh viên về kinh nghiệm xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình thực tập được báo cáo viên tư vấn từ những kinh nghiệm thực tiễn dạy học. Đồng thời, sinh viên nhận được sự hỗ trợ của các thầy cô để kết nối trong nhóm học tập của ngành.
Tổng kết buổi hội nghị, TS Nguyễn Thị Hoài đã thay mặt cho tập thể giảng viên và sinh viên ngành Sư phạm Địa lý trân trọng cảm ơn sự hợp tác, chia sẻ và truyền lửa của các thầy cô là báo cáo viên. Hội nghị thực sự tạo được ấn tượng tốt về cách thiết kế và hướng dẫn của báo cáo viên, là cơ hội học tập bổ ích cho sinh viên để rèn luyện kỹ năng dạy học đáp ứng yêu cầu của ngành nghề trong bối cảnh hiện nay.
Một số hình ảnh tại Hội nghị
Tin bài và ảnh: Việt Hà