Dù gặp nhiều khó khăn do chịu tác động của dịch COVID-19 nhưng công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên vẫn đã đạt những kết quả tích cực, nhất là hình thành các cộng đồng giáo viên học tập.
Đây là nhận định của nhiều đại biểu tại buổi "Tọa đàm về bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông" do Học viện Quản lý giáo dục tổ chức sáng nay, 23/11.
Mô hình tập huấn mới
Ba năm qua, nhằm chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua Chương trình ETEP triển khai mô hình mới bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo TS. Đặng Văn Huấn, Phó giám đốc Ban quản lý Chương trình ETEP, bên cạnh nội dung mới, điểm đáng lưu ý của chương trình là mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ; kết hợp trực tiếp với trực tuyến; biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng có hỗ trợ của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt. Từ đó xây dựng cộng đồng học tập tại nhà trường phổ thông, nâng cao vai trò của các trường sư phạm nói chung và của giảng viên sư phạm trong bồi dưỡng thường xuyên, gắn kết các trường đại học sư phạm với các cơ sở giáo dục phổ thông.
Cụ thể, đối với giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán sẽ tự học các tài liệu được tải trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS) trong khoảng 5-7 ngày, hoàn thành các bài kiểm tra, chuẩn bị các nội dung, sau đó sẽ được các giảng viên sư phạm chủ chốt bồi dưỡng trực tiếp 2-3 ngày. Giảng viên sư phạm sẽ giải đáp các thắc mắc của giáo viên, hướng dẫn giáo viên cốt cán xây dựng kế hoạch hỗ trợ giáo viên đại trà. Giáo viên cốt cán sẽ tiếp tục tự học học 7 ngày để hoàn thành các bài tập, hoàn thành kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp với sự hỗ trợ của giảng viên sư phạm.
TS. Đặng Văn Huấn thông tin tại Tọa đàm
Đối với giáo viên đại trà cũng trải qua quá trình tương tự: tự học trực tuyến trên LMS, học trực tiếp với giáo viên cốt cán và tự học trực tuyến để hoàn thành các bài kiểm tra, khảo sát… với sự hỗ trợ của giáo viên cốt cán.
TS. Nguyễn Thị Kim Dung, ban quản lý chương trình ETEP cho biết trong quá trình kiểm tra công tác triển khai hoạt động bồi dưỡng ở các địa phương cho thấy từ các khóa bồi dưỡng đã hình thành các hội, nhóm, cộng đồng giáo viên học tập gồm các giáo viên cốt cán và cán bộ sư phạm chủ chốt, giữa các giáo viên cốt cán với nhau, giữa giáo viên cốt cán với giáo viên đại trà, giáo viên đại trà - giáo viên cốt cán và giảng viên sư phạm.
"Vì thế khi một giáo viên có thắc mắc lên nhóm, các giáo viên cốt cán hay giảng viên sư phạm có thể trả lời trực tiếp và cũng là sự giải đáp cho rất nhiều giáo viên khác trong nhóm có chung câu hỏi," bà Dung chia sẻ.
PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ đã khắc phục được cách bồi dưỡng tập trung ngắn ngày trước đây. Theo ông Hiền, giáo viên là những người đã có kinh nghiệm nên thay đổi thói quen tư duy cho họ là một thách thức. Vì thế, nếu bồi dưỡng ngắn ngày sau đó dừng lại thì sự thay đổi thói quen rất hạn chế, "bồi dưỡng xong xuôi tất cả lại về."
Khắc phục các khó khăn
Phó giáo sư Nguyễn Văn Hiền cho rằng điều khó khăn của phương thức bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ là phải đưa học liệu đến tận nơi cho học viên với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, phải khắc phục được việc người học cảm thấy mất động lực học tập khi học trực tuyến không đồng bộ (học theo bài giảng đã được ghi lại từ trước.) Điều này sẽ càng khó khăn hơn với các giáo viên lớn tuổi.
Cô Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ tại buổi tọa đàm từ điểm cầu Phú Thọ
Từ thực tế ở đơn vị mình, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo (giáo viên cốt cán trường Tiểu học và THCS Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) cho hay khi mới bắt đầu học bồi dưỡng, nhiều giáo viên lớn tuổi thậm chí không thể tự đăng ký vào học. Các giáo viên này cũng tỏ ra lo lắng khi trong quá trình học, các bài kiểm tra chưa đạt yêu cầu.
Tương tự, cô Dương Thị Hồng Minh (giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Văn Minh, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) cũng cho biết nhiều giáo viên lớn tuổi gặp nhiều khó khăn trong quá trình bồi dưỡng trực tuyến, đơn giản như không biết cách phải nộp bài như thế nào.
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ trực tiếp và trực tuyến của đội ngũ giáo viên cốt cán cũng như các hội, nhóm cộng đồng giáo viên học tập trên nhiều nền tảng xã hội như Facebook, Zalo… nhiều giáo viên ít am hiểu về công nghệ đã dần làm quen với phương thức tập huấn mới.
Cô Phương Thảo cho hay cô đã tổ chức các chuyên đề chuyên môn tại trường, hướng dẫn cụ thể các thao tác cho giáo viên trong khi cô Dương Thị Hồng Minh lại thành lập các nhóm riêng để hỗ trợ giáo viên gặp khó khăn.
Theo ban quản lý Chương trình ETEP, hiện đã tổ chức bồi dưỡng được 4 modul trên tổng số 9 modul cho mỗi nhóm đối tượng (giáo viên và cán bộ quản lý) ở ba cấp học. Trong đó các modul có khoảng 600.000 giáo viên đã hoàn thành 3 modul 1, 2, 3 và gần 193.000 giáo viên đã hoàn thành modul 4. Số cán bộ quản lý giáo dục phổ thông đã hoàn thành 3 modul đầu là khoảng trên 45.000 người, hoàn thành modul 4 là trên 1.600 người./.
Theo Vietnam+