1. NHU CẦU VÀ VỊ THẾ NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC
Công tác xã hội (Social Work) được xem là một khoa học xã hội ứng dụng và đồng thời là một nghề nghiệp được hình thành từ cuối thế kỷ XIX. Đến nay Công tác xã hội đã được phát triển rộng khắp và trở thành một ngành khoa học và nghề chuyên môn phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong xã hội hiện đại, Công tác xã hội có vị trí và vai trò quan trọng. Cơ sở lý luận, nội dung và các phương pháp thực hành của Công tác xã hội không ngừng được hoàn thiện cả về phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn.
Nhân viên xã hội (Social Workers) là những người được đào tạo một cách chuyên nghiệp về công tác xã hội mà hành động của họ nhằm mục đích tối ưu hóa sự thực hiện vai trò của con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tích cực vào cải thiện, tăng cường chất lượng cuộc sống của cá nhân, nhóm và cộng đồng.
Mục tiêu của Công tác xã hội là giúp các cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng yếu thế, thiệt thòi, không đảm bảo được một hay một số chức năng xã hội có thể nhận thức, giải quyết “vấn đề” của mình và vươn lên trong cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng góp phần ổn định, thúc đẩy xã hội phát triển. Về mặt bản chất, Công tác xã hội cố gắng giúp các thân chủ của mình mạnh lên để có thể tự giúp mình. Sứ mạng của ngành Công tác xã hội là nổ lực hành động nhằm giảm thiểu những rào cản trong xã hội; sự bất công, bất bình đẳng xã hội; thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết những vấn đề nảy sinh trong các mối quan hệ của con người; tăng cường năng lực và giải phóng cho người dân thoát khỏi những bế tắc, vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhân quyền và công bằng xã hội là nguyên tắc căn bản của nghề Công tác xã hội.
Hiện nay đất nước ta đang tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, phấn đấu đưa Việt Nam sớm trở thành một nước công nghiệp; xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Thực tế ở nhiều nước trên thế giới cho thấy, xã hội càng phát triển thì nhu cầu về đội ngũ những người làm công tác xã hội chuyên nghiệp càng cao. Dân tộc Việt Nam có một truyền thống tốt đẹp từ lâu đời là tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, lòng nhân ái luôn được đặt lên hàng đầu trong đời sống xã hội, câu tục ngữ “Lá lành, đùm lá rách” đã nói lên đạo lý sống của người Việt Nam theo tinh thần “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Việt Nam cũng là nước trải qua nhiều năm chiến tranh giữ nước khốc liệt với nhiều hy sinh mất mát; chịu nhiều thiên tai, dịch bệnh và nhiều rủi ro khác trong cuộc sống. Ước tính, hiện có khoảng 28% dân số cả nước thuộc đối tượng dễ bị tổn thương, rất cần đến sự trợ giúp của Nhà nước, gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, do kết quả của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đô thị hoá diễn ra nhanh chóng dẫn đến sự thay đổi của cấu trúc gia đình truyền thống, sự di cư nông thôn ra thành thị, mật độ dân số vùng đô thị gia tăng... làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp.
Xuất phát từ yêu cầu thực tế trong nước và kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020, (gọi tắt là Đề án 32). Một trong những nhiệm vụ cấp thiết của đề án là: nhanh chóng bổ sung đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội làm việc ở các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến tỉnh, huyện và cấp xã. Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng công tác xã hội cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội. Từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần trên 20.000 cán bộ công tác xã hội có trình độ cao đẳng, đại học.
Công tác xã hội làm việc với nhiều đối tượng thân chủ khác nhau và phạm vi tác động của nó khá rộng lớn, liên quan đến mọi tầng lớp dân cư, mọi tổ chức, ngành nghề trong xã hội. Một số lĩnh vực hiện nay Công tác xã hội đặc biệt quan tâm là:
Công tác xã hội gia đình và bảo vệ trẻ em.
Phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo.
Phòng ngừa tội phạm và giải quyết các tệ nạn xã hội.
Công tác xã hội trong học đường, bệnh viện.
Công tác xã hội với người khuyết tật.
Công tác xã hội với người già neo đơn.
Công tác xã hội với người có vấn đề về sức khoẻ tâm thần, người có HIV/AIDS.
v Những người tốt nghiệp ngành Công tác xã hội có thể làm việc ở các lĩnh vực sau:
· Cung cấp các dịch vụ xã hội, tham vấn tâm lý.
· Giảng dạy và nghiên cứu Công tác xã hội.
· Tham gia thực hiện, điều phối các dự án xã hội và phát triển.
· Đánh giá tác động các dự án xã hội và phát triển.
· Nghiên cứu và phân tích chính sách xã hội.
· Làm công tác xã hội chuyên nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau như: sức khỏe, giáo dục, pháp luật, kinh tế, văn hoá - xã hội, hôn nhân và gia đình, tôn giáo tín ngưỡng, môi trường, dân số, truyền thông.
v Những nơi mà người tốt nghiệp ngành Công tác xã hội có thể làm việc:
· Các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm giáo dục xã hội ở các tỉnh.
· Các tổ chức bảo trợ xã hội từ trung ương đến địa phương.
· Các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể quần chúng.
· Các cơ quan thuộc ngành Y tế, ngành Lao động Thương binh và Xã hội.
· Các cơ sở nghiên cứu và đào tạo có liên quan đến Công tác xã hội.
· Các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế.
2. NHỮNG TRI THỨC MÀ NGƯỜI HỌC NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI CÓ ĐƯỢC SAU KHI TỐT NGHIỆP
v Kiến thức nghề nghiệp
· Hiểu biết về vai trò, chức năng và cấu trúc hệ thống phúc lợi xã hội; nắm được một cách hệ thống các dịch vụ xã hội được cung cấp ở mức tác nghiệp của hệ thống phúc lợi xã hội.
· Hiểu biết về lịch sử phát triển của ngành công tác xã hội trên thế giới và ở Việt Nam với tư cách vừa là một ngành khoa học và vừa là một nghề chuyên môn trong một xã hội phát triển.
· Nhận thức được sự phát triển của con người ở các mặt thể chất, nhận thức và tâm lý xã hội qua các giai đoạn phát triển khác nhau; đồng thời lý giải được mối liên hệ mật thiết giữa hành vi con người và môi trường xã hội.
· Am hiểu và vận dụng các lý thuyết công tác xã hội căn bản cũng như các phương pháp thực hành công tác xã hội tổng quát vào quá trình hỗ trợ các hệ thống thân chủ khác nhau như cá nhân, gia đình, nhóm, tổ chức và cộng đồng.
· Nắm vững các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp cũng như các yêu cầu về tư cách đạo đức nghề nghiệp công tác xã hội; và biết cách thể hiện chúng quá trình thực hành công tác xã hội.
· Có kiến thức về phương pháp luận nghiên cứu khoa học cũng như các phương pháp nghiên cứu công tác xã hội cụ thể bao gồm cả những phương pháp nghiên cứu định lượng lẫn định tính ở mức căn bản.
· Am hiểu các vấn đề xã hội trong bối cảnh phát triển của Việt Nam và thế giới; có kiến thức về chính sách xã hội và phân tích được sự tác động của nó thông qua hệ thống các dịch vụ xã hội nhằm giúp giải quyết các vấn đề xã hội.
Kỹ năng chuyên môn và thực hành nghề nghiệp
· Có khả năng mô tả và giải thích lịch sử phát triển ngành công tác xã hội trên thế giới cũng như ở Việt Nam cùng những cấu trúc và các chủ đề hiện thời.
· Có khả năng áp dụng những kiến thức và kỹ năng thực hành công tác xã hội tổng quát đối với cá nhân, gia đình, nhóm, tổ chức và cộng đồng có nhu cầu.
· Có khả năng làm việc và hỗ trợ các đối tượng yếu thế như trẻ em trong hoàn cảnh đặc biệt, người già, người khuyết tật, … bằng phương pháp công tác xã hội.
· Có khả năng áp dụng các quy điều và nguyên tắc đạo đức của nghề công tác xã hội một cách phù hợp trong các hoạt động nghề nghiệp công tác xã hội.
· Có khả năng áp dụng các kỹ năng tư duy khoa học và tư duy phản biện trong bối cảnh thực hành và nghiên cứu công tác xã hội chuyên nghiệp.
· Có khả năng đánh giá các kết quả nghiên cứu và xem xét áp dụng chúng một cách phù hợp vào quá trình can thiệp hoặc hỗ trợ các đối tượng có nhu cầu.
· Có khả năng tham gia xây dựng và quản lý các dự án liên quan đến phát triển xã hội, bình đẳng giới, phát triển cộng đồng cũng như xóa đói giảm nghèo.
· Có khả năng tham gia thực hiện các nghiên cứu về an sinh xã hội, chính sách xã hội và thực hành công tác xã hội trong đó bao gồm cả phát triển cộng đồng.
· Có khả năng thích nghi và hòa nhập với những môi trường nghề nghiệp công tác xã hội, phát triển cộng đồng có tính đa dạng về văn hóa và chủng tộc.
· Có khả năng kết nối với các tổ chức trong mạng lưới hoạt động chuyên môn nhằm nối kết và chia sẻ tài nguyên phục vụ cho các hoạt động nghề nghiệp.
Kỹ năng mềm
· Có trình độ tin học tương đương trình độ B; sử dụng thành thạo các phần mềm tin học văn phòng như Word, Excel, PowerPoint và phần mềm xử lý số liệu thống kê SPSS; sử dụng thành thạo các công cụ truy tìm dữ liệu và giao tiếp qua mạng máy tính như Google, Email,
· Có trình độ tiếng Anh tương đương 350 điểm TOEIC trở lên; có kỹ năng sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp xã hội thông thường và trong giao tiếp nghề nghiệp ở mức căn bản.
· Có kỹ năng giao tiếp xã hội và chuyên môn trong môi trường làm việc với nhiều hình thức khác nhau như lắng nghe và trao đổi trực tiếp, soạn thảo các văn bản chuyên môn, hội họp, thuyết trình, thảo luận nhóm và thương lượng.
· Có kỹ năng tổ chức, lãnh đạo và làm việc trong nhóm chuyên môn cũng như trong nhóm đa ngành.
Thái độ nghề nghiệp
· Có phẩm chất chính trị, đạo đức và ý thức phục vụ nhân dân; có ý thức và trách nhiệm công dân; sống và làm việc theo pháp luật.
· Có ý thức, đạo đức, trách nhiệm và thái độ đúng đắn đối với nghề nghiệp; có tính trung thực, kỷ luật, cầu tiến, năng động và sáng tạo trong công việc.
· Có tinh thần dấn thân của một nhân viên công tác xã hội vì sự phát triển của con người và công bằng xã hội trong quá trình hoạt động nghề nghiệp.
3. NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH
1. Tổ chức: Bộ môn CTXH trực thuộc khoa Lịch sử, trường đại học Vinh, được Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định thành lập từ năm 2006 và bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2007 – 2008.
2. Đội ngũ giảng viên:
- Gồm 10 giảng viên có trình độ từ Thạc sĩ trở lên, có kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
- Năm 2013, Bộ môn CTXH của Khoa Sử, Đại học Vinh là một trong số 8 thành viên đại học Việt Nam được tham gia “Dự án SWEEP” (Chương trình thăng tiến giáo dục Công tác xã hội, do Đại học San Jose State Universisty thực hiện với sự tài trợ từ Cơ quan viện trợ quốc tế - USAID của chính phủ Hoa Kỳ).
3. Thành tích đào tạo:
- Hệ đại học chính quy:
Tính đến năm học 2014 – 2015, đã tuyển sinh đào tạo 8 khoá cử nhân CTXH với hơn 1.000 sinh viên. Hơn 500 sinh viên đã tốt nghiệp ra trường, đại bộ phận sinh viên ngành CTXH sau khi tốt nghiệp đều được nhận vào làm việc tại các cơ quan nhà nước, các tổ chức, đoàn thể, trường học, các hội bảo trợ xã hội từ Trung ương đến địa phương.
Mức điểm chuẩn tuyển sinh của ngành CTXH trong các năm vừa qua: từ 14,0 – 15,5 điểm.
- Hệ đào tạo theo hình thức Vừa làm, vừa học và Giáo dục từ xa:
Hiện tại ngành CTXH trường Đại học Vinh đang đào tạo cử nhân CTXH cho gần 1000 học viên theo hình thức “Vừa làm, vừa học” và hình thức “Giáo dục từ xa”, đặt tại các tỉnh Hà Nam, Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Nam, Đồng Tháp…
Khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh với truyền thống 50 năm xây dựng và Trưởng thành phấn khởi chào đón các thí sinh xét tuyển vào ngành Ngành Công tác xã hội năm 2015