Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đồng chí Phạm Trọng Hoàng - Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An; đồng chí Trần Quốc Khánh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An; GS.TS. Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo; TS. Nguyễn Ngọc Hiền - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; đại diện lãnh đạo Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Hội Cựu chiến binh và các đơn vị trong Trường Đại học Vinh; PGS.TS. Lưu Tiến Hưng - Hiệu trưởng Trường Sư phạm và đại diện các đơn vị của Trường Sư phạm; TS. Đinh Ngọc Thắng - Hiệu trưởng Trường KHXH&NV. Đông đảo các thế hệ cán bộ, viên chức, sinh viên, học viên tham dự Hội thảo trực tiếp và trực tuyến.

Đại biểu tham dự Hội thảo

Hội thảo được tổ chức ở 3 điểm cầu lớn (Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Hồng Đức và Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Quảng Bình). PGS.TS. Nguyễn Thái Sơn - Trưởng khoa Giáo dục Chính trị; PGS.TS. Trần Viết Quang - Phó Hiệu trưởng Trường KHXH&NV; TS. Trần Cao Nguyên - Giảng viên Khoa Giáo dục Chính trị chủ trì Hội thảo.

Các điểm cầu Hội thảo

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức khai mạc sáng ngày 26/01/2021, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.587 đại biểu thay mặt cho hơn 5 triệu đảng viên toàn Đảng. Chủ đề của Đại hội là: "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí và quyết tâm phát triển đất nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: "Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là hiện đại hóa giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu, rộng".  Bối cảnh quốc tế và và sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước hiện nay vừa tạo thời cơ lớn, vừa đặt ra những thách thức không nhỏ cho nền giáo dục nước nhà. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cần đổi mới một cách căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng phát triển năng lực người học, lấy người học làm trung tâm.

PGS.TS. Nguyễn Thái Sơn - Trưởng khoa Giáo dục Chính trị báo cáo đề dẫn Hội thảo

Chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục hiện nay là việc làm hết sức cần thiết, đúng đắn, đang được chú trọng. Việc giảng dạy, học tập các môn Lý luận chính trị, khoa học Mác - Lênin ở các trường đại học, cao đẳng cũng không nằm ngoài xu thế chung. Hiện nay, việc giảng dạy, học tập các môn Lý luận chính trị, khoa học Mác - Lênin có vai trò, tầm quan trọng to lớn, không chỉ đặt ra yêu cầu trang bị cho sinh viên về mặt kiến thức mà còn góp phần hình thành, bồi dưỡng thế giới quan và phương pháp luận khoa học, định hướng suy nghĩ, hành động và hoàn thiện nhân cách; giúp sinh viên có năng lực định hướng, giải quyết các vấn đề trong hoạt động thực tiễn, xác định niềm tin vững chắc vào mục tiêu lý tưởng, vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước, có lối sống tích cực, có hoài bão, ý chí vươn lên để trở thành người có ích cho xã hội.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Vinh khẳng định, trong Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay, công tác giảng dạy, nghiên cứu giáo dục chính trị, khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng. Việc vận dụng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy các môn Lý luận chính trị, khoa học Mác - Lênin tại Trường Đại học Vinh có ảnh hưởng lớn đối với sự tồn tại, phát triển của Khoa Giáo dục Chính trị. Hội thảo khoa học của khoa Giáo dục Chính trị được tổ chức có ý nghĩa thiết thực cả về mặt lý luận và thực tiễn.

GS.TS. Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh phát biểu

Hiệu trưởng Nhà trường cũng chúc mừng Khoa Giáo dục Chính trị, Trường Sư phạm, Trường Đại học Vinh nhân dịp 35 năm thành lập, đồng thời nhấn mạnh, Trường Đại học Vinh đang chuyển biến mạnh mẽ, phát triển thành Đại học Vinh, hướng tới xếp hạng tốp 500 đại học hàng đầu châu Á. Trong bước chuyển đó của Nhà trường, Khoa Giáo dục Chính trị có nhiệm vụ giảng dạy các môn lý luận chính trị; góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các thế lực thù địch, các luận điệu sai trái; giáo dục lập trường tư tưởng, chính trị cho sinh viên; đào tạo giáo viên Giáo dục chính trị cũng như bậc đại học, sau đại học các ngành Chính trị học, Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Giáo dục Chính trị. Chặng đường phía trước của Khoa có nhiều cơ hội nhưng cũng đầy khó khăn thách thức.

Giáo sư Hiệu trưởng mong muốn tập thể cán bộ, viên chức, sinh viên, học viên Khoa Giáo dục Chính trị đoàn kết, nỗ lực phấn đấu tiếp tục xây dựng Khoa Giáo dục Chính trị, xây dựng Trường Sư phạm, Trường Đại học Vinh phát triển.

GS.TS. Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng và TS. Nguyễn Ngọc Hiền - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường tặng lẵng hoa chúc mừng Khoa Giáo dục Chính trị

Hội thảo khoa học "Vận dụng quan điểm, đường lối Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học" được tổ chức nhân dịp 35 năm thành lập Khoa Giáo dục Chính trị, Trường Sư phạm, Trường Đại học Vinh có ý nghĩa sâu sắc.

Qua 35 năm xây dựng và phát triển, từ bộ môn Mác - Lênin đến Khoa Giáo dục Chính trị hôm nay là kết quả phấn đấu bền bỉ, liên tục, sáng tạo và đầy bản lĩnh của các thế hệ lãnh đạo, thầy cô giáo, cán bộ, sinh viên, học viên của Khoa. Hiện nay, Khoa Giáo dục Chính trị đào tạo 2 ngành đại học, 2 ngành thạc sĩ, 1 ngành tiến sĩ. Về chất lượng đội ngũ, hầu hết giảng viên của Khoa là tiến sĩ và thạc sĩ - nghiên cứu sinh, trong đó có 7 giảng viên đã được phong học hàm Phó Giáo sư. Về công tác nghiên cứu khoa học, trong 35 năm qua, hơn 40 giáo trình đã được xuất bản; hơn 350 bài báo được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước; hơn 30 đề tài cấp Bộ và cấp Tỉnh đã được thực hiện; sinh viên của Khoa cũng đã được Bộ GD&ĐT trao tặng 2 giải Nhì, 1 giải Ba, 6 giải Khuyến khích về nghiên cứu khoa học.

Tập thể cán bộ, viên chức Khoa Giáo dục Chính trị chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo Nhà trường nhân dịp công bố Nghị quyết thành lập Trường Sư phạm

Trong suốt 35 năm qua, hàng nghìn học viên, sinh viên của Khoa sau khi ra trường đã đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nước và nước bạn Lào trên nhiều lĩnh vực. Các thế hệ học viên, sinh viên của Khoa đã nỗ lực không ngừng, gặt hái được nhiều thành công, trở thành cán bộ lãnh đạo các cấp; cán bộ quản lý các trường đại học, cao đẳng, trường Chính trị; nhà giáo ưu tú; sĩ quan quân đội; quản lý các doanh nghiệp... Khoa Giáo dục Chính trị cũng đã đạt 3 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 4 Bằng khen của Chủ tịch UBND Tỉnh, 4 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Sự thành công của Khoa là kết quả của sự lãnh đạo, định hướng đúng đắn, sát sao của Nhà trường; sự hợp tác chặt chẽ của các địa phương và các cơ sở đào tạo trên cả nước; sự nỗ lưc bền bỉ và sáng tạo không ngừng của các thế hệ thầy và trò của Khoa.

Ban Tổ chức tặng hoa tri ân các thầy giáo, cô giáo cựu giáo chức của Khoa Giáo dục Chính trị

Tại Hội thảo, đại biểu đã được nghe về những điểm mới về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người trong các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Vận dụng quan điểm xây dựng đất nước trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; Một số đóng góp của Khoa Giáo dục Chính trị trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Quảng Bình; Mối liên kết đào tạo - ứng dụng giữa Khoa Giáo dục Chính trị và Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An.

PGS.TS. Trần Viết Quang - Phó Hiệu trưởng Trường KHXH&NV điều hành Hội thảo

Đại biểu tham dự Hội thảo trực tuyến qua phần mềm Zoom

Đặc biệt, xung quanh việc vận dụng quan điểm, đường lối Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đại biểu đã được nghe và thảo luận về định hướng tiếp cận các điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và vận dụng vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học hiện nay; Nhiệm vụ của giảng viên trong vận dụng quan điểm Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên; Kinh nghiệm sử dụng một số kỹ thuật dạy học tích cực trong môn Giáo dục Công dân tại trường trung học phổ thông...

Một số báo cáo, tham luận tại Hội thảo

Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thái Sơn - Trưởng khoa Giáo dục Chính trị khẳng định, quan điểm, đường lối Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam có ý nghĩa sâu sắc. Việc vận dụng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy các môn Lý luận chính trị, khoa học Mác - Lênin tại Trường Đại học Vinh rất quan trọng, thiết thực cả về mặt lý luận và thực tiễn. Sau Hội thảo, cán bộ, viên chức, sinh viên, học viên của Khoa sẽ tiếp tục nghiên cứu, vận dụng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đại hội XIII vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ, xây dựng và phát triển Khoa, Trường vững mạnh.

TT. ĐHV