Tham dự Hội thảo - Tập huấn có TS. Trần Bá Tiến, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; Hội đồng Tự đánh giá, Ban thư ký, Tổ chuyên trách tự đánh giá của 2 chương trình đào tạo Sư phạm Toán học và Công nghệ thông tin; Mạng lưới Đảm bảo chất lượng bên trong và Trợ lý Đảm bảo chất lượng các đơn vị đào tạo. PGS.TS. Phạm Văn Tuấn, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng, chuyên gia đánh giá chất lượng giáo dục của tổ chức AUN-QA đã trực tiếp tập huấn cho đại biểu tham dự.

Đại biểu tham dự Hội nghị - Tâp huấn

Phát biểu khai mạc, TS. Trần Bá Tiến, Phó Hiệu trưởng đã thay mặt tập thể lãnh đạo Nhà trường trân trọng cảm ơn PGS.TS. Phạm Văn Tuấn trong thời gian qua đã hỗ trợ Nhà trường thực hiện công tác tự đánh giá chương trình đào tạo và chuẩn bị cho đánh giá ngoài. Nhà trường cũng tin tưởng với kinh nghiệm và năng lực của chuyên gia sẽ truyền tải được những kiến thức và kỹ năng cho các đại biểu tham dự tập huấn cũng như giúp cho 2 chương trình đào tạo Sư phạm Toán học và Công nghệ thông tin sẽ đạt được kết quả tốt trong đợt đánh giá ngoài online sắp tới, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo của các các ngành cũng như lan tỏa nâng cao chất lượng đến các ngành khác trong toàn trường.

TS. Trần Bá Tiến, Phó Hiệu trưởng phát biểu khai mạc Hội thảo - Tập huấn

Bộ tiêu chuẩn Kiểm định chất lượng của Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á AUN-QA (ASEAN University Network Quality Assurance) là hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục Đại học uy tín của khu vực và thế giới, đã được các trường đại học uy tín trong khu vực áp dụng nhằm mang đến những ưu thế vượt trội cho người học thông qua đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo và các yếu tố hỗ trợ học tập, nghiên cứu khác. Đây là một khâu quan trọng trong hoạt động đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục.

TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng chia sẻ các thông tin về Bộ tiêu chuẩn AUN-QA

Chia sẻ tại Hội thảo - Tập huấn, PGS.TS. Phạm Văn Tuấn đã trao đổi, hướng dẫn về cách thức đào tạo theo chuẩn đầu ra (OBE); giải thích mối tương quan giữa OBE và CDIO trong phát triển chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo; hướng dẫn bộ rubric tự đánh giá chương trình đào tạo theo AUN-QA để giúp các chương trình đào tạo thực hiện tốt công tác tự đánh giá, nhất là cách thức viết bản SAR và chuẩn bị các minh chứng. Ngoài ra, chuyên gia còn hướng dẫn và tập huấn cho các thành viên tham dự cách thức vận hành hệ thống Đảm bảo chất lượng bên trong một cách có hiệu quả; các công tác cần chuẩn bị cho đánh giá ngoài online 2 chương trình đào tạo Sư phạm Toán học và Công nghệ thông tin theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA.

PGS.TS. Phạm Văn Tuấn trao đổi tại Hội thảo - Tập huấn

Trong khuôn khổ chương trình, PGS.TS. Phạm Văn Tuấn cũng đã giải đáp những ý kiến trao đổi về Bộ tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo của AUN-QA, các kinh nghiệm trong việc áp dụng Bộ tiêu chuẩn đánh giá này vào thực tế. Đặc biệt, chuyên gia đã cung cấp cho cán bộ Nhà trường những thông tin về quy trình và nội dung kiểm định chất lượng theo Bộ tiêu chuẩn AUN-QA, giới thiệu nguồn tài liệu đảm bảo chất lượng, tài liệu hướng dẫn đánh giá chương trình, tài liệu hướng dẫn dành cho hoạt động đánh giá và đánh giá viên, cẩm nang thực hiện tài liệu hướng dẫn AUN-QA cùng nhiều nội dung cần thiết khác.

Đại biểu tham dự chăm chú lĩnh hội các nội dung chuyên gia trao đổi

TT. ĐHV