Thời cơ cách mạng đang mở ra trước con đường giải phóng của các dân tộc, Đảng ta đứng trước một cơ hội lịch sử ngàn năm có một, giờ phút có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của đất nước.

Trong hoàn cảnh đó, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) trong 2 ngày 14 và 15/8/1945 đã giải quyết một vấn đề trọng đại: Quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đại biểu các Đảng bộ từ Bắc, Trung, Nam, từ các chiến khu và khu giải phóng về dự đông đủ. Hội nghị họp vào lúc phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng. Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh liền thành lập "Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc" để lãnh đạo khởi nghĩa trong cả nước. Trong tình hình hết sức khẩn trương, Đảng quyết định phát động và lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và bọn bù nhìn tay sai của chúng trước khi quân đồng minh Anh, Pháp vào nước ta.

Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào ngày 15/8/1945 gồm hơn 60 đại biểu thuộc các thành phần dân tộc, tôn giáo và các đoàn thể, đảng phái tề tựu trước mái đình Hồng Thái để bàn việc cứu nước, ý chí quyết chiến dâng lên mãnh liệt tại Đại hội Tân Trào. Các đại biểu đều tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng. Đại hội quy định quốc kỳ, quốc ca, 10 chính sách lớn và cử ra Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, tức là Chính phủ lâm thời sau này. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc, sau bao năm đấu tranh kiên cường vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đã được Đại hội nhất trí bầu làm Chủ tịch.

Nắm được thời cơ thuận lợi, nhiều địa phương đã nổi dậy giành chính quyền từ ngày 14/8. Ngày 15/8, Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp chỉ thị cho Hà Nội khởi nghĩa. Hà Nội sống trong những ngày rạo rực chuẩn bị nổi dậy, các tầng lớp nhân dân nhất là thanh niên, hăng hái gia nhập các đoàn thể cứu quốc, tuyên truyền cho Việt Minh, thành lập các Đội Tự vệ chiến đấu.

Chiều 17/8, cuộc biểu tình của Tổng hội công chức biến thành cuộc mít tinh lớn của Việt Minh. Cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên tầng hai Nhà hát Thành phố, đại biểu Việt Minh kêu gọi nhân dân đứng dậy giành chính quyền, lật đổ chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim. Ngọn lửa cách mạng bùng cháy, cả Hà Nội bừng bừng khí thế đấu tranh theo lời kêu gọi của Đảng.Cuộc biểu tình làm cho kẻ thù càng thêm hoảng hốt. Trái lại, quần chúng cách mạng phấn chấn, ráo riết chuẩn bị khởi nghĩa.

Sáng ngày 19/8, hàng chục vạn nhân dân thành phố rầm rập tiến về Quảng trường Nhà hát Lớn. Đúng 11 giờ trưa, cuộc mít tinh bắt đầu. Lời kêu gọi khởi nghĩa của Đảng được quần chúng đón mừng bằng những tiếng reo hò và những khẩu hiệu hô vang khắp quảng trường:

Thành lập chính phủ Cộng hòa Dân chủ Việt Nam

Việt Nam hoàn toàn độc lập

Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim.

Ngày 19/8/1945, nhân dân giành chính quyền ở Bắc Bộ phủ (Hà Nội)

Cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình tuần hành vĩ đại. Dòng người chia thành nhiều ngả, có các Đội Tự vệ chiến đấu dẫn đầu đi chiếm các công sở và chiếm lĩnh các vị trí xung yếu. Cổng phủ khâm sai đóng, nhiều người vượt qua hàng rào sắt nhảy vào bên trong chiếm lấy trụ sở cơ quan đầu não của địch. Cờ đỏ sao vàng được kéo lên cao tung bay trước gió. Ở trại Bảo an ninh, bọn Nhật cho xe tăng và quân lính chặn các ngã đường nhưng chúng không thể ngăn cản được làn sóng người đang cuồn cuộn tiến bước, sẵn sàng đạp bằng mọi trở ngại. Nhân dân Hà Nội đã hoàn toàn làm chủ thành phố của mình. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội đã cổ vũ tinh thần đấu tranh của toàn dân và tác dụng mạnh mẽ đến phong trào cách mạng của cả nước.

Trong vòng 10 ngày từ 19 đến 28/8/1945 hầu hết các tỉnh và thành phố đều nổi dậy khởi nghĩa. Phát xít Nhật thua trận, chế độ quân chủ bị lật đổ. Chính quyền trong cả nước hoàn toàn về tay nhân dân ta. Từ đó, ngày 19/8 đi vào lịch sử của dân tộc, là ngày khởi nghĩa của Hà Nội, ngày đánh dấu cao trào Tổng khởi nghĩa trong cả nước, ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Thắng lợi Cách mạng tháng Tám chính là kết quả của một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh và khối đại đoàn kết toàn dân tộc dựa trên nền tảng lòng yêu nước là những nhân tố căn bản nhất làm nên thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa lịch sử.

Mùa thu này, ca khúc bất hủ "Mười chín tháng Tám" lại vang lên vào một dịp đặc biệt của cả dân tộc Việt Nam, đó là những ngày rạng ngời niềm vui kỷ niệm chiến thắng Cách mạng tháng Tám lịch sử.

 "Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày

Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai

Mười chín tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét

Tiến lên cùng hô mau diệt tan hết quân thù chung

Mười chín tháng Tám ánh sáng tự do đưa tới

Cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng

Máu pha tươi đều trên lá cờ bay khắp chốn giang sơn".

Nhạc sĩ Xuân Oanh - người đã viết nên những lời ca tiếng hát đi cùng lịch sử dân tộc ấy, nay đã không còn. Một chứng nhân lịch sử của dân tộc đã đi xa nhưng ca khúc để đời của ông còn mãi vang vọng theo chiều dài lịch sử dân tộc!

Cố nhạc sĩ Xuân Oanh (1923 - 2010)

"Tôi vẫn nhớ như in diễn biến những ngày ấy. Tôi khi đó đang là một chàng thanh niên 23 tuổi, sớm giác ngộ cách mạng, được nhà văn Nguyễn Đình Thi và một số đồng chí khác dìu dắt, hướng dẫn tham gia công tác tuyên truyền cách mạng, cụ thể là đi phát hành các Tờ báo Hồn nước, Cờ giải phóng. Tâm trạng của lớp trẻ chúng tôi lúc đó - nhất là những người ham hoạt động - luôn sôi lên bầu máu nóng muốn làm một điều gì đó đóng góp vào công cuộc cách mạng chung. Sáng sớm ngày 19/8, tôi nhập vào đoàn người đi từ Văn Điển lên Nhà hát Lớn Hà Nội. Mọi người hối hả, khẩn trương và vô cùng phấn khích. Là người yêu thích âm nhạc, trước đó đã từng sáng tác, tôi nảy ý định sáng tác một bài hát ngay trên đường đi. Thế là vừa đi, tôi vừa sáng tác. Được câu nào tôi dạy ngay cho những người quanh tôi hát và nhập vào đoàn người hôm ấy. Họ thuộc và hát trôi chảy, tôi lại nghĩ tiếp câu sau cho đến hết bài. Không hiểu sao, tôi cho ra đời bài hát khá dễ dàng, có thể nói là không mất công nghĩ ngợi nhiều. Sáng tác gần như một mạch. Chính cái không khí lịch sử, tình cảm của đồng bào đã giúp tôi sáng tác nhanh như vậy. Sau đó, tôi cũng không phải sửa chữa gì thêm, bởi mọi người rất hưởng ứng, tâm đắc, chẳng ai có "ý kiến" chỗ nào" - Cố nhạc sĩ Xuân Oanh nhớ lại.

Với giai điệu hào hùng nhịp nhịp bước, ca khúc vang lên người nghe không khỏi bồi hồi xúc động xen lẫn niềm tự hào dâng tràn:

"Người Việt Nam ta giữ vững trong tim lời thề

Mười chín tháng Tám chớ quên là ngày khởi nghĩa

Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam

Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày

Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai

Mười chín tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét

Tiến lên cùng hô mau diệt tan hết quân thù chung"

Khi hỏi về tên bài hát, nhạc sĩ rất "thật thà": Thú thực, lúc sáng tác trên đường, chẳng nghĩ gì đến tên bài hát, chỉ cố làm sao cho số đông người dễ hát, dễ thuộc. Sau khi hướng dẫn xong cả bài, khi mọi người đã hát trôi chảy, bỗng có một người nói: "Này nhạc sĩ ơi, thế bài hát này tên là gì?". Khi ấy, tôi mới sực nhớ là chưa có tên. Tôi nghĩ mãi chẳng ra được tên gì, cuối cùng bèn nói: "Hôm nay là ngày 19/8. Lịch sử sẽ ghi nhớ mãi ngày này. Thôi, chẳng cần tìm kiếm gì cho mất công, tên bài là Mười chín tháng Tám". Sau đó tôi hỏi: "Mọi người thấy thế nào, được không?". Tất cả thống nhất: "Được đấy, đúng rồi. Hay đấy!". Thế là tôi yên tâm đặt tên cho đứa con tinh thần của mình. Bài hát Mười chín tháng Tám ra đời "một cách kỳ lạ" như vậy.

Chiều 19/8/1945, bài hát in ở một hiệu sách và phát trên sóng phát thanh lúc nào, ông không biết. Anh em, bạn bè thông báo ông mới hay. Không ai biết, chính những giây phút xuất thần trong thời điểm lịch sử giúp nhạc sĩ Xuân Oanh sáng tác thành công ca khúc "Mười chín tháng Tám", là bản hùng ca thời đại, cũng là bản hùng ca bất hủ, mãi mãi âm vang đi cùng năm tháng, cổ vũ, động viên toàn dân tộc Việt Nam vững bước trên con đường đi lên phía trước.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam