Tham dự Hội thảo - Tập huấn có PGS.TS. Lê Văn Hảo - Giảng viên cao cấp, chuyên gia đảm bảo chất lượng giáo dục; TS. Nguyễn Hữu Cương - chuyên gia và nhà nghiên cứu về đảm bảo chất lượng giáo dục.

PGS.TS. Lê Văn Hảo và TS. Nguyễn Hữu Cương tham dự Hội thảo - Tập huấn

Về phía Trường Đại học Vinh, tham dự có các đồng chí trong Ban Giám hiệu, Trưởng, phó các đơn vị; Trưởng, Phó các Bộ môn của các khoa, viện, cán bộ viên chức Trung tâm Đảm bảo chất lượng. GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng chủ trì Hội thảo - Tập huấn.

GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc

Tại hội thảo tập huấn, 2 chuyên gia đã chia sẻ tới cán bộ, giảng viên nhà trường về 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và sự tham gia của Việt Nam cũng như vai trò của CSGD đại học đối với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; Giới thiệu về bảng xếp hạng các trường đại học THE Impact Rankings và cách Times Higher Education xếp hạng Cơ sở giáo dục đại học theo 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; Hướng dẫn cách thức xây dựng kế hoạch để nhà trường có thể tham gia thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững và xếp hạng trường đại học theo THE Impact Rankings. Bên cạnh đó, các chuyên gia còn chia sẻ kinh nghiệm tham gia xếp hạng theo THE Impact Rankings của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

TS. Nguyễn Hữu Cương cho biết, trước khi tham dự Hội thảo đã có những tìm hiểu, nghiên cứu và dự đoán về triển vọng của Trường Đại học Vinh trên bảng xếp hạng của khu vực và thế giới. Thông qua cơ sở dữ liệu của một số thống kê uy tín như Scimago, ISI, Scopus hay Webomatric cung cấp, TS. Nguyễn Hữu Cương nhận thấy Trường Đại học Vinh có bề dày lịch sử phát triển, có thế mạnh về các chương trình đào tạo sư phạm. Trong vài năm gần đây, Trường có sự tăng trưởng nhanh về số lượng các bài báo quốc tế. Với nội lực hiện có, TS. Nguyễn Hữu Cương tin tưởng Trường Đại học Vinh sẽ đạt được các mục tiêu đề ra về công tác xếp hạng cũng như công tác cải tiến chất lượng của Nhà trường.

­­­­TS. Nguyễn Hữu Cương phát biểu tại Hội thảo - Tập huấn

Hội thảo - Tập huấn cũng chia sẻ và giới thiệu về các kỹ thuật xây dựng và triển khai bộ chỉ số KPIs phục vụ quản trị cơ sở giáo dục và hoạt động đào tạo.

PGS.TS. Lê Văn Hảo trao đổi về 17 mục tiêu bền vững của Liên Hợp Quốc

Qua phần trình bày, giới thiệu của PSG.TS Lê Văn Hảo, các cán bộ, viên chức Trường Đại học Vinh đã nắm bắt được những thông tin cần thiết về KPIs cũng như các khái niệm liên quan; cách xây dựng KPIs nhằm triển khai chiến lược và kế hoạch hằng năm của CSGD; cách xây dựng chuẩn đầu ra CTĐT và tổ chức các hoạt động giảng dạy - đánh giá theo KPIs; cải tiến công tác quản trị CSGD, góp phần đáp ứng yêu cầu các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CSGD và CTĐT.

Các chuyên gia cũng đã liên hệ thực tế để đưa ra các minh họa KPIs cho một số lĩnh vực, góp phần gợi mở việc xây dựng và triển khai KPIs phù hợp với môi trường giáo dục. Các cán bộ, giảng viên tham gia tập huấn cũng đã trao đổi những ý kiến, thảo luận xung quanh việc áp dụng KPIs, trên cơ sở đó, tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu về lĩnh vực này để xây dựng và triển khai KPIs trong Nhà trường phù hợp và hiệu quả.

Kết luận Hội Thảo - Tập huấn, thay mặt Lãnh đạo Nhà trường, TS. Nguyễn Thị Thu Cúc - Phó Hiệu trưởng đã đánh giá cao về các nội dung làm việc của chương trình và cảm ơn 2 chuyên gia đã nhận lời mời của Trường Đại học Vinh trong bối cảnh dich bệnh để thực hiện tập huấn online.

TS. Nguyễn Thị Thu Cúc, Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu kết luận

TS. Nguyễn Thị Thu Cúc bày tỏ hy vọng với kết quả chương trình tập huấn lần này sẽ là tiền đề để giúp Nhà trường và các Khoa/Viện trong thời gian tới sẽ tích cực tham gia đa dạng các bảng xếp hạng có uy tín trong nước cũng như trên thế giới; qua đó khẳng định uy tín của Nhà trường trên bản đồ giáo dục trong và ngoài nước. Đặc biệt với các nội dung trao đổi về xây dựng, triển khai KPIs phục vụ quản trị CSGD và hoạt động đào tạo sẽ giúp Nhà trường và các đơn vị có thể xây dựng được KIPs cấp trường và cấp đơn vị, tiến tới xây dựng được KIPs cho cá nhân, từ đó giúp Nhà trường có thể chủ động trước các nhiệm vụ khi thực hiện hoàn toàn cơ chế tự chủ trong thời gian sắp tới./.