Tham dự Hội thảo - Tập huấn có PGS.TS. Đặng Thị Thanh Huyền và TS. Nguyễn Thị Diệu Cúc, Chuyên gia tư vấn Chương trình ETEP, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Về phía Trường Đại học Vinh có TS. Nguyễn Ngọc Hiền - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Trần Bá Tiến - Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban quản lý Chương trình ETEP; các thành viên trong Ban Quản lý Chương trình ETEP; Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ sư phạm; đại diện các trường, khoa, viện đào tạo, giảng viên sư phạm chủ chốt tham gia công tác bồi dưỡng.
Năm 2021, thực hiện Chương trình ETEP, Trường Đại học Vinh tiếp tục bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán mô đun 4: Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh Tiểu học/THCS/THPT. Đây là 1 trong 6 mô đun bồi dưỡng trực tiếp cho giáo viên phổ thông cốt cán.
Trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn về sức khỏe cho giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, Trường Đại học Vinh triển khai bồi dưỡng mô đun 4 với một phương thức hoàn toàn mới: Bồi dưỡng trực tiếp giáo viên phổ thông qua lớp học ảo trên hệ thống LMS của Viettel.
TS. Trần Bá Tiến - Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban quản lý Chương trình ETEP Trường Đại học Vinh phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc Hội thảo - Tập huấn, TS. Trần Bá Tiến - Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban quản lý Chương trình ETEP Trường Đại học Vinh cho biết: Phương thức bồi dưỡng mới có nhiều thách thức cả chủ quan và khách quan (đường truyền internet, trình độ CNTT của học viên...) nhưng cũng có những thuận lợi (học viên không phải di chuyển, đảm bảo sức khỏe trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp). Vì vậy, đòi hỏi công tác chuẩn bị cũng cần phải chu đáo hơn, có tính đặc thù hơn.
TS. Trần Bá Tiến yêu cầu Ban quản lý Chương trình ETEP, Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ sư phạm, các đơn vị liên quan chuẩn bị tốt các nội dung chuyên môn cho cả người dạy và người học, chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất, nhân lực, các điều kiện đảm bảo khác để thực hiện tốt chương trình bồi dưỡng.
Tại Hội thảo - Tập huấn, các đại biểu đã được nghe báo cáo tổng quan về công tác tổ chức, triển khai bồi dưỡng mô đun 4; quy trình đảm bảo chất lượng khi triển khai giám sát bồi dưỡng mô đun 4 trực tiếp qua Lớp học ảo trên hệ thống LMS; phân công nhiệm vụ của Báo cáo viên, kỹ thuật viên, giám sát, phục vụ trong quá trình bồi dưỡng.
Đặc biệt, đại biểu tham dự đã được tập huấn kỹ thuật bồi dưỡng qua lớp học ảo trên LMS của Viettel cho từng đối tượng: giảng viên chủ chốt, kiểm tra giám sát, hỗ trợ kỹ thuật...
Sau phần tập huấn, đại biểu cũng đã thảo luận, rút kinh nghiệm, thống nhất kế hoạch và các giải pháp nâng cao chất lượng triển khai bồi dưỡng mô đun 4.
Theo kế hoạch, sẽ bồi dưỡng mô đun 4 cho 2.990 học viên, chia thành 74 lớp trong 8 đợt. Chương trình bồi dưỡng được thực hiện theo công thức 7-2-7 theo quy trình về đảm bảo chất lượng bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán do Ban quản lý Chương trình ETEP - Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Học viên có tối thiểu 07 ngày tự học trên hệ thống học tập trực tuyến (LMS) tại địa chỉ https://taphuan.csdl.edu.vn/ với sự hỗ trợ của giảng viên sư phạm chủ chốt trước khi tham gia bồi dưỡng trực tiếp.
Sau khi tự bồi dưỡng, học viên tiếp tục được bồi dưỡng trực tiếp 02 ngày qua hệ thống lớp học ảo SmartLMS của Viettel. Thời gian bồi dưỡng bắt đầu từ ngày 14/9/2021 đến ngày 6/10/2021 theo lịch của ban tổ chức phân công. Các học viên được biên chế vào các lớp theo môn học. Mỗi lớp có 02 báo cáo viên là giảng viên sư phạm chủ chốt.
Kết thúc bồi dưỡng trực tiếp qua lớp học ảo trên LMS của Viettel, học viên có 07 ngày tự học để hoàn thành các nhiệm vụ trên hệ thống LMS.
TT. ETEP