Làm việc với Bộ trưởng và đoàn công tác về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành; lãnh đạo Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Y khoa Vinh, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An...

Toàn cảnh buổi làm việc

Phát biểu chào mừng Bộ trưởng và đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung khẳng định: Đối với lĩnh vực GD&ĐT, Đảng bộ, chính quyền các cấp ở Nghệ An luôn luôn coi là ưu tiên và quan tâm đầu tư thỏa đáng. Trong đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, nhờ đó lĩnh vực GD&ĐT của tỉnh trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả.

Giáo dục mũi nhọn tiếp tục khẳng định nhóm đầu cả nước. Giáo dục phổ cập, toàn diện và vùng dân tộc, miền núi có những chuyển biến hết sức tích cực. Giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục đại học phát triển tốt. Nghệ An cũng chú trọng xây dựng các mô hình mới trong GD&ĐT, định hướng xây dựng xã hội học tập; vừa qua TP. Vinh được UNESCO công nhận trở thành "thành phố học tập toàn cầu".

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu

Tuy nhiên, ngành Giáo dục Nghệ An còn có những khó khăn cần khắc phục để đạt được phát triển toàn diện, đặc biệt khó khăn về cơ sở vật chất, nhất là ở khu vực miền núi; đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh giai đoạn tới. 

Bên cạnh đó, trong điều kiện phát triển mới về hội nhập, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 thì yêu cầu đặt ra phát triển GD&ĐT cần phải thay đổi để tiếp cận với tinh thần mới.

Nhấn mạnh, đây là những vấn đề mà tỉnh hết sức quan tâm, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An bày tỏ mong muốn Bộ trưởng cùng các đồng chí trong đoàn công tác có định hướng, biện pháp, giải pháp, kế hoạch nhằm giúp tỉnh phát triển lĩnh vực GD&ĐT tốt hơn thời gian tới.

Tại cuộc làm việc, Đoàn công tác Bộ GD&ĐT cùng lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã trao đổi các giải pháp về rà soát, xây dựng mạng lưới cơ sở trường lớp, trang thiết bị, nhất là cho khu vực miền Tây Nghệ An, trong đó có 5 huyện vùng núi cao. Hiện nay, toàn tỉnh còn 1.255 phòng học tạm, mượn; từ nay đến năm 2025, nhu cầu đầu tư kiên cố hóa phòng học trung mỗi năm khoảng 1.000 phòng học.

Bên cạnh đó là vấn đề phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng. Nếu năm 2020, Nghệ An được bổ sung 7.843 biên chế cho ngành GD&ĐT, thì từ năm 2021 - 2025 cần bổ sung 3.500 giáo viên (1.000 giáo viên mầm non, 2.000 giáo viên THCS, 500 giáo viên THPT).

Hai bên cũng đã bàn giải pháp để phát triển nguồn nhân lực của tỉnh; công tác phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển Trường Đại học Vinh trở thành động lực phát triển cho Nghệ An nói riêng, khu vực Bắc Trung Bộ nói chung, đồng thời tạo lan tỏa phát triển các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh phát biểu

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Nghệ An đối với ngành Giáo dục, trong bối cảnh dân số tỉnh đông, vùng miền Tây còn khó khăn. 

"Kết quả giáo dục của các đồng chí là một sự cố gắng", Bộ trưởng nói, đồng thời đánh giá kết quả tiếp cận giáo dục, phổ cập giáo dục, điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục ở Nghệ An nhìn trong một quá trình đều có sự cải thiện.

Đồng chí Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu kết luận buổi làm việc

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Nghệ An có 3 khó khăn lớn là: đội ngũ giáo viên, giảng viên từ mầm non đến bậc đại học; điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp để đảm bảo chất lượng; nguồn nhân lực.

Để giải quyết các khó khăn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị tỉnh Nghệ An rà soát các văn bản chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền về GD&ĐT, tiếp tục rà soát, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; trong đó, cần thực hiện đột phá đối với việc xây dựng đội ngũ giáo viên, trường lớp, thiết bị và nguồn nhân lực.

Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh giao cho Trường Đại học Vinh làm đầu mối phối hợp với các trường đại học để xây dựng Đề án nghiên cứu, tư vấn và tổ chức đào tạo nhằm phát triển đội ngũ giáo viên của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Đề án triển khai một số hoạt động hỗ trợ dạy học chương trình phổ thông 2018, bồi dưỡng các kỹ năng hội nhập cho học sinh phổ thông bằng mô hình trực tuyến và Đề án phát triển nguồn nhân sự tỉnh Nghệ An. 

Qua 3 đề án trên để nghiên cứu, đề xuất giải pháp thực hiện đảm bảo thiết thực, khả thi trong điều kiện của tỉnh, phù hợp với bối cảnh chung, góp phần giải quyết các bài toán về điểm nghẽn đang đặt ra cho ngành Giáo dục tỉnh.

Đồng chí Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh phối hợp với Bộ để chỉ đạo Trường Đại học Vinh xây dựng Đề án phát triển thành Đại học Vinh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, phù hợp với chiến lược của Bộ, trong đó cần cụ thể lộ trình thực hiện cho giai đoạn 2021  - 2025. 

Mặt khác, Bộ trưởng đề nghị tỉnh khai thác, sử dụng tốt nguồn nhân lực, khi trên địa bàn có gần 500 tiến sỹ, hơn 1.000 thạc sỹ.

Phát biểu đáp từ, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cảm ơn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT luôn quan tâm đối với tỉnh Nghệ An trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chung, đặc biệt là công tác giáo dục trên địa bàn, đồng thời tin tưởng mối quan hệ giữa tỉnh và Bộ sẽ ngày càng gắn bó, chặt chẽ hơn nữa.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu đáp từ

Qua cuộc làm việc, cùng với việc đánh giá, nhìn nhận lại kết quả thực hiện, Bộ trưởng cùng đoàn công tác đã gợi mở định hướng, cách làm có tính chiến lược, dài hạn, rất cụ thể đối với 3 nội dung lớn là: đội ngũ, cơ sở vật chất và chuẩn bị nguồn nhân lực cho phát triển không chỉ cho Nghệ An, mà còn cho cả khu vực Bắc Trung Bộ.

Đây là những nội dung quan trọng sẽ được đưa vào Chương trình hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Nguôn: Báo Nghệ An