Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh phổ thông năm học 2020 - 2021 được tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên - Huế với sự tham gia của 69 đơn vị đến từ các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường phổ thông trực thuộc các trường đại học trên cả nước.

Năm nay là năm thứ 5 Trường THPT Chuyên tham dự cuộc thi với 2 dự án thuộc về lĩnh vực hệ thống nhúng và lĩnh vực Robot, máy thông minh do các học sinh lớp 11 chuyên Tin thực hiện. Kết quả cả hai dự án đều được trao giải Tư.

Đoàn dự thi của Trường THPT Chuyên Đại học Vinh

Đó là dự án "Quản lý mức độ tham gia nhận thức dùng công nghệ sóng não: Ứng dụng trong nhà trường nhằm cải thiện kết quả học tập" của học sinh Lê Đình Quốc và Bùi Tùng Lâm.

Dự án thứ 2 là "Quản lý thiết bị dùng công nghệ sóng não: Nghiên cứu áp dụng trong căn phòng bệnh nhân" của tác giả Nguyễn Thế Vinh và Phạm Bá Huy Hoàng.

Cả hai dự án đều do TS. Đỗ Mai Trang - Giảng viên Viện Kỹ thuật và Công nghệ, ThS. Nguyễn Đức Toàn - Giáo viên Trường THPT Chuyên hướng dẫn.

Hiện nay, các đề tài liên quan đến sóng não là những đề tài còn khá mới mẻ nhưng lại có tính ứng dụng thực tiễn cao. Trong những năm qua, từ sự phối hợp trong giảng dạy, bồi dưỡng học sinh của Trường THPT Chuyên và các khoa, viện của Trường Đại học Vinh, học sinh Trường THPT Chuyên đã thường xuyên được tiếp cận các kiến thức về khoa học công nghệ tiên tiến cũng như các phương pháp nghiên cứu hiện đại của sinh viên đại học. Đây cũng là nét đặc biệt trong đào tạo học sinh chuyên của Trường THPT Chuyên Đại học Vinh khác với các trường THPT chuyên thông thường.

Gian trưng bày dự án tại cuộc thi

Chia sẻ về dự án của mình, học sinh Nguyễn Thế Vinh và học sinh Phạm Bá Huy Hoàng cho biết: Đây là một đề tài nghiên cứu thử nghiệm nhằm tìm kiếm ứng dụng sóng não vào cuộc sống, cụ thể giúp cung cấp phương pháp mới để hỗ trợ cuộc sống của người bại liệt và người già. Dự án xây dựng mô hình căn phòng cho người không có khả năng vận động mà chỉ dùng sóng não để thực hiện một số thao tác cơ bản như yêu cầu trợ giúp, bật bóng đèn, kéo rèm cửa.

Học sinh Lê Đình Quốc và học sinh Bùi Tùng Lâm khi chia sẻ về đề tài của mình cho hay: Để đánh giá chất lượng bài giảng và đề xuất chiến lược chỉnh, cải tiến phương pháp truyền đạt của thầy cô nhằm giúp học sinh tiếp thu được bài ở mức hiệu quả nhất, chúng em đã trình bày một cách tiếp cận mới. Phương pháp này cũng nhằm đánh giá mức độ tham gia tinh thần của người học tương ứng với một hình thức dạy học cụ thể hoặc dạy học tích hợp, đồng thời đề xuất sử dụng chỉ số tương tác để đánh giá chất lượng bài giảng. 

Năm học 2020 - 2021, tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh phổ thông là các dự án của học sinh trên 11 lĩnh vực/nhóm lĩnh vực, bao gồm: y sinh và khoa học sức khỏe, khoa học động vật, y học chuyển dịch; kỹ thuật y sinh, khoa học thực vật, vi sinh; năng lượng vật lí, khoa học vật liệu, vật lí và thiên văn; khoa học trái đất và môi trường, kĩ thuật môi trường; robot và máy thông minh, toán học; phần mềm hệ thống, sinh học trên máy tính và sinh - tin…

PGS.TS. Đặng Ngọc Quang, Trưởng Ban Giám khảm Cuộc thi đánh giá: Các lĩnh vực nghiên cứu dự thi năm nay khá phong phú, nhiều đề tài có nội dung và phương pháp nghiên cứu phù hợp, một số đề tài tiếp cận những vấn đề mới, có tính khái quát. Có rất nhiều dự án liên quan đến các vấn đề xã hội quan tâm, nghiên cứu vật liệu mới, chăm sóc sức khỏe con người, bảo vệ thực vật, các vấn đề về môi trường.

Ban Tổ chức trao giải cho các dự án xuất sắc

Kết thúc cuộc thi, các học sinh/nhóm học sinh đoạt giải được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trao Bằng khen, các giáo viên hướng dẫn có học sinh đạt giải sẽ được Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng Bằng khen.

TT.ĐHV