Với luận án: “Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao khả năng chịu hạn cho cây đậu xanh vụ Hè Thu trên vùng đất cát ven biển Nghệ An”.
Chuyên ngành: Khoa học cây trồng
Mã số: 62.62.01.10
Người hướng dẫn: PGS.TS. Phạm Văn Chương; TS. Nguyễn Đình Vinh
Hội đồng chấm luận án gồm 7 thành viên:
GS.TS. Hoàng Minh Tấn (Chủ tịch Hội đồng), PGS.TS. Ninh Thị Phíp (Phản biện 1), PGS.TS. Nguyễn Hữu Hồng (Phản biện 2), PGS.TS. Nguyễn Tấn Hinh (Phản biện 3), TS. Vũ Đình Chính (Thư ký hội đồng), TS. Nguyễn Thị Chinh (Ủy viên hội đồng), GS.TSKH. Viện sĩ. Trần Đình Long (Ủy Viên hội đồng).
Hội đồng chám luận án đã tiến hành bỏ phiếu kín với kết quả 7/7 phiếu tán thành công nhận cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Phan Thị Thu Hiền.
- Những nội dung chính của luận án:
1. Đánh giá thực trạng sản xuất đậu xanh trên vùng đất cát ven biển tỉnh Nghệ An
2. Đánh giá khả năng chịu hạn của các giống đậu xanh trong điều kiện gây hạn nhân tạo
3. Nghiên cứu xác định một số giống đậu xanh phù hợp gieo trồng trong điều kiện canh tác nhờ nước trời ở vụ Hè Thu trên vùng đất cát ven biển Nghệ An
4. Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất và khả năng chịu hạn cho các giống triển vọng trong vụ Hè Thu trên vùng đất cát ven biển Nghệ An
5. Xây dựng mô hình sản xuất đậu xanh vụ Hè Thu trên vùng đất cát ven biển tỉnh Nghệ An
- Những đóng góp của luận án:
1. Đã đánh được thực trạng sản xuất đậu xanh trên vùng đất cát ven biển tỉnh Nghệ An và xác định được những hạn chế cơ bản dẫn đến sản xuất đậu xanh kém hiệu quả.
2. Đã đánh giá nhanh khả năng chịu hạn của các giống đậu xanh bằng PEG – 6000. Đã xác định được các đặc điểm sinh lý (cường độ quang hợp, cường độ thoát hơi nước, hiệu suất sử dụng nước, độ thiếu hụt bão hòa nước, hàm lượng nước tương đối) liên quan đến khả năng chịu hạn của các giống đậu xanh trong điều kiện gây hạn nhân tạo. VN99-3, KP11, ĐX208, ĐX16 và ĐX22 có khả năng chịu hạn tốt trong 12 giống đậu xanh thí nghiệm.
3. Trên cơ sở khoa học đã xác định được 3 giống đậu xanh triển vọng ĐX208, ĐX16 và ĐX22 cho vùng đất cát ven biển Nghệ An trong điều kiện canh tác nhờ nước trời vụ Hè Thu. Các giống này có thời gian sinh trưởng từ 68-82 ngày, khả năng sinh trưởng tốt, chịu hạn và chống đổ tốt, chống chịu tốt với các loại sâu bệnh hại chính, có năng suất cao tương ứng là 1,5-1,6 tấn/ha, 1,3-1,5 tấn/ha, 1,6-1,7 tấn/ha. Giống ĐX208 và ĐX16 có chất lượng tốt (hàm lượng protein và tinh bột cao tương đương giống Đậu Tằm). Giống ĐX16 thích hợp với cơ cấu cây trồng cần làm vụ đông sớm. Giống ĐX208 và ĐX22 thích hợp với cơ cấu cây trồng làm vụ đông muộn.
4. Đã xác định được một số biện pháp kỹ thuật thích hợp cho các giống đậu xanh khi trồng trên đất cát ven biển Nghệ An trong điều kiện canh tác nhờ nước trời: mật độ 20 cây/m2 cho giống ĐX208 và ĐX22, 25 cây/m2 cho giống ĐX16; bón 60 kg K2O/ha trên nền phân bón cho 1 ha gồm 5 tấn phân chuồng + 30 kg N + 60 kg P2O5 + 300 kg vôi bột; có thể giữ ẩm cho cây và đất bằng chất giữ ẩm AMS-1 với lượng 30 kg/ha.
5. Mô hình thử nghiệm các giống đậu xanh ĐX208, ĐX16 và ĐX22 cùng với các biện pháp kỹ thuật mới đã cho thấy khả năng thích ứng tốt của các giống với điều kiện sinh thái của vùng đất cát ven biển Nghệ An. Năng suất mô hình của các giống mới cao hơn so với giống địa phương từ 30,6-51,4% tại Nghi Lộc và 41,0-61,0% tại Diễn Châu, lợi nhuận mô hình các giống mới/ ha cao hơn so với giống Đậu Tằm từ 7.932.000-12.002.000 đồng tại Nghi Lộc và 9.682.000-13.072.000 đồng tại Diễn Châu.
Những kết quả chính của luận án đã được đăng tải trong 3 bài báo trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tạp chí Khoa học Nông nghiêp Việt Nam.
Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu luận án tại Thư viện Quốc gia Việt Nam và Thư viện Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Sau đây là một số hình ảnh tại buổi lễ:
NCS chụp ảnh cùng Hội đồng chấm luận án
NCS cùng người hướng dẫn khoa học
Đồng nghiệp, bạn bè cùng gia đình chúc mừng NCS