I. TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đang tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Hệ thống cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, trong đó, vấn đề then chốt là nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng và hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Mặt khác, sự dịch chuyển lao động và người học trên phạm vi toàn thế giới dẫn đến nhu cầu công nhận lẫn nhau về chất lượng giáo dục và hệ thống văn bằng, chứng chỉ. Vì vậy, hoạt động đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục theo những chuẩn mực chung là rất cần thiết đối với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.

2. Quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng về giáo dục và đào tạo, các kế hoạch về công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong những năm qua, Trường Đại học Vinh đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác đảm bảo chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng toàn diện các hoạt động của Nhà trường như: đã từng bước hình thành văn hóa chất lượng; hướng dẫn các đơn vị đã xây dựng kế hoạch đảm bảo chất lượng cho từng năm học từ năm 2013 đến 2020 theo chu trình PDCA (Plan - Do - Check - Action); đã thành lập mạng lưới cán bộ phụ trách công tác đảm bảo chất lượng đến từng đơn vị trong toàn Trường; cử cán bộ đi tập huấn ngắn hạn trong nước và nước ngoài về công tác đảm bảo chất lượng... Nhờ đó, Trường đã triển khai tự đánh giá cơ sở đào tạo 2 lần, được đánh giá ngoài cơ sở đào tạo 2 lần và được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục năm 2017; đã triển khai tự đánh giá 12 chương trình đào tạo giáo viên trung học phổ thông, trong đó có 01 chương trình được đánh giá ngoài. Bên cạnh đó, Trường đã lấy ý kiến của người học về giảng viên, về các hoạt động và các đơn vị trong Trường; tăng cường kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh hoạt động đảm bảo chất lượng trong mọi hoạt động của Nhà trường.

3. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động đảm bảo chất lượng của Nhà trường cũng còn những tồn tại, hạn chế: nhận thức của cán bộ, viên chức và người học về hoạt động đảm bảo chất lượng còn chưa đầy đủ; hệ thống tổ chức đảm bảo chất lượng bên trong của Nhà trường chưa có tính đồng bộ, hệ thống và chưa được vận hành một cách hiệu quả, thông suốt; việc đặt ra các chuẩn mực để đảm bảo chất lượng chưa được quan tâm; năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách về hoạt động đảm bảo chất lượng còn bất cập trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và cách mạng công nghiệp 4.0.

4. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nói trên là do: Đảm bảo chất lượng là một hoạt động khá mới mẻ đối với các trường đại học Việt Nam, trong đó có Trường Đại học Vinh; khoa học về quản lý chất lượng nói chung, đảm bảo chất lượng nói riêng chưa được quan tâm nghiên cứu đúng mức; nhiều mô hình đảm bảo chất lượng của các trường đại học trong khu vực và trên thế giới chưa được các trường đại học Việt Nam vận dụng, thử nghiệm; nhận thức, sự đồng thuận trong thực hiện hoạt động đảm bảo chất lượng của cán bộ lãnh đạo, quản lý và các thành viên trong Nhà trường còn chưa cao; nhân sự cho hoạt động đảm bảo chất lượng của Nhà trường còn thiếu về số lượng và chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực; văn hóa chất lượng chưa trở thành yếu tố then chốt trong hoạt động đảm bảo chất lượng của Nhà trường; cơ sở vật chất, trang, thiết bị phục vụ cho việc đảm bảo chất lượng các hoạt động còn hạn chế...

II. ĐỊNH HƯỚNG TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

1. Quan điểm chỉ đạo

1.1. Đảm bảo chất lượng nhằm nâng cao chất lượng của Nhà trường và trở thành nhu cầu bên trong với mục đích không ngừng tự cải thiện chất lượng.

1.2. Hoạt động đảm bảo chất lượng phải có tính hệ thống, đồng bộ, toàn diện, thông suốt từ cấp lãnh đạo cao nhất đến từng cán bộ, viên chức và người học của Nhà trường.

1.3. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế đảm bảo chất lượng và phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác đảm bảo chất lượng.

1.4. Đảm bảo chất lượng là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp uỷ Đảng, tổ chức và cá nhân trong Nhà trường, phù hợp với sự phát triển của Trường Đại học Vinh trong từng giai đoạn.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

Tăng cường hiệu quả hoạt động đảm bảo chất lượng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác để phù hợp với sứ mạng, tầm nhìn, mục tiêu của Nhà trường.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhận thức của cán bộ, viên chức và người học về công tác đảm bảo chất lượng đối với sự phát triển bền vững của Nhà trường.

- Có kế hoạch chiến lược về đảm bảo chất lượng đáp ứng sứ mạng và các mục tiêu của Nhà trường.

- Hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong đến từng đơn vị cấp viện, khoa, phòng, trung tâm, trường trực thuộc...

- Phấn đấu đến năm 2020, Trường Đại học Vinh được gia nhập Mạng lưới Đảm bảo chất lượng của các trường đại học ASEAN (AUN-QA).

- Đến năm 2025, Trường có 100% chương trình đào tạo được tự đánh giá và 10% chương trình được kiểm định chất lượng bởi các tổ chức kiểm định chất lượng trong và ngoài nước. Từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng cho mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà trường. Thực hiện quản lý chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA, một số ngành kỹ thuật và công nghệ... hướng tới tiêu chuẩn ABET (Accreditation Board for Engineering and Technology) của Hoa Kỳ.

- Thực hiện việc công khai kết quả đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đã đạt được để xã hội biết và giám sát; đồng thời, quảng bá, xây dựng hình ảnh và thương hiệu của Nhà trường.

3. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

3.1. Nâng cao nhận thức của cán bộ, viên chức và người học về công tác đảm bảo chất lượng

- Quán triệt trong cán bộ, viên chức và người học về sự cần thiết của công tác đảm bảo chất lượng để đi đến thống nhất: chất lượng là vấn đề sống còn của Nhà trường; đảm bảo chất lượng là trách nhiệm của mọi thành viên trong Nhà trường, là yếu tố quyết định tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu xã hội và phát triển bền vững Nhà trường.

- Đảm bảo chất lượng vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là nhiệm vụ chuyên môn của Nhà trường. Tổ chức Đảng, đoàn thể, các đơn vị của Nhà trường tham gia vào quá trình đảm bảo chất lượng theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Mỗi cán bộ, viên chức và người học phải không ngừng suy nghĩ, tìm tòi để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

- Khắc phục những nhận thức chưa đúng đắn, chưa đầy đủ về công tác đảm bảo chất lượng trong Nhà trường (đảm bảo chất lượng không chỉ là trách nhiệm riêng của bộ phận chuyên trách; không chỉ có bộ phận chuyên trách làm công tác đảm bảo chất lượng...).

3.2. Xây dựng chính sách chất lượng và kế hoạch chiến lược về đảm bảo chất lượng

- Xây dựng chính sách chất lượng và kế hoạch chiến lược về đảm bảo chất lượng nhằm hoạch định những hoạt động cần phải tiến hành trên từng lĩnh vực và trong từng thời gian nhất định để duy trì và nâng cao chất lượng.

- Xây dựng và từng bước hoàn thiện chính sách về chất lượng. Chính sách về chất lượng là tuyên ngôn và sự cam kết của Nhà trường trong việc cung cấp cho xã hội những sản phẩm đạt chuẩn. Chính sách đó được cụ thể hóa trên các lĩnh vực: đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; hỗ trợ người học, đầu tư nguồn lực; tổ chức và quản lý... Các chính sách này khuyến khích mọi thành viên trong Nhà trường quan tâm thực hiện công việc được giao một cách tốt nhất.

- Đưa kế hoạch chiến lược về đảm bảo chất lượng vào trong chiến lược phát triển của Nhà trường và của từng đơn vị. Kế hoạch chiến lược về đảm bảo chất lượng phải được xây dựng theo một quy trình chặt chẽ, theo các bước:trên cơ sở sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu của Nhà trường, phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức về chất lượng; xây dựng chương trình hành động vì chất lượng ở mỗi đơn vị; bố trí nguồn lực để thực hiện kế hoạch chiến lược về chất lượng.

3.3. Hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng của Nhà trường

- Xây dựng và phát triển Trung tâm Đảm bảo chất lượng của Trường thành một đơn vị chuyên trách đạt chuẩn quốc gia và hướng theo các chuẩn của Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN). Hoàn thành Đề án Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục và Trung tâm Khảo thí Trường Đại học Vinh trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, phê duyệt.

- Áp dụng chu trình PDCA vào các hoạt động đảm bảo chất lượng trong Nhà trường.

- Xây dựng quy trình quản lý phát triển chương trình đào tạo và đánh giá theo tiếp cận phát triển năng lực người học hướng đến chuẩn khu vực và quốc tế.

- Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Đảm bảo chất lượng và các đơn vị: nghiên cứu ứng dụng các mô hình đảm bảo chất lượng trong nước và quốc tế vào thực tiễn, ban hành các văn bản quy định và hướng dẫn về công tác đảm bảo chất lượngkiểm định chất lượng giáo dụcthực hiện công tác tự đánh giá cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo; tham gia các hoạt động kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xây dựng chương trình hành động cải tiến chất lượng sau đánh giá ngoài, hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng ở các đơn vị; tổ chức các chương trình bồi dưỡng và tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về đảm bảo chất lượng cho cán bộ, viên chức của Trườngmở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng trong và ngoài nước.

- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trong hoạt động đảm bảo chất lượng của Nhà trường theo hướng thống nhất và phân cấp. Thống nhất ở mục tiêu đảm bảo chất lượng, ở chất lượng sản phẩm đầu ra. Phân cấp theo chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức, đơn vị, cá nhân.

- Thiết lập hệ thống thông tin đảm bảo chất lượng trong Nhà trường. Chú trọng sử dụng các phương pháp thống kê trong thu thập, phân tích thông tin. Ban hành công khai các chỉ số thực hiện, quy trình đảm bảo chất lượng, cơ chế đánh giá, kết quả đánh giá để các đơn vị, tổ chức và mọi thành viên trong Nhà trường và các tổ chức được biết, được cùng tham gia xây dựng và thực hiện.

3.4. Xây dựng Văn hóa chất lượng

- Quán triệt cho cán bộ, viên chức và người học nắm vững: Văn hóa chất lượng của Nhà trường là mọi thành viên trong Trường đều nhận biết, làm đúng và làm có chất lượng công việc được giao phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển Nhà trường.

- Văn hóa chất lượng trong Nhà trường thể hiện ở sự cùng nhau quan tâm đến chất lượng đào tạo của đơn vị; tạo lập và duy trì bầu không khí chủ động tìm tòi, sáng tạo một cách thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức hoạt động để cải thiện, nâng cao chất lượng từng công việc (giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phát triển bản thân và cộng đồng...).

- Đưa chính sách đảm bảo chất lượng và kế hoạch đảm bảo chất lượng vào các văn bản của Đảng ủy, Hội đồng Trường, Ban Giám hiệu và phải được cụ thể hóa trong kế hoạch đảm bảo chất lượng của từng đơn vị, cá nhân trong Trường.

- Phát huy truyền thống chất lượng của Nhà trường làm cho truyền thống của Nhà trường là sự tiếp nối và phát triển các tư tưởng, quan điểm và hành vi chất lượng độc đáo và riêng biệt của Nhà trường qua các giai đoạn phát triển, đảm bảo sự phù hợp với tầm nhìn chất lượng, sứ mạng chất lượng và giá trị chất lượng.

- Hình thành hệ giá trị chất lượng trong Nhà trường. Các giá trị chất lượng cần tập trung vào người học và các bên liên quan. Phát triển ý thức, kỹ năng tự học, tự nghiên cứu cho người học; nuôi dưỡng tinh thần, ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo của cán bộ, viên chức và người học.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát định kì các hoạt động xây dựng văn hóa chất lượng trong Nhà trường. Thông qua kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện những điển hình tiêu biểu để phổ biến và nhân rộng, đồng thời, chỉ ra những mặt còn hạn chế, thiếu sót để có các biện pháp cải tiến...

3.5. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác đảm bảo chất lượng

- Xác định rõ mục tiêu tuyển chọn, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác đảm bảo chất lượng để có phẩm chất đạo đức, có kiến thức và kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc, tiếp cận được các mô hình tiên tiến, chương trình hợp tác với n­­ước ngoài trong hoạt động đảm bảo chất lượng.

- Tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác đảm bảo chất lượng theo một quy trình thích hợp, thông qua các đợt tập huấn về đảm bảo chất lượng; qua tự học, tự nghiên cứu và tự trang bị kiến thức khi triển khai các hoạt động đảm bảo chất lượng với phương châm "học trong làm". Lựa chọn những người có năng lực để đào tạo dài hạn tại các cơ sở có uy tín về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đảm bảo chất lượng.

- Đổi mới công tác đánh giá kết quả bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác đảm bảo chất lượng trên hai phương diện: Nhận thức của đối tượng bồi dưỡng về các vấn đề đ­ược bồi dưỡng; khả năng vận dụng những kiến thức đ­ược bồi dưỡng vào thực tế đảm bảo chất lượng ở đơn vị. Sử dụng các hình thức đánh giá nh­ư tự đánh giá, đánh giá giữa các nhóm đối tượng bồi dưỡng và đánh giá của các cấp quản lý (Trường, viện, khoa, phòng, trung tâm, bộ môn, tổ chuyên môn).                           

3.6. Đảm bảo nguồn kinh phí, cơ sở vật chất và trang thiết bị cho hoạt động đảm bảo chất lượng

Bố trí nguồn kinh phí hợp lý để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang, thiết bị, phương tiện làm việc và bồi dưỡng cán bộ phục vụ cho hoạt động đảm bảo chất lượng.

- Chủ động tìm kiếm, khai thác các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ cho hoạt động đảm bảo chất lượng, thông qua các hình thức như: cử người đi đào tạo, bồi dưỡng; mời chuyên gia; tham gia các dự án; xã hội hóa giáo dục...

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Đảng ủy bộ phận, các chi ủy chi bộ, đơn vị, đoàn thể tổ chức việc tuyên truyền, quán triệt tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động thực hiện Nghị quyết này đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người học; đồng thời, xây dựng chương trình hành động hoặc kế hoạch thực hiện Nghị quyết một cách cụ thể, thiết thực và phù hợp với điều kiện của đơn vị, tổ chức.

2. Hội đồng Trường phê duyệt kế hoạch chiến lược đảm bảo chất lượng và quyết nghị các nội dung, giải pháp đảm bảo chất lượng để thực hiện và giám sát.

3. Ban Giám hiệu Nhà trường xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết; định kỳ, đánh giá tình hình thực hiện và kịp thời đề nghị điều chỉnh kế hoạch, giải pháp cụ thể phù hợp với yêu cầu thực tế, bảo đảm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.

4. Ban Tuyên giáo Đảng ủy chủ trì hướng dẫn và tổ chức tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết trong Đảng bộ Trường. Văn phòng Đảng ủy phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết và định kỳ báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng uỷ Trường về kết quả thực hiện Nghị quyết./.