Hướng dẫn mới được ban hành được xây dựng trên cơ sở kế thừa
những nội dung còn phù hợp của Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 5-1-2012 của Ban Bí
thư khóa XI; bổ sung một số nội dung mới để đồng bộ với Quy định số 29-QĐ/TW
của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng; diễn đạt lại những nội
dung mà Hướng dẫn nhiệm kỳ trước chưa đề cập hoặc thể hiện chưa rõ; những vấn
đề qua thực tiễn thi hành Điều lệ Đảng thấy cần thiết phải bổ sung để thực hiện
thống nhất trong toàn Đảng và thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Bí thư Trung
ương. Quy định mới cũng sửa đổi, điều chỉnh một số câu, chữ cho rõ nghĩa, súc
tích hơn, hoặc thống nhất cách trình bày, diễn đạt với các văn bản của Đảng,
Nhà nước mới được ban hành như: Cương lĩnh, Hiến pháp 2013, Quy chế bầu cử
trong Đảng; Quy chế làm việc, Quy chế bầu cử tại Đại hội XII của Đảng; Luật Tổ
chức chính quyền địa phương…
Hướng dẫn mới được kết cấu
với các khoản mục bám sát thứ tự chương, điều trong Điều lệ Đảng để bảo đảm
tính hệ thống và thuận tiện cho việc tra cứu, áp dụng và tổ chức thực hiện.
Theo đó, Hướng dẫn mới có 19 mục, tăng 2 mục so với hướng dẫn của nhiệm kỳ
trước, trong đó: Một mục cũ chia thành hai mục riêng (mục yêu cầu quản lý hồ sơ
và mục giải quyết việc thay đổi họ tên, ngày tháng năm sinh); bổ sung một mục
mới về thành lập đảng bộ khối trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy.
Hướng dẫn số 01-HD/TW
ban hành có một số nội dung mới được bổ sung, sửa đổi như sau:
1. Về trình
độ học vấn của người vào Đảng (Mục 1.2)
So với Hướng
dẫn của nhiệm kỳ trước, trong Hướng dẫn mới đã qui định cụ thể hơn tại Mục
1.2.a về người vào Đảng nếu chỉ có trình độ học vấn “tối thiểu hoàn thành
chương trình bậc tiểu học” phải là những người “đang sinh sống ở miền
núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã
hội đặc biệt khó khăn hoặc ngư dân thường xuyên làm việc ngoài biển, đảo”.
Đồng thời, tại
Mục 1.2.b quy định người vào Đảng “là già làng, trưởng bản, người có uy tín”
cũng phải là những người đang sinh sống ở những địa bàn nêu trên và tối thiểu
phải “biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ” và phải được “ban
thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương đồng ý bằng văn bản trước khi cấp ủy có
thẩm quyền ra quyết định kết nạp”.
2. Về thẩm
tra lý lịch của người vào Đảng (Mục 3.4.c)
Trong nội dung
qui định về phương pháp thẩm tra xác minh, ở Hướng dẫn trước đây đặt ra trường
hợp “nghi vấn” về chính trị thì đến cơ quan an ninh ở trong nước để thẩm tra.
Nay Hướng dẫn mới diễn đạt lại, thay cụm từ “nghi vấn” bằng “chưa rõ” và diễn
đạt lại là” “trường hợp chưa rõ về chính trị thì đến cơ quan an ninh có
trách nhiệm quản lý, theo dõi tổ chức đó để thẩm tra”.
3. Về nghị
quyết giới thiệu của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (Mục 3.6 và Mục 5.4.a)
Ở Hướng dẫn
trước đây, nội dung này chỉ thể hiện trách nhiệm của ban chấp hành Đoàn TNCS Hồ
Chí Minh cơ sở trong việc ra nghị quyết giới thiệu đoàn viên vào Đảng. Hướng
dẫn mới đã bổ sung trách nhiệm của “tập thể chi đoàn cơ sở”, nhằm
bảo đảm thống nhất với qui định về thủ tục này trong tổ chức và hoạt động của
Đoàn Thanh niên, phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức đoàn thanh niên
hiện nay.
4. Về xem
xét, kết nạp đảng viên đối với người vào Đảng thay đổi nơi công tác hoặc nơi cư
trú (Mục 3.9)
Trong Hướng
dẫn trước đây, ở các qui định liên quan đến việc thẩm quyền kết nạp người vào
Đảng chỉ nêu “cấp ủy có thẩm quyền”, để cụ thể hóa hơn cho dễ thực hiện, ở
Hướng dẫn mới bổ sung và thống nhất trình bày “cấp ủy có thẩm quyền kết
nạp đảng viên”.
Bên cạnh đó, ở
Mục 3.9.b qui định cụ thể: “cấp ủy có thẩm quyền kết nạp đảng viên (đảng
ủy được ủy quyền, ban thường vụ đảng ủy được giao quyền, ban thường vụ cấp
ủy cấp huyện và tương đương)”.
5. Về việc
phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ đảng viên dự bị (Mục 3.10)
Mục này có 2
nội dung mới được bổ sung, sửa đổi so với Hướng dẫn trước đây:
Một là, Đảng viên dự bị chuyển sinh hoạt
đảng (chính thức hoặc tạm thời) đến nơi làm việc, học tập, hoặc nơi cư trú mới,
thì chi ủy, đảng ủy cơ sở nơi đảng viên chuyển đi nhận xét vào bản tự kiểm điểm
của đảng viên dự bị “và gửi kèm bản nhận xét về đảng viên dự bị của đảng
viên chính thức được phân công giúp đỡ đảng viên” báo cáo cấp ủy…
Hai là, bổ sung nội dung mới: “Đảng
viên chính thức theo dõi, giúp đỡ đảng viên dự bị trước khi chuyển sinh
hoạt đảng đến tổ chức cơ sở đảng khác, có trách nhiệm gửi bản nhận xét về đảng
viên dự bị. Chi bộ phân công đảng viên chính thức khác tiếp tục theo dõi, giúp
đỡ đảng viên dự bị”.
6. Về kết
nạp đảng viên trong một số trường hợp cụ thể (Mục 6.4.c)
Hướng dẫn
trước đây quy định về kết nạp những người đang làm hợp đồng tại cơ quan, doanh
nghiệp, đơn vị sự nghiệp: “Nếu làm hợp đồng dưới 12 tháng (có thời hạn) thì tổ
chức đảng nơi cư trú xem xét kết nạp”. Nay Hướng dẫn mới bổ sung, sửa đổi như
sau: “Nếu làm hợp đồng có thời hạn, thời gian thực tế làm việc tại cơ
quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp dưới 12 tháng thì tổ chức đảng nơi cư trú
xem xét kết nạp”.
Đồng thời qui
định: “Nếu làm hợp đồng liên tục từ đủ 12 tháng trở lên thì
tổ chức đảng của cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp nơi người đó làm việc
xem xét kết nạp”.
7. Về việc
phát và quản lý thẻ đảng viên (Mục 7)
Bổ sung trong
Hướng dẫn một mục mới (Mục 7.1.c): “Đảng viên bị khai trừ, xóa tên và đưa
ra khỏi Đảng bằng các hình thức khác thì chi bộ có trách nhiệm thu lại thẻ đảng
nộp lên cấp ủy cấp trên trực tiếp”.
Và bổ sung,
sửa đổi ở Mục 7.1.d như sau: “Đảng viên hoặc tổ chức đảng phát hiện việc sử
dụng thẻ đảng viên sai qui định, thẻ đảng bị thất lạc, mất hoặc
làm giả thì phải kịp thời báo cáo cấp ủy”.
8. Về yêu
cầu quản lý hồ sơ đảng viên (Mục
8)
Bổ sung quy
đinh về trách nhiệm của đảng viên và cấp ủy trong việc quản lý hồ sơ đảng viên
(Mục 8.3). Để khắc phục tình trạng không thực hiện nghiêm chế độ báo cáo về sự
biến động của đảng viên của đảng bộ lên cấp ủy cấp trên, làm khó khăn trong
công tác tổng hợp, thống kê, Hướng dẫn mới bổ sung quy định trách nhiệm của cấp
ủy cơ sở trong việc kiểm tra, bổ sung danh sách đảng viên; viết “Phiếu báo đảng
viên đã từ trần”, “Phiếu báo đảng viên ra khỏi Đảng” chuyển giao cùng hồ sơ của
những đảng viên này lên cấp ủy cấp trên trực tiếp “chậm nhất 30 ngày làm
việc” kể từ khi lập phiếu báo”.
Trong mục này
và một số nội dung khác liên quan, trong việc diễn đạt các tổ chức đảng bị giải
tán, giải thể, sáp nhập có bổ sung cụm từ “hợp nhất” cho thống
nhất cách diễn đạt với Qui định thi hành Điều lệ Đảng.
9. Về giải
quyết việc thay đổi họ tên và ngày tháng năm sinh
Ở Hướng dẫn
trước đây có nội dung (8.2.h. Giải quyết việc thay đổi họ tên, ngày tháng năm
sinh), trong Hướng dẫn mới toàn bộ nội dung này được tách ra và lập thành một
Mục mới (Mục 9).
Về giải quyết
việc thay đổi họ, tên giữ như Hướng dẫn khóa XI, riêng nội dung thay đổi, điều
chỉnh ngày tháng năm sinh được biên tập lại, bổ sung Mục 9.2 như sau:
“Kể từ
ngày 18-8-2016, không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên; thống nhất xác
định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ đảng viên (hồ sơ gốc) khi
được kết nạp vào Đảng”. Đây là sự bổ sung, thống nhất với Thông báo số
13-TB/TW ngày 17-8-2016 của Ban Bí thư.
10. Về
trách nhiệm của đảng viên và cấp ủy về chuyển sinh hoạt đảng (Mục 10)
Hướng dẫn có
quy định về trách nhiệm của tỉnh ủy và tương đương, trách nhiệm của Đảng ủy
Ngoài nước trong việc làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên đi lao
động, công tác, học tập ở nước ngoài. Hướng dẫn mới nêu rõ việc chuyển sinh
hoạt đảng: “thực hiện theo hướng dẫn của Đảng ủy Ngoài nước” (Mục
10.1.đ).
Về thủ tục
chuyển sinh hoạt đảng chính thức, ở trong nước, Hướng dẫn mới bổ sung đối tượng
là bộ đôi biên phòng tăng cường cho cấp xã nơi biên giới hải đảo và qui định cụ
thể như sau: “Đảng viên được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển công tác sang
đơn vị khác, được nghỉ hưu, nghỉ mất sức, phụ viên hoặc thay đổi nơi cư trú lâu
dài; đảng viên đi công tác biệt phái, tăng cường cho cấp xã nơi biên
giới, hải đảo (đối với Bộ đội Biên phòng), hoặc đến làm việc theo hợp
đồng không xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên ở các
cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và hội quần chúng, thì giải quyết việc
chuyển sinh hoạt đảng…”.
11. Việc
xóa tên đảng viên trong danh sách đảng viên (Mục 11.1)
Để khắc phục
tình trạng đảng viên xin ra khỏi Đảng hoặc cần phải xóa tên trong danh sách
đảng viên, việc xóa tên đảng viên cũng phải bảo đảm quy trình, trong thực tế
đảng viên bất hợp tác, chi bộ yêu cầu đến lần thứ 3 nhưng đảng viên vẫn cố tình
không thực hiện. Trong trường hợp này, Hướng dẫn mới quy định chi bộ thực hiện
quy trình xóa tên đảng viên, nội dung bổ sung như sau:
“Đảng viên làm
bản tự kiểm điểm và kiểm điểm trước chi bộ. Trường hợp chi ủy đã yêu cầu đến
lần thứ 3 nhưng đảng viên đó không làm bản kiểm điểm hoặc không đến dự họp để
kiểm điểm thì chi bộ vẫn xem xét, xử lý đối với đảng viên đó. Trường
hợp đảng viên cố tình không làm bản kiểm điểm theo yêu cầu của chi bộ thì chi
bộ thực hiện ngay quy trình đề nghị xóa tên đảng viên”.
12. Về đại
biểu ở đại hội đại biểu và đảng viên ở đại hội đảng viên (Mục 13)
So với nội
dung tương tự trong Hướng dẫn trước đây, thì Hướng dẫn mới đã lược bỏ toàn bộ
các nội dung liên quan đến việc tiến hành đại hội 2 vòng và các nội dung liên
quan. Cụ thể là đã bỏ Mục 12.1. “Đối với các đảng bộ tiến hành đại hội 2 vòng”
và bỏ Mục 12.3 về thành viên đoàn chủ tịch, đoàn thư ký, ban thẩm tra tư cách
đại biểu… ở đại hội vòng 2.
13. Về quy
trình tổ chức đại hội (Mục
14).
Tại Mục 14.1,
qui định tại phiên trù bị, đại hội “có thể thảo luận văn kiện của cấp
trên”. Đây là nội dung mới, được bổ sung cho phù hợp với đại hội đảng
bộ các cấp nhiều nhiệm kỳ qua.
Về các bước
tiến hành đại hội, Hướng dẫn mới đã qui định cụ thể như sau:
- Trước đây,
trong quy trình tổ chức đại hội qui định trình bày báo cáo chính trị trước, sau
đó mới trình bày báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu; Nay Hướng dẫn mới đảo lại
trình tự này, ngay sau diễn văn khai mạc là phần trình bày báo cáo thẩm tra tư
cách đại biểu.
- Bổ sung mới
về trình tự trình bày, ngay sau phần báo cáo chính trị là “báo cáo kiểm
điểm của ban chấp hành trong nhiệm kỳ”.
- Trước khi bế
mạc đại hội có nội dung thông qua nghị quyết đại hội, Hướng dẫn mới đã bỏ phần
“chương trình hành động” như hướng dẫn trước đây vì không phù hợp với
thực tế ngay sau khi có nghị quyết đại hội không thể ban hành ngay được chương
trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội.
14. Việc
chỉ định bổ sung hoặc tăng thêm cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ (Mục 15)
Mục 15.3 được
bổ sung, sửa đổi để thống nhất thực hiện như sau:
“Những
đồng chí đã được đại hội hoặc hội nghị ban chấp hành giới thiệu vào danh sách
bầu cử cấp ủy, ban thường vụ nhưng kết quả không quá 50% số phiếu bầu thì việc
xem xét, bổ sung vào cấp ủy, ban thường vụ cần đánh giá, cân nhắc kỹ về uy tín,
năng lực, cơ cấu cụ thể và chỉ thực hiện sau đại hội hoặc hội nghị ban chấp
hành ít nhất 12 tháng, đồng thời phải được ít nhất trên một nửa số cấp ủy viên
đương nhiệm đồng ý”.
15. Về
thành lập đảng bộ khối trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy (Mục 16).
Đây là nội
dung mới được bổ sung để cụ thể hóa Quy định thi hành Điều lệ Đảng, cụ thể như
sau:
“Việc
thành lập, giải thể đảng bộ khối trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung
ương do tỉnh ủy, thành ủy quyết định, sau khi được Ban Bí thư đồng ý”.
16. Việc
lập cơ quan tham mưu, giúp việc và đơn vị sự nghiệp của cấp ủy (Mục 17)
Trong Hướng
dẫn mới, bổ sung ở Mục 17.2. Đảng ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng
ở cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập được bố trí không quá 15 cán bộ chuyên
trách. “Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quyền tự chủ, tự
chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, nhân sự và tài
chính được tự quyết định số lượng cán bộ chuyên trách công tác đảng cho phù hợp
với điều kiện thực tế”.
17. Về tặng
Huy hiệu Đảng (Mục
18)
Thống nhất với
Qui định thi hành Điều lệ Đảng, Hướng dẫn mới cũng qui định bổ sung Huy
hiệu Đảng 45 năm và nêu rõ ở Mục 18.3 “Mức tặng phẩm kèm theo
Huy hiệu Đảng thực hiện theo Qui định của Ban Bí thư và hướng dẫn của Văn phòng
Trung ương Đảng”. Để thống nhất và đồng bộ với qui định, hướng dẫn về bổ
sung Huy hiệu Đảng 45 năm, các cơ quan liên quan ở Trung ương đã và đang triển
khai xây dựng qui định và hướng dẫn mới, kịp thời triển khai thực hiện ở cấp ủy
các cấp trong thời gian tới.
Ở mục 18.5, về
trách nhiệm của cấp ủy về xét tặng Huy hiệu Đảng, trong Hướng dẫn mới đã qui
định trách nhiệm của cấp ủy cấp cơ sở trong việc: “Thu hồi Huy hiệu Đảng của
đảng viên bị khai trừ khỏi Đảng, xóa tên gửi lên cấp ủy cấp
trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng”. Như vậy, trường hợp đảng viên đã
được tặng Huy hiệu Đảng, nhưng bị khai trừ hoặc xóa tên thì phải thu hồi lại
huy hiệu này.
18. Về khen
thưởng đối với tổ chức đảng và đảng viên (Mục 19)
So với Hướng
dẫn trước đây, về nội dung này được qui định trong Hướng dẫn mới có bổ sung,
sửa đổi trong việc xét tặng giấy khen, bằng khen cho tổ chức đảng đạt tiêu
chuẩn “trong sạch, vững mạnh”, trước đây các tổ chức đảng đạt tiêu chuẩn “trong
sạch, vững mạnh” 3 năm liền thì nay qui định cao hơn, phải đạt tiêu
chuẩn “trong sạch, vững mạnh” 5 năm liền; tương tự như vậy đối với khen
thưởng đảng viên đạt tiêu chuẩn “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” 5 năm
liền, thay vì qui định 3 năm liền như hướng dẫn trước đây./.