Tên luận án: Dạy học vật lí đại cương cho sinh viên đại học khối ngành kĩ thuật theo tiếp cận CDIO
Chuyên ngành: Lí luận và phương pháp dạy học bộ môn Vật lí
Mã số: 9140111
Họ và tên NCS: Tạ Thị Kim Tuyến
Người hướng dẫn khoa học: 1) PGS.TS. Phạm Thị Phú; 2) PGS.TS. Phạm Kim Chung
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Vinh
Những kết luận mới của luận án
1. Có thể đổi mới phương pháp giảng dạy môn Vật lí đại cương (nói riêng), các môn học thuộc khối kiến thức giáo dục đại cương (nói chung) của chương trình đào tạo đại học khối ngành kĩ thuật theo tiếp cận CDIO ngay cả khi chương trình đào tạo chưa chuyển đổi theo CDIO; Cách làm này được gọi là Dạy học môn học theo tiếp cận CDIO, hoặc đổi mới đào tạo theo CDIO cấp độ môn học.
2. Để đạt được các tiêu chuẩn CDIO về phương pháp, phương tiện, môi trường học tập, mô hình lớp học đảo ngược 4 pha sau đây là một lựa chọn khả thi và hiệu quả:
Pha 1 (Học trực tiếp trên lớp). Trải nghiệm cuốn hút, giao nhiệm vụ;
Pha 2 (Cá nhân học trên Web). Khám phá lĩnh hội kiến thức mới;
Pha 3 (Làm việc nhóm bên ngoài lớp học). Tạo ra ý nghĩa: thiết kế, chế tạo sản phẩm (mô hình, sản phẩm vật chất, video, bài power point,…);
Pha 4. (Học trực tiếp trên lớp). Trình diễn: báo cáo sản phẩm, đánh giá, tự đánh giá.
3. Trong phạm vi 10 trường đại học được khảo sát, dạy học môn Vật lí đại cương ở các chương trình đào tạo đại học khối ngành kĩ thuật chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn CDIO về phương pháp, phương tiện và điều kiện học tập.
4. Để tổ chức dạy học môn Vật lí đại cương chương trình đào tạo đại học khối ngành kĩ thuật theo tiếp cận CDIO, giảng viên cần thực hiện quy trình 6 bước sau:
Bước 1. Xây dựng chuẩn đầu ra môn học chi tiết đến cấp độ 3;
Bước 2. Xây dựng đề cương chi tiết môn học, nó là một bản mô tả chi tiết gồm các yếu tố: mục tiêu môn học; CĐR môn học; nội dung môn học; cách thức tiến hành giảng dạy môn học; lịch trình chi tiết về thời gian, nội dung giảng dạy; phương tiện, học liệu; chuẩn bị của người học; kế hoạch, phương pháp, công cụ đánh giá mức độ đạt được các CĐR tương ứng với từng nội dung;
Bước 3. Xây dựng hệ thống học liệu phù hợp với mô hình lớp học đảo ngược (có thể số hóa các tài liệu học tập truyền thống, xây dựng và vận hành website hỗ trợ học tập);
Bước 4. Thiết kế các dự án học tập;
Bước 5. Tổ chức dạy học;
Bước 6. Đánh giá kết quả học tập, so sánh với chuẩn đầu ra. Rút kinh nghiệm, điều chỉnh.
5. Website là một công cụ hỗ trợ tốt cho dạy học theo tiếp cận CDIO với mô hình lớp học đảo ngược.
6. Đánh giá trong dạy học theo định hướng phát triển năng lực nói chung, trong dạy học theo tiếp cận CDIO nói riêng cần sử dụng đa dạng các hình thức, phương pháp, công cụ đánh giá. Bên cạnh các hình thức đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì hiện hành, cần sử dụng bổ sung các hình thức đánh giá theo tiêu chí, đánh giá theo chuẩn và đánh giá đồng đẳng. Để thực hiện được điều đó, bên cạnh việc sử dụng các công cụ đánh giá truyền thống như đề kiểm tra viết (tự luận), đề kiểm tra trắc nghiệm khách quan, cần bổ sung công cụ đánh giá có mô tả rõ ràng, chi tiết, hệ thống các tiêu chuẩn, tiêu chí, mức độ mà người học phải đạt được để nhận được điểm số hoặc đánh giá tương ứng khi thực hiện một nhiệm vụ cụ thể.
Luận án NCS Tạ Thị Kim Tuyến