Năm 2018, năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao, triển khai quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đà chuyển biến tích cực; năm Việt Nam có nhiều hoạt động đối ngoại sôi nổi và tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế quan trọng. Để tiếp tục phát huy những thành tích đạt được của năm 2018, tạo sự thống nhất cao trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đề ra, Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn công tác tuyên truyền như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Khẳng định sự đúng đắn trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội; sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, các tầng lớp nhân dân. Nhận thức rõ tác động của tình hình thế giới đến nền kinh tế và sự phát triển của đất nước.
- Tạo sự phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trước những thành tựu phát triển trong năm 2018; sự đồng thuận nhất trí cao về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; cổ vũ ý chí quyết tâm, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, phát huy nội lực, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước góp phần hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, chủ động và tích cực tham gia tiến trình hội nhập quốc tế.
- Công tác tuyên truyền kinh tế - xã hội cần triển khai tích cực với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo; bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gắn với tiến trình vận động của nền kinh tế - xã hội, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, của từng địa phương; kết hợp lồng ghép với tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước theo tinh thần đổi mới, thiết thực, hiệu quả.
II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN
1. Tuyên truyền những thành tựu đạt được trên lĩnh vực kinh tế - xã hội năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
- Làm rõ kết quả đạt được trên các mặt: Hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch, trong đó 9 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát. Chất lượng tăng trưởng ngày càng cải thiện, mô hình tăng trưởng dần dịch chuyển sang chiều sâu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm được kiểm soát ở mức 3,54%. Tăng trưởng GDP đạt 7,08% vượt chỉ tiêu 6,7%. Quy mô kinh tế, thu nhập bình quân đầu người tăng hơn trước. Các chính sách, chế độ đối với người có công, các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội được quan tâm thực hiện; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tiếp tục được đẩy mạnh, năng xuất lao động được cải thiện. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; văn hóa, thể dục, thể thao; đổi mới giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng con người; phát triển khoa học và công nghệ, phong trào khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo đạt nhiều kết quả tích cực. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu có nhiều tiến bộ. Cải cách hành chính, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả cụ thể rõ rệt. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Kết quả này đã tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân trong quá trình đổi mới. Khẳng định những kết quả đạt được là do có vai trò lãnh đạo của Đảng, sự cải cách, đổi mới của Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân.
- Bên cạnh phản ánh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền cần làm rõ những khó khăn, thách thức, những khuyết điểm, hạn chế và phương hướng khắc phục: Tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế từng bước được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, khả năng chống chịu trước những biến động bên ngoài còn hạn chế. Tình hình sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực còn khó khăn, vướng mắc, chậm được tháo gỡ. Việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gặp nhiều khó khăn về nguồn lực; một số công trình, dự án chậm tiến độ. Xuất khẩu của các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế trong nước vẫn còn những tồn tại, hạn chế, tỷ lệ còn thấp so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bị thiên tai còn cao; nguy cơ tái nghèo lớn. Tình hình an ninh trật tự tại một số địa bàn, trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ còn diễn biến phức tạp.
- Tuyên truyền mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã nêu trong Kết luận số 37-KL/TW ngày 17/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 69/2018/QH14 ngày 8/11/2018 của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ. Phân tích tình hình bối cảnh trong nước và thế giới năm 2019, những thuận lợi và khó khăn tác động trước mắt và lâu dài đến nền kinh tế nước ta. Phản ánh toàn diện các mặt của đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội và chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân thực hiện các mục tiêu đã đề ra với quyết tâm cao nhất.
- Tiếp tục truyên truyền việc triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
2. Tiếp tục tuyên truyền nghị quyết của Đảng trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là những nghị quyết ban hành trong năm 2018 và nghị quyết các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) năm 2019 như:
a. Tuyên truyền về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII).
- Tuyên truyền mục tiêu tổng quát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước...
- Tuyên truyền 5 chủ trương lớn; 3 khâu đột phá được Ban Chấp hành Trung ương xác định: (1) Hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới, phát triển mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành kinh tế biển, các vùng biển, ven biển... (2) Phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, khoa học, công nghệ mới, thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, nhân lực chất lượng cao. (3) Phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, mạng lưới giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, các khu công nghiệp, khu đô thị, các vùng biển với các cảng biển dựa trên hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, kết nối chiến lược Bắc - Nam, Đông - Tây giữa các vùng trong nước và với quốc tế. Để thực hiện các mục tiêu, chủ trương về phát triển kinh tế biển Việt Nam cần tập trung phân tích rõ các nhóm giải pháp chủ yếu.
b. Tiếp tục thông tin tuyên truyền về đóng góp của ngành du dịch đối với nền kinh tế; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp đã được xác định trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.
c. Tuyên truyền về Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” gắn với công cuộc chống tham nhũng, lãng phí, những vi phạm trên lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
3. Tuyên truyền nội dung các kỳ họp của Quốc hội; các phiên họp thường kỳ Chính phủ; thông tin về các Nghị quyết, Luật mới được Quốc hội thông qua và các chính sách mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.
- Trong quá trình tuyên truyền, cần đề cao trách nhiệm chỉ đạo của các cấp, các ngành, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và trách nhiệm của mỗi người dân đối với sự phát triển của đất nước.
- Phản ánh sự tác động và việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
4. Tiếp tục tuyên truyền thực hiện những chính sách, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam, nâng cao trình độ phát triển của nền kinh tế (đã nêu trong Nghị quyết 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ); kết quả thực hiện cải cách “chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)” để đánh giá chất lượng và năng lực quản lý kinh tế của các tỉnh và thành phố ở Việt Nam.
Nhấn mạnh quá trình xây dựng Chính phủ “kiến tạo”, cải cách hành chính; hành trình khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam; tiếp tục cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.
5. Tuyên truyền về hội nhập quốc tế.
- Tiếp tục tuyên truyền quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta như: Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội nhập quốc tế; tinh thần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia - dân tộc; bối cảnh mới trong nước và quốc tế năm 2019 tác động đến quá trình hội nhập của Việt Nam.
- Những hoạt động đối ngoại lớn của Đảng và Nhà nước ta, các hoạt động ngoại giao nhân dân tiêu biểu, các hoạt động của Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế, tham gia ASEM, APEC, Cộng đồng ASEAN...; những nỗ lực hoàn thành khuôn khổ pháp lý, chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
- Những đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác kinh tế đa phương và tự do hóa thương mại thông qua quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand), với các nước tham gia chiếm một nửa dân số thế giới và 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu.
- Việc Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021: Vai trò, những lợi ích đối với quốc gia; cơ hội để nâng cao vị thế trên trường quốc tế và đề xuất, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến khu vực và thế giới.
- Tiếp tục tuyên truyền các nội dung về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đem lại lợi ích cụ thể cho tất cả các nước tham gia sau khi có hiệu lực vào năm 2019. Với Việt Nam, CPTPP thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hiệp định sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Lợi ích mang tính lâu dài là giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế, cơ chế trong nước, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Là nước tham gia từ đầu thì Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.
- Trách nhiệm thực hiện các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
6. Phản ánh thực tiễn triển khai các chủ trương, chính sách về văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, việc làm, y tế, các chính sách về an sinh xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, bài trừ các tệ nạn xã hội; an toàn giao thông, phòng chống và ứng phó có hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu.
7. Đẩy mạnh tuyên truyền phong trào thi đua yêu nước. Phát hiện, cổ vũ, biểu dương nhân tố mới và nhân rộng mô hình mới, cách làm hay, điển hình tiên tiến trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.
8. Đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc về tình hình kinh tế - xã hội nước ta, xuyên tạc quan điểm, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước ta.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội
- Tham mưu cho cấp uỷ và lãnh đạo mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đạo công tác quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội; chương trình hành động, nhiệm vụ, giải pháp và phát động phong trào thi đua yêu nước thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
- Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 221-QĐ/TW ngày 27/4/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân”.
- Nắm bắt tư tưởng, tâm trạng cán bộ, đảng viên, nhân dân trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội; chủ động dự báo, định hướng những vấn đề tư tưởng nảy sinh trước những tác động của tình hình trong nước, khu vực và quốc tế.
- Tăng cường hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; tổ chức các hội thảo, tọa đàm, tập huấn cho cán bộ tuyên truyền, phóng viên về công tác tuyên truyền kinh tế - xã hội.
2. Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông
- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, định hướng công tác thông tin tuyên truyền, cung cấp tài liệu tuyên truyền cho các cơ quan báo chí và tổ chức tập huấn cho phóng viên, biên tập viên.
- Chủ trì theo dõi, đôn đốc việc cung cấp thông tin, tuyên truyền các sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật của Việt Nam 2019.
3. Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao
- Hướng dẫn các cơ quan ngoại giao và phóng viên báo chí nước ngoài đưa tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội; các hoạt động hội nhập quốc tế của Việt Nam; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.
- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp cho các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin trong nước và nước ngoài về các sự kiện đối ngoại lớn liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
4. Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Chỉ đạo hướng dẫn tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao du lịch, triển lãm, cổ động trực quan về các thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc… Đổi mới và đa dạng hóa phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch. Tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của kết nối, hợp tác, chia sẻ lợi ích giữa các đối tác trọng chuỗi dịch vụ du lịch. Chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn tài liệu tuyên truyền phát triển du lịch cộng đồng, lan truyền và nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng và phát triển du lịch bền vững.
5. Ban cán sự đảng các bộ, ngành thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương theo tinh thần Quyết định 221-QĐ/TW ngày 27/4/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng:
- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, định hướng dư luận xã hội và báo chí về các chương trình, dự án, sự kiện thuộc bộ, ngành triển khai thực hiện liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân.
- Tổ chức các hội nghị thông tin, tuyên truyền, các cuộc hội thảo, họp báo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, về các chính sách, sự kiện quan trọng do bộ, ngành chủ trì; tham vấn ý kiến của các nhà nghiên cứu, lãnh đạo, quản lý trên các lĩnh vực, kịp thời cung cấp thông tin về những vấn đề dư luận quan tâm.
- Đối với những vụ việc phức tạp, nhạy cảm gây bức xúc trong dư luận, cần chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương để có phương án cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền, không để xảy ra tình trạng gây mất ổn định tình hình chính trị - trật tự an toàn xã hội.
- Biên soạn và phát hành các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền về các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và những sự kiện tiêu biểu.
6. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội:
- Tuyên truyền, vận động phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong mọi lĩnh vực, tạo sự đồng thuận xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
- Tích cực thực hiện và giám sát việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của đất nước, ngành, địa phương.
7. Các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương
- Bám sát định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước để tuyên truyền quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
- Nâng cao chất lượng chuyên trang, chuyên mục, diễn đàn, tin, bài phản ánh tình hình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và khí thế thi đua lao động, sản xuất của các cấp, các ngành, các địa phương.
- Cổ vũ, động viên các phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc. Phát hiện, biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
- Chủ động thông tin, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, góp phần định hướng tư tưởng, dư luận xã hội trước những vụ việc kinh tế - xã hội phức tạp, nhạy cảm.
Ban Tuyên giáo Trung ương