Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kế hoạch số 25-KH/ĐU ngày 10/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ Trường và Hướng dẫn số 31-HD/ĐU ngày 05/2/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ Trường về tổ chức đại hội các đảng bộ bộ phận nhiệm kỳ 2020 - 2025, các chi bộ nhiệm kỳ 2020 - 2022 và các văn bản hướng dẫn của Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An, Ban Chấp hành Đảng bộ Trường hướng dẫn thảo luận và tổ chức lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Vinh lần thứ XXXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (sau đây gọi tắt là Dự thảo Văn kiện) như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Việc thảo luận và tổng hợp ý kiến đóng góp vào Dự thảo Văn kiện nhằm tập hợp trí tuệ của cán bộ, đảng viên và người học tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của Đảng bộ Nhà trường; thông qua đó phát huy dân chủ, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ; giúp cấp ủy, lãnh đạo các tổ chức đảng, đơn vị, đoàn thể nắm được tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người học để bổ sung, hoàn thiện định hướng xây dựng và phát triển Nhà trường trong nhiệm kỳ mới.

2. Bám sát nội dung gợi ý thảo luận đối với Dự thảo Văn kiện và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chấp hành Đảng bộ Trường; tổng hợp đầy đủ, trung thực, chính xác các ý kiến thảo luận tại đại hội các đảng bộ bộ phận, chi bộ và ý kiến tham gia góp ý của cán bộ, viên chức, đoàn viên, hội viên và người học. Ý kiến thảo luận phải được phân định, sắp xếp và tổng hợp theo nhóm nội dung các vấn đề đã được hướng dẫn thảo luận và trình tự tiêu đề trong mội Dự thảo Văn kiện.

3. Bản tổng hợp vừa phải có tính khái quát, vừa phải cụ thể, thể hiện đúng tinh thần của các ý kiến và làm rõ xu hướng của các loại ý kiến đối với vấn đề thảo luận; nêu rõ lập luận của những ý kiến cá biệt có nội dung sâu sắc, nhưng không bình luận, nhận xét theo ý kiến chủ quan của người tổng hợp. Mỗi tổ chức đảng, đơn vị, đoàn thể lập một Báo cáo tổng hợp ý kiến của đại hội đảng bộ bộ phận, chi bộ và ý kiến tham gia góp ý của cán bộ, viên chức, đoàn viên, hội viên và người học trong đơn vị mình.

II. NỘI DUNG THẢO LUẬN, GÓP Ý

Đề nghị các tổ chức đảng, đơn vị, đoàn thể tập trung thảo luận, góp ý về các nội dung sau đây:

1. Về chủ đề Đại hội

Ban Chấp hành Đảng bộ Trường khóa XXXđã đề xuất chủ đề Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường lần thứ XXXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; đẩy mạnh hợp tác, sáng tạo; đổi mới căn bản, toàn diện, xây dựng Trường Đại học Vinh thành Đại học Vinh trọng điểm quốc gia".

Chủ đề Đại hội thể hiện mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cả nhiệm kỳcó ý nghĩa quy tụ sức mạnh của toàn Đảng bộ Nhà trường.

Đề nghị cho ý kiến về chủ đề Đại hội, cần điều chỉnh, bổ sung gì?

2. Về phương châm chỉ đạo Đại hội

Ban Chấp hành Đảng bộ Trường khóa XXXI đã đề xuất phương châm chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường lần thứ XXXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: "Dân chủ - Kỷ cương - Hợp tác - Sáng tạo - Phát triển".

Phương châm chỉ đạo Đại hội bám sát tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, kế thừa phương châm chỉ đạo xuyên suốt của Đại hội Đảng bộ Trường các nhiệm kỳ trước, bổ sung triết lý giáo dục của Nhà trường và yêu cầu đang đặt ra hiện nay.

Đề nghị cho ý kiến về phương châm chỉ đạo Đại hội, cần điều chỉnh, bổ sung gì?

3. Về Dự thảo Văn kiện Đại hội

- Phần đánh giá tình hình 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường lần thứ XXXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 cần tập trung thảo luận, góp ý:

+ Phần khái quát về thuận lợi và khó khăn.

+ Về kết quả đạt được: những kết quả nêu trong Dự thảo Văn kiện đã hợp lý, đầy đủ hay chưa? Cần đánh giá, sửa đổi, bổ sung nội dung nào; sửa đổi, bổ sung như thế nào?

+ Chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm cần phải tập trung khắc phục mà dự thảo chưa nêu hoặc chưa làm rõ.

+ Dự thảo đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm của nhiệm kỳ 2015 - 2020, như vậy đã đầy đủ chưa, cần điều chỉnh, bổ sung gì.

- Phần phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2020 - 2025 cần tập trung thảo luận, góp ý cụ thể về các phần:

+ Dự báo tình hình trong thời gian tới.

+ Định hướng, quan điểm phát triển

+ Mục tiêu tổng quát.

+ Các chỉ tiêu chủ yếu.

+ Một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

- Ngoài các nội dung trên: có thể thảo luận, góp ý về bố cục văn bản, văn phong, chính tả và các vấn đề khác liên quan đến hoạt động của Đảng bộ Nhà trường trong nhiệm kỳ qua và định hướng trong thời gian tới cần phải bổ sung vào Dự thảo Văn kiện.

III. ĐỐI TƯỢNG, HÌNH THỨC TỔ CHỨC THẢO LUẬN VÀ LẤY Ý KIẾN GÓP Ý

1. Đối tượng tham gia thảo luận và lấy ý kiến góp ý

Dự thảo Văn kiện cần được tổ chức thảo luận và lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức đảng, đơn vị, đoàn thể thuộc và trực thuộc Trường và các tậpthể, cá nhân có tâm huyết, quan tâm đến hoạt động của Đảng bộ Nhà trường.

2. Hình thức tổ chức

- Đối với các đảng bộ bộ phận, chi bộ: tổ chức thảo luận và lấy ý kiến góp ý tại đại hội hoặc hội nghị chuyên đề.

- Đối với các đơn vị: tổ chức hội nghị cán bộ, viên chức của đơn vị để thảo luận, góp ý.

- Đối với các đoàn thể cấp Trường: tổ chức thảo luận, góp ý trong hội nghị Ban Chấp hành hoặc Ban Chấp hành mở rộng.

3. Cách thức thảo luận

- Người chủ trì nêu mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thảo luận và lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Văn kiện, quán triệt yêu cầu phát huy dân chủ, trí tuệ và tâm huyết của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người học tập trung đóng góp ý kiến theo các nội dung của Hướng dẫn này.

- Đại biểu có thể tham gia ý kiến chung các nội dung Dự thảo Văn kiện hoặc tập trung góp ý sâu các nội dung theo lĩnh vực phụ trách, nội dung sở trường hoặc vấn đề quan tâm. Việc góp ý cần tiến hành theo trình tự các nội dung nêu trong Dự thảo Văn kiện, tránh lặp lại ý kiến người khác đã nêu.

- Ban Chấp hành Đảng bộ Trường khuyến khích các cá nhân phát huy năng lực, trí tuệ và kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, đào sâu suy nghĩ, góp ý bằng văn bản về những vấn đề quan tâm, đặc biệt là đề xuất, hiến kế nhiệm vụ, giải pháp mới, các phong trào, các cuộc vận động của Đảng bộ Trường trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

IV. HƯỚNG DẪN VIẾT BẢN TỔNG HỢP Ý KIẾN

1. Bố cục bản tổng hợp

Bản tổng hợp gồm 3 phần:

1.1. Phần nhận xét chung (có thể không cần tiêu đề)

Nêu khái quát về số lượng ý kiến phát biểu, không khí thảo luận (có hay không sôi nổi, trao đổi, tranh luận…); xu hướng chung (nhất trí, không nhất trí…); nhận xét về quá trình chuẩn bị văn kiện, chất lượng văn kiện (tính công phu, nghiêm túc, nội dung, bố cục…).

1.2. Phần tổng hợp ý kiến góp ý về nội dung

Tổng hợp từng vấn đề theo trình tự bố cục của Dự thảo Văn kiện. Trong phần này nếu có ý kiến góp ý, nhận xét chung cho Dự thảo Văn kiện thì có phần những vấn đề chung, trước khi tổng hợp ý kiến của từng vấn đề theo trình tự bố cục của Dự thảo Văn kiện. Tương tự, trong mỗi vấn đề nếu có ý kiến góp ý chung thì tổng hợp những ý kiến chung trước khi nêu những góp ý cụ thể cho vấn đề đó.

1.3. Phần đề xuất, kiến nghị

Tổng hợp những đề xuất, kiến nghị của cán bộ, đảng viên và học sinh, sinh viên, học viên về những vấn đề có liên quan đến nội dung văn kiện, quá trình chuẩn bị Đại hội và cách lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Văn kiện.

2. Xác định số lượng và mức độ ý kiến

2.1. Số lượng ý kiến

Để việc tổng hợp được chính xác, đánh giá được xu hướng của các loại ý kiến, khi tiến hành tổng hợp ý kiến thảo luận, cần phản ánh được số lượng ý kiến phát biểu so với số đại biểu tham dự.

Đối với đại hội hoặc hội nghị đảng bộ bộ phận, chi bộ: Nêu cụ thể số đảng viên tham dự, số lượng ý kiến phát biểu. Đối với đại hội đảng bộ bộ phận, ngoài tổng hợp số lượng ý kiến phát biểu còn phải tổng hợp số lượng ý kiến được tập hợp từ báo cáo của Chi bộ cán bộ và Chi bộ học viên, sinh viên.

Đối với ý kiến của cán bộ, viên chức, đoàn viên, hội viên và người học phải lượng hóa được số người tham gia ý kiến qua các hội nghị lấy ý kiến của các đơn vị, đoàn thể và văn bản tham gia ý kiến gửi đến.

2.2. Mức độ ý kiến

Khi tổng hợp ý kiến đối với từng vấn đề cụ thể, nhất là những vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau, cần cố gắng lượng hóa, thống kê để đánh giá đúng thực chất các loại ý kiến và mức độ của các ý kiến khác nhau.

Đối với chi bộ và đảng bộ bộ phận, cần tổng hợp rõ số lượng các loại ý kiến (đồng ý, không đồng ý…).

Đối với các đơn vị, đoàn thể tùy điều kiện về số lượng người góp ý cần đánh giá theo các mức độ sau:

- "Hầu hết ý kiến": Sử dụng khi có khoảng 3/4 trở lên số ý kiến có cùng chính kiến.

- "Đa số ý kiến": Sử dụng khi có khoảng trên 1/2 đến dưới 3/4 số ý kiến có cùng chính kiến.

- "Nhiều ý kiến": Sử dụng khi có khoảng trên 1/4 đến dưới 1/2 số ý kiến có cùng chính kiến.

- "Một số ý kiến": Sử dụng khi có dưới 1/4 số ý kiến có cùng chính kiến.

- "Có ý kiến": Sử dụng trong trường hợp có một vài ý kiến có sự khác biệt hoặc đáng lưu ý về một vấn đề nào đó.

Những ý kiến góp ý bằng văn bản được tổng hợp như ý kiến phát biểu trực tiếp. Đối với những vấn đề cần lấy phiếu biểu quyết thì phải nêu rõ kết quả biểu quyết.

3. Những vấn đề phải phản ánh nguyên văn

- Những ý kiến đề nghị bổ sung, sửa đổi, thay đổi cấu trúc, tiêu đề hoặc một đoạn, một câu, một từ hoặc một cụm từ cần được phản ánh đầy đủ, ghi nguyên văn, đồng thời phải nêu rõ ràng ở dòng, đoạn, trang nào trong Dự thảo Văn kiện.

- Đối với những ý kiến góp ý có lập luận sâu sắc khác với Dự thảo Văn kiện, cần được ghi lại đầy đủ, chính xác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các tổ chức đảng, đơn vị, đoàn thể căn cứ vào tình hình cụ thể để phân công, bố trí cán bộ làm công tác tổng hợp theo đúng Hướng dẫn này. Trong quá trình tổng hợp ý kiến, nếu có vấn đề gì chưa rõ, cần phản ánh kịp thời để Ban Chấp hành Đảng bộ Trường hướng dẫn bổ sung, điều chỉnh.Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận, góp ý của các tổ chức đảng, đơn vị, đoàn thể phải gửi về Ban Chấp hành Đảng bộ Trường (qua Văn phòng Đảng - Đoàn thể) trước ngày 03/4/2020 bằng văn bản và file word qua email: tuandhv@gmail.com.

2. Ban Tuyên giáo Đảng ủy Trường tổng hợp ý kiến góp ý của các tập thể cá nhân qua văn bản, thư gửi trực tiếp đến Ban Chấp hành Đảng bộ Trường.

3. Văn phòng Đảng - Đoàn thể có trách nhiệm tổng hợp toàn bộ ý kiến đã được các tổ chức đảng, đơn vị, đoàn thể và Ban Tuyên giáo Đảng ủy Trường tổng hợp để báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ Trường.