XIN THẮP MỘT NÉN HƯƠNG
(Tri ân Nhà giáo Hoàng Hải - Cựu sinh viên khóa 2 Khoa Văn)
Qua bao khúc khuỷu gập ghềnh
Như cây nến cháy hết mình đó sao?
Lửa kia thôi chẳng phun trào
Vẫn còn ngọn khói gửi vào hư vô...
Ngày trước tôi vẫn gọi ông Hoàng Hải bằng cậu - cậu Hoàng Hải - vì em gái ông, bà Xuyên là vợ của chú ruột tôi. Tôi còn có thể gọi ông bằng "Anh" vì vợ ông, bà Tiệu là cháu nội của "Bà Kẻ Găng" (tên thường gọi trong gia đình) mà bà cụ ấy là em ruột của ông nội tôi. Ở các nước Việt Nam mình quan hệ họ hàng, bà con cứ dằng dịt với nhau như vậy. Chẳng thế mà đi một vòng trong xóm ngoài làng, đâu đâu ta cũng có thể bắp gặp người thân, kẻ thuộc.
Khi tôi viết bài này về cậu thì từ lâu, cậu đã về với ông bà tổ tiên rồi. Cậu đi cách đây đã ngót mười bảy năm, năm 1993, hưởng dương 70 tuổi. Tôi còn nhớ như in, sáng hôm ấy vào khoảng 10 giờ có một người chạy đến nhà tôi và báo: "Thầy Hoàng Hải đã về lão!". Người ấy còn nói với tôi rằng lúc sắp mất, thầy Hải có dặn ra xin tôi một vài văn ai và nhân thể hái trong vườn một bông hồng đem về đặt trên ngực thầy.
Nghe tin này, tôi bàng hoàng. Mới tuần trước cậu Hoàng Hải còn ra tôi mượn tờ báo về đọc kia mà?
Tôi vội vã đạp xe đến nhà và đứng lặng đi trước thi hài cậu. Cậu nằm đó, hai tay chắp trên ngực, tấm khăn trắng phủ kín mặt. Đầu giường, một ngọn đèn dầu và một nén hương đang cháy đỏ...
Lại nói đến bài văn ai. Nguyên trước đó mấy năm. Tôi có viết một bài văn ai đọc trong ngày làm lễ thành phục người bác họ của tôi, mẹ đẻ của anh Trần Vũ Bảo đồng thời là chị ruột của cậu Hoàng Hải. Bài này viết theo lối văn biền ngẫu. Lúc sắp rước linh cửu bà bác, cậu ghé tai tôi nói nhỏ: "Sau này tôi chết, anh cũng cho tôi một bài văn ai nhé". Tôi cười: "Cậu chỉ đùa!" Mà sao lại nói gở vậy?. Nào ngờ cậu vẫn giữ bụng chuyện ấy. Giờ đây đứng trước thi hài người vừa quá cố trong tôi dâng lên niềm tiếc nhớ một con người đức độ, nhân hậu, một thầy giáo mô phạm với đúng nghĩa của từ này, một con người trí thức mà lúc tuổi xế bóng có phần trầm lặng, và hình như đang có cái gì đó ẩn dấu trong tim mà không thốt được ra lời.
Ngày bé, mẹ tôi về làm dâu ông bà nội và gửi tôi cho bà ngoại ở Vinh để ăn học. Mãi tới những năm Nhật đảo chính Pháp rồi Cách mạng Tháng 8 bùng nổ, ông tôi mới vào và bắt tôi về quê ở Chợ Rộc, Yên Thành. Đến khi đó, tôi mới có dịp được theo chân các chú và bạn hữu đến nhà cậu Hoàng Hải. Trong trí nhớ của tôi, ngôi nhà của cụ Nho Dung, (người thân sinh ra cậu) là một cơ ngơi rộng lớn, có dãy dọc tòa ngang, có hậu đường lúc nào cũng buông rèm tre kín mít. Cụ Nho Dung là một cụ già phúc hậu, miệng luôn tươi cười vui vẻ. Trong con mắt của bọn học trò chúng tôi, cụ trong giống ông Tiên trong bức tranh Tam đa có ba đứa bé và quả đào to tướng. Còn bà cụ, cháu quan nghè An Mã, là một người đàn bà hiền thục, đảm đang. Thực tình, tôi cũng không hiểu gì về gia cảnh của họ, nhưng biết chắc chắn rằng họ là những người giàu có, đáng kính trọng trong làng quê lúc bấy giờ. Vì lẽ đó, mỗi lần đến nhà, tôi luôn khép nép, giữ ý, giữ tứ, không dám phá quấy.
Cũng phải nhắc lại ngày ấy, để không quên mặt chữ, mẹ tôi bắt tôi cùng mấy cậu bạn vào học tư trong nhà cậu Hoàng Hải. Chúng tôi được cậu bổ túc thêm về tiếng Pháp, làm các bài tập toán. Việc học thực ra cũng không đến đầu, đến đũa, chỉ bữa có, bữa không, phần vì thời gian ấy là vào những năm cách mạng vừa thành công nên cậu Hải rất bận công tác xã hội, phần vì bản thân tôi hồi đó đã 15, 16 tuổi theo phong trào chung, vào đoàn Thanh niên, tham gia đội tự vệ của xã, đi mít tinh, biểu tình và đêm đêm còn phải dạy Bình dân học vụ... Tôi chỉ học cậu được ít tháng rồi bỏ và tiếp tục đi học xa nhà. Ngày còn học trong nhà cậu Hoàng Hải, điều tôi ấn tượng nhất là cậu có một tủ sách đồ sộ. Tôi chẳng rõ trong tủ có những sách gì nhưng chắc chắn là có những quyển tiếng Pháp và đặc biệt, cậu có nhiều cuốn tiểu thuyết của Nhà xuất bản Tự lực Văn Đoàn mà tôi rất mê. Nghe đâu sau này trong sự biến thiên của xã hội, cái tủ sách quý báu ấy cũng đã thất tán lưu li, góc bể chân trời hoặc đã hóa thân làm tro bếp...
Với chúng tôi, cậu Hoàng Hải là một người thông tuệ. Tôi đã chứng kiến những buổi cậu tranh luận những chuyện gì đó với chú tôi, ông Phan Huy Xý, thời gian này đang làm thư ký Ủy ban xã Quan Thành (sau này tách thành 3 xã Trung, Nam, Bắc Thành) do ông Trần Nguyên Trinh làm Chủ tịch), tôi nghe cứ như vịt nghe sấm vậy.
Thế rồi cuộc đời của một con người cũng như con sông kia có khúc cong, khúc thẳng, có bờ cạn, bờ sâu. Đến cái đận mà người ta gọi là "long trời lở đất" những năm 1951, 1952, 1953... gia đình cậu Hải cũng như bao gia đình có máu mặt khác bỗng gặp sóng to, gió lớn. Lúc bấy giờ, tôi đang là anh lính cụ Hồ nên cũng không biết thật tường tận về số phận của từng người trong đó có cậu Hải nghiệt ngã như thế nào. Sau này có lần về phép thăm quê, tôi nghe nói cậu Hoàng Hải, chàng bạch diện thư sinh, "trói gà không chặt" ấy, để mưu sinh, phải hàng ngày vào rú đốt than đem về chợ Vẹo bán lấy tiền đong gạo. Người ta kể một hôm ông cậu của tôi và một ông cùng làng nhưng ít tuổi hơn cậu, ông Phan Bá Báo (sau này là giáo viên cấp 3 trường Phan Đăng Lưu) vác dao lên núi, buổi trưa ngồi nghỉ, buột miệng xả một câu sặc mùi triết lý: "Hạt lúa tẻ đem gieo cũng chỉ mọc thành cây lúa tẻ. Còn hạt lúa nếp quẳng vào đâu nó cũng mọc thành cây lúa nếp!" Vô phước cho hai vị "hàn sĩ" trong cơn bỉ cực, câu nói đó chẳng may lọt vào tai một bác nông dân tình cờ đi qua và tối hôm ấy về, hai vị được mời ra cuộc họp xóm và được trả giá bằng một đêm lên bờ xuống ruộng. Nghe câu chuyện ấy, tôi vừa buồn cười, vừa ái ngại. Nhưng rồi mây mù cũng tan và trời lại hửng nắng. Cậu Hoàng Hải được Nhà nước mời ra làm nghề dạy học. Với kiến thức dày dặn đã có sẵn từ những ngày nào, cậu tích cực công tác, trau dồi nghiệp vụ chuyên môn và hoàn thành mọi nhiệm vụ. Cậu được giao làm hiệu trưởng Trường Phổ thông cấp II Bạch Ngọc (Đô Lương - Nghệ An) một thời gian rồi được đi học Đại học. Sau đó cậu ra dạy Trường Sư phạm Phủ Lý trước khi được chuyển về Cao đẳng sư phạm tỉnh nhà.
Ai đã từng tiếp xúc với cậu Hoàng Hải sẽ có một cảm nhận chung về ông: đó là một con người nho nhã, khiêm tốn, ít nói, lúc nói thì nhỏ nhẹ và dường như ông không to tiếng với ai bao giờ. Một đặc điểm nữa là hễ gặp ai ông cũng có sẵn một nụ cười và chào hỏi họ thân mật. Ông dành nhiều thời gian cho công việc chung và được đồng nghiệp quý mến. Hồi ấy, có chủ trương ở trên cho một số thầy giáo lâu năm, có thành tích đóng góp cho ngành được đi nước ngoài, phần để làm nhiệm vụ đối ngoại, phần nữa có lẽ muốn giúp các thầy có thêm chút ít thu nhập để an hưởng tuổi già. Thầy Hoàng Hải nằm trong số đó và thầy đã sang Ăng-gô-la và công tác bên ấy mấy năm. Nhưng theo tôi hiểu, thầy Hoàng Hải không coi nặng mục đích tranh thủ cơ hội để làm phồng thêm cái hầu bao của mình. Mang tiếng là người đi xuất ngoại nhưng tài sản thầy kiếm được, nói theo cách dùng từ của một số báo chí ngày nay là quá ư "khiêm tốn". Ngày thầy về cõi vĩnh hằng, trong buổi hương khói tiễn đưa, người ta có đọc chúc thư của thầy, trong đó, thầy dành một khoản tiền nhỏ ủng hộ trường của địa phương. Một vài tiện nghi xoàng xĩnh thầy mua sắm được và khoản tiền sửa sang căn nhà cấp 4 sau ngày về hưu trong xóm nhỏ, hình như đã làm không ít người lúc bấy giờ phải ngạc nhiên đến thất vọng!
Cậu Hoàng Hải của tôi là vậy. Đi hết cuộc đời mình, cậu vẫn là một tri thức bình dị như bao tri thức khác, một con người đức độ, có lòng tự trọng, luôn sống mực thước có phần khép mình, khiêm cung và giản dị. Lắm lúc tôi cứ nghĩ lẩn thẩn: phải chăng trên đời này, hiểu được người xấu đã khó, hiểu được người tốt càng khó hơn?
Mãi mãi còn lại trong trái tim tôi hình ảnh một người cậu, một người anh, một thầy giáo với bao niềm kính phục. Theo sự gợi ý của ông bạn Hoàng Trữ, tôi viết bài này, coi như một nén tâm hương tưởng niệm vong linh người đã khuất.
Chợ Rộc, tháng 9/2010, mùa bưởi chín
Phan Huy Huyền
----------
Bộ phận truyền thông mong rằng sẽ tiếp tục được đón nhận nhiều sáng tác về Trường của các thế hệ cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, học viên chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Trường.
Các tác phẩm thơ, nhạc, văn xuôi... vui lòng gửi qua email: hoanghanam@vinhuni.edu.vn hoặc hoanghanamdhv@gmail.com.