TỪ TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM VINH VƯƠN TỚI SỰ HÒA NHẬP QUỐC TẾ
Con đường hoạt động khoa học của tôi may mắn gặp được những người thầy tuyệt vời. Họ có thể là những giáo sư trực tiếp, có thể là những người thầy gián tiếp qua những bài báo. Tôi coi tất cả họ là những người thầy đưa đường dẫn lối cho tôi bước trên con đường nghiên cứu khoa học.
Tốt nghiệp Đại học Tổng Hợp Hà Nội, tôi được phân công về giảng dạy ở Đại học Sư phạm Vinh (ĐHSP Vinh). Rất buồn, vì nghĩ rằng mình sẽ không còn được nghiên cứu khoa học. Nhưng khi được đọc bài báo "Thực chất việc giảng dạy đại học là nghiên cứu khoa học" của GS.TS. Nguyễn Cảnh Toàn, niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong tôi lại được bùng cháy trở lại.
Tập san Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã giúp tôi dần dần thấm nhuần và say sưa thực hiện nguyên lý giáo dục đại học của GS. Bộ Trưởng Tạ Quang Bửu: "Kết hợp giảng dạy, học tập với nghiên cứu khoa học phục vụ thực tiễn".
GS. Đào Văn Tiến, người thầy hướng dẫn khoa học đã mở rộng cánh cửa đón tôi vào con đường nghiên cứu cơ bản về động vật học. Bài học đầu tiên của thầy là tính nghiêm túc và trung thực trong khoa học. Ngay từ năm 1964, tôi đã được GS chọn làm thành viên Đội điều tra Động vật và Ký sinh trùng - tiền thân của chương trình Động vật chí Việt Nam.
Tôi may mắn được làm việc dưới sự chỉ đạo của thầy hiệu trưởng GS. Nguyễn Thúc Hào. Một trong những tư tưởng chỉ đạo của thầy là "ĐHSP Vinh phải có mũi nhọn khoa học". Tôi đã luôn cố gắng để đạt được mục tiêu này.
Những năm đầu sơ tán, dù gặp muôn vàn khó khăn, tôi vẫn không hề lơ là nghiên cứu khoa học. Đề tài "Góp phần nghiên cứu để thống nhất hệ thống thuật ngữ động vật học Việt Nam". Nhiều thuật ngữ của đề tài được sử dụng cho toàn Miền Bắc lúc bấy giờ và toàn quốc hiện nay. Đó là công trình hữu dụng đầu tiên của tôi.
Trường trở về Vinh, khó khăn vẫn còn chồng chất, nhưng đã ổn định cho một kế hoạch lâu dài. Tôi bắt tay nghiên cứu đề tài "Cá Sông Lam" nhằm điều tra cơ bản nguồn lợi cá nước ngọt cho tỉnh Nghệ Tĩnh, đồng thời góp phần xây dựng Động vật chí Việt Nam. Công trình được Chủ tịch tỉnh Nghệ Tĩnh Trần Quang Đạt giúp một cách thầm lặng nhưng hiệu quả. Kết quả của đề tài được Bộ Giáo dục khen thưởng, được Bộ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Tấn Trịnh coi như một trong những đóng góp quý báu cho Ngành Thủy sản nước nhà. Khi Nhà Nước có chủ trương đào tạo trên đại học trong nước, tôi mang một phần kết quả của đề tài Cá sông Lam đi bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ. Tôi là người đầu tiên bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ tại Bộ môn Động vật có xương sống, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với đề tài "Khu hệ cá lưu vực sông Lam".
TS. Nguyễn Thái Tự
Nghiên cứu đề tài Cá Sông Lam, tôi đã phát hiện ra một hướng nghiên cứu mới về khoa học cơ bản hết sức thú vị. Đó là lập "gia phả" cho một số họ cá trong vùng. Đề tài đầu tiên theo phương hướng này là "Hệ thống học phân họ cá mương (Cultrinae)". Kết quả của đề tài đã được chọn đăng trên tạp chí khoa học bằng tiếng Anh của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam với tiêu đề: "Species Composition, Distribution and Phylogenetic Relationships of the Subfamily Cultrinae". (Proceedings of the National Center for Scientific Research of Vietnam. Vol. 6, N0.1: 83-95).
Đi sâu hơn theo phương hướng này, chúng tôi đã phát hiện: Phong Nha - Kẻ Bàng là trung tâm phát sinh thứ tư của chi cá chép (Cyprinus) và là trung tâm phát sinh của tộc (tribe) Cyprinini (nhóm cá chép, cá diếc, cá nhưng).
Năm 1992, khi Hội nghị thượng đỉnh Rio de Janeiro thông qua Nghị quyết Bảo tồn Đa dạng Sinh học toàn cầu thì tôi cũng bắt đầu đăng ký và được chọn làm chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước "Bảo tồn Đa dạng Sinh học Bắc Trường Sơn" thuộc Chương trình "Nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực Khoa học Tự nhiên" do GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu lãnh đạo. Cũng năm này, tôi được WWF (Tổ chức Quốc tế Bảo vệ động vật hoang dã) mời tham gia điều tra Đa dạng Sinh học cá Vũ Quang do TS.J. MacKinnon (người Anh) chỉ đạo.
Tại khe Đầu Rồng dưới chân thác Vũ Môn - Vũ Quang, khi bắt được mẫu cá mà dân địa phương gọi là cá lá giang, tôi đã reo lên: "Một loài cá mới". TS. MacKinnon nói "Đây chỉ là loài cá mới của TS. Tự". Ông đã nghĩ, phát hiện một loài cá mới cho thế giới không thể dễ dàng như vậy. Nhưng ông đã nhầm. Vì đâu có dễ dàng như vậy! Để có tiếng reo vui bột phát ấy, tôi đã phải lao tâm khổ tứ 18 năm trời mới biết được cá lá giang thuộc một nhóm cá nhỏ chỉ phân bố từ Bắc Việt Nam lên đến Hoa Nam (Trung Quốc). Mà Động vật chí Trung Quốc cũng như Bắc Việt Nam chưa có loài này. Sau 3 năm trao đi đổi lại, tôi đã bảo vệ thành công trước tất cả những phản biện của các nhà ngư loại học trên thế giới quan tâm đến vấn đề này. Cuối cùng, tạp chí cá nước ngọt thế giới đã công nhận và cho công bố lá giang là một loài cá mới cho thế giới với tên khoa học là Parazacco vuquangensis Tu, 1995. Bởi cá lá giang là loài chỉ phân bố rất hẹp trong 2 huyện Vũ Quang và Hương Sơn (Hà Tĩnh), nên rất dễ bị tuyệt chủng. Năm 2007, cá lá giang được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam. Sau kết quả này, Franknoij (người Hà Lan) cố vấn trưởng Vườn Quốc gia Vũ Quang không chỉ mời tôi mà còn mời cả học trò của tôi nghiên cứu cá cho Vườn Quốc gia Vũ Quang. Và qua Franknoij, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hà Lan tại Việt Nam đã mời tôi làm khách quý để cảm ơn vì đã hợp tác tích cực với các dự án bảo tồn thiên nhiên của Hà Lan tại Việt Nam.
Năm 1994, David House (người Mỹ), Giám đốc WWF Việt Nam đã tài trợ cho chúng tôi tổ chức Hội thảo Đa dạng Sinh học Bắc Trường Sơn lần thứ nhất.
Năm 1996, 1997, tôi lại được WWF mời tham gia điều tra khảo sát Đa dạng Sinh học ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Nhờ những đợt khảo sát này mà tôi phát hiện ra Phong Nha - Kẻ Bàng là thiên đường của các nhà ngư loại học. Chính các con sông ngầm của khối núi đá vôi đồ sộ Phong Nha - Kẻ Bàng đã tạo nên những đặc tính độc đáo của khu hệ cá Phong Nha - Kẻ Bàng. Tại Hội thảo tổng kết đợt khảo sát Đa dạng Sinh học Phong Nha - Kẻ Bàng năm 1997, tôi báo cáo xong, vừa bước xuống khỏi sân khấu, Cố vấn trưởng dự án Thomas Dillon (người Mỹ), vừa công kênh tôi lên vừa nói đùa "Vietnamese Einstain" (ông Anh-Stanh của Việt Nam). Sau Hội thảo Đa dạng Sinh học Phong Nha - Kẻ Bàng do WWF tổ chức, đài BBC và đài RFI đã có 2 bài giới thiệu về Nguyễn Thái Tự. Trên Bách khoa toàn thư mở của Wikipedia cũng đã có mục từ Nguyễn Thái Tự.
Từ những kết quả của đợt khảo sát này, tôi viết dự án "Bảo tồn tính độc đáo và quý báu của Đa dạng Sinh học cá vùng núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng" trình Cục Môi trường Việt Nam. Dự án này đã dược chọn là 1 trong 18 dự án được Cục Môi trường Việt Nam gửi Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Đông Nam Á (ARCBC) xét chọn để tài trợ. Vòng thứ 2 do ARCBC xét. Việt Nam được chọn 6 dự án gửi cho EU xét tuyển. Cuối cùng, vòng xét tuyển thứ 3, Việt Nam được EU chọn 2 dự án. Dự án của tôi được EU xếp vào loại trọng điểm (Major project).
Nhờ dự án này, mà thầy trò chúng tôi có điều kiện nghiên cứu một cách thấu đáo, tìm đủ cứ liệu minh chứng cho những nhận xét ban đầu và phát hiện thêm nhiều điều thú vị mới. Cụ thể là khu hệ cá vùng núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng có các giá trị độc đáo mang tính toàn cầu như sau:
1. Giá trị về đa dạng nguồn gen với 4 nguồn gốc địa lý đông vật khác nhau:
1.1. Từ Hoa Nam xuống.
1.2. Từ Mekong lên.
1.3. Từ biển di nhập vào.
1.4. Nguồn gốc bản địa. Chính từ những loài có nguồn gốc bản địa mà một số trong chúng đã trở thanh những loài đặc hữu hẹp hết súc quý báu. Cũng chính từ sự khác nhau về nguồn gốc địa lý động vật đã làm tăng thêm rất nhiều giá trị cho nguồn gen quý báu này.
2. Các giá trị về lịch sử tiến hóa:
2.1. Giá trị về lịch sử hình thành loài: Phong Nha - Kẻ Bàng là một vùng địa lý hết sức nhỏ hẹp mà có đầy đủ cả 4 pha quan trọng nhất của quá trình hình thành loài mới:
2.1.1. Pha biến dị cá thể.
2.1.2. Pha biến dị quần thể.
2.1.3. Pha hình thành phân loài mới.
2.1.4. Pha hình thành loài mới.
Về hình thành loài mới ở Phong Nha - Kẻ Bàng có điều đặc biệt lý thú. Cá ton (Cyprinus quydatensis) là một loài cá mới được hình thành từ loài tổ tiên là cá chép (Cyprinus carpio). Nhờ sự cách ly bởi con sông ngầm có chiều dài chỉ khoảng 5 km theo đường chim bay mà đã hình thành nên loài cá ton này. Thông thường các loài mới được hình thành trong một khoảng cách địa lý rất xa. Một loài mới được hình thành với khoảng cách gần như vậy là trường hợp rất hiếm gặp trên thế giới.
2.2. Giá trị của các trung tâm phát sinh: Nhiều nhà ngư loại học và địa lý động vật hàng đầu thế giới coi khu hệ cá bán đảo Trung - Ấn (Indochina) là phong phú nhất và là trung tâm phát sinh của hầu hết các loài cá nước ngọt trên thế giới như Darlington, 1957; Briggs, 1979; Bannarescu, 1982; Kottelat, 1989.
Trong đề tài này, chúng tôi đã phát hiện thêm 2 trung tâm phát sinh mới. Đó là:
2.2.1. Phong Nha - Kẻ Bàng là trung tâm phát sinh của tộc Cyprinini
2.2.2. Phong Nha - Kẻ Bàng là trung tâm phát sinh thứ tư của chi Cyprinus
3. Giá trị về địa lý động vật: Phong Nha - Kẻ Bàng là cột mốc quan trọng để xác định đường ranh giới cho 2 tỉnh địa lý động vật Bắc Việt Nam - Hoa Nam và tỉnh Mekong
4. Giá trị về các hệ sinh thái độc đáo: Những con sông ngầm đã tạo nên 4 hệ sinh thái đặc biệt với thành phần loài khác nhau đó là:
- Hệ sinh thái Rào Bụt.
- Hệ sinh thái Chà Ang.
- Hệ sinh thái Sông Chày.
- Hệ sinh thái Hung Sạc.
Những kết quả này được báo cáo tại Hội thảo Bảo tồn Đa dạng Sinh học Đông Nam Á tổ chức tại Bankok (1 - 4/12/2003) do TS. J.MacKinnon chủ trì. Qua bản nhận xét, mà tôi biết, TS. MacKinnon đã theo dõi những kết quả nghiên cứu của tôi suốt mười năm qua và ông nhận xét đây là báo cáo có những kết luận thú vị.
Những giá trị độc đáo mang tính toàn cầu của khu hệ cá vùng núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng được công bố cùng với những công bố của tôi trước đây đã thu hút được sự quan tâm của Maurice Kottela (người Thụy Sĩ) Tổng biên tập Tạp chí cá nước ngọt thế giới có trụ sở tại CHLB Đức. Ông đã bay sang làm việc tại bảo tàng cá của tôi 2 ngày. Bảo tàng lúc này còn nằm dưới gầm cầu thang nhà C3 - Quang Trung (Cái kho của gia đình được cải tạo thành nơi làm việc của thầy trò chúng tôi). Làm việc với Kottelat có một câu chuyện thú vị và rất đáng tự hào. Khi chúng tôi kết luận 18 loài và phân loài thuộc chi cá chép (Cyprinus) chỉ phân bố trên các lưu vực sông đổ ra Biển Đông và biển Hoa Đông từ Quảng Ngãi (vĩ độ 16) lên đến sông Dương Tử (Trung Quốc). Riêng lưu vực sông Mekong không có loài nào thuộc chi Cyprinus. Kottelat phản bác lại và chỉ ra rằng: Trên một chi lưu nhỏ thuộc Mekong ở Vân Nam có phân loài Cyprinus carpio (carpio) longibarbatus. Kiểm tra lại, tôi thấy mình đã sai mà nguyên nhân là chi lưu đó của Mekong nằm quá gần với một con sông đổ ra biển Hoa Đông, mà thầy trò chúng tôi đã sử dụng bản đồ có tỷ lệ xích quá nhỏ nên đã sai. Tuy đã thấy sai, nhưng tôi vẫn còn hết sức băn khoăn. Tại sao trong số 18 loài mà chỉ có 1 phân loài sai với quy luật này? Suốt đêm không ngủ, bỗng sực nhớ đến tài liệu về các dòng sông cổ vùng Đông Á của chính M.Kottelat. Ông đã gửi tặng tôi mấy năm trước. Từ tài liệu này, quy luật của tôi được khẳng định là đúng. Thì ra cái chi lưu nhỏ thuộc sông Mekong đó, trước kia nguyên là một khúc của sông Hồng, sau này do bị đổi dòng mà nhập vào Mekong. Như vậy là phân loài Cyprinus carpio (carpio) longibarbatus hiện nay tuy thuộc Mekong, nhưng nguyên thủy chúng vẫn phân bố trên sông Hồng. Vậy là lý thuyết của tôi hoàn toàn đúng. Mừng rơn, nhưng vẫn không tài nào ngủ được, chỉ mong sao chóng sáng để trao đổi lại với Kottelat. Ông ấy mới bước vào cửa, tôi vừa bắt tay vừa nói "Xin báo một tin vui" và trình bày luôn. Nghe xong, ông ấy vụt đứng dậy và bắt tay tôi thật chặt để chúc mừng.
Ở trong nước,chúng tôi đã tổ chức thành công "Hội thảo Đa dạng Sinh học Bắc Trường Sơn lần thứ 2". Mỗi báo cáo của tuyển tập hội thảo đều có tóm tắt bằng tiếng Anh. Tuyển tập được in đẹp để kỷ niệm 40 năm thành lập Trường ĐHSP Vinh. Ngoài các cơ quan trong nước, chúng tôi gửi biếu Đại sứ quán các nước quan tâm đến bảo tồn Đa dạng Sinh học ở Việt Nam để họ tài trợ cho đề tài. Kết quả Đại sứ quán Đan Mạch đã tài trợ 2 triệu USD chia đều cho Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội và Trường Đại học Vinh. Tôi và Đại sứ quán Đan Mạch đã thống nhất một bản hợp đồng rất chi tiết về bảo tồn Đa dạng Sinh học Bắc Trường Sơn với khoản kinh phí 1 triệu USD. Nhưng rất tiếc, Ban Giám hiệu Trường Đại học Vinh hồi đó đã bỏ lỡ cơ hội hết sức quý báu này.
Thầy trò chúng tôi làm công tác nghiên cứu khoa học hoàn toàn không sử dụng kinh phí của Trường Đại học Vinh, mà còn có thể mang về cho nhà trường một nguồn ngân sách đáng kể. Đó cũng chính là một trong những nội dung quan trọng trong nguyên lý đào tạo đại học của cố GS. Tạ Quang Bửu. Nghiên cứu khoa học của thầy trò trong các trường đại học phải phục vụ thực tiễn xã hội. Ngược lại xã hội có nghĩa vụ trả tiền chất xám cho các trường đại học. Trường đại học nào khai thác được chất xám của thầy và trò phục vụ cho thực tiễn xã hội, trường đó sẽ vừa có nguồn ngân sách lớn vừa có uy tín trong xã hội. Bởi nhờ thông qua nghiên cứu khoa học phục vụ thực tiễn mà họ nâng cao được chất lượng đào tạo.
Tuy đam mê và có nhiều tham vọng trong nghiên cứu khoa học, nhưng tôi không đi tìm những đề tài cao sang, mà đã bắt đầu bằng những đề tài phục vụ cấp bách cho tỉnh nhà. Từ đề tài "Cá sông Lam" rồi đến "Bảo tồn Đa dạng Sinh học Bắc Trường Sơn". Trên nền tảng kiến thức khoa học cơ bản vững chắc, tôi cứ dần dần đào sâu thêm đến độ đã thu hút được sự quan tâm của các đồng nghiệp trên thế giới. Từ đó họ tài trợ và tạo điều kiện cho đề tài phát triển.
Nhờ kiên trì thực hiện nguyên lý đào tạo đại học của cố GS. Bộ Trưởng Tạ Quang Bửu mà cuộc đời hoạt động khoa học của tôi vừa thỏa mãn được khát vọng khám phá những bí ẩn của các loài cá trên quê hương mình, vừa có những đóng góp cho khoa học. Song hành với những kết quả khoa học đó, có một kết quả khác không kém phần quan trọng. Đó là, thông qua nghiên cứu khoa học mà thức dậy niềm đam mê khoa học trong sinh viên và trao cho họ phương pháp tư duy khoa học để họ vững bước vào tương lai. Tôi quan niệm đó là biện pháp quan trọng nhất để nâng cao chất lượng đào tạo đại học.
Với sự dẫn dắt của những người thầy kính mến trong những ngày đầu chập chững và sự cộng tác của những sinh viên yêu quý, nghiên cứu khoa học đã thực sự mang nhiều niềm hạnh phúc đến cho cuộc đời làm khoa học của tôi./.
TS. Nguyễn Thái Tự
Đồng tác giả Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN
Điện thoại: 0932.472766
----------
Bộ phận truyền thông mong rằng sẽ tiếp tục được đón nhận nhiều sáng tác về Trường của các thế hệ cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, học viên chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Trường.
Các tác phẩm thơ, nhạc, văn xuôi... vui lòng gửi qua email: hoanghanam@vinhuni.edu.vn hoặc hoanghanamdhv@gmail.com.