TẤM LÒNG CỦA NHÀ GIÁO PHAN ĐỨC THÀNH ĐỐI VỚI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH QUA NHỮNG VẦN THƠ

Đối với nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Vinh, thầy giáo Phan Đức Thành là cái tên gần gũi, quen thuộc và rất đỗi thân thương. Thầy là PGS.TS, Nhà giáo ưu tú, gần mười năm liên tục là Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Vinh (nay là Trường Đại học Vinh), gắn với thời kì đầu của sự nghiệp đổi mới đất nước.

Hiệu trưởng Phan Đức Thành với cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1990

Thầy Phan Đức Thành cùng cán bộ Khoa Toán - Tin năm 1999

Trước khi trở thành Hiệu trưởng, thầy là Chủ nhiệm khoa Toán học. Thầy Phan Đức Thành là một nhà khoa học, nhà sư phạm mẫu mực và là một nhà quản lý có tâm huyết, có uy tín. Một trong những cống hiến to lớn nhất của thầy là người đã đề xuất và đặt nền móng vững chắc cho việc định hướng chuyển đổi mô hình từ đào tạo sư phạm sang đào tạo đa ngành, trong đó sư phạm là ngành chính (cuối thế kỷ 20), từ đó tạo một bước ngoặt lớn cho sự thay đổi, tạo vị thế mới của Trường Đại học Vinh, trên cơ sở ấy tạo đà cho các thế hệ tiếp nối xây dựng, phát triển Trường Đại học Vinh thành một trong những trường đại học trọng điểm quốc gia như hiện nay. Cho đến hôm nay, dù đã hơn mười năm trôi qua kể từ ngày thầy chính thức tạm biệt giảng đường để trở về với cuộc sống đời thường của một giáo chức về hưu, nhưng thầy vẫn canh cánh bên lòng hình ảnh Trường Vinh trong từng giây, từng phút. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường Đại học Vinh, xin được nói về tình cảm sâu nặng của thầy đối với Trường Vinh qua những vần thơ do thầy sáng tác.

Trước hết có thể nói dù sáng tác thơ chưa nhiều nhưng qua các bài đã viết (phần lớn đăng trên facebook) của thầy, ta thấy một tâm hồn rất giàu xúc động, phong phú và tinh tế. Các bài thơ của thầy thường xoay quanh các mối quan hệ trong cuộc sống đời thường như tình đồng chí, tình đồng nghiệp, tình bạn, tình cảm sâu nặng với Trường Đại học Vinh yêu mến, những suy tư về nghề giáo, về cuộc đời, niềm tự hào về sự nghiệp trồng người... Xuất phát điểm của mọi cấu tứ, cảm xúc trong thơ thầy là hiện thực phong phú, sôi động của sáu thập kỉ làm giảng viên, làm cán bộ quản lý trong mối liên hệ khăng khít với hiện tại và quá khứ của Trường Vinh. Tác giả đã tìm được nguồn cảm hứng của mình từ những sự việc, hình ảnh cụ thể trong những năm tháng ở trường đầy gian nan, vất vả nhưng cũng rất đỗi tự hào. Đây là bức chân dung tự họa của một nhà giáo đã có gần hai phần ba thế kỉ gắn bó với mái trường thân thuộc:

Mới đó mà giờ đã tám mươi

Biển dâu thời cuộc cứ chảy trôi

Về Vinh lúc ấy còn xanh tóc (1960)

Trở lại bây giờ đã trắng vôi

Dạy học duyên tình còn vấn vít

Trồng người nghiệp lớn chẳng xa rời

Tình người lắng đọng từng thời khắc

Đón bạn thành Vinh nhớ một thời.

(Nhớ một thời)

Cái mới ở đây chính là ở chỗ tác giả đã khắc họa được nét đẹp của người thầy giáo, của sự nghiệp trồng người. Sự đối lập của hình ảnh "còn xanh tóc" với "đã trắng vôi" cùng với cách sử dụng một loạt cụm từ "còn vấn vít", "chẳng xa rời", "từng thời khắc" "nhớ một thời" đã tạo ra được ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc. Và đây nữa:

Ngoảng lại mình qua tuổi tám mươi

Đá mòn nhưng dạ chẳng buông trôi.

Vui vầy sĩ tử nghề nhà giáo,

Quyến luyến sinh viên nghiệp giúp người.

Phấn đấu trau mình không tính toán,

Chung tình nghiệp lớn chẳng xa rời.

Trường Vinh vững bước trên đường lớn,

Bạn hữu quây quần lại cứ vui.

(Ngẫm 1)

Thầy Phan Đức Thành là người đã đặt nền móng cơ bản và vững chắc cho việc chuyển đổi từ mô hình đào tạo sư phạm sang đào tạo đa ngành, từ đó tạo bước ngoặt lớn cho Trường Đại học Vinh. Nhưng trong thơ, con người ấy lại rất khiêm tốn, luôn đặt mình trong "nghiệp lớn" chung, trong sự đi lên của Trường Vinh với sự đóng góp của nhiều thế hệ. Đây là một nét đẹp nữa của một nhà giáo, một người cộng sản đã có 55 năm tuổi Đảng. Nét đẹp này đã gây xúc động cho người đọc. Và dù đã ở tuổi xế chiều nhưng thầy vẫn có những câu thơ tràn đầy niềm vui, gắn bó với nghề:

Dạy học duyên tình còn vấn vít

Trồng người nghiệp lớn chẳng xa rời

Có thể nói, cảm xúc bao trùm và xuyên suốt thơ nhà giáo Phan Đức Thành là tình cảm sâu nặng đối với Trường Vinh. Có thể thơ thầy chưa trau chuốt về chữ nghĩa, hình ảnh, nhưng tình yêu người, yêu nghề luôn hiển hiện:

Ngang qua lớp học, giảng đường,

Nhớ hoa bụi phấn vấn vương mái đầu.

Nhớ thời tuyết trắng trời Âu,

Nhớ thời bom đạn, nhớ câu ân tình.

(Ngẫm 2)

Một sự so sánh bất ngờ và thú vị. Người thầy giáo đã có nhiều năm sống ở đất Nga, ở trời Tây, nhiều năm sống trong đạn bom, bão lửa chiến tranh vẫn luôn "vấn vương" ân tình với mái trường nơi mình gắn bó. Bài Ngẫm 3 của Thầy cũng nói lên điều đó:

Mỗi lần bước tới cổng trường,

Nhớ bao đồng nghiệp thân thương thuở nào.

Bây giờ tuy tuổi đã cao,

Ngang qua lớp học vẫn xao xuyến lòng.

Nghề thầy lắng đục khơi trong,

Nhớ bao kỉ niệm trẻ trung một thời.

(Ngẫm 3)

Những câu thơ đầy chất hoài niệm, với tình cảm thiết tha, nồng nàn, tấm lòng thủy chung trước sau như một của một người con Trường Vinh, không một phút giây nguôi ngoai nỗi nhớ về mái trường đã lưu giữ biết bao kỉ niệm.

Nhưng điều đặc biệt cần nhấn mạnh là tình cảm của nhà giáo Phan Đức Thành đối với Trường Vinh không hề chung chung, trừu tượng, trái lại rất cụ thể. Như Mác-xim Goóc-ki, nhà văn Nga từng viết trong tác phẩm "Thời thơ ấu": "Tình yêu thắm thiết đối với mái trường bắt đầu từ lòng yêu những sự vật giản dị, bình thường: yêu con đường quen thuộc đi đến giảng đường, yêu hàng cây rợp bóng râm mát những ngày hè, yêu mái trường thân thiết...". Đúng như vậy, trong thơ thầy tình yêu trường được biểu hiện rất cụ thể:

Hôm nay về dạo quanh trường,

Nhớ từng lối nhỏ con đường đã đi.

Quên sao một thuở hàn vi,

Nhà tranh vách nứa lạnh khi gió về

Thơ của nhà giáo Phan Đức Thành là tiếng nói của một cuộc đời từng trải, sâu nặng yêu thương. Tâm hồn tác giả lắng đọng nhiều suy tư cho nên đọc thơ của thầy không nên đọc nhanh bởi đọc nhanh sẽ không cảm nhận được cái chân tình trong thơ. Trong tiếng nhạc âm vang của quá khứ, thầy thường nghĩ đến thái độ sống trước hiện tại và muốn bình tĩnh nghiền ngẫm những vấn đề thuộc về tương lai. Viết về hiện tại và cả tương lai, chặng đường sắp tới của Trường Vinh, thầy có những hình ảnh đẹp đẽ, sinh động:

Nhà cao mái đỏ thắm tươi,

Rộn ràng chân bước, tiếng cười hòa theo.

Áo xanh rợp mát trời chiều,

Tương lai đã rạng, với nhiều yêu tin.

Có thể nói, mỗi câu thơ là tiếng nói của tình cảm chân thực, nồng nàn, thiết tha đối với Trường Đại học Vinh, cũng là tiếng đập của con tim giàu xúc động. Hy vọng thầy sẽ viết tiếp những vần thơ đầy ấn tượng về mái trường thầy đã gắn bó từ thuở thanh xuân cho đến thủa bạc đầu hôm nay.

Vinh, 18/6/2019

Đoàn Mạnh Tiến - Nguyên CBGD khoa Ngữ Văn

----------

Bộ phận truyền thông mong rằng sẽ tiếp tục được đón nhận nhiều sáng tác về Trường của các thế hệ cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, học viên chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Trường.

Các tác phẩm thơ, nhạc, văn xuôi... vui lòng gửi qua email: hoanghanam@vinhuni.edu.vn hoặc hoanghanamdhv@gmail.com.