NHỚ THẦY NGUYỄN TRUNG HIẾU...!
(Nén tâm hương kính viếng Thầy - nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Trường)
Những ai là sinh viên trường Đại học sư phạm Vinh những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước, chắc không thể quên được hai người thầy ĐẠO CAO ĐỨC TRỌNG đó là thầy Văn Như Cương ở khoa Toán và thầy Nguyễn Trung Hiếu ở khoa Văn. Về thầy Văn Như Cương đã có nhiều bài viết, phim ảnh ngợi ca, trân quý, vậy nên trong bài viết nhỏ này tôi chỉ xin hồi tưởng lại một vài kỷ niệm của cá nhân mình với thầy Nguyễn Trung Hiếu kính yêu!
Thầy tôi sinh năm 1925 trong một gia đình nhà Nho yêu nước ở xã Diễn Bình - huyện Diễn Châu (phía Tây lèn Hai Vai). Từ làng Kẻ Rộc quê tôi, tính theo đường chim bay nhìn xuống quê Thầy cũng khoảng 4km. Bạn học thuở nhỏ cùng thầy là nhà thơ Trần Hữu Thung tác giả bài thơ "Thăm lúa" nổi tiếng, cả hai người đều rất giỏi chữ Hán và tiếng Pháp. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Thầy tham gia tích cực phong trào Đoàn thanh niên cứu quốc và được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Khi có trường cấp 2 Diễn Châu, Thầy là giáo viên thuộc lớp đầu tiên, học trò của thầy sau này là các ông Nguyễn Bá, Trương Đình Tuyển (đều là Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An). Riêng ông Nguyễn Bá đã đến phòng nội trú của Thầy để chúc mừng Ngày nhà giáo Việt Nam năm 1982 mà tôi được chứng kiến...
Thầy nguyên là sinh viên khóa 2 Trường Đại học Sư phạm Vinh, nhập học năm 1960 khi đã 35 tuổi. Cùng khóa ấy còn có cậu ruột tôi Nhà giáo Hoàng Hải, nhà giáo ưu tú Nguyễn Khuân... Là giáo viên cấp 2 vào học đại học, Thầy học rất giỏi và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Với vốn kiến thức dày dặn, vốn tiếng Pháp thuần thục Thầy tôi có thể dạy được hầu hết các phân môn của khoa Văn học và bắt tay vào viết cuốn "Giáo trình văn học phương Tây"... Cuốn sách giáo khoa ở bậc đại học này đã được sử dụng rộng rãi cho các trường Đại học sư phạm trong cả nước.
Say sưa nghiên cứu, say sưa lao động sáng tạo, say sưa giảng dạy miệt mài Thầy tôi đã trở thành một tấm gương sáng về mặt học thuật. Tôi xin không nói dài dòng, chỉ xin dùng bảy chữ "Nhà nghiên cứu văn học sâu sắc" mà tập thể 20 giáo sư, tiến sĩ từng công tác ở Trường Đại học Vinh, sau chuyển ra Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I đã kính viếng Thầy! Đặc biệt các ý kiến nghiên cứu của Thầy bao giờ cũng độc đáo, mới mẻ như bài "Nghệ thuật trong thơ văn Đỗ Chiểu" đã được Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc và viết thư ngợi khen... hay cuốn "Về tính hệ thống trong văn học" được giới nghiên cứu cả nước kính nể...!
"Mải mê chinh chiến"... đến lúc 50 tuổi Thầy tôi sực nhớ ra là phải "yêu đương"! Thầy tác hợp cùng cô thủ thư Nguyễn Thị Đa (kém hơn thầy khoảng 20 tuổi). Kết quả của hạnh phúc này là sự ra đời năm 1975 của cậu bé Nguyễn Trung Nhân, hiện nay đang công tác khoa Văn trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An. Và sau đó vài năm là ái nữ Nguyễn Thị Kiều Nhi, hiện công tác ở Phòng giáo dục Trường đại học Y Nghệ An. Hai con trai, gái của Thầy đều rất khỏe mạnh, xinh đẹp, thông minh và đều đã có tổ ấm gia đình hoàn hảo. Đúng là "chậm mà chắc", nơi cao xanh chắc Thầy cũng nở nụ cười hóm hỉnh... Thầy ơi!.
Khi tôi vào Đại học năm 1979, Thầy đã 54 tuổi, còn tôi 29 tuổi thuộc dạng "sinh viên già"... Biết tôi là một công nhân lái máy cày, có con nhỏ và mẹ già ở quê hương Yên Thành, Thầy đã nhìn tôi với ánh mắt cảm mến, gần gũi... Thế là, mãi đến năm thứ 3 mới được học phần Thầy dạy, nhưng Thầy trò tôi đã thân quen như người trong nhà... Tôi thường đến phòng nội trú khoảng 15 mét vuông của gia đình Thầy chơi cùng các em Kiên, Nhi... Nghe Thầy kể nhiều chuyện về các thầy giáo sau cách mạng tháng Tám ở hai huyện Diễn Châu, Yên Thành mà gia đình tôi có quen biết. Thầy thường gọi tôi bằng ba từ thân thương "anh Chắt Bảo" (ở quê tôi người nào có con khi ông bà vợ hoặc chồng đang sống thì được gọi là "chắt"). Thỉnh thoảng, tôi cùng mấy bạn trong lớp xuống nhà máy cưa chở giúp thầy bì bọn cưa (hồi đó cũng phân phối) hay bửa giúp thầy cái gộc cây phi lao để cô làm chất đốt... Viết đến đây mà nghẹn ngào xúc động, bởi thời buổi bao cấp, thiếu thốn đủ bề. Thầy cũng nghèo, mà chúng tôi thì đói nên chỉ biết "Thương nhau tay nắm lấy bàn tay" hay như hai câu thơ của Tố Hữu: "... Em ơi nghèo không bánh - Anh chỉ có chút tình...!"
Tôi nhớ trên bàn làm việc của Thầy bao giờ cũng bề bộn những tập tài liệu, sách báo (phần lớn viết bằng tiếng Pháp) một tách trà nho nhỏ, một đĩa gạt tàn thuốc lá... một bóng điện tròn vừa đủ chiếu sáng... Nơi ấy cũng là nơi thầy chấm, chọn, hướng dẫn bao luận văn, luận án, bao công trình khoa học... của người "Nông phu" Nguyễn Trung Hiếu trên "Cánh đồng chữ" bất tận. Cứ cuối tuần, cô Đa lại chăm chỉ vào sắp xếp, lau dọn cho căn phòng một lần... mà không hề kêu ca, oán trách!
Tôi nhớ nhất là những tiết giảng của Thầy ở phần "Thơ văn Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương". Thầy nói ít nhỏ nhẹ, chắt lọc ngô ngữ, vừa đủ nghe. Khi cả lớp đang im phăng phắc... Thầy bỗng ký họa nhanh lên bảng hình ảnh một người phụ nữ mặc váy xòe rộng, trên vai là chiếc đòn gánh cong trĩu nặng... Một bên là chiếc thúng và cái gióng ba tao ngồi bên trong là ông Tú Xương áo the khăn đóng, một bên khác là 5 cái đầu lố nhố của lũ con thơ dại. Và từ đó Thầy gợi mở, hướng dẫn chúng tôi đi tìm cái "Thần" của bài thơ "Thương Vợ", cùng nhiều bài thơ khác của Trần Tế Xương. Một cách giảng thậy tài hoa, dễ hiểu, dễ nhớ mà vui thú đến lạ kỳ...!
Theo Thầy Hiếu, dạy tác phẩm văn học là phải tìm cho ra cái cốt lõi, cơ bản nhất về nghệ thuật (mà Thầy gọi là cái "Thần") từ đó mà hướng dẫn học sinh khai thác dần dần về mặt nội dung, đừng khiên cưỡng áp đặt và hô khẩu hiệu.
Thấm thoát rồi bốn năm học cũng trôi qua, sau kỳ huấn luyện sĩ quan dự bị, tôi đến chào Thầy Cô cùng hai em để ra trường. Thầy bồi hồi nắm tay tôi và hỏi:
- Anh đã có dự định gì cho tương lai chưa?
- Thưa Thầy, em mong muốn được về dạy học gần nhà để giúp đỡ vợ nuôi bốn đứa nhỏ thôi ạ!
- Vậy thì lúc nào về, anh nhớ đến gặp tôi một chút nhé!
Vâng lời Thầy, sáng hôm sau khi đến chào từ biệt - Thầy đã để sẵn hai lá thư trên bàn, một thư gửi thầy Nguyễn Hưu - Hiệu trưởng Trường cấp 3 Phan Thúc Trực bây giờ, một thư gửi thầy Chu Văn Tần - Hiệu trưởng trường cấp 3 Phan Đăng Lưu. Nội dung thư là những lời tiến cử, lời nhận xét về Tôi với lời lẽ rất ưu ái. Đọc thư thầy Hiếu, hai thầy giáo hiệu trưởng đều rất mừng và vui vẻ ghi lời tiếp nhận... Nhưng sự đời không đơn giản như vậy Thầy ơi, hồ sơ của em được chuyển về Phòng tổ chức cán bộ Sở giáo dục Nghệ Tĩnh. Thầy Phạm Quý Hùng lúc ấy là Trưởng phòng đã tâm sự: "Nhìn bảng điểm và thành tích học tập của em, Sở sẽ cho em về dạy ở những trường Sư phạm, nơi đó đào tạo những người thầy... mà chỉ có sư phạm miền núi Nghệ An đóng ở thị trấn Lạt là gần Yên Thành nhất". Vâng lời thầy Hùng, tôi cầm tờ quyết định lên đường, trong lòng không nguôi lòng biết ơn Thầy Hiếu, thầy đã tiến cử em, nhưng em đã không làm trọn ý nguyện của Thầy rồi, Thầy ơi!
Từ ấy, mỗi năm vào dịp hè, Tôi mới có cơ hội về Vinh để học tập chuyên đề thay sách giáo khoa về truyền đạt lại cho giáo viên trong toàn huyện. Tranh thủ những giờ nghỉ tôi ghé lên khu nhà C3 Quang Trung để thăm thầy. Vẫn đôi mắt sáng long lanh, vẫn nụ cười cửa miệng duyên dáng, thầy trò tôi ríu rít chuyện trò. Tôi mừng vì lúc này thầy đã có một chiếc ti vi đen trắng, một chiếc máy ảnh cũ. Thầy ngồi xem ti vi, khi bắt gặp hình ảnh nào hay hay, lại vội vàng bấm máy. Tôi nhìn thầy ái ngại - bởi sức khỏe Thầy ngày càng yếu đi!
Và điều không hề mong muốn đã đến, ngày 15 tháng 9 năm 1995, sau một cơn bạo bệnh. Thầy đã về với cõi cao xanh. Từ Yên Thành, tôi cúi đầu hướng về Thành phố Vinh vĩnh biệt Thầy trong tâm tưởng...
Thầy Nguyễn Trung Hiếu của chúng tôi, một tri thức tài hoa, uyên bác, có những cá tính rất khác lạ, mà không phải ai cũng dễ cảm thông. Một con người mà trong phần ưu điểm của bản kê khai lý lịch chỉ viết vài từ qua loa, còn phần khuyết điểm thì viết dài đến hai trang giấy? Tìm đâu được một con người như thế giữa đời nay... chỉ biết cầu mong cho Thầy được siêu thoát về miền cực lạc... Thầy ơi!
Trần Vũ Bảo
Cựu sinh viên Lớp 20A Khoa Văn
----------
Bộ phận truyền thông mong rằng sẽ tiếp tục được đón nhận nhiều sáng tác về Trường của các thế hệ cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, học viên chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Trường.
Các tác phẩm thơ, nhạc, văn xuôi... vui lòng gửi qua email: hoanghanam@vinhuni.edu.vn hoặc hoanghanamdhv@gmail.com.