Bộ phận Truyền thông cũng mong rằng sẽ tiếp tục được đón nhận nhiều sáng tác về Trường của các thế hệ cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, học viên.

 

NHỚ THẦY NGUYỄN SỸ CẨN

 

Năm thứ hai ở Trường Đại học Sư phạm Vinh, tôi may mắn được học với thầy Nguyễn Sỹ Cẩn. Một người đồng hương Đô Lương, một bậc cha chú đáng kính. Thầy nắm chặt tay tôi mắt chợt sáng lên khi biết tôi là "con thầy Chỉnh" - vị hiệu trưởng ngôi trường đầu tiên nơi thầy "khởi nghiệp". Rồi thầy sôi nổi nhắc lại những năm tháng đáng nhớ của cuộc kháng chiến chống Pháp, khi thầy vừa dạy học tại trường trung học Hồ Tùng Mậu vừa tham gia Ban chấp hành Liên đoàn Giáo giới huyện Anh Sơn cũ.

Quê thầy ở xã Đông Sơn. Thầy là cháu đích tôn cụ Cử Cẩm Ngọc. Đó là Cụ Nguyễn Sỹ Cường (1833 - 1923 ) đậu Cử nhân khoa thi Canh Ngọ 1870, làm Huấn đạo (coi sóc việc giáo dục) tỉnh Thừa Thiên. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta cụ bỏ quan về quê tham gia phong trào Cần Vương, được lãnh tụ Nguyễn Xuân Ôn cử làm Đốc lương vận - chăm lo lương thảo cho nghĩa quân, tổ chức sản xuất lương thực thực phẩm tính kế lâu dài. Cụ cũng nổi tiếng là người hay chữ, còn để lại một số thơ văn, ví như đôi câu đối mang triết lý sâu xa được nhiều người nhớ:

Nhược giao đán đán nhi nguyên đán

Tiện thị nhân nhân tận hảo nhân.

(Ví thử ngày nào cũng như ngày đầu năm mới

Thì hẳn mọi người đều là người tốt).

Hay như bài phú "Phở rẫy trồng chè" chan chứa lòng yêu nước...

Sinh ra khi Nho học đã tàn, nhưng nhờ ảnh hưởng của gia đình, thầy Nguyễn Sỹ Cẩn thông thạo chữ Nho và Nho học. Thầy dạy chúng tôi phần Văn học trung đại. Nhờ thầy chúng tôi biết được thế nào là "Thi trung hữu họa, Thi trung hữu nhạc" , mới biết cái "tinh diễm, thanh viễn" (trong sáng, đẹp đẽ, cao xa) của thơ văn Lý Trần, cái tư tưởng "các đế nhất phương" trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi - độc lập, bình đẳng với hoàng đế Trung Hoa, đâu chỉ "hùng cứ một phương" kiểu anh hùng nhất khoảnh như trong các bản dịch cũ...

Thi thoảng thầy cũng làm thơ. Tôi còn nhớ (không đầy đủ) bài thơ "Vịnh Thúy Kiều" của thầy, là xúc cảm về một tác phẩm không thuộc phần thầy giảng dạy:

Trăm năm nặng nợ kiếp hồng nhan

Bạc mệnh vì đâu một tiếng đàn!

Vườn Thúy trăng thề xây mộng đẹp

Sông Tiền nước bạc tỏ tình oan

Lầu xanh cửa các đày thân gái

Má phấn hơi đồng bỉ mặt quan...

Tuy chỉ dạy phần Văn học cổ nhưng sau này khi thay sách giữa những năm 80 thầy lại được Bộ Giáo dục mời biên soạn phần Văn học 30 - 45 trong chương trình Văn lớp 8. Đây là lần đầu tiên các giáo viên trung học cơ sở (miền Bắc) biết đến truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam. Tôi dự hội thảo thay sách của Sở Giáo dục Nghệ An, nghe một cán bộ quản lý phê phán gay gắt sao lại đưa truyện này vào nhà trường, thật thiếu lập trường giai cấp quá! (vì truyện có chi tiết ca ngợi chú bé con nhà giàu lại xin mẹ nhường cho bạn nhỏ nghèo chiếc áo bông cũ khi trời trở rét). Năm ấy thầy đã nghỉ hưu. Ông giáo già không có một học vị gì lại có đôi mắt xanh tinh tường và "đổi mới" sớm hơn những người còn trẻ!

Tôi được học với thầy không đầy một năm. Mãi tận sau này mới được đọc thêm một số bài viết của thầy về đạo Nho, Nho học, lịch sử khoa cử, địa chí văn hóa..., mới biết trong thầy còn ẩn chứa một khối tri thức lớn, mới thấy tiếc cho quãng thời gian ấy. Có thể thầy là một cây cầu nối hiếm hoi giữa cổ đại với hiện đại mà tôi được gặp. Và càng thiết thực hơn là cây cầu nối giữa tôi với quá khứ của tôi, được ở gần thầy mà không biết học hỏi gì thêm. Có lần thầy còn nhắn tôi lên nhà thầy ở khu tập thể phố Quang Trung chơi. Nghi ngại thế nào mà rồi tôi cũng lảng. Dở hơi quá! Anh học trò nông thôn đi học muộn, đầy mặc cảm, kiến thức bập bõm chắp vá như chiếc áo cũ sờn mặc lỳ suốt những năm tháng ấy.

Thầy trò xa nhau. Rồi tôi vào Nam gần chục năm sau mới trở ra thì thầy đã nghỉ hưu, rồi thầy ra Hà Nội ở. Lạ lùng thầy vẫn nhớ tôi. Trước khi mất không lâu, thầy còn gửi tôi tập tư liệu về ngành Giáo dục Đô Lương những năm 50 của thế kỷ trước. Người thầy giáo già vẫn trăn trở và đau đáu nhớ quê, vẫn gửi gắm và mong mỏi những học trò của mình gắng làm một điều gì đấy cho quê hương chăng?

Nhưng rồi tôi cũng lại nghỉ hưu mà chẳng làm được gì nên trò trống cả! Xấu hổ thay trước bậc thầy đáng kính.

 

Vương Long