Bộ phận Truyền thông cũng mong rằng sẽ tiếp tục được đón nhận nhiều sáng tác về Trường của các thế hệ cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, học viên.

 

GIÁO SƯ NGUYỄN THÚC HÀO

VỊ HIỆU TRƯỞNG TÀI ĐỨC VẸN TOÀN

 

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thúc Hào là một trong những người có công đầu xây dựng nền Đại học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám, một trong hai nhà toán học đầu tiên được phong hàm Giáo sư. Ông còn là vị Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Sư phạm Vinh (nay là Trường Đại học Vinh) và là vị Hiệu trưởng mẫu mực, ở cương vị này lâu nhất từ trước đến nay, từ 1959 đến 1974.

GS.NGND. Nguyễn Thúc Hào (1912 - 2009)

1. Giáo sư Nguyễn Thúc Hào sinh ngày 6/8/1912 tại làng Xuân Liễu, nay là xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình khoa bảng nổi tiếng. Ông nội là Nguyễn Thúc Kiều (1849 - 1885), đậu Cử nhân năm 1878, từng giữ chức hành tẩu bộ Công, Biên tu nội các (1880). Năm 1881 từ quan, về quê mở trường dạy học. Nhà ái quốc Phan Bội Châu từng là học trò cưng của ông. Năm 1885, kinh thành Huế thất thủ, ông đóng cửa trường, buồn đau, uất hận, nhịn ăn và qua đời ngày 3/7/1885, hưởng dương 36 tuổi. Thân phụ là Nguyễn Thúc Dinh (1878 - ?) đậu Cử nhân năm 1900, đậu Phó bảng năm 1907, làm quan trải đến chức Thượng thư bộ Lại. Sau Cách mạng, ông là nhân sĩ yêu nước trong mặt trận Liên Việt.

Năm 1924, Nguyễn Thúc Hào thi đậu Thủ khoa vào trường Quốc học Huế cùng người bạn thân Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013). Ông từng kể với nhà báo Hàm Châu: "Khi thi vào trường Quốc học Huế, tôi đỗ đầu, anh Võ Nguyên Giáp đỗ thứ 2. Nhưng khi vào học thì anh Giáp đứng đầu lớp, tôi đứng thứ 2. "Học tài thi phận" mà! Học cùng nhau trong một thời gian dài, mới bộc lộ hết cái tài của từng người. Anh Giáp thông minh hơn, học giỏi hơn tôi". Bấy giờ cả gia đình ông sống ở Huế. Ông và em trai Nguyễn Thúc Tùng (1916 - 2013) - Đại tá, GS.TS, Thầy thuốc Nhân dân, được chăm sóc chu đáo. Hồi ký của Giáo sư Tạ Quang Bửu (1910 - 1986) có đoạn: "Tôi và anh Hào là người đồng hương Nam Đàn. Năm học 1923 - 1924, tôi lên lớp đệ tam ở trường Quốc học Huế. Cụ Phó bảng Nguyễn Thúc Dinh thân sinh anh Hào cho tôi ở nhờ nhà cụ để đi học gần trường hơn. Cụ là nhà khoa bảng, tính rất ngăn nắp, thu xếp cho anh Hào học rất chu đáo. Tôi cùng ở với anh Hào và anh Tùng. Cả hai đều ngăn nắp, sạch sẽ, trong khi sách vở của tôi thì rất lôi thôi, luộm thuộm…".

Từ 1926 - 1929, Nguyễn Thúc Hào ra Hà Nội học Trường Albert Sarraut, sau đó sang Pháp học trường Trung học Aixen - Provence, rồi vào dự bị đại học tại Trường Saint Louis (Paris) nổi tiếng. Từ 1931 - 1935, trong vòng 4 năm, ông theo học Trường Đại học Khoa học Marseille và được cấp 6 chứng chỉ: toán học đại cương, giải tích toán học, vật lý đại cương, cơ học lý thuyết, cơ học chất lỏng và thiên văn học. Ngoài ra, ông còn viết xong luận văn cao học (nay là Thạc sĩ) về một đề tài có liên quan đến hình học và cơ học. Thuở ấy mà học cao đến thế là cực hiếm có ở Đông Dương.

Năm 1935, Nguyễn Thúc Hào trở về Huế dạy toán tại Trường Quốc học (bấy giờ gọi là Trường Trung học Khải Định). Các nhà thơ nổi tiếng: Xuân Diệu, Tố Hữu, Huy Cận và nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương... đều là học trò của ông.

Những năm 1942 - 1946, ngoài giảng dạy, ông còn viết nhiều bài cho tờ Khoa học, tờ báo do Nguyễn Xiển, Hoàng Xuân Hãn, Đặng Phúc Thông... xuất bản tại Hà Nội và tham gia Hội truyền bá chữ Quốc ngữ, Giám đốc Vụ Trung học Trung Bộ, tham gia Hội đồng Cố vấn học chính của Bộ Quốc gia Giáo dục. Tháng 8/1946, ông chuyển ra Hà Nội, nhận chức Tổng thư ký kiêm Quyền Giám đốc Trường Đại học Khoa học Hà Nội.

Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cả gia đình ông tản cư về quê. Tháng 4/1947, thực hiện chỉ thị của Bộ Giáo dục, ông mở Lớp Toán đại cương ngay tại quê nhà (lúc đầu học tại nhà thờ họ của cụ Nguyễn Thạc Phỉ, sau học trong nhà thờ ông Chắt Cừ, bên làng Đan Nhiễm).

Những năm 1951 - 1954, ông tham gia Ban Giám đốc Trường Dự bị Đại học rồi Trường Sư phạm cao cấp Liên khu 4. Hòa bình lập lại, ông dạy toán tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội rồi làm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Ngày 16/7/1959, Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) ra quyết định thành lập tại Thị xã Vinh một Phân hiệu Đại học Sư phạm. Tháng 8/1959 Bộ Giáo dục bổ nhiệm Giáo sư Nguyễn Thúc Hào làm Giám đốc Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh. Theo Quyết định số 637/QĐ ngày 28/8/1962 của Bộ Giáo dục, Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh đổi tên thành Trường Đại học Sư phạm Vinh, Giáo sư Nguyễn Thúc Hào làm Hiệu trưởng.

Giáo sư Nguyễn Thúc Hào còn là Đại biểu Quốc hội ba khóa liên tiếp: II, III, IV (1960 - 1975); Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An (1960 - 1972); Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam (1962 - 1987); Ủy viên Ban chấp hành Hội Hữu nghị Việt - Pháp, Việt - Xô; Đại biểu dự Hội nghị Chính trị đặc biệt do Hồ Chủ Tịch triệu tập vào ngày 27/3/1964...

GS. Nguyễn Thúc Hào (hàng đầu, thứ 4 từ trái sang) và Hội Toán học Việt Nam

Ngoài việc làm công tác quản lý, tham gia các công tác xã hội và trực tiếp lên lớp, Giáo sư còn là tác giả các tác phẩm: Bài giảng hình học giải tích (2 tập); Hình học giải tích; Hình học vi phân; Giải tích; Hình học véctơ; Hình học tuyến tính. Mặc dù nghỉ hưu từ năm 1976, ông vẫn miệt mài dịch các cuốn sách và tài liệu có giá trị từ tiếng Nga như: Giải tích Tenxơ và hình học Riemann của Rashevsky, Cơ sở lý thuyết mặt của Kagan; từ tiếng Anh như: Không gian, thời gian, vật chất của H.Weyl, Toán Ricci của J.A.Schouten; từ tiếng Pháp như: Không gian liên thông xạ ảnh của Elie Cartan, Xác suất và ứng dụng của H.Cramer, Thuyết tương đối và điện động lực học của A.Lichnerowiez...

2. Mười lăm năm làm Giám đốc Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh rồi Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Vinh là quãng thời gian vất vả nhất trong cuộc đời dạy học của Giáo sư Nguyễn Thúc Hào. Hơn năm năm đầu vất vả vì xây dựng cơ ngơi mới, tám năm tiếp theo gian lao vì phải đi sơ tán, gần hai năm cuối cực nhọc vì phải xây dựng lại trường từ đống gạch vụn. Nhà báo Hàm Châu (1935 - 2016), một người đồng hương Nam Đàn và bạn vong niên gần gũi đã viết về thầy khoảng thời gian đầu trường đi sơ tán:

"Từ tháng 8/1964, Vinh - Bến Thủy bị Mỹ giội bom hủy diệt. Trong 18 tháng 4 lần trường di chuyển: Từ Vinh ra Nghi Lộc, lên Thanh Chương (Nghệ An), rồi từ Thanh Chương ra Hà Trung, Thạch Thành (Thanh Hóa). Thầy Hiệu trưởng tuổi ngót lục tuần vẫn trèo đèo, lội suối đến từng khoa cách xa Hiệu bộ cả chục cây số, cùng khoa lo toan cho từng cái lán học, căn hầm trú ẩn, bếp ăn, gạo, mì, mắm muối… Bận rộn thế, thầy vẫn dành thời gian bồi dưỡng toán chuyên đề cho các đồng nghiệp trẻ. Vợ con thầy cũng sống kham khổ như mọi người, cũng ăn cơm độn sắn khoai, cũng tự mình đào hầm trú ẩn. Thầy xắn quần lội bùn đến lớp, băng rừng tới dự những đêm liên hoan văn nghệ của sinh viên… Thầy sống như một "ẩn sĩ" giữa chốn thâm sơn cùng cốc. Chỉ còn một nét tài hoa kinh kỳ mà đêm đêm người dân miền núi vẫn còn cảm nhận được. Đó là tiếng đàn viôlông réo rắt nhạc Mozart, Beethoven hay Chopin, Tchaikovsky -  "ngón đàn" mà thầy đã học được từ thời trai trẻ giữa Paris hoa lệ…".

Phó Giáo sư Văn Như Cương (1937 - 2017), học trò của thầy Hào từ thời ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau đó trở thành đồng nghiệp của thầy ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội rồi ở Trường Đại học Sư phạm Vinh nhớ lại cảm nhận của mình trong buổi đầu tiên được học toán với thầy Hào: "…Ông chỉ khoảng trên dưới 40 tuổi, ăn mặc giản dị nhưng nghiêm chỉnh, nói năng chậm rãi, nhẹ nhàng với chất giọng miền Trung. Ông mở đầu rất ngắn gọn và đi ngay vào bài giảng. Ngay lập tức bài giảng đã cuốn hút tôi vì nhiều lẽ: cách đặt vấn đề rõ ràng và mang tính gợi mở, cách giải quyết vấn đề rất minh bạch và mạch lạc, các phép tính toán luôn luôn ngắn gọn, không vụn vặt, thường là dùng phương pháp rút gọn thông minh, cách diễn đạt sinh động dễ hiểu với ngôn ngữ chuẩn xác, phong phú nhưng không cầu kỳ… và cuối cùng là cách trình bày bảng rõ ràng và đẹp đẽ".

Thầy Văn Như Cương còn viết về tài đức của người thầy và vị thủ trưởng rất mực đáng kính của mình: "…Và trong 15 năm đứng đầu Trường Đại học Sư phạm Vinh, thầy đã chứng tỏ khả năng quản lý của nhà toán học, đưa nhà trường vượt qua bao nhiêu thử thách cam go, chống lại cuộc khủng bố dã man của không lực Hoa Kỳ. Thầy đã để lại trong tập thể cán bộ và sinh viên trường Vinh một ấn tượng rất cao đẹp về một người Hiệu trưởng công minh, chính trực, chí công vô tư, yêu người yêu nghề, có tầm nhìn xa trông rộng, biết lắng nghe và biết quyết đoán.

Trong những ngày gian khổ của Trường Đại học Sư phạm Vinh, sống gần thầy tôi đã nhận thấy một nhân cách lớn lao trong một con người nhỏ nhắn. Thầy toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp trồng người, không hề nghĩ gì đến chính mình. Có chăng chỉ là một cốc cà phê buổi sáng do vợ rang trong ống bơ và tự mình tán nhỏ trong cối giã, hoặc là mươi phút thư giãn trong đêm khuya nghe nhạc cổ điển từ một chiếc máy thu thanh nhỏ bé và cổ lỗ. Khi mới về Vinh, thầy cùng sống với cán bộ chúng tôi trong khu vực "nhà dòng" chật hẹp, và sau này khi trường mở rộng sang khu vực mới, thầy cũng ở trong một phòng của dãy nhà "tranh tre nứa lá" mà nguy cơ cháy luôn luôn thường trực. Tỉnh ủy Nghệ An định tìm cho thầy một căn phòng "tử tế" hơn nhưng thầy bảo anh em ở như thế nào thì tôi ở như thế. Về hưu thầy chẳng có tài sản gì giá trị ngoài một chiếc giường và chiếc tủ áo do Trường Vinh tặng. Về Hà Nội ở nhờ nhà nghỉ của Trường Vinh. Sau được Bộ cho một căn nhà tạm bợ, vốn là của nước Thụy Điển cứu trợ cho những gia đình bị đổ nhà trong vùng bão lụt. Căn nhà đó hư hỏng từ lâu, may mà miếng đất nhỏ bé thì vẫn còn, nên con cháu đã làm cho ông bà một căn hộ nho nhỏ, phòng khách chỉ vừa chỗ cho 5 người ngồi sát cánh".

Xin ghi thêm một chi tiết nhỏ nói lên cái tâm và cái tầm của thầy Hào. Tiến sĩ Nguyễn Thái Tự - nguyên cán bộ giảng dạy khoa Sinh, Trường Đại học Sư phạm Vinh, đồng tác giả cụm công trình Động vật chí Việt Nam và thực vật chí Việt Nam, sách đỏ và danh mục đỏ Việt Nam được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012, lúc vào tuổi bát thập rất xúc động nhớ lại: "Năm 1967, tôi nhận được quyết định của Bộ Giáo dục cho đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Khi lên trường làm thủ tục, thầy Hào dặn: "Trước khi đi, anh đừng về nhà, cũng đừng viết thư về. Chờ sang đến nơi, hãy viết thư về, vì trường cử anh đi trong khi địa phương chưa thật đồng ý". Thực tình lúc đó, tôi chưa cảm nhận hết ý nghĩa của sự việc này. Giờ đây, mỗi lần nhớ lại, tôi lại trào nước mắt bởi tôi đã cảm nhận được cái chân tình hết mực trong câu nói của Thầy".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và GS Nguyễn Thúc Hào, hai người bạn cùng học một lớp ở trường Quốc học Huế gặp nhau tại Hà Nội năm 1996

3. Nói đến nguồn gốc tâm đức của thầy Hào, có một việc còn rất ít người biết. Hồi mở lớp Toán đại cương ở quê nhà Nam Đàn (1947 - 1950), thầy Nguyễn Thúc Hào liên lạc với Bộ Giáo dục qua địa chỉ bí mật: Ông Nguyễn Tứ Đức, bưu cục Nam Đàn. Giáo sư đã tâm sự với nhà báo Hàm Châu: "Cha tôi là một nhà nho đỗ đại khoa, cho nên chúng tôi đều được dạy bảo từ thuở bé rằng: tứ đức của con trai là hiếu, đễ, trung, tín, của con gái là công, dung, ngôn, hạnh. Tuy nhiên, chữ tên Tứ Đức của tôi không hề theo nghĩa ấy, không hề mang ý nghĩa quen thuộc bao đời ở chốn "cửa Khổng sân Trình". Tứ đức mà tôi muốn noi theo để tu dưỡng, rèn luyện mình, tứ đức mà tôi coi như chuẩn mực của phẩm hạnh là: cần, kiệm, liêm, chính. Đức độ của Bác Hồ đã hoàn toàn cảm hóa tôi. Dù đến với Bác, với cách mạng muộn màng hơn anh Giáp, tôi sẽ cố gắng không bao giờ nản lòng, thoái chí…". Chính với tâm đức trong sáng tuyệt vời đó mà tuổi già thầy sống rất thanh thản, hạnh phúc. Thầy đã được tặng thưởng Huân chương kháng chiến (hạng Ba và hạng Nhì), Huân chương lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Tháng 11/1998, thầy được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Đặc biệt, thầy cô đã nuôi dưỡng được những người con rất mực hiếu thảo, thành đạt: Nguyễn Thúc Hoàng là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhiều khóa; Nguyễn Thúc Hải là GS.TS, nguyên Chủ nhiệm khoa Công nghệ thông tin của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước (hiện đang ở nhiệm kỳ 2014 - 2019); Nguyễn Thúc Hà, Tiến sĩ Hóa - Lý hiện đang tu nghiệp tại Đức. Thầy đã góp phần đào tạo nên bao nhà khoa học học hàng đầu của đất nước như Hoàng Tụy, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Đình Trí, Nguyễn Trọng Di, Nguyễn Hoàng Phương, Nguyễn Văn Hiệu, Phan Đình Diệu, Vũ Đình Cự, Hà Văn Mạo, Đinh Ngọc Lân, Văn Như Cương,... Thầy đã là Đại biểu Quốc hội 3 khóa liền, ấy vậy mà cuối đời vẫn chỉ sống trong một căn nhà nhỏ đơn sơ. Lại nhớ câu thơ GS.TSKH. Phan Đình Diệu mừng thầy thượng thọ 70 tuổi: "Tay dù trắng, đẹp đời trong trắng/ Lòng vẫn son, bền chí sắt son" và bài thơ mà thầy Văn Như Cương mừng thầy đại thượng thọ 95 tuổi:

Thầy mãi là thầy của chúng con

Tấm gương soi sáng mọi tâm hồn.

Cuộc đời gieo hạt trong như ngọc

Sự nghiệp trồng người đỏ tựa son.

Hiệu trưởng quang minh danh sáng mãi

Giáo sư thanh bạch tiếng thơm còn.

Chín mươi lăm tuổi bài thơ đẹp

Đức trọng, đạo cao sánh núi non.

Và xin chép lại một trong những bài họa thơ thầy Văn Như Cương của một thầy giáo Trường Đại học Vinh nói rất đúng tấm gương của vị Hiệu trưởng tài đức vẹn toàn để kết thúc bài viết này:

Một tấm gương đời rạng cháu con

Lung linh trí tuệ, đẹp tâm hồn.

Nghề vui dạy toán lòng thanh thản

Nghiệp lớn trồng người dạ sắt  son.

Chức trọng, quyền cao mai một hết

Danh thơm, tiếng tốt thủy chung còn.

Thông xanh dầu dãi bao mưa nắng

Để gió lành reo với nước non!

Hồ Sỹ Hùy