Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự Hội thảo có đông đủ các nhà khoa học, những người làm thực tiễn tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, các cán bộ giảng viên của Khoa Luật, Trường Đại học Vinh. Hội thảo đã trao đổi, chia sẻ, đóng góp những quan điểm khoa học có giá trị từ những người làm thực tiễn, các nhà khoa học, giảng viên trong khu vực các tỉnh Bắc Miền Trung để chủ nhiệm đề tài và các thành viên của đề tài hoàn thiện công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ với đề tài: “Trợ giúp pháp lý cho người nghèo thuộc vùng 30A ở các tỉnh Bắc Trung Bộ: Thực trạng và giải pháp".


Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An phát biểu đóng góp với đề tài



Đại biểu tỉnh Nghệ An phát biểu đóng góp cho đề tài





Hội thảo đã chỉ ra cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn và ý nghĩa quan trọng của chương trình trợ giúp pháp lý cho người nghèo ở các huyện nghèo 30a, từ đó nhận thấy giá trị đặc biệt quan trọng của đề tài mà nhóm tác giả đã lựa chọn. Ngày 06/09/1997 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 734/TTg về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách. Từ đó đến nay trên cơ sở Luật trợ giúp pháp lý năm 2006; Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu từ ngày 1 tháng 1 năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác trợ giúp pháp lý đã phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý đã được hình thành từ trung ương đến địa phương, bao gồm Cục trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp và Trung tâm trợ giúp pháp lý ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với đội ngũ chuyên viên và cộng tác viên trợ giúp pháp lý đông đảo. Các tổ chức trợ giúp pháp lý đã đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu giúp đỡ pháp lý của người nghèo, đối tượng chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời, trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống pháp luật của xã hội.

Bắc Trung Bộ Việt Nam gồm có 6 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Vùng Bắc Trung Bộ có tính chất chuyển tiếp giữa các vùng kinh tế phía Bắc và các vùng kinh tế phía Nam. Trong danh sách 62 huyện nghèo nhất trên cả nước (Nghị quyết Số: 30a/2008/NQ-CP) các tỉnh Bắc Trung Bộ có 12 huyện (chiếm tỷ lệ 19,3%). Nhưng đến năm 2018 Quyết định 275/QĐ-TTg ngày 7/3/2018 Quyết định phê duyệt danh sách các huyện nghèo và các huyện thoát nghèo năm 2018 - 2020 thì Bắc Trung Bộ chỉ còn lại 11 nghèo, huyện Như Xuân được xét thoát nghèo năm 2018 - 2020. Đây là những địa bàn rộng, địa hình phức tạp, việc đi lại của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng cao gặp nhiều khó khăn trong khi đó một bộ phận khá lớn trình độ dân trí thấp cùng với nhiều tác động khác nên tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật, tình trạng khiếu nại, khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự, đất đai... xảy ra ngày càng nhiều và tương đối phức tạp.

Số người thuộc diện được trợ giúp pháp lý tại các huyện nói trên khoảng 800.000 người; trong đó dự kiến khoảng 500.000 người có nhu cầu trợ giúp pháp lý; hình thức trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý được mở rộng như hoà giải, đại diện ngoài tố tụng, thực hiện những công việc liên quan đến thủ tục hành chính, khiếu nại và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật. Qua khảo sát trên địa bàn các huyện nói trên, cho thấy hoạt động trợ giúp pháp lý chỉ mới đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu tư vấn pháp luật và khoảng 7% nhu cầu bào chữa, đại diện.

Như vậy, nhu cầu trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác vẫn còn lớn trong khi đó hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động trợ giúp pháp lý còn chưa được hoàn thiện, quy định pháp luật về công tác trợ giúp pháp lý chưa thống nhất, đồng bộ; trong một số trường hợp chưa toàn diện, kịp thời, bám sát thực tiễn dẫn đến một số quy định chưa khả thi. Thực tiễn thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý cũng đã bộc lộ những hạn chế bất cập cụ thể như: hệ thống tố chức thực hiện trợ giúp pháp lý vẫn chưa phù hợp và hoạt động chưa hiệu quả, việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên trong thực tế còn nhiều khó khăn, cơ chế thu hút các chủ thể trợ giúp pháp lý cũng chỉ mới dừng lại ở mức khuyến khích tham gia; nhận thức của người dân về pháp luật trợ giúp pháp lý còn thấp và không đồng đều nên nhiều người có hoàn cảnh khó khăn và có nhu cầu trợ giúp pháp lý vẫn chưa tiếp cận được với hoạt động này. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thực hiện trợ giúp pháp lý cũng như chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác.

Có thể nhận thấy thành công của Hội thảo là một bước tiền đề quan trọng để các tác giả tiếp tục hoàn thiện và bảo vệ thành công đề tài của mình trong thời gian tới đây. Mặt khác, Hội thảo đã tạo không gian, môi trường trao đổi, nghiên cứu học thuật có ý nghĩa đối với các giảng viên công tác tại Khoa Luật, Trường Đại học Vinh, thể hiện sự kết nối, phối hợp chặt chẽ có hiệu quả giữa cơ sở đào tạo và các đơn vị, cơ quan, những người làm thực tiễn, các nhà khoa học ở các tỉnh Bắc miền Trung.

Bài viết: TS. Nguyễn Văn Đại