Sách được viết bằng tiếng Anh, với 3 nội dung chính:
1. Phân tích bối cảnh kinh tế chính trị và an ninh trong nước và quốc tế giai đoạn 1986 - 2012.
2. Nghiên cứu 3 đại chiến lược của Việt Nam đối với Tổ chức ASEAN dựa trên bối cảnh trong nước và quốc tế:
- Mục tiêu Kinh tế: Tầm quan trọng của Tổ chức ASEAN đối với Việt Nam trong việc tạo sức nặng đòn bẩy xúc tiến thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với ASEAN và đặc biệt là với các đối tác lớn của ASEAN như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, nhóm con Rồng Châu Á (NICs), Trung Quốc và tiến trình đàm phán Hiệp định hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương.
- Mục tiêu An ninh: ASEAN đối với Việt Nam trong việc hoạch định và triển khai chính sách an ninh quốc phòng đa phương và phát triển quan hệ song phương với các nước lớn nhằm giải quyết vấn đề biển Đông vì sự hòa bình, ổn định và phát triển khu vực.
- Mục tiêu Ảnh hưởng: ASEAN đối với Việt Nam trong chiến lược xây dựng vị thế ngoại giao, chính trị, kinh tế và an ninh nhằm phát huy ảnh hưởng quốc gia trên trường khu vực và quốc tế.
3. Kiến nghị đối sách của Việt Nam trong tiến trình hội nhập Đông Á nhằm củng cố và phát triển 3 chiến lược nói trên.
Ý nghĩa khoa học của cuốn sách bao gồm:
1. Về mặt lý thuyết: Chỉ ra những hạn chế của các trường phái lý thuyết trong quan hệ quốc tế như Chủ nghĩa hiện thực chính trị và Chủ nghĩa kiến tạo khi nghiên cứu chính sách ngoại giao của Việt Nam.
2. Về mặt thực tiễn:
- Góp phần hệ thống hóa chính sách ngoại giao của Việt Nam trên bình diện kinh tế, chính trị và an ninh từ Đổi mới năm 1986 đến nay; cung cấp bức tranh toàn cảnh về tiến trình hội nhập Đông Á, chính sách ngoại giao của Tổ chức ASEAN và các nước lớn ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
- Đề xuất kiến nghị về đối sách trong việc Việt Nam hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, phát triển vị thế quốc gia và giải quyết các nguy cơ xung đột an ninh truyền thống trong khu vực, đặc biệt là vấn đề biển Đông.
Tin: Đinh Phan Khôi