Quy dịnh về quản lý KH&CN (1)

Quy dịnh về quản lý KH&CN (2)

 

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Quy định về quản lý hoạt động KH&CN đã thực sự trở thành hành lang pháp lý quan trọng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, cán bộ - giảng viên của Nhà trường trong việc thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, quy định cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập nhất định. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Chỉnh phủ và các bộ ngành liên quan đã ban hành một số văn bản mới, như: Nghị định số 99/2014/NĐ-CP ngày 25/10/2014 của Chính phủ Quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học; Công văn số 230/BGDĐT-KHCNMT ngày 16/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai thực hiện Nghị định số 99/2014/NĐ-CP của Chính phủ; Điều lệ trường đại học (theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ); Thông tư 47/2014/TT-BGDĐT ngày 31/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quy định chế độ làm việc đối với giảng viên; Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của liên Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước; Quyết định số 5830/QĐ-BGDĐT ngày 27/11/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định một số định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí áp dụng đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ có sử dụng ngân sách Nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 30/12/2015 của liên Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ về quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước; Thông tư số 11/2016/TT-BGDĐT ngày 11/4/2016 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành "Quy định về quản lý đề tài khoa học công nghệ cấp bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo",... điều này đã đặt ra yêu cầu cần kịp thời bổ sung, sửa đổi một số điều của quy định.

Để có đầy đủ thông tin, bám sát tình hình thực tế triển khai cũng như ý nguyện của các nhà khoa học và cán bộ, giảng viên trong toàn Trường, ngày 08/9/2015, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh đã có công văn số 3255/ĐHV-KH&HTQT lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung quy định quản lý các hoạt động KH&CN trong Nhà trường. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp và các quy định hiện hành của Nhà nước về công tác quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), Phòng KH&HTQT đã chủ trì chỉnh sửa, bổ sung Quy định về quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ của Trường Đại học Vinh và xin ý kiến rộng rãi toàn thể các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên trong toàn Trường bằng nhiều hình thức khác nhau: đăng trên eOffice, gửi email trực tiếp, trao đổi phi chính thức,... Sau khi tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa, hoàn thiện quy định và thực hiện các quy trình ban hành văn bản của Nhà trường, ngày 09/5/2016, Hiệu trưởng Nhà trường đã ký quyết định số 480/QĐ-ĐHV ban hành Quy định về quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ của Trường Đại học Vinh. So với trước, quy định lần này có một số điểm mới cần lưu ý:

1. Bổ sung loại hình KH&CN "Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Trường". Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Trường do Hội đồng KH&ĐT Nhà trường đề xuất và Hiệu trưởng Nhà trường xem xét, quyết định phê duyệt để triển khai nhằm hướng tới các sản phẩm KH&CN hoàn chỉnh, trình độ cao. Thời gian thực hiện chương trình KH&CN trọng điểm cấp Trường không quá 05 năm. Hằng năm, căn cứ khung chương trình KH&CN trọng điểm cấp Trường được phê duyệt, Ban Chủ nhiệm chương trình phối hợp với Phòng KH&HTQT tổ chức xác định danh mục các nhiệm vụ KH&CN thuộc chương trình, kinh phí và tổ chức triển khai thực hiện.

2. Bổ sung nhiệm vụ của Hội đồng tuyển chọn tập thể/cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN: Căn cứ nội dung nghiên cứu, sản phẩm và dự toán kinh phí thực hiện, Hội đồng tuyển chọn tập thể/cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp Trường có trách nhiệm thẩm định và quyết định phương thức khoán chi thực hiện nhiệm vụ đúng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2015 của liên Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính. Do đó, thuyết minh nhiệm vụ KH&CN cấp Trường cần thể hiện đầy đủ, rõ ràng các thông tin về số lượng, chất lượng, thông số kỹ thuật,... của sản phẩm thuộc nhiệm vụ KH&CN.

3. Bổ sung yêu cầu về sản phẩm thuộc nhiệm vụ KH&CN: Sản phẩm thuộc nhiệm vụ KH&CN các cấp phải ghi rõ nguồn tài trợ kinh phí. Số lượng tối thiểu của sản phẩm thuộc nhiệm vụ KH&CN cấp Trường là: 01 bài báo đăng trên tạp chí khoa học được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) tính đến 0,5 điểm có ghi rõ nguồn kinh phí tài trợ (Ví dụ: Công trình này được tài trợ kinh phí (một phần kinh phí) từ nhiệm vụ KH&CN cấp..., Mã số:... ) hoặc 01 sản phẩm ứng dụng (mẫu, vật liệu, thiết bị máy móc, giống cây trồng, giống vật nuôi, quy trình công nghệ, tiêu chuẩn, quy phạm, sơ đồ, bản thiết kế, tài liệu dự báo, đề án, luận chứng kinh tế, phương pháp, chương trình máy tính, dây chuyền công nghệ, báo cáo phân tích, bản quy hoạch, giáo trình, sách giáo khoa, sách chuyên khảo hoặc bản thảo,...), có xác nhận của đơn vị chức năng về hiệu quả ứng dụng.

4. Bổ sung mới nội dung quản lý các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ: Nội dung Chương 5 nêu rõ quy định và định hướng thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN của Trường Đại học Vinh trong thời gian tới.

5. Chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung liên quan đến công tác biên soạn, xuất bản giáo trình và tài liệu tham khảo: Để phù hợp với các quy định mới của Luật xuất bản ngày 20/11/2012, Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xuất bản cũng như các văn bản quy định mới của Nhà trường, nội dung Chương 8 đã được cập nhật, chỉnh sửa và bổ sung.

6. Thay đổi định mức giờ nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên, quy đổi giờ nghiên cứu khoa học đối với các loại hình, sản phẩm hoạt động KH&CN : Thực hiện Thông tư 47/2014/TT-BGDĐT ngày 31/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quy định chế độ làm việc đối với giảng viên, giờ nghiên cứu khoa học (NCKH) của cán bộ, giảng viên đã được thay đổi cơ bản theo hệ số lương. Điểm quy đổi giờ NCKH đối với các loại hình, sản phẩm hoạt động KH&CN đã được điều chỉnh theo hướng tăng lên đối với các sản phẩm KH&CN có chất lượng. Bổ sung tính giờ NCKH cho các hoạt động: hướng dẫn sinh viên NCKH, ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi các cấp. Điểm NCKH của cán bộ/giảng viên được tích lũy trong tài khoản theo năm tài chính và được phép bảo lưu trong 02 năm.

Một điều đặc biệt lưu ý, đối với loại hình hoạt động seminar khoa học, chỉ tính các chuyên đề seminar có đăng ký kế hoạch và thực hiện đúng quy định của Nhà trường. Mỗi buổi seminar khoa học không ít hơn 240 phút và được tính: Báo cáo seminar mỗi buổi được tính 35 giờ chuẩn nếu báo cáo bằng tiếng Việt, được tính 55 giờ chuẩn nếu báo cáo bằng tiếng Anh; Tham dự seminar mỗi buổi được tính 05 giờ chuẩn (nếu báo cáo bằng tiếng Việt), được tính 08 giờ chuẩn (nếu báo cáo bằng tiếng Anh). Nếu thời gian tổ chức seminar ít hơn quy định thì tính giờ quy đổi theo tỷ lệ: Giờ được tính = (Tổng giờ được tính theo định mức/4) x Số giờ thực hiện. Tổng số giờ NCKH được quy đổi từ hoạt động báo cáo và tham dự seminar của mỗi cá nhân được tính không vượt quá 40% định mức giờ NCKH của cá nhân đó.

7. Bổ sung các quy định liên quan công tác tổ chức, tham dự hội nghị/hội thảo khoa học. Nội dung Chương 10 quy định cụ thể các vấn đề liên quan công tác tổ chức hội nghị/hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế tổ chức tại Trường Đại học Vinh; các quy định liên quan đến việc tham dự, hội nghị/hội thảo khoa học ngoài Nhà trường của cán bộ/giảng viên.

Trên đây là một số điểm mới cơ bản trong Quy định về quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ của Trường Đại học Vinh đã được ban hành kèm theo Quyết định số  480/QĐ-ĐHV ngày 09/5/2016 của Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh./.

TS. Đinh Đức Tài - Phó Trưởng phòng KH&HTQT