Ngày 22/11 trở thành dấu mốc lịch sử đối với ASEAN khi các nhà lãnh đạo 10 nước thành viên khối ASEAN đã chính thức ký vào Tuyên bố chung về thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, khép lại chặng đường 13 năm chuẩn bị.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các nước ASEAN ký Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia ngày 22/11 (Ảnh: AP)

Theo lịch trình, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ ra đời vào cuối năm 2015 với 3 trụ cột chính: cộng đồng an ninh - chính trị, cộng đồng kinh tế và cộng đồng văn hóa-xã hội và sẽ là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới với thị trường rộng lớn quy mô hơn 600 triệu dân và GDP toàn khu vực là 2.400 tỷ USD hiện nay, dự kiến sẽ tăng lên 4.700 tỷ USD vào năm 2020.

Lịch sử hình thành:

Trước tiên phải kể đến dấu mốc hình thành Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (gọi tắt là ASEAN). ASEAN ra đời vào năm 1967 và trở thành một tổ chức toàn diện đầu tiên trong khu vực Đông Á với năm 5 thành viên sáng lập là Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia và Philippines với mục tiêu ban đầu là đảm bảo hòa bình và tăng cường hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội giữa các nước thành viên.

Tiếp đến là việc Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995, sau đó là Lào và Myanmar vào năm 1997 và Campuchia vào năm 1999.

Năm 1992, ASEAN đã thống nhất thành lập một khu vực mậu dịch tự do (AFTA) với mục tiêu biến khu vực ASEAN thành trung tâm thương mại ở khu vực Đông Á cũng như đóng vai trò là đầu tàu tăng trưởng kinh tế quan trọng thông qua thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và xuất khẩu hàng hóa.

Điều này có nghĩa AFTA sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh sản xuất hàng hóa của toàn khối ASEAN với tư cách là một cơ sở sản xuất hàng hóa quan trọng của thị trường toàn cầu thông qua cắt giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong nội khối.

Kết quả là, ASEAN đã trở thành công xưởng sản xuất tại châu Á, nơi các tập đoàn đa quốc gia tụ tập về để thiết lập mạng lưới sản xuất trong khi tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ và chi phí sản xuất thấp, hệ thống phân phối và giao dịch thương mại đang được phát triển giữa các quốc gia ASEAN. Thêm vào đó, một châu Á đang phát triển nhanh chóng cùng với ASEAN và Trung Quốc đã trở thành điểm thu hút đầu tư của thế giới.

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998 đáng giáng một đòn mạnh vào các nền kinh tế thành viên ASEAN với phần lớn dòng FDI được chuyển qua Trung Quốc, vốn đang mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài và một thời gian ngắn sau đó nước này gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO). Đây là một đòn chí mạng giáng vào các nền kinh tế ASEAN vốn dựa vào dòng vốn FDI và xuất khẩu.

Đứng trước các yêu cầu trên, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 9 tổ chức vào năm 2003 tại Bali, Indonesia, các nước thành viên ASEAN đồng thuận thống nhất nâng cấp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thành Cộng đồng ASEAN. Theo kế hoạch ban đầu, Cộng đồng ASEAN dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2020.

Tuy nhiên, trong hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 12 tổ chức vào tháng 1/2007 tại Ceibu, Philippines, các nước ASEAN nhất trí lại là đẩy nhanh việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 trước các thách thức kinh tế khu vực và trên thế giới và nhu cầu về một ASEAN gắn kết và duy trì động lực cho khu vực.

Trong bối cảnh trên, các nhà lãnh đạo các quốc gia ASEAN đã đưa ra tầm nhìn về việc thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN vào trước năm 2015 để nâng cao sức cạnh tranh và biến khu vực ASEAN thành một thị trường hội nhập sâu rộng.

Đặc biệt với lợi thế là một thị trường hàng hóa rộng lớn với hơn 600 triệu dân và các vị trí chiến lược, nơi các tuyến giao thương hàng hóa toàn cầu trị giá lên đến 5.300 tỷ USD hàng năm chạy qua Biển Đông, khu vực ASEAN ngày càng trở nên quan trọng với các cường quốc trên thế giới trong đó có Mỹ, Liên minh châu Âu (EU). ASEAN hiện là nơi dòng đầu tư của Mỹ tập trung lớn tại châu Á.

Tuyên bố thành lập:

Ngày 22/11/2015 trở thành dấu mốc lịch sử đối với khối ASEAN khi lãnh đạo 10 nước ASEAN đã chính thức ký Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng thông qua một lộ trình cho 10 năm tới thúc đẩy tự do thương mại, thị trường vốn, lao động cũng như đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.

Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hoạt động dựa trên 3 trụ cột chính: an ninh chính trị - kinh tế - văn hóa xã hội.

Về an ninh chính trị, các nhà lãnh đạo ASEAN đồng thuận tăng cường một cộng đồng chung có gắn kết với nhau bởi các giá trị chung, luật pháp quốc tế, cũng như cách tiếp cận toàn diện về vấn đề an ninh.

Đặc biệt, cộng đồng an ninh chính trị ASEAN cam kết giải quyết các cuộc tranh chấp thông qua các giải pháp hòa bình, hạn chế dùng vũ lực, đưa ra các cơ chế giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, xây dựng một cộng đồng không có vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Cộng đồng ASEAN sẽ tăng cường và hợp tác về an ninh hàng hải vì hòa bình và ổn định trong khu vực thông qua các cơ chế do ASEAN đưa ra cũng như tuân thủ các công ước quốc tế.

Về kinh tế, các nhà lãnh đạo đưa ra tầm nhìn về sự hội nhập sâu rộng giữa các nền kinh tế một cách bền vững, tăng tính kết nối giữa các nền kinh tế thành viên ASEAN cũng như các nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách pháp triển.

Về văn hóa và xã hội, Hiệp hội các quốc gia ASEAN cam kết tăng cường xây dựng một cơ chế minh bạch và gắn kết đảm bảo lợi ích cho người dân của toàn khối ASEAN tuân theo nguyên tắc quản trị hiệu quả.

Nhân dịp lễ ký kết thành lập Cộng đồng ASEAN, lãnh đạo 10 quốc gia ASEAN và Mỹ ký kết hiệp ước đối tác chiến lược lịch sử nhằm tăng cường mối quan hệ trong các lĩnh vực ưu tiên và các quan tâm chung về an ninh hàng hải.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng hoan nghênh ASEAN trong việc thảo ra bộ quy tắc ứng xử COC trên Biển Đông để xử lý hiệu quả các tranh chấp trên biển thông qua luật pháp quốc tế.

Sự ra đời Cộng động ASEAN là một sự kiện trọng đại đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh các thách thức về an ninh biển ngày càng trở nên nóng bỏng và đã đến lúc cộng đồng ASEAN cần một tiếng nói đồng thuận để giải quyết các vấn đề trên, nhất là đạt được một bộ quy tắc ứng xử COC trên Biển Đông với Trung Quốc càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, sự gắn kết giữa các nước thành viên trong một thị trường chung ASEAN cũng giúp nâng cao năng suất lao động và tăng cường khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong một thị trường toàn cầu đầy biến động và rủi ro như hiện nay.

Vũ Duy (Báo Dân trí)