Sinh viên tình nguyện xông pha giải tỏa các điểm ách tắc giao thông
Vào các giờ cao điểm, đội sinh viên tình nguyện 'xanh' trường đại học Vinh vẫn âm thầm thực hiện công việc điều tiết, góp phần giải tỏa ách tắc tại các điểm nóng về giao thông gần trường.
| Đối với những người thường đi lại trên đoạn đường Lê Duẩn, việc di chuyển qua đoạn giao giữa Lê Duẩn, Bạch Liêu… mỗi giờ tan tầm là một cực hình. Bà Lê Nguyên Tâm, một người dân sống gần trên đường Lê Duẩn giao với đoạn Bạch Liêu cho biết, “Tầm trưa, chiều tan học là đoạn đường tắc cứng. Bình thường từ nhà tôi đi lại chợ mất tầm dăm mươi phút nhưng đi vào giờ cao điểm thì phải hơn 20 phút là ít”. Ảnh: Chu Thanh |
| Tuy nhiên, tình hình ách tắc từ hơn một năm rưỡi trở lại đây đã được cải thiện khi có các bạn tình nguyện viên thuộc đội Sinh viên tình nguyện (SVTN) của trường Đại học Vinh. Ảnh: Chu Thanh |
| Em Đặng Minh Vương, đội trưởng đội SVTN cho biết, nhận thấy tình hình giao thông phức tạp, đoàn trường đã cho thành lập đội SVTN với nhiệm vụ chính là phân luồng giao thông tại 4 nút điểm thường xảy ra ách tắc trước trường. Ban đầu, số lượng các bạn tham gia là 60 người thì nay đã lên đến khoảng 200 bạn sinh viên phân vào 4 tổ. Tất cả các bạn tình nguyện viên trước khi ra phân luồng đều được trải qua các buổi tập huấn để sử dụng cờ hiệu, còi nhằm điều tiết giao thông cũng như xử lý tình huống. Ảnh: Chu Thanh |
| Tùy thuộc vào tình hình phức tạp của các điểm thường xảy ra ách tắc, đội sẽ cắt cử số bạn tình nguyện viên thích hợp để điều tiết giao thông. Thông thường, mỗi tổ có 4 - 5 bạn hoạt động vào các khung giờ 11h5 phút và 18h5 phút. Đây là 2 khung giờ thường xuyên xảy ra ách tắc do lượng sinh viên và người đi làm tan tầm nhiều. Ảnh: Chu Thanh |
| Bất quản nắng mưa, những chiếc áo xanh điều tiết giao thông vẫn cần mẫn thực hiện công việc của mình. Ảnh: Chu Thanh |
| Em Trần Minh Hoàng, tình nguyện viên của SVTN tham gia từ gần 1 năm nay cho biết: “Khi cầm cờ hiệu, còi đứng phân luồng giao thông, có nhiều người ủng hộ nhưng cũng có người không hợp tác, nói những lời khó nghe. Cũng có người bảo “sinh viên không lo mà học, đứng ngoài đường như ri làm chi…” nhưng em và nhiều bạn trong đội đều cho rằng đây là một việc làm cần thiết. Với chúng em, tuổi trẻ là phải đi đầu, tiên phong. Mà cụ thể trong trường hợp này là thay đổi ý thức giao thông, chấp hành hiệu lệnh của các bạn sinh viên và người dân”.
Chu Thanh (Báo Nghệ An) |
Tag(s):
|