Nhằm tổng kết, đánh giá phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên trong hơn 20 năm qua và hiệu quả của giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” và giải thưởng “Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - VIFOTEC”, ngày 26 tháng 3 năm 2011, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị toàn quốc: "Tổng kết 20 năm giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học và 17 năm giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam – VIFOTEC". Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Trần Quang Quý, đại diện lãnh đạo TW Đoàn, Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Trần Quang Quý phát biểu tại Hội nghị
Trong suốt thời gian qua, giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo sinh viên các trường đại học, các học viện trong cả nước. Năm 1990, khởi đầu giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” chỉ có 18 đơn vị tham gia với 62 công trình. Năm 2009 có đến 98 đơn vị tham gia và số lượng công trình thạm dự là 653, năm 2010 có 389 công trình tham dự. Tính đến nay, ban tổ chức đã trao 260 giải nhất, 834 giải nhì, 1434 giải ba và 3597 giải khuyến khích.
Đồng hành cùng giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học”, năm 1993, Bộ đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức trao giải thưởng “Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - VIFOTEC”. Đây là giải thưởng dành cho sinh viên các nhóm ngành: Khoa học kỹ thuật; Khoa học Nông – Lâm – Ngư nghiệp; Khoa học Y – Dược; Khoa học Công nghệ ưu tiên và Môi trường; Khoa học Kinh tế vĩ mô. Trong giai đoạn 1993 đến 2009, Quỹ VIFOTEC đã trao 1066 giải thưởng cho các công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên.
Trường Đại học Vinh là một trong những đơn vị tham dự giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học”, giải thưởng “Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - VIFOTEC” từ năm đầu tiên và từ đó đến nay luôn luôn dành được thành tích cao. Chỉ tính trong giai đoạn 2000 đến 2009, Trường Đại học Vinh có 91 công trình dự thi và đã dành được 3 giải nhất, 14 giải nhì, 17 giải ba và 56 giải khuyến khích. Với những thành tích trên, Trường Đại học Vinh đã vinh dự là một trong 30 đơn vị được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học giai đoạn 1990-2004 và là một trong 23 đơn vị được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học giai đoạn 2000 – 2010.
Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Trần Quang Quý trao bằng khen cho đại diện Trường Đại học Vinh
Tại Hội nghị, nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức, quản lý NCKH sinh viên cũng như trong công tác hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học đã được trao đổi. Kinh nghiệm xã hội hóa công tác NCKH của sinh viên ở Trường Đại học Lạc Hồng; Kinh nghiệm gắn kết đề tài nghiên cứu của sinh viên với các đề tài nghiên cứu của giáo viên và từ đó giúp sinh viên có cơ hội lớn hoàn thành các chương trình đào tạo sau đại học của Trường Đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), … thực sự hữu ích cho các đại biểu tham dự hội nghị.
Trong thời gian tiếp theo, nhằm nâng cao chất lượng và mở rộng đối tượng tham gia của các giải thưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ thay đổi tên giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” thành giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam”. Đối tượng tham gia giải thưởng này sẽ là các công trình NCKH của cán bộ giảng dạy trẻ dưới 35 tuổi và sinh viên hệ chính quy. Theo dự kiến, giải thưởng sẽ trao 1 năm một lần cho các đề tài NCKH của sinh viên và 2 năm một lần cho các công trình nghiên cứu của cán bộ giảng dạy trẻ. Ban tổ chức giải thưởng ngoài Bộ GDĐT, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam sẽ còn có sự tham gia của Bộ KHCN - MT, Đài Truyền hình Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Theo đó, Bộ quy định tỷ lệ cứ 3000 sinh viên đại học chính quy được gửi 01 công trình tham gia. Riêng đối với 2 trường đại học quốc gia, các trường đại học vùng, các trường đại học trọng điểm và các đơn vị có thành tích xuất sắc được khen thưởng trong các năm trước thì cứ 2000 sinh viên đại học hệ chính quy được gửi 01 công trình tham gia. Đối với giảng viên trẻ, căn cứ số lượng giảng viên trẻ của đơn vị để đề xuất số lượng công trình tham gia. Quy trình đánh giá và xét giải cũng được thay đổi. Ở vòng sơ khảo, Bộ sẽ thành lập các hội đồng thuộc các nhóm ngành để phản biện và nhận xét các công trình dự thi (không gửi công trình đi đánh giá như trước đây). Điều kiện để một công trình được xem xét xếp giải là điểm trung bình chung của hội đồng từ 6,5 điểm trở lên. Vòng chung khảo, các hội đồng thuộc các nhóm ngành sẽ phản biện và nhận xét. Các công trình đạt 8,5 điểm trở lên sẽ được xét chọn giải nhất thuộc nhóm ngành đó. Cơ cấu giải thưởng có sự thay đổi, sẽ có thêm giải thưởng ý tưởng khoa học đối với các công trình NCKH của sinh viên thực sự có ý tưởng mới, sáng tạo nhưng hàm lượng khoa học chưa cao. Đối với các cá nhân chủ trì đề tài đạt giải nhất sẽ được xét cấp học bổng đi học thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước nếu đủ điều kiện ngoại ngữ và điểm trung bình chung học tập toán khóa đạt từ 7,5 điểm trở lên (đối với sinh viên).
Với sự thay đổi này sẽ là một cơ hội lớn cho cán bộ giảng dạy trẻ và sinh viên Trường Đại học Vinh, một trong những đơn vị có bề dày thành tích trong công tác nghiên cứu khoa học thời gian qua.
Phòng QLKH-TB