“Các bạn 100% là người Việt Nam nhưng tôi 200% là người Việt Nam, nên các bạn không phải cảm ơn tôi mà hãy cảm ơn bố mẹ và thầy giáo các bạn, người đã cho các bạn cuộc sống và tri thức”. Đây là câu nói hết sức chân thành của Giáo sư Ôdon Vallet với học sinh, sinh viên Trường Đại học Vinh được nhận học bổng Vallet. Ông nổi tiếng với triết lý sống “không dành riêng cái gì cho bản thân”. Dù có tài sản lên đến hàng trăm triệu eurro nhưng ông chỉ thuê nhà trọ để ở, dành toàn bộ số tiền mình có để lập quỹ học bổng Vallet để trao thưởng cho các sinh viên xuất sắc ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

     "Những người trẻ là những người của tương lai. Tổ chức hội nghị không phải để chỉ có những người có danh tiếng đến, vì những người danh tiếng đã là của quá khứ, mà chúng ta cần cho tương lai”. Đó là câu nói thể hiện triết lý của Giáo sư Trần Thanh Vân về sự cần thiết phải quan tâm và đầu tư cho các nhà khoa học trẻ. Chính vì vậy, ông đã tổ chức nhiều chương trình giúp đỡ và trao học bổng cho những học sinh, sinh viên xuất sắc trên mọi miền của đất nước Việt Nam, trong đó có học bổng Vallet.

       Giáo sư Trần Thanh Vân sinh năm 1936 tại Đồng Hới, Quảng Bình, là một trong những nhà Vật lý hàng đầu thế giới. Ông được Viện Vật lý Mỹ đánh giá là “người có công lao to lớn suốt bốn thập niên tập hợp các nhà vật lý thuộc nhiều quốc tịch và nhiều nền văn hóa khác nhau ngồi lại bên nhau trong tình thân ái qua các cuộc Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois, Gặp gỡ Việt Nam; và cũng là người đã hoạt động không mệt mỏi nhằm góp phần xây dựng một cộng đồng khoa học hiện đại ở Việt Nam. Ông là một trong 3 người châu Á được tặng Huy chương Tate (Tate Medal) tại Hội nghị Hội Vật lý Mỹ. Ông được Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga tặng bằng Tiến sĩ khoa học danh dự. Tờ “Thế giới” nhận xét vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân là những nhà khoa học có "tầm nhìn xa" và lao động cần mẫn. Nếu như đa số các nhà khoa học tập trung vào những nghiên cứu của cá nhân thì Giáo sư Trần Thanh Vân được giới chuyên môn đánh giá cao ở khả năng tập hợp con người và tầm nhìn giúp mở đường cho các nhà khoa học trẻ tuổi. Giáo sư Klima Boaz, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Fermilab của Mỹ - người sát cánh cùng ông trong tổ chức các cuộc “Gặp gỡ Blois” hàng năm, cho rằng: “Giáo sư Trần Thanh Vân là người làm được những điều tưởng như không thể. Có nhiều điều mà chúng tôi nhìn vào và bảo thôi quên đi, nhưng Giáo sư Trần Thanh Vân vẫn cố gắng và cuối cùng ông làm được”.

        Giáo sư Ôdon Vallet từng tốt nghiệp trường Quốc gia Hành chính của Pháp. Sau đó ông lại chọn ngành khảo cứu về lịch sử tôn giáo và hiện nay ông là giáo sư lịch sử và triết học của trường Đại học danh tiếng Sorbonne. Ông cũng là một nhà văn viết tùy bút triết luận, thường được Đài truyền hình Pháp và các báo lớn ở Paris phỏng vấn về các cuộc xung đột tôn giáo diễn ra nóng bỏng ở vùng Trung Đông và Nam Á như Iraq hay Afganistan. Ông không lập gia đình và ở trọ trong một căn hộ tại Pari. Ông được thừa kế gia sản của bố với giá trị hơn một trăm triệu euro và dành toàn bộ số tiền này lập quỹ Ôdon Vallet đặt dưới sự giám sát của Nhà nước Pháp để trao học bổng cho sinh viên nghèo. Việc tài trợ cho sinh viên Việt Nam là do đồng cảm với mục tiêu của tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam” do Giáo sư Trần Thanh Vân sáng lập. Ông nói: “Bố tôi là một người thợ rất nghèo, nhưng nhờ sự nỗ lực của bản thân, ông đã xây dựng được sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, trở thành chủ tịch hội đồng quản trị của một hãng bảo hiểm quốc tế. Khi mất, ông có trăn trối lại với tôi: “Con hãy giúp đỡ và thương yêu người nghèo, vì trong số họ có rất nhiều người thông minh, tài giỏi”. Tôi đã đem số tiền đó gửi vào ngân hàng, dùng số lãi hàng năm làm học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó ở Pháp và một số nước khác trong đó có Việt Nam. Tôi hy vọng số tiền nhỏ này sẽ giúp các sinh viên nghèo học giỏi cảm nhận được sự quan tâm mà xã hội dành cho mình để tiếp tục cố gắng học giỏi, giúp ích cho xã hội”. Bên cạnh những học sinh, sinh viên ưu tú ở các đô thị, nhiều học sinh giỏi là con em nông dân nghèo ở các vùng sâu, vùng xa ở Đồng bằng Sông Cửu Long hay Tây Bắc cũng được nhận học bổng Vallet.

        Trong 13 năm qua, Quỹ học bổng Vallet đã trao tặng hơn 22 ngàn suất học bổng cho học sinh, sinh viên xuất sắc của Việt Nam với trị giá hàng trăm tỷ đồng, trong đó có học sinh, sinh viên Trường Đại học Vinh. Riêng năm nay, Quỹ tặng hơn 2.500 suất với tổng số tiền là 23 tỷ đồng. Trong đó, Trường Đại học Vinh có 35 học sinh, sinh viên, học viên được nhận học bổng với tổng số tiền được trao là 348 triệu.

Hình ảnh Lễ trao học bổng Vallet cho sinh viên Trường Đại học Vinh

Giáo sư OOdon Vallet trao học bổng cho HSSV Trường Đại học Vinh

GS Ôdon Vallet và PGS.TS Nguyễn Thành Quang cùng các HSSV Trường ĐH Vinh tại buổi lễ

                                                                                    Đoàn Minh-TTHTSVQHDN