Phan Văn Linh nguyên là cựu sinh viên khóa 48 ngành kỹ sư Nông học, khoa Nông Lâm Ngư, trường Đại học Vinh. Ngay từ năm thứ nhất đại học, anh đã rất tích cực tham gia vào các nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học với sự hướng dẫn của các thầy cô giáo trong bộ môn. Tham gia vào nhóm đề tài nghiên cứu về nấm ký sinh côn trùng do PGS. TS Trần Ngọc Lân hướng dẫn, Linh cũng như các bạn được học và thực hành các kỹ thuật nuôi cấy nấm tại phòng thí nghiệm, được đi thực địa, thu mẫu nấm tại các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên… Nhờ sự đam mê và ham học hỏi, ngay từ khi còn trên giảng đường, anh đã có những kinh nghiệm, kỹ năng trong công nghệ nuôi cấy nấm, từ các thao tác đơn giản như vệ sinh thiết bị, sấy, hấp đến những kỹ thuật khó như cấy, phân lập…

Như một cơ duyên, năm 2012 sau khi ra trường Phan Văn Linh trở thành nhân viên hợp đồng với phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Yên Thành, phụ trách sản xuất giống nấm và thu mua nấm cho dự án nuôi trồng nấm ăn của huyện. Bằng những kiến thức đã học được trong trường đại học kết hợp với thực tế công việc, anh đã không ngừng học hỏi thêm để tích lũy thêm các kinh nghiệm trong nghề trồng nấm.

Kỹ sư Phan Văn Linh kiểm tra chất lượng giá thể

Năm 2016, sau khi kết thúc hợp đồng tại phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phan Văn Linh đã mạnh dạn đầu tư mở trại sản xuất nấm riêng của mình. Với kiến thức, kinh nghiệm đã có, cộng với niềm đam mê đối với các loại nấm và sự mạnh dạn, táo bạo của thanh niên, tính đến nay, sau gần 2 năm anh đã xây dựng được một cơ sở với một xưởng sản xuất 1000 m2, một nhà nuôi trồng 600 m2 và một phòng thí nghiệm để sản xuất và nhân nuôi nấm Đông trùng hạ thảo. Với quy mô sản xuất như vậy, cơ sở của anh đã giải quyết việc làm cho 5 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ. Các sản phẩm do cơ sở sản xuất ra hiện nay tương đối đa dạng gồm: nấm sò tím, nấm sò trắng, linh chi, mộc nhĩ, nấm mỡ, nấm rơm, đông trùng hạ thảo và các sản phẩm từ nấm như rượu linh chi, rượu đông trùng hạ thảo… So với các loại nấm ăn có kỹ thuật sản xuất đơn giản hơn thì nấm đông trùng hạ thảo là một loài rất đòi hỏi điều kiện sinh trưởng rất khắt khe. Hiện nay, ở Việt Nam mới chỉ có một số rất ít các cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp sản xuất thành công loại nấm này. Ngoài sản xuất nấm thu sản phẩm, cơ sở còn sản xuất các bịch nấm bán cho người dân mang về gia đình tự chăm sóc và thu hái.

Nấm linh chi sừng hươu


Nấm đông trùng hạ thảo

sản xuất nấm mộc nhĩ

Sản xuất nấm rơm


Sản xuất nấm sò

Bên cạnh việc phụ trách sản xuất của cơ sở, Phan Văn Linh còn thường xuyên tham gia chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng nấm qua các lớp dạy nghề của trường Trung cấp nghề Bắc miền Trung, Liên minh hợp tác xã tỉnh Nghệ An, các trường dạy nghề tại huyện Anh Sơn, Tân Kỳ.

Tập huấn kỹ thuật trồng nấm cho người dân tại Đồng Văn (Tân Kỳ)

Không chỉ tập trung sản xuất, Phan Văn Linh còn chủ động kết nối để tìm các nguồn tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại, các mặt hàng nấm của cơ sở sản xuất đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trên cả nước và mang lại thu nhập bình quân /năm lên tới hàng trăm triệu đồng.

Sản phẩm trưng bày tại gian hàng trưng bày của huyện đoàn Yên Thành

Với những thành quả mà anh Phan Văn Linh đã đạt được đã một lần nữa chứng minh việc các bạn sinh viên tham gia hoạt động NCKH sớm, tích cực trong thực hành, thực tập sẽ tạo cho mình những kỹ năng, kinh nghiệm thực tế góp phần tạo hành trang tốt cho việc lập nghiệp, khởi nghiệp sau khi ra trường.

Bài: Cao Thị Thu Dung; Ảnh: Phan Văn Linh