GS.TS. Đinh Xuân Khoa

PGS.TS. Thái Văn Thành

 

Đặt vấn đề

Từ trước đến nay, việc bồi dưỡng (BD) giáo viên (GV) phổ thông (PT) thường theo hướng tiếp cận nội dung. Theo cách tiếp cận này, việc BD GV chỉ dựa chủ yếu trên một số chuyên đề lý thuyết, vì thế, việc BD GV chỉ nhằm trả lời câu hỏi: Họ cần biết cái gì? Bồi dưỡng cho họ cái gì? Theo tiếp cận mới (tiếp cận phát triển năng lực), việc BD GV nhằm phát triển ở họ các phẩm chất và năng lực cần thiết của người GV để có thể thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới. Đó là cách tiếp cận nêu rõ người GV sẽ phải làm những gì và làm như thế nào? Vì thế, BD GV theo tiếp cận mới quan tâm đến chuẩn đầu ra. Cách tiếp cận này đòi hỏi GV không chỉ nắm vững kiến thức, kỹ năng giáo dục cơ bản mà quan trọng hơn phải biết vận dụng sáng tạo kiến thức, kỹ năng vào hoạt động giáo dục, vào việc giải quyết các tình huống giáo dục; phát triển các phẩm chất và năng lực của người GV theo Chuẩn GV mới.

Tuy nhiên, do nhiều điều kiện khách quan và nguồn lực hạn hẹp, chúng ta không có đủ điều kiện để tổ chức BD trực tiếp cho tất cả GV phổ thông mà chỉ BD đội ngũ GV cốt cán và đội ngũ này có trách nhiệm BD GV đại trà. Từ đó, đặt ra vấn đề cần phải lựa chọn GV cốt cán phổ thông - người chịu trách nhiệm BD GV đại trà.   

1. Sự cần thiết phải lựa chọn giáo viên cốt cán tham gia bồi dưỡng giáo viên phổ thông

1.1. Yêu cầu của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo

Để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đòi hỏi chúng ta phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).

Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là “đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở GD&ĐT và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học” [2; tr.119].

Trong những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết nói trên, đổi mới đào tạo, BDGV phải đi trước một bước. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã nhấn mạnh: “Xây dựng quy hoạch, kế hoạch ĐT- BD đội ngũ nhà giáo và CBQLGD gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế... ” [1; tr.136-137].

1.2. Yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về Đổi mới chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) đã nhấn mạnh: “Đổi mới CT, SGK GDPT nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả GDPT; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng phẩm chất và năng lực sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi HS” [3].

Để thực hiện mục tiêu trên, CT GDPT cần được đổi mới theo hướng “tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên” [3]. Bên cạnh đó, SGK cần “cụ thể hóa các yêu cầu của CT GDPT về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực HS; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục” [3].

Việc đổi mới CT, SGK GDPT đòi hỏi phải đổi mới BD đội ngũ GV theo tiếp cận phát triển năng lực để họ có thể giảng dạy có hiệu quả CT, SGK GDPT mới.  

1.3. Đáp ứng sự thay đổi vai trò của người giáo viên phổ thông trong bối cảnh mới

Người GV trong bối cảnh mới đang có những thay đổi lớn về vai trò. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đội ngũ GV phải đảm bảo chất lượng, có cơ cấu hợp lý, đủ về số lượng, loại hình GV, nhà trường được tự chủ về thực hiện chương trình giáo dục, người GV có cơ hội và cần phải linh hoạt, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về bảo đảm chất lượng theo yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và năng lực cho học sinh. Mỗi GV vừa là nhà giáo dục, vừa là nhà hoạt động xã hội, nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý, nhà cung ứng dịch vụ giáo dục cho cộng đồng.

2. Mục tiêu, nội dung bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán

2.1. Mục tiêu bồi giáo viên phổ thông cốt cán

Mục tiêu BD đội ngũ GVPT cốt cán phải được đổi mới theo hướng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phẩm chất và năng lực theo Chuẩn GV trường tiểu học, THCS và THPT. Tuy nhiên, chuẩn này cần có sự bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với sự đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và hội nhập quốc tế và nên tích hợp thành một bộ chuẩn GV mới gọi là chuẩn GV phổ thông. Cụ thể là:

- Về phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp:  Có phẩm chất đạo đức tốt; được tập thể GV, cán bộ, nhân viên tín nhiệm; Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; Trung thực, tâm huyết với nghề nghiệp và có trách nhiệm trong công tác giáo dục HS; Có lối sống lành mạnh, phù hợp với bản sắc văn hoá dân tộc trong xu thế hội nhập; Có tác phong làm việc khoa học, sư phạm; Có cách thức giao tiếp, ứng xử đúng mực và có hiệu quả…

- Về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm: Hiểu biết chương trình GDPT; Đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với cấp học; Nắm vững môn học đã hoặc đang đảm nhận giảng dạy, có hiểu biết về các môn học khác đáp ứng yêu cầu giáo dục; năng lực thiết kế kế hoạch dạy học; năng lực tìm hiểu, nắm vững đối tượng giáo dục; năng lực cảm hóa, thuyết phục, giáo dục học sinh; năng lực tuyên truyền, tạo sự đồngthuận trong học sinh, cha mẹ các em, cộng đồng về những chủ trương, chính sách giáo dục mới của Đảng, Nhà nước nhà trường; năng lực huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả hoạt động giáo dục của lớp; năng lực nghiên cứukhoa học phạm ứng dụng hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học; năng lực cải tiến phương pháp dạy học theo hướng tích hợp, phân hóa, phát huy tính chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo yêu cầu vì sự tiến bộ và phát triển năng lực học sinh; năng lực sử dụng linh hoạt, sáng tạo công nghệ thông tin truyền thông trong dạy học; năng lực thiết kế, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh; năng lực hợp tác, gắn kết với làng nghề truyền thống địa phương nhằm tổ chức hiệu quả các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh; năng lực chuyển tải phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục mới cho cha mẹ học sinh...

2.2. Nội dung bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán

Nội dung BD đội ngũ GV phổ thông cốt cán phải được đổi mới, một mặt để đáp ứng sự thay đổi vai trò của người GV trong bối cảnh hiện nay, mặt khác phải đáp ứng các yêu cầu của Chuẩn GV phổ thông mới. Từ đó, theo chúng tôi, nội dung BD đội ngũ GV phổ thông cốt cán phải bao gồm những vấn đề sau đây:

- Chương trình GDPT; lí luận, nghiệp vụ sư phạm mới; tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, địa phương; chủ trương, chính sách và quy định của ngành giáo dục;

- Năng lực năng lực thiết kế kế hoạch dạy học;

- Năng lực năng lực tìm hiểu, nắm vững đối tượng giáo dục; năng lực cảm hóa, thuyết phục, giáo dục học sinh; năng lực tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong học sinh, cha mẹ các em, cộng đồng về những chủ trương, chính sáchgiáo dục mới của Đảng, Nhà nước nhà trường;

- Năng lực quản lý hoạt động dạy học và phát triển chương trình môn học;

- Năng lực cải tiến phương pháp dạy học theo hướng tích hợp, phân hóa, phát huy tính chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo yêu cầu vì sự tiến bộ và phát triển năng lực học sinh;

- Năng lực thiết kế và tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh;

- Năng lực quản lý hoạt động kiểm tra, đánh giá ở trường phổ thông, đặc biệt là quản lý các phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá mới, như đánh giá không dùng điểm số, đánh giá theo năng lực, tự đánh giá…

- Năng lực sử dụng linh hoạt, sáng tạo công nghệ thông tin truyền thông trong dạy học;

- Năng lực hợp tác, gắn kết với làng nghề truyền thống địa phương nhằm tổ chức hiệu quả các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh;

- Năng lực chuyển tải phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục mới cho cha mẹ học sinh;

- Năng lực nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng và hội nhập quốc tế trong giáo dục phổ thông.

3. Lựa chọn giáo viên phổ thông cốt cán tham gia công tác bồi dưỡng giáo viên

Từ  mục tiêu, nội dung BDGV phổ thông cốt cán trình bày ở trên, đòi hỏi phải lựa chọn GV phổ thông cốt cán tham gia BDGV đại trà theo những tiêu chí và quy trình nhất định.

3.1. Tiêu chí lựa chọn giáo viên phổ thông cốt cán

- Nguồn lựa chọn

GV phổ thông cốt cán cần tuyển từ hai đối tượng: Thứ nhất, cán bộ, chuyên viên phụ trách chuyên môn ở sở, phòng giáo dục và đào tạo; Thứ hai, GV của các trường tiểu học, THCS, THPT và các cơ sở giáo dục phổ thông.

Từ đó, chúng tôi đề xuất 2 phương án, như sau:

1) Phương án 1: Dự án giao chỉ tiêu cho sở GD-ĐT,  sở phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo, căn cứ nguồn lựa chọn, phẩm chất, năng lực của GV để lựa chọn và giới thiệu cho Dự án. Giám đốc sở GD-ĐT chịu trách nhiệm trước Bộ và Dự án về chất lượng đội ngũ GV cốt cán do mình giới thiệu.

2) Phương án 2: Bộ xây dựng và ban hành bộ tiêu chí GV phổ thông cốt cán làm nhiệm vụ bồi dưỡng, căn cứ vào tiêu chí các sở GD-ĐT lựa chọn GV cốt cán.

Đối tượng là cán bộ, chuyên viên phụ trách chuyên môn ở sở, phòng giáo dục và đào tạo: lựa chọn những người có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín chuyên môn, có bản lĩnh đổi mới.

Đối tượng thứ hai, GV của các trường tiểu học, THCS, THPT và các cơ sở giáo dục phổ thông, xây dựng tiêu chí như sau: Việc lựa chọn GVPT cốt cán cần phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

1) Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm: Đạt GV hạng 2 trở lên;

2) Có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín về chuyên môn, năng động, sáng tạo, có bản lĩnh đổi mới;

3) Là GV giỏi cấp tỉnh trở lên;

4) Có kỹ năng nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng và biết cách chuyển tải kỹ năng đó cho đối tượng BD hoặc có sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh hoặc các bài báo khoa học đúng chuyên môn được đăng trên các tạp chí khoa học;

5) Phát triển chương trình môn học

+) Có khả năng phát triển chương trình môn học và biết cách chuyển giao khả năng đó cho đối tượng BD;

+) Có khả năng tư vấn cho đối tượng BD về tiêu chí, quy trình lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với môn học phụ trách;

6) Có khả năng cải tiến phương pháp dạy học theo hướng tích hợp, phân hóa, phát huy tính chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo yêu cầu vì sự tiến bộ và phát triển năng lực học sinh và biết cách chuyển giao khả năng đó cho đối tượng BD;

7) Có khả năng thiết kế, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh; hợp tác, gắn kết với làng nghề truyền thống địa phương nhằm tổ chức hiệu quả các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh và biết cách chuyển giao khả năng đó cho đối tượng BD;

8) Có khả năng tổ chức và làm việc nhóm, xây dựng tổ chuyên môn thành tổ chức biết học hỏi và chuyển tải khả năng đó cho đối tượng BD.

9) Có khả năng sử dụng linh hoạt, sáng tạo công nghệ thông tin truyền thông trong dạy học, trong tự BD và biết cách chuyển giao khả năng đó cho đối tượng BD.

10) Có khả năng nghiên cứu, vận dụng các kinh nghiệm quốc tế về phát triển chương trình, dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và biết cách chuyển tải khả năng đó cho đối tượng BD.

3.2. Quy trình lựa chọn giáo viên phổ thông cốt cán

Để lựa chọn được những GVPT cốt cán đáp ứng yêu cầu, việc lựa chọn cần theo quy trình sau đây:

 - Bước 1: Sở, phòng GD-ĐT lập kế hoạch tuyển chọn, thông báo mục đích, yêu cầu và tiêu chí lựa chọn GVPT cốt cán và hồ sơ tuyển chọn;

 - Bước 2: Các cơ sở giáo dục, nhà trường tổ chức cho GV đăng ký làm GVPT cốt cán;

 - Bước 3: Sở, phòng GD-ĐT thành lập hội đồng tổ chức xét hồ sơ và phỏng vấn theo các tiêu chí tuyển chọn giáo viên;

- Bước 4: Sở GD-ĐT ra quyết định công nhận các GV đạt tiêu chuẩn GVPT cốt cán.

4. Một số đề nghị

1. Bộ GD&ĐT cần tiếp tục có sự rà soát, bổ sung Chuẩn GV cho phù hợp với xu thế đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế hiện nay. Nên tích hợp và ban hành một chuẩn GV phổ thông (chung cho cả tiểu học, THCS, THPT).

2. Nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn GV phổ thông cốt cán, CBQL GDPT cốt cán.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có chính sách, chế độ BDcho đội ngũ GV phổ thông cốt cán và CBQL GDPT cốt cán.

 

Tài liệu tham khảo và trích dẫn

1. Dự án ETEP (2016), Các tài liệu phục vụ Dự án.

2. Đảng cộng sản Việt Nam (2013), Văn kiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.

3. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2014), Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới CT, SGK GDPT.

4. Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới CT, SGK GDPT.

5. Thái Văn Thành (2016), Đổi mới quản lý cơ sở giáo dục trong bối cảnh hiện nay, NXB Đại học Vinh.