Trong những năm qua, lĩnh vực giáo dục đại học, giáo dục chuyên nghiệp đã đạt được những thành tích nhất định như: Đã xây dựng được mạng lưới các trường đại học, cao đẳng đáp ứng hầu hết nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực của nền kinh tế, phân bổ rộng khắp các địa phương trong cả nước. Đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất, giảng đường, phòng thí nghiệm, thư viện... được đầu tư và từng bước hiện đại hóa. Chất lượng giáo dục và đào tạo có tiến bộ, chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo đạt mức 23% tổng chi ngân sách nhà nước, xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh. Hệ thống các trường đại học ngoài công lập góp phần đáng kể vào phát triển giáo dục và đào tạo chung của toàn xã hội. Công tác quản lý giáo dục và đào tạo có bước chuyển biến nhất định...
Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp còn thấp so với yêu cầu. Hệ thống giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp chưa theo kịp xu thế và tốc độ phát triển của khu vực và thế giới, đặc biệt là chưa thích ứng kịp với với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Nhận thấy những hạn chế nêu trên, từ năm 2013, tại Hội nghị TƯ 8 (khóa XI) của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TƯ về "Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Sau bốn năm triển khai và thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ, ngành giáo dục đã có rất nhiều nỗ lực nhằm từng bước đổi mới hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, tuy nhiên kết quả đạt được còn rất khiêm tốn, người dân chưa nhận thấy có sự thay đổi đáng kể, những hạn chế của hệ thống trước khi ban hành Nghị quyết 29-NQ/TƯ không những chưa được khắc phục triệt để mà còn xuất hiện nhiều bất cập, thiếu sót mới làm giảm niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo, điều hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều đó cũng đồng nghĩa với tình trạng tụt hậu của giáo dục chuyên nghiệp so với các nước có xu hướng ngày càng tăng.
Câu hỏi đặt ra: Đâu là nguyên nhân cốt lõi của tình trạng vừa nêu? Để trả lời câu hỏi vừa nêu không quá khó, rất nhiều người trong và ngoài ngành đều có thể trả lời được. Vấn đề ở chỗ là chúng ta có dám thay đổi hay không? Xin mạnh dạn nêu quan điểm về vấn đề này như sau:
Thứ nhất: Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thành công và được các nước công nhận, chúng ta cần vận hành nền kinh tế theo đúng quy luật, các thực thể của nền kinh tế là các doanh nghiệp phải được tự do quyết định quá trình sản xuất kinh doanh trên cơ sở các quy định của pháp luật. Để phát triển cần coi các trường đại học là các doanh nghiệp, một loại doanh nghiệp đặc biệt, doanh nghiệp phi lợi nhuận, sản phẩm của doanh nghiệp này là các cán bộ kỹ thuật, các quy trình kỹ thuật, các công nghệ mới... Đã là doanh nghiệp các trường có quyền quyết định các vấn đề về mở ngành đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, điểm xét tuyển, quy mô sinh viên, học phí, số lượng biên chế, mức lương... Điều này không có gì mới vì hầu hết các nước đều áp dụng như vậy và họ đã thành công.
Thứ hai: Cần thay đổi cách quản lý điều hành của nhà nước đối với các trường đại học, giảm dần các chính sách áp đặt của Bộ chủ quản và các Bộ liên quan. Mạnh dạn bỏ cơ chế Bộ chủ quản đối với các trường đại học. Thông qua các chính sách vĩ mô, nhà nước, các Bộ hoàn toàn có thể điều hành các trường đại học phát triển như đã điều hành thành công các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua.
Thứ ba: Nếu coi các trường đại học là các doanh nghiệp thì sẽ giải quyết được vấn đề rất lớn hiện nay đó là hạn chế, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn cơ chế xin - cho. Cần thay đổi tư tưởng ỷ lại vào nhà nước của các trường công lập, điều đó cũng đồng nghĩa với việc tạo sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh đối với các trường đại học dân lập, tư thục, đúng quy luật của nền kinh tế thị trường.
Vấn đề tự chủ đại học đã được nêu ra cách đây hàng chục năm, cũng đã tốn không biết bao nhiêu thời gian, tiền bạc cho các cuộc hội thảo, hội nghị và cũng tốn không ít giấy, mực bàn luận trên các loại báo và phương tiện thông tin khác, mặc dù vậy, kết quả thì vẫn phải tiếp tục chờ đợi.
Tin vui đã đến, hy vọng đã được thắp lên, Chính phủ nhận thấy đã đến lúc cần thay đổi, giải quyết tận gốc rễ nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng phát triển chậm trễ, ì ạch của hệ thống giáo dục đại học đó là vấn đề cơ chế quản lý, vận hành. Bằng việc ban hành dự thảo Nghị định tự chủ đại học công lập, lấy ý kiến rộng rãi, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm đổi mới tận gốc, đổi mới căn bản nền giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, và đây là con đường duy nhất để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban chấp hành TƯ.
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích dẫn câu nói của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam với thầy và trò Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên, trong chuyến công tác nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Nghị định Tự chủ đại học công lập tại Thái Nguyên ngày 13-12 vừa qua như sau: "Các thầy, các cô và các em sinh viên có đề xuất, kiến nghị gì thì hãy đề xuất trực tiếp với thầy Trưởng khoa, thầy Giám đốc đại học vì sắp tới khi ban hành Nghị định tự chủ, tương lai của khoa, của đại học do chính các thầy cô và các em sinh viên quyết định, Chính phủ, Bộ đã giao hết quyền rồi"...
Câu nói vô cùng giá trị, tạo niềm tin và hy vọng vào tương lai không chỉ cho thầy và trò Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên mà còn cho tất cả giảng viên, sinh viên các trường đại học trên cả nước.
GS.TS. Nguyễn Duy Hoan
Giảng viên cao cấp - Đại học Thái Nguyên