TS. Trần Hữu Lộc (SN 1986) hiện tại đang là giảng viên Khoa Thủy sản trường Đại học Nông Lâm TPHCM và đồng thời cũng là giám đốc của một công ty dịch vụ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản.

Từ những ngày sinh viên, TS. Lộc đã say mê nghiên cứu rất nhiều bệnh học trên cá, nên sau khi hoàn thành chương trình ĐH, anh đã xin được học bổng toàn phần thạc sĩ tại ĐH Ghent chuyên ngành nuôi trồng thủy sản và sau đó là học bổng toàn phần tiến sĩ tại ĐH tổng hợp Arizona (Mỹ) chuyên ngành khoa học môi trường.

Cuối năm 2013, từ chối lời mời làm việc của nhiều tổ chức, trường đại học, viện nghiên cứu quốc tế, anh về nước và bắt đầu giảng dạy tại trường ĐH Nông Lâm TPHCM, đồng thời thực hiện các nghiên cứu về bệnh tôm.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, TS. Lộc đã phối hợp với các tỉnh, thành thực hiện hơn 20 hội thảo nông dân, hàng chục chương trình truyền hình thực tế cho hàng ngàn lượt nông dân nuôi tôm nhằm tư vấn và giải đáp thắc mắc cho bà con về nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm bền vững để khống chế dịch bệnh trên tôm. Đồng thời, anh còn là cố vấn quốc tế của các tổ chức như: FAO, NACA, GAA,… Với những đóng góp của mình, Hữu Lộc đã được vinh danh Công dân trẻ tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh năm 2014.


 

TS trẻ Trần Hữu Lộc đau đáu câu chuyện nhà khoa học cần đứng vững trên đôi chân của mình

Là đại biểu của Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2016, trong Diễn đàn Thanh niên sáng tạo chiều 28/8, TS Trần Hữu Lộc đã có những chia sẻ đầy thực tế, sâu sắc về câu chuyện “Nhà khoa học cần đứng trên đôi chân của mình”.

Theo TS. Lộc, giờ đây khoa học, công nghệ không chỉ được phát minh từ các trường đại học, các viện nghiên cứu. Ví dụ như nơi sản xuất dòng sản phẩm Iphone nổi tiếng là một công ty tư nhân mà ở đó có nhiều sáng kiến khoa học.

Từ đó, anh trăn trở vấn đề: "Với tư cách nhà khoa học, có học vị tiến sĩ của Mỹ, mình về Việt Nam để giải quyết điều gì cho đất nước?". Với con mắt của người làm trong lĩnh vực thủy sản, Lộc quan sát Việt Nam nuôi tôm nhiều nhưng chưa ai nghiên cứu bài bản, chuyên sâu nên mỗi lần dịch bệnh, lại phải cầu cạnh chuyên gia nước ngoài.

“Trước tình trạng đó, tôi muốn Việt Nam phải đứng trên bàn chân của mình, phải nghiên cứu thành công. Và tôi đã nghĩ ra ý tưởng xây dựng “bệnh viện”, chữa mọi loại bệnh cho tôm. Tôi đem ý tưởng đó gặp nhà đầu tư, nhưng không dễ thuyết phục họ. Tôi phải gặp 20 doanh nghiệp, trong vòng 2 tháng mới thuyết phục thành công một người đầu tư mở phòng nghiên cứu”, Lộc bộc bạch.

Có được nền tảng ban đầu, Lộc tiếp tục kết nối, nhờ thế giới hỗ trợ, thông qua mạng lưới chuyên gia đã có được trong quá trình học tập ở Mỹ. Bên cạnh đó, Lộc cũng nhận được sự tin tưởng từ các công ty thủy sản trong nước có nhu cầu nghiên cứu nên đã có nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Hiện tại, sau khoảng 2 năm rưỡi vận hành, nhóm của Lộc có 30 người, 2 phòng nghiên cứu (Hồ Chí Minh, Ninh Thuận) và làm việc với khoảng 30 nước trên thế giới. Sắp tới, Lộc sẽ mở thêm một chi nhánh nghiên cứu ở Bạc Liêu, với tổng chi phí đầu tư cho 3 phòng nghiên cứu là 2 triệu USD.

Giám đốc trẻ sinh năm 1986 này đánh giá: “Số tiền đó không đến từ Nhà nước, mà từ nước ngoài và những công ty cần dịch vụ của chúng tôi. Tôi cho rằng, nếu chúng ta có mô hình đúng, thì sẽ tạo ra nguồn lực.

Tôi về Việt Nam, vẫn dạy học và nghiên cứu, thấy cuộc sống hoàn toàn tốt đẹp. Và tôi cũng muốn các nhà khoa học khác cũng phải đứng trên bàn chân của mình một cách cứng cáp, thoải mái thì mới không trách móc Nhà nước không tạo điều kiện cho chúng ta nghiên cứu, sáng tạo.

Tôi muốn khoa học và kinh tế phải đi liền với nhau. Ngành khoa học phải đi ra từ thực tế để thấy nhu cầu là gì, để tìm giải pháp cho nó. Và khi mình cung cấp được giải pháp cho doanh nghiệp, mình sẽ có tiền để vận hành được phòng nghiên cứu”.

Ý tưởng này TS Lộc cho biết nhờ học hỏi từ Mỹ. Mỗi trường đại học nơi đây giống như một doanh nghiệp về khoa học. Lộc học trường ĐH tổng hợp Arizona - là trường công lập nhưng mỗi năm có ngân sách 5 tỷ USD, trong đó số tiền nhà nước bỏ ra vài trăm triệu USD, còn lại là của doanh nghiệp chi trả sau khi nhận dịch vụ. Ở góc độ nhà khoa học trẻ, Lộc cho rằng các đồng nghiệp của mình cần phải tự chủ.

“Tôi cho rằng, định hướng đào tạo nhiều nhân tài có học vị cao của nhà nước là đúng, không có gì sai. Vấn đề là 20.000 giáo sư, tiến sĩ đã được đào tạo đừng nên là 20.000 bàn tay giơ ra đòi hỏi tiền của Nhà nước.

Nhà nước không thể nào có đủ ngân sách cho số lượng người như thế. 20.000 nhà khoa học cần phải là 20.000 hạt nhân tự lo được công trình nghiên cứu của mình, để phát triển kinh tế Việt Nam ngày một rực rỡ hơn”, TS Trần Hữu Lộc thẳng thắn chia sẻ.

Hoài Thư (Báo Điện tử Dân trí)