1. Truyền thông xã hội là
một “dòng chảy thông tin” trên nền tảng, dịch vụ công nghệ cho
phép người dùng tạo ra, chia sẻ, trao đổi, thảo luận và thay đổi các nội dung,
thiết lập thành các mạng lưới liên kết và tương tác xã hội(1).
Truyền thông xã hội, nhất là mạng xã hội liên tục được nâng đỡ, hỗ trợ bởi
những công nghệ mới, ngày càng tiện ích hơn, trở thành kênh quan trọng, thúc
đẩy quá trình giao tiếp và kết nối xã hội. Các thuật toán cho phép các nền tảng
truyền thông xã hội thiết lập các cộng đồng hoạt động dưới nhiều hình thức khác
nhau (diễn đàn, nhóm, hội công khai, hoặc bí mật...) có thể thu hút từ hàng
nghìn lên đến hàng triệu thành viên, không giới hạn về địa lý, thành phần xã
hội. Sự tiếp cận đến từng cá nhân người dùng với tốc độ nhanh tạo ra nhiều cơ
hội và lợi ích về truyền tải, tiếp nhận, chia sẻ, thông tin, tri thức; phục vụ
các nhu cầu đa dạng của cộng đồng như: kết bạn, giải trí, kinh doanh, bày tỏ
quan điểm, phản biện xã hội, lan tỏa những điều tốt đẹp… Đồng thời, cũng từ các
nền tảng truyền thông xã hội bộc lộ những tác động tiêu cực, ẩn chứa những nguy
cơ phức tạp, khó lường, thậm chí có khả năng gây chia rẽ sâu sắc, kích động hận
thù trong các cộng đồng xã hội, nhất là ở các quốc gia đa sắc tộc, tôn giáo…
2. Trong bối cảnh bất ổn gia
tăng ở nhiều nơi trên thế giới, sự ổn định chính trị, xã hội của Việt Nam là
một lợi thế quan trọng để phát triển. Nhờ nhất quán quan điểm: “Ổn định và phát
triển gắn liền với nhau trong quá trình vận động, tiến lên, ổn định để phát
triển và có phát triển mới ổn định được”(2) mà môi trường chính
trị, xã hội ổn định, an ninh, an toàn được giữ vững, nội lực đất nước được khơi
dậy và phát huy, ngoại lực được tiếp nhận và sử dụng hiệu quả, nên sau hơn 30
năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.
Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, của du khách, là điểm
hẹn của khát vọng hòa bình thế giới.
Ổn định chính trị, xã hội dựa vào
những nhân tố bên trong và bên ngoài. Trong đó, nhân tố cốt lõi là “yên
dân”, là đoàn kết và đồng thuận, là niềm
tin xã hội. Trong quá trình dựng nước, giữ nước, các bậc minh quân
luôn coi “yên dân” là “kế sâu rễ bền gốc”, “gốc có vững thì cây mới yên”, thế
nước mới vững bền. Thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng
cho thấy, “dân là gốc” là tư tưởng dẫn dắt, chi phối đường lối, chủ trương,
chính sách, hoạt động của Đảng và Nhà nước; là một trong những bài học kinh
nghiệm lớn trong lãnh đạo của Đảng. Không
ngừng chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân, vun đắp cho mối quan hệ máu thịt
giữa Đảng và dân, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng là nền
tảng cho sự ổn định chính trị, xã hội của nước ta trong thời gian qua. Tuy vậy,
việc “yên dân” hay lòng dân, niềm tin, đồng thuận xã hội lại luôn
bị thử thách, biến động không ngừng trong dòng chảy của thế sự, thời cuộc và
các va đập của lịch sử. Năm nay thế này, năm sau có thể thế khác với rất nhiều
yếu tố, tầng nấc đan xen tác động. Trong đó, báo chí, truyền thông nói chung,
truyền thông xã hội nói riêng có vai trò rất quan trọng.
Sau hơn 20 năm Internet có mặt
(từ năm 1997), với hơn 60 triệu người sử dụng, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18
trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng Internet và là 1 trong 10 nước có
lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới. Điều đó cho thấy sự cởi
mở, năng động của Việt Nam trong tiến trình hội nhập cùng thế giới số.
Cũng như các quốc gia khác trên
toàn cầu, Việt Nam đang khai thác và phát huy những đặc tính ưu việt của truyền
thông xã hội, đồng thời, cũng đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực khó
kiểm soát từ dạng thức truyền thông mới này…
… Tác động xấu từ truyền thông
xã hội có thể dẫn đến những hậu quả trực tiếp, tức thì, nhưng cũng có những hậu
quả len lỏi, lâu dài tích tụ vào ứng xử, lối sống, dần dần phá vỡ những hệ giá
trị văn hóa và đạo đức tốt đẹp. Những đổ vỡ về giá trị, những tổn thương về tâm
lý ảnh hưởng đến đời sống mỗi cá nhân, từ đó, tác động đến ổn định chính trị,
xã hội của quốc gia. Các nhà xã hội học cho rằng, việc dành quá nhiều thời gian
cho mạng dẫn đến “cô lập với xã hội thực tại”, “xao nhãng các quan hệ đời
thực”, “tin vào đó mà không dành thời gian cho các quan sát, trải nghiệm và
tương tác thực tế để đưa ra các quyết định đúng đắn”, thậm chí lệch lạc về nhận
thức, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt với giới trẻ. Về lâu dài,
có thể khiến sự cố kết xã hội bị rạn nứt sâu sắc, gây phân rã, khó tạo nên sự
đồng thuận trong việc chung tay giải quyết các vấn đề của cộng đồng, quốc gia
hay nhân loại(3)…
3. Có những ý kiến về
việc mạng xã hội đã qua đi thời khắc đỉnh cao và đang chững lại. Có những đánh
giá lạc quan rằng người dùng mạng xã hội đang dần trở nên sáng suốt hơn, bình
tĩnh hơn, trang bị bộ lọc tốt hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn sau khi bị tin giả
lừa đảo nhiều lần. Nhưng trong thực tế, có thể khẳng định, truyền thông xã hội
là một “mặt trận” ngày càng phức tạp, mở rộng mà các thế lực thù địch đang lợi
dụng để thúc đẩy các “yếu tố cách mạng sắc màu ở Việt Nam”. Bài học từ những
cuộc “cách mạng màu” cho thấy không thể chủ quan, lơ là mà cần phải chủ động
nhận diện, ngăn chặn kịp thời những nhân tố lợi dụng truyền thông xã hội để tác
động đến ổn định chính trị, xã hội từ nhiều hướng, nhiều cách thức khác nhau.
Yêu cầu ấy đòi hỏi phải nhìn nhận đúng về truyền thông xã hội ở cả hai mặt tích
cực và tiêu cực, nhận diện và quản lý những tác nhân gây ảnh hưởng để bảo vệ,
phát huy những giá trị tiến bộ được xã hội thừa nhận, đồng thời hạn chế, đẩy
lùi, triệt phá những tác động tiêu cực bằng những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ và
hiệu quả.
Một là,trong lãnh đạo, chỉ đạo
cần tiếp tục quán triệt, nhận thức đúng, đầy đủ quan điểm: “không ngừng đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí
điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet theo kịp
sự phát triển của công nghệ Internet,… chủ động, kiên trì thúc đẩy phát triển đúng hướng đi đôi với quản
lý chặt chẽ”(4). Xác định rõ, đây là môi trường mở, độc
đáo, đặc biệt quan trọng nằm bên cạnh dòng chảy thông tin của truyền thông
truyền thống cần được khai thác tối đa mặt tích cực, cổ vũ những giá trị tiến
bộ, định hướng và tiến hành đấu tranh đối với những nhận thức, tư tưởng, quan
điểm sai trái. Do đó, phải chủ động đánh giá, dự báo chính xác tình hình; chú
trọng giải quyết thấu đáo các vấn đề bức xúc của người dân; khắc phục hiệu quả
những hạn chế, bất cập, không để hình thành “điểm nóng”, những xu hướng (trend)
tiêu cực trên mạng xã hội. Các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin cho báo
chí một cách đầy đủ, công khai, minh bạch, kịp thời, nhất là với các vấn đề
quan trọng được người dân quan tâm, không để cho các thế lực thù địch lợi dụng,
chiếm lĩnh truyền thông xã hội. Đồng thời, giữ nghiêm kỷ luật thông tin, kiên
quyết đấu tranh, xử lý nghiêm khắc với các phần tử cơ hội chính trị, “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” cố tình làm lộ lọt, cung cấp thông tin nội bộ, hỗ trợ
cho các phần tử mạng xã hội đưa tin sai sự thật, kích động, tấn công vào nội
bộ.
Hai là, khẩn trương thể chế hóa,
tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý trong thực tiễn; tích cực xây dựng
khung khổ pháp luật khoa học, tiến bộ để truyền thông xã hội hoạt động, phát
triển lành mạnh, đúng hướng. Thời gian qua, những thay đổi chóng mặt về thuật toán
của các nền tảng công nghệ “làm khó” cả về nhận thức và hành động khiến các cơ
quan chức năng vốn đã chậm trễ, hạn chế trong quản lý không gian mạng lại càng
lúng túng, bất cập, chưa theo kịp trong việc hoạch định chính sách, pháp luật
đối với truyền thông xã hội. Để quản lý tốt, cần nhanh chóng tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản pháp
luật với các điều khoản cụ thể, rõ ràng, sát thực, phù hợp, theo
kịp tốc độ biến động của truyền thông xã hội... thay vì chỉ dừng ở quy tắc điều
chỉnh mang tính khuyến nghị đạo đức và văn hóa. Bởi lẽ, khi các ràng buộc pháp
lý không cụ thể, rõ ràng và đủ mạnh thì các quy tắc đạo đức, văn hóa cũng rất
khó để đi vào cuộc sống.
Kiên trì vấn đề có tính
nguyên tắc là các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ, khai thác dịch vụ nhất là các
doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có trách nhiệm tuân thủ luật
pháp Việt Nam, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam. Yêu cầu
các đối tác phải thể hiện sự hợp tác, tuân thủ các quy định khi vào Việt Nam
như đặt cơ quan đại diện, thiết lập tính chính danh của người dùng trong đăng
ký tài khoản, phối hợp tích cực để kịp thời bóc gỡ những trang
mạo danh các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, xóa bỏ triệt để các tài
khoản đưa thông tin sai sự thật,... Cần coi trọng hơn các biện pháp
kinh tế, yêu cầu trách nhiệm của những doanh nghiệp phải tương xứng với lợi ích
mà họ được hưởng. Tích cực triển khai thực hiện Luật An ninh mạng với các chế
tài đủ mạnh để răn đe, xử lý những hành vi vi phạm, gây hại như lưu trữ, cung
cấp, đăng tải, phát tán tin giả, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nói xấu,
kích động, chống phá Đảng, Nhà nước trên Internet, mạng xã hội…
Ba là, phát huy vai trò chủ
động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng của báo chí trong thông tin tích cực. Báo chí cách mạng cần khẳng định hơn
nữa vai trò, vị thế của mình trong thời đại kỹ thuật số. Dòng thông
tin tích cực của báo chí vẫn phải là dòng thông tin chủ lưu với thông tin chất
lượng, chính xác, kịp thời, khách quan, là bộ lọc đáng tin cậy về mọi vấn đề xã
hội, dư luận quan tâm. Vì vậy, phải khẩn trương tổng kết, đánh giá kết quả thực
hiện Luật Báo chí năm 2016, sửa đổi bổ sung, hoàn chỉnh Luật cũng như các văn
bản dưới Luật để hoàn thiện hơn nữa môi trường pháp lý cho hoạt động báo chí.
Xác định rõ tiêu chí đối với từng loại hình thông tin điện tử nhất là báo điện
tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; có quy định
để điều chỉnh hoạt động của các công ty công nghệ chuyên cung cấp thông tin báo
chí. Tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản, của cơ quan báo chí trong
thực hiện tôn chỉ, mục đích và nội dung thông tin, trong hợp tác hoạt động báo
chí, trong đầu tư nền tảng công nghệ số cho sự phát triển vươn tầm của báo chí.
Thực hiện ngay quy hoạch báo chí đã được phê duyệt trong năm 2019, rà soát cấp
phép lại hoặc thu hồi giấy phép hoạt động đối với các tổ chức, cơ quan trong
thời gian qua đã buông lỏng quản lý, có nhiều vi phạm trong hoạt động báo chí.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng những người làm báo về bản lĩnh chính trị, về năng
lực chuyên môn, nghiệp vụ, công nghệ, trau dồi đạo đức, ý thức về sứ mệnh nghề
nghiệp, thực hiện tốt quy định về trách nhiệm và chuẩn mực khi tham gia mạng xã
hội.
Bốn là, thúc đẩy các giải pháp công
nghệ, các biện pháp kỹ thuật phù hợp bắt kịp với sự phát triển của Internet,
mạng xã hội. Khuyến khích mạng xã hội có nền tảng công nghệ trong nước phát
triển, khuyến khích các cơ quan, tổ chức trong nước xây dựng mạng xã hội nội
bộ. Tăng cường ứng dụng công nghệ để phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các
thông tin sai sự thật, xấu, độc có ảnh hưởng đến ổn định chính trị, xã hội.
Nâng cao năng lực phân tích, điều tra, nghiên cứu công chúng, đo lường thái độ
của người sử dụng Internet, tham gia truyền thông xã hội đối với những vấn đề
được dư luận quan tâm.
Năm là, truyền thông xã hội khác biệt vì nội dung do người dùng tạo
ra và thông tin mang tính cá nhân hóa cao, do đó, sự quản lý của Nhà nước là
cần thiết nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức người dùng. Việc người dùng nâng
cao sức “đề kháng”, trang bị hiểu biết về pháp luật, bộ lọc văn hóa tốt, ứng xử
văn minh, lịch lãm trong tranh luận, phản biện, có năng lực về tin tức, đánh
giá được độ tin cậy của thông tin trên truyền thông xã hội là rất quan trọng.
Có như vậy, việc khai thác, sử dụng mạng xã hội mới hiệu quả, thiết thực và
lành mạnh, người dùng mới có thể bảo vệ những giá trị của bản thân, của cộng
đồng và dân tộc.
Cho nên, cần chú trọng tăng
cường các biện pháp tuyên truyền nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức, trách
nhiệm khi tham gia các nền tảng truyền thông xã hội của mọi công dân. Giáo dục
định hướng giá trị để người trẻ biết tránh khỏi các biểu hiện lệch lạc về nhận
thức và hành vi; trang bị cho học sinh, sinh viên kỹ năng tự bảo vệ thông tin
cá nhân, cách thức chắt lọc, tiếp nhận thông tin.
Phát huy vai trò của các tổ
chức và cá nhân, nhất là những người điều hành website, blog, fanpage, các
KOLs, influencers, người trẻ trong xây dựng môi trường Internet, mạng xã hội
lành mạnh. Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia mạng xã hội phải
giữ vai trò là lực lượng nòng cốt đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích
cực và xem đây là giải pháp thường xuyên, lâu dài.
Việt Nam đang là một quốc gia
có chính trị, xã hội ổn định và trên đà phát triển, tuy nhiên, cũng vẫn tiềm ẩn
những nguy cơ gây mất ổn định. Tạo lập môi trường thông tin lành mạnh, an toàn,
trong đó, truyền thông xã hội là một trong những nguồn lực thông tin
quan trọng, sẽ góp phần tích cực, hiệu quả, bảo vệ, gìn giữ môi trường chính
trị, xã hội ổn định làm nền tảng cho đất nước phát triển bền vững./.
___________________________
(1) Hội thảo khoa học thuộc đề tài cấp nhà nước
KX.01.10/16-20: Mạng xã hội trong bối cảnh phát triển thông tin ở Việt
Nam.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu
toàn quốc thời kỳ đổi mới (khóa X, VII, VIII, IX, X), Nxb. Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 2010, P.I, tr.40.
(3) Nhóm tác giả Nguyễn Hoài Sơn, Lê Quang Ngọc, Nguyễn Quang
Tuấn, Nguyễn Đức Vinh, Viện xã hội học, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam: Một
số chiều cạnh biến đổi xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ
tư,(http://www.haiphong.gov.vn/PortalFolders/ImageUploads/SKHCN/12/Cong%20nghiep%204.0/Bien%20doi%20xa%20hoi%20trong%20CMCN%204.0.pdf).
(4) Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X ngày 25/12/2013
về “Phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và
các loại hình truyền thông khác trên Internet”.