Thực tế dạy - học yêu cầu đội ngũ nhà giáo trong trường phổ thông phải tự hoàn thiện mình, luôn đổi mới, sáng tạo để hút học sinh trong từng tiết dạy.
Từ lớp học "khoanh tay" đến thảo luận nhóm
Cô Trần Thị Kim Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) chia sẻ quan điểm: Chuyển đổi mục tiêu giáo dục từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, phát triển tính tích cực, sáng tạo cho HS, cá biệt hóa đối tượng, việc đánh giá thành công của một tiết dạy cũng có sự thay đổi.
Mô hình dạy học theo dự án cũng được nhiều trường phổ thông triển khai. Thông qua Dự án "Những cây cầu trên sông Hàn", thầy Phan Tiến Dậu (Trường THPT Trần Phú, TP Đà Nẵng) để HS đóng các vai trò trong các ngành nghề khác nhau để thực hiện nhiệm vụ với 4 nhóm theo định
ướng nghề nghiệp: Kỹ sư xây dựng, kỹ sư điện thông minh, kỹ sư hóa học, hướng dẫn viên du lịch. Các sản phẩm của dự án học tập cho thấy, HS biết cách vận dụng những kiến thức của các môn khoa học kỹ thuật như Vật lý, Hóa học, Công nghệ, Toán học cả kiến thức địa lý vào thực tế.
Dạy học theo hướng liên môn, cho dù mới mẻ nhưng được trường phổ thông có điều kiện triển khai hiệu quả. Quan niệm về chất lượng giáo dục đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Những kiến thức học sinh thu nhận được, không chỉ từ sách vở mà còn ở ngoài lớp học. Mô hình lớp học không tường vách, lớp học trong rừng… được triển khai ở nhiều trường học. Chất lượng giáo dục, suy cho cùng, không chỉ ở chỗ HS học được cái gì, mà quan trọng hơn là HS làm được cái gì sau khi học.
"Trước đây, khi đánh giá một giờ dạy thành công tức là không khí lớp trật tự, HS ngồi ngay ngắn, gần như cả lớp xung phong phát biểu khi GV nêu câu hỏi. Nhưng với quan điểm đánh giá dựa trên phát triển năng lực, phẩm chất của HS, tiêu chí đánh giá như trên không còn phù hợp. HS có thể thảo luận nhóm, di chuyển vị trí ngồi… nên không khí lớp học im phăng phắc là điều không thể. GV phải đổi mới phương pháp dạy - học và cả cách đánh giá chứ không thể khăng khăng theo những giá trị cũ" - cô Trần Thị Kim Bình nhận xét.
"Tay quen" hơn hẳn "trăm hay"
Ông Võ Trung Minh - Trưởng phòng GD&ĐT Sơn Trà (TP Đà Nẵng) nhận xét: "So với chương trình phổ thông hiện hành, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có một số hoạt động giáo dục mới: Trải nghiệm, hướng nghiệp và chú trọng phát triển năng lực người học, các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm cho HS... Chính những nét mới này đòi hỏi GV giảng dạy ở các trường ở phổ thông phải tự nâng mình lên thông qua đào tạo và tự đào tạo. Các trường sư phạm cũng phải thay đổi để thích ứng ngay với Chương trình giáo dục phổ thông mới".
Cô Trần Thị Kim Bình cho biết: "Ngoài năng lực truyền thụ kiến thức, GV còn phải có cả khả năng quan sát, đánh giá mới thích ứng với mục tiêu dạy học theo hướng phát triển năng lực người học. Bên cạnh lĩnh hội kiến thức, thông qua tổ chức các hoạt động giáo dục, GV phải hình thành cho HS khả năng vận dụng, thực hành. Đây là những thay đổi căn bản mà đội ngũ nhà giáo phải có được để đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới".
Theo ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đã rà soát, sắp xếp đội ngũ bảo đảm đủ số lượng, loại hình nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nhân viên để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh, nhất là với lớp 1 năm học 2020 - 2021 và lớp 2, lớp 6 năm học 2021 - 2022.
Trên cơ sở kết quả rà soát, xác định nhu cầu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nhân viên để xây dựng kế hoạch, phương án sắp xếp, bố trí sử dụng đội ngũ hiện có theo hướng hợp lý, hiệu quả. Qua đó, tỉnh thực hiện nghiêm việc đánh giá theo quy định của Chuẩn nghề nghiệp do Bộ ban hành. Có biện pháp đào tạo, bồi dưỡng đối với những người chưa đạt chuẩn. "Theo kết quả rà soát, để triển khai Chương trình mới, địa phương cơ bản đáp ứng đủ số lượng giáo viên phổ thông, chỉ thiếu một ít giáo viên dạy các môn chuyên biệt và sẽ tổ chức tuyển dụng trong thời gian tới, bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu giáo viên trong tổng số biên chế được giao", ông Liêm cho biết.
Kết nối giảng viên - giáo viên
TS. Phùng Thái Dương, Trường ĐHSP Đồng Tháp cho biết: Để SV có thể bắt nhịp ngay với đổi mới ở bậc phổ thông và có thể giảng dạy, không cần tập huấn thêm cần phải điều chỉnh, bổ sung cả trong quá trình học tập tại trường sư phạm cũng như thời gian thực tập.
"Trước đây, hầu hết SV khi đi thực tập đặt tầm quan trọng giáo án lên hàng đầu; nhưng để đáp ứng được yêu cầu đổi mới của giáo dục phổ thông lần này, khi đến trường phổ thông, SV cần chú trọng tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài lớp, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tổ chức dự án nghiên cứu, học tập thực tế…" - TS Phùng Thái Dương phân tích.
Rút ngắn khoảng cách giữa giảng viên với giáo viên phổ thông và trường phổ thông đang là phương châm của các trường sư phạm đưa ra trong chiến lược nâng cao năng lực giảng viên hiện nay. PGS.TS. Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho biết: "Nhà trường chủ động "liên thông" với trường phổ thông. Các hội nghị, hội thảo do nhà trường tổ chức đều có sự tham gia của đội ngũ giáo viên phổ thông. Qua đây, giảng viên nhà trường vừa có điều kiện giao lưu, hợp tác về khoa học và giáo dục với giáo viên phổ thông, vừa nắm bắt thông tin về hoạt động giáo dục ở trường phổ thông. Ngoài ra, việc xây dựng và không ngừng mở rộng hệ thống thực tập thường xuyên (hay gọi là thực tập vệ tinh) của nhà trường ở các trường phổ thông đối với sinh viên cũng là điều kiện giảng viên của trường kết nối, trao đổi nắm bắt việc giảng dạy và nhu cầu của thầy cô giáo trường phổ thông được đầy đủ và sâu sắc hơn".
Các giảng viên của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), trong hoạt động seminar, sinh hoạt chuyên đề bộ môn những năm gần đây cũng tăng cường kết nối với các tổ bộ môn của trường phổ thông để được trao đổi, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, phương pháp… Theo giảng viên Trương Thị Thanh Mai, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng): "Thông tin của các cấp quản lý và giáo viên phổ thông giúp chúng tôi hiểu hơn thực trạng triển khai dạy học tích hợp ở các trường phổ thông nhằm đề ra hướng nghiên cứu, phương pháp giảng dạy hiệu quả. Việc xây dựng, tổ chức dạy học tích hợp ở Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng vì vậy sát thực với chương trình phổ thông hơn".
PGS.TS. Lưu Trang cho biết: "Những giáo viên tương lai, được trải nghiệm việc học tập của mình trong môi trường sư phạm để hình thành các kỹ năng tương ứng sẽ sẵn sàng thích nghi, hội nhập chứ không thể là sản phẩm đầu ra cho giáo dục phổ thông lạc lõng, lúng túng trước Chương trình giáo dục phổ thông mới".
Trao đổi với phóng viên, GS. Võ Tòng Xuân cho biết: Có thời gian việc đào tạo ngành sư phạm chưa được quan tâm đúng mức. Chuẩn bị dạy theo chương trình mới, gần như các môn học sẽ đổi mới về nội dung kiến thức và phương pháp dạy/hướng dẫn, với trình độ giáo viên tốt nghiệp từ các trường sư phạm qua chương trình đào tạo giáo viên hiện nay thì khó "kham" nổi chương trình mới này.
Theo GS. Võ Tòng Xuân, đổi mới cơ bản nhất của giáo dục Việt Nam chính, trước tiên là chương trình đào tạo sư phạm. Vấn đề này không được xem thường, phải thẳng thắn nhìn nhận chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông của ta hiện nay để thiết kế lại chương trình đào tạo sao cho mỗi giáo viên tốt nghiệp phải đạt trình độ cơ bản chuẩn về tiếng Việt và tiếng Anh (hoặc ngoại ngữ 1 khác) để dạy song ngữ và các môn học mới thiết kế bởi chương trình giáo dục phổ thông đã được soạn thảo.
Đối với giáo viên đang đứng lớp, cần một chương trình đào tạo cấp tốc với Bộ chuẩn kiến thức môn học mới. Mỗi thầy cô môn học được huấn luyện phương pháp dạy, đánh giá mức độ học sinh đạt chuẩn kiến thức… Làm quen cách dạy với thực tế môn học, giáo viên phải có khả năng chỉ cho học sinh khả năng ứng dụng kiến thức đang học vào thực tiễn. Khai thác khía cạnh hướng nghiệp của môn học mình đang dạy. Phương tiện dạy và học của mỗi trường phải được trang bị đầy đủ (đồ chơi để học, máy móc, sân vườn...), thư viện với các tài liệu tham khảo cơ bản (cả giáo viên và học sinh đều tham khảo) và nối mạng Internet với nhiều đầu máy để bàn.
Năm 2020, Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu triển khai. Chúng ta là những người tiên phong khởi động giai đoạn mới trong lịch sử phát triển nền giáo dục Việt Nam. Những năm đầu tiên sẽ có nhiều thách thức, khó khăn. Tôi tin rằng với quyết tâm cao của mỗi thầy cô giáo, vì lòng tự ái dân tộc quyết không thua các nước tiên tiến, sẽ vượt qua những khó khăn. Tôi mong các thầy cô giáo sau khi chọn sách giáo khoa, được tập huấn sử dụng sách đều sẵn sàng bước vào dạy, học - GS. Võ Tòng Xuân.
Theo GD&TĐ