Đặc biệt với môn Lịch sử, việc ứng dụng CNTT trong bài giảng làm cho giờ học trở nên sinh động, không bị khô khan, tẻ nhạt, lôi cuốn được học sinh học tập tích cực, chủ động, tạo cho các em động cơ và không khí học tập thoải mái.
Tín hiệu tích cực
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2019 - 2020 có 951 thí sinh đạt điểm 10 môn Lịch sử, có tới 89,57% bài thi đạt điểm trên trung bình. Đây chính là sự phản ánh khách quan kết quả của quá trình đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh môn Lịch sử.
Việc đưa môn Lịch sử vào các kỳ thi quan trọng đã góp phần làm thay đổi phương pháp dạy học cũng như nhận thức của học sinh, giáo viên và phụ huynh đối với bộ môn. Cùng với Hà Nội, các tỉnh thành khác trên cả nước cũng lựa chọn Lịch sử là môn thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020 như Quảng Bình, Hải Phòng...
Đặc biệt, Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 môn Lịch sử vừa qua cũng được các giáo viên đánh giá, cách thức ra đề thi năm nay cũng được đổi mới, đề thi không còn yêu cầu học sinh phải nhớ máy móc các số liệu, mốc thời gian từ sách giáo khoa mà chuyển sang kiểm tra khả năng tái hiện lịch sử, đồng thời còn yêu cầu học sinh nắm được những nét đặc trưng của từng giai đoạn trong lịch sử dân tộc.
Từ những con số, những kết quả trên cho thấy việc đổi mới dạy và học môn Lịch sử thông qua ứng dụng công nghệ thông tin ở các nhà trường đã có tín hiệu tích cực, đặc biệt đi đầu là 2 thành phố: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thay vì ngồi nghe giảng rồi ghi chép theo cách cũ khiến môn Lịch sử trở nên nhàm chán, khô cứng, học sinh sẽ được trực tiếp gặp gỡ những câu chuyện lịch sử bằng hình ảnh, video, bản đồ, lược đồ... để tìm hiểu thông tin sống động về những cuộc chiến vốn chỉ được biết đến qua sách vở.
Cô Lê Thị Huyền - Giáo viên Trường THPT Sơn Tây, Hà Nội chia sẻ: "Trong quá trình giảng dạy, để các em hứng thú hơn, cuốn hút hơn với bài giảng, cô đã sử dụng phần mềm thiết kế bài giảng môn Lịch sử bằng "Giáo án điện tử Smartschool". Việc soạn giáo án của cô thuận lợi hơn rất nhiều. Các tài liệu như video, hình ảnh, lược đồ... liên quan đến nội dung tiết học đều đã được cập nhật trên phần mềm.
Giáo viên chỉ cần lựa chọn các tư liệu phù hợp đưa vào bài giảng của mình sẽ có được bài giảng sinh động, hấp dẫn học sinh hơn. Các tiết học được thiết kế khoa học, có nhiều video, hình ảnh sinh động, lôi cuốn học sinh vào bài học. Vì thế, việc tiếp thu kiến thức lịch sử của học sinh cũng dễ dàng hơn rất nhiều".
Tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy và học
Với mục tiêu tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, nhất là vận dụng tiến bộ công nghệ thông tin vào giảng dạy các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông nói chung và môn Lịch sử nói riêng, từ năm 2008 Sở GD&ĐT Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT do Giám đốc Sở GD&ĐT làm trưởng ban.
Cùng với việc thành lập ban chỉ đạo ứng dụng CNTT, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đồng thời đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị CNTT; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên Lịch sử, tạo điều kiện để giáo viên có cơ hội tham gia tập huấn ứng dụng CNTT, bồi dưỡng kĩ năng dạy học môn Lịch sử; đồng thời nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của môn Lịch sử cho giáo viên, cán bộ quản lý và phụ huynh.
Từ đầu năm học 2018 - 2019, một số trường phổ thông tại Hà Nội đã bắt đầu tiếp cận và đưa vào ứng dụng Phần mềm thiết kế bài giảng Smartschool nhằm phục vụ đổi mới phương pháp dạy và học môn Lịch sử. Phần mềm bao gồm hệ thống giáo án điện tử, thư viện số lịch sử cùng bộ công cụ kĩ thuật hỗ trợ hiệu quả cho cả giáo viên và học sinh trong quá trình giảng dạy và học tập.
Sang đến học kì II của năm học, đã có tới 496 trường thuộc 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội với số lượng là 1.729 giáo viên ứng dụng phần mềm dạy học lịch sử này. Việc ứng dụng phần mềm đã tạo ra những chuyển biến rõ rệt trong việc đổi mới phương pháp dạy và học lịch sử.
Cô Nguyễn Thị Thị, Trường THCS Thạch Thán Quốc Oai (Hà Nội) cho biết: "Trong quá trình giảng dạy môn Lịch sử, cô đã đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng. Đặc biệt khi sử dụng bài giảng có nhiều video tư liệu tham khảo làm tiết học sinh động và cuốn hút. Phần mềm còn có thể chỉnh sửa nội dung nên rất là linh động. Học sinh trong lớp thích lắm.
Chẳng hạn khi dạy lịch sử lớp 6, các em học sinh rất thích chăm chú lắng nghe và hợp tác. Còn dạy lịch sử lớp 9 về cuộc kháng chiến chống Mỹ, các video tư liệu làm các em bồi hồi và ấn tượng mạnh. Cả tiết học trở nên sôi nổi".
Hướng đến phát triển năng lực học sinh
"Giảng dạy bằng giáo án điện tử còn huy động hiệu quả vai trò tích cực của cả thầy và trò trong việc tìm kiếm, xây dựng kiến thức bài học, tạo không khí sôi nổi cho mỗi giờ lên lớp . "Trong quá trình đổi mới giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ngoại ngữ là hướng đi mới, bắt kịp với Chương trình GDPT mới hướng đến phát triển năng lực học sinh - Cô Trần Thanh Mai, giáo viên Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội) chia sẻ.
Bài giảng bằng giáo án điện tử được minh họa bằng nhiều hình ảnh, âm thanh, video, lược đồ trực quan, sinh động tạo hứng thú khám phá tri thức cho học sinh. Giảng dạy bằng giáo án điện tử còn huy động hiệu quả vai trò tích cực của cả thầy và trò trong việc tìm kiếm, xây dựng kiến thức bài học, tạo không khí sôi nổi cho mỗi giờ lên lớp".
Ứng dụng CNTT, vận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong việc đổi mới các hoạt động dạy - học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh đã và đang tạo ra những chuyển biến hết sức tích cực, ngày một nâng cao chất lượng dạy - học tại các cơ sở giáo dục. Hy vọng rằng với sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành Giáo dục và sự đồng hành của toàn xã hội sẽ mang đến những chuyển biến tích cực, đưa nền giáo dục nước nhà ngày một phát triển, hội nhập với thế giới.
Theo Lê Đăng (GD&TĐ)