Biết nhiều ngoại ngữ - lợi thế đặc biệt của người lãnh đạo
Hồ Chí Minh thông thạo nhiều
ngoại ngữ. Trong bản lý lịch đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII,
Bác đã ghi: “Biết các thứ tiếng: Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga”. Nhưng
trên thực tế, dựa vào những lần Bác đi thăm nước ngoài, cũng như những lần đón
tiếp các phái đoàn ngoại giao tới thăm Việt Nam, chúng ta được biết Người còn
sử dụng thông thạo nhiều ngoại ngữ khác, như tiếng Xiêm (Thái Lan bây giờ),
tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, tiếng của nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam,…
Việc thông thạo nhiều ngoại ngữ
đã đem đến sự tiện lợi trong suốt hành trình cứu nước và lãnh đạo đất nước của
Bác Hồ. Khi sống ở nước ngoài, việc hiểu ngôn ngữ bản xứ là một “phương tiện”
để nắm bắt nhanh tình hình, hòa nhập vào xã hội mới. Khi Người sang Pháp với
nghi thức đón tiếp dành cho nguyên thủ quốc gia năm 1946 tại Pa-ri, Người đã
phát biểu trước các phương tiện truyền thông quốc tế hoàn toàn bằng tiếng
Pháp...
Ngày 12-10-1954, hai ngày sau khi
giải phóng Thủ đô Hà Nội, tại cuộc họp báo ở Sơn Tây, nhiều nhà báo nước ngoài
đã được phép phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đó, Người đã ra hiệu cho đồng
chí phiên dịch không cần dịch, rồi sau khi nghe phóng viên Báo Sự Thật (Liên
Xô) hỏi, Người đã trả lời bằng tiếng Nga. Sau đó, Người nói chuyện bằng tiếng Ý
với phóng viên của Tạp chí Đoàn Kết (Ý). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói bằng
tiếng Anh với phóng viên Báo Công Nhân (Anh). Người đã trả lời bằng tiếng Pháp
cho phóng viên Báo Nhân Đạo (L' Humanité, Pháp). Trước đây, Người đã viết bằng
tiếng Pháp cho các báo ở ngay tại Pa-ri (Thủ đô nước Pháp), như Báo Đời sống
công nhân (La vie des travailleurs), Báo Nhân dân (Le peuple), Báo Người cùng
khổ (Le Paria). Người còn viết bằng tiếng Pháp các tác phẩm Con Rồng tre để đả
kích vua bù nhìn Khải Định, Bản án chế độ thực dân Pháp nổi tiếng (1).
Trong suốt quá trình hoạt động
cách mạng, Người dẫn đầu nhiều đoàn đàm phán đi nước ngoài và trực tiếp đàm
phán bằng ngôn ngữ của nước họ.
Thông thạo ngoại ngữ, hiểu văn hóa và trở thành nhà ngoại giao xuất
chúng
Khi học ngoại ngữ, nhờ tìm hiểu
về ngoại ngữ song song với tìm hiểu văn hóa nên không những học nhanh, Người
còn hiểu được con người và có cách tiếp cận với lãnh đạo và nhân dân nước đó.
Trong bộ phim tài liệu Hồ Chí Minh tại Pháp của Đài Truyền hình Việt Nam, Bác
đã dạy trẻ em hát bài hát vùng Pi-rê-nê, khiến chính những người Pháp cảm thấy
bất ngờ. Sống cùng với những người dân bản địa, Bác luôn để lại cho họ những ấn
tượng tốt về một người thanh niên ham học, ham làm và hòa nhập với văn hóa sở
tại. Đặc biệt, Người rất trân trọng trẻ em, phụ nữ và người già nên những người
xung quanh rất có thiện cảm với Bác.
Tới mỗi nước, Người đều nghiên
cứu, tìm hiểu phong tục, tập quán và rất chịu khó “nhập gia tùy tục”. Năm 1958,
Bác Hồ sang thăm Ấn Độ. Theo lời kể của ông Nguyễn Dy Niên - người phiên dịch
tiếng Hin-đi dịp đó kể lại, trong chuyến thăm này, tại bữa tiệc do Thủ tướng
Nê-ru chiêu đãi Bác Hồ, có món thịt gà địa phương rất nổi tiếng. Người Ấn Độ
khi ăn cơm không dùng thìa, dĩa mà dùng tay để cầm thức ăn. Lúc đó, Bộ trưởng
Ngoại giao Ấn Độ cũng muốn dùng tay để ăn, nhưng tại bữa tiệc quốc tế, phải
dùng dao, thìa, dĩa cho lịch sự. Khi món thịt gà được đưa ra, các quan khách Ấn
Độ có vẻ không quen dùng dao, dĩa. Bác Hồ rất tinh ý, Người nói với Thủ tướng
Nê-ru: Thịt gà phải ăn bằng tay thì mới ngon chứ còn ăn bằng thìa, dĩa thì khác
nào nói chuyện với người yêu lại phải qua ông phiên dịch. Nghe Bác Hồ nói vậy,
mọi người trên bàn tiệc cười ầm cả lên làm cho không khí bữa tiệc hôm đó rất
vui vẻ và thân mật (2).
Theo Hồi ký của Nguyễn Đức Thụy
(1910 - 1990), một nhà cách mạng lão thành, từng giữ các trọng trách “Tham
Nghị” - tương đương chức Thứ trưởng, Trợ lý Ngoại giao - trong một lần đàm phán
với quân Tưởng Giới Thạch, cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh rất am hiểu người
Trung Quốc. Người là Bộ trưởng Ngoại giao khi đó, đã dặn các cán bộ không dùng
“ủy viên” mà dùng chức “Tham Nghị”, bởi vì “Chức Tham nghị là chức rất phổ biến
trong bộ máy chính quyền của Tưởng. Coi nó to cũng được, nhỏ cũng được, rất
quan trọng cũng được, chẳng quan trọng gì cũng được. Anh là tham nghị thì anh
nói đúng cũng được, anh nói sai thì cũng chẳng ai thèm trách cứ và càng dễ cải
chính”. Chuyện tưởng đơn giản, đi vào tiểu tiết, câu chữ, mà thật ra cho thấy
sự khôn ngoan và thấu hiểu đối phương của Bộ trưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh. Bác
còn dặn ông Thụy phải khắc con dấu tên mình trong các giấy tờ giao thiệp với
quân Tưởng, vì người Trung Quốc chỉ tin vào chữ ký kèm có con dấu, chữ ký không
có con dấu thì họ coi là kém hiệu lực (3).
Đó chỉ là một vài trong số rất
nhiều những tình tiết ngoại giao Hồ Chí Minh mà sách vở không ghi chép hết
được.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương học ngoại ngữ để phục vụ sự nghiệp
cách mạng
Học ngoại ngữ để tìm đường cứu
nước
Người đã đến nhiều nước: Pháp, Ý,
Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, An-giê-ri, Tuy-ni-di... Người đã làm nhiều nghề để
kiếm sống, nhưng trên hết, Hồ Chí Minh luôn ý thức học hỏi để tìm ra “chân lý”
cho dân tộc mình. Mang trên vai một mối “nợ nước”, Người đã tự học, tự nghiên
cứu để nâng cao trình độ của mình.
Không chỉ học về ngôn ngữ mà Hồ
Chí Minh có ý chí học nhiều kiến thức khác. Bác tham gia Hội Nghệ thuật và Khoa
học, Hội Những người bạn của nghệ thuật, Hội Du lịch. Khi tham gia Hội Du lịch,
Bác đi thăm nhiều nơi ở Pháp, Ý, Thuỵ Sĩ, Đức và cả Tòa thánh Va-ti-can. Bác
từng nói với bạn: “Trong những ngày nghỉ, không nên tiêu phí tiền bạc, mất thì
giờ ở bãi bể để nhìn những người đàn bà đi tắm, mà nên đi du lịch, học hỏi được
nhiều” (4).
Không chỉ thích đi du lịch mà Bác
muốn biết những nước ấy tổ chức và cai trị như thế nào. Bác bắt đầu tổ chức,
hoặc đúng hơn là bắt đầu học tổ chức. Trong những buổi mít-tinh, những buổi đi
thăm quan hoặc du lịch, Bác đã gặp những người cách mạng An-giê-ri, Tuy-ni-di,
Ma-rốc, Man-gát... Cùng với họ, Bác tổ chức Hội Liên hiệp thuộc địa ở Pa-ri.
Đói rét không phải là rào cản cho
người ham học và tự học
Ngay từ khi Bác Hồ đang trong lứa
tuổi thanh niên, còn mang tên là anh Ba, trên con tàu sang Pháp năm 1911, anh
Ba đã phải làm việc rất cực khổ, nhưng vẫn có ý chí vượt khó và say sưa tự học.
Thời gian ở nước Anh, lúc đầu anh
Ba nhận việc cào tuyết trong một trường học, mình mẩy đẫm mồ hôi mà tay chân
thì rét cóng. Sau lại chuyển sang việc đốt lò. Từ 5 giờ sáng cùng một người
nữa, anh Ba chui xuống hầm để nhóm lửa, suốt ngày đổ than, thay than trong lò.
Với số tiền để dành, anh Ba trả tiền phòng, tiền bơ và bánh mỳ, và sáu bài học
chữ Anh. Sau đó, Người xin vào làm phụ bếp trong Khách sạn Carlton. Thường
ngày, buổi sáng Người phải làm từ 8 đến 12 giờ, buổi chiều từ 17 đến 22 giờ.
Phương tiện học là vài quyển sách và một cây bút chì. Sớm chiều, Người đến ngồi
ở Vườn hoa Hay-đơ (Hyde Park) nơi có nhiều cây to, cột đèn cổ xưa để học. Vườn
hoa Hay-đơ là nơi mít-tinh thị uy của nhân dân lao động ở Luân Đôn. Trước kia,
V.I. Lê-nin và Cơ-rúp-xkai-a cũng đã học tiếng Anh ở vườn hoa này. Sau này, khi
đến thăm một lớp học, Người nói rằng, phải ra Vườn hoa Hay-đơ học vì “ở đấy
lạnh không buồn ngủ” (5).
Thời gian Bác sống ở Pa-ri, rất
cực khổ. Bác thuê phòng trọ nhỏ trong một khách sạn rẻ tiền, mỗi buổi sáng nấu
cơm trong một cái sanh nhỏ đặt trên ngọn đèn dầu. Cơm ăn với một con cá mắm
hoặc một ít thịt, ăn một nửa còn một nửa dành đến chiều. Có khi, một miếng bánh
mì với một miếng pho-mát là đủ ăn cả ngày. Mùa đông lạnh, buổi sáng trước khi
đi làm, Bác để một viên gạch vào lò bếp của khách sạn, chiều về lấy ra, bọc nó
vào trong những tờ báo cũ, để xuống nệm cho đỡ rét. Bác làm nghề rửa ảnh và
phóng đại ảnh, do cụ Phan Chu Trinh dạy cho. Thường thường, Bác chỉ làm việc
nửa ngày vào buổi sáng để kiếm tiền, còn buổi chiều đi đến thư viện hoặc dự
những buổi nói chuyện. Tối đến, Bác đi dự những cuộc mít-tinh. Hầu hết những
buổi mít-tinh Bác đều phát biểu ý kiến và khéo lái những vấn đề thảo luận sang
vấn đề thuộc địa. Bác làm quen với những nhà chính trị, nhà văn để nâng cao
trình độ chính trị và văn học của mình (6).
Người vừa làm, vừa học, tranh thủ
mọi cơ hội để học, Người đã tiến bộ không ngừng, và như chúng ta đã biết, Người
có thể nói được rất nhiều ngoại ngữ. Tự học với một tinh thần cầu tiến, cộng
với sự khắc khổ và phương pháp đúng, Người đã thành công!
Học ngoại ngữ để nâng tầm văn
hóa, phục vụ sự nghiệp cách mạng
Người tự giao thiệp với luật sư
Loseby và tòa án của chính quyền Hồng Kông khi bị bắt giam ở Hồng Kông; với
chính quyền Xin-ga-po khi Người bí mật vượt Hồng Kông nhưng bị chính quyền
Xin-ga-po bắt lại; với bạn thân của luật sư Loseby khi luật sư tạo điều kiện
cho Bác trốn khỏi Hồng Kông; với trung úy phi công Shaw của Mỹ khi anh này buộc
phải nhảy dù xuống một hòn núi gần tỉnh lỵ Cao Bằng; hay làm việc với tướng
Sen-nô - Tổng Tư lệnh không quân Mỹ ở Trung Quốc năm 1944,… và dịch thuật. Thời
gian hoạt động ở Trung Quốc, Bác đã dịch những tờ báo Trung Quốc sang tiếng Anh
(7).
Khi Bác bí mật đến nước Nga, là
bắt đầu học tiếng Nga ngay. Chỉ hai ngày sau đã có thể nói được một số từ Nga
với người bạn Pháp là Pôn do đồng chí Ca-sanh, lãnh tụ Đảng Cộng sản Pháp đang
ở Liên Xô, cử đến gặp. Sau này, ta biết Bác cũng chỉ ở Nga thời gian không
nhiều nhưng đã làm được việc phiên dịch. Thời gian ở Trung Quốc, Người đã tìm
đến làm phiên dịch cho ông Bô-rô-đin, cố vấn chính trị của bác sĩ Tôn Dật Tiên
và của Chính phủ Quảng Châu. Bác đã học tiếng Trung Quốc khi hoạt động ở Quảng
Châu.
Khi hoạt động bí mật ở Xiêm (Thái
Lan), muốn gây thiện cảm với nhân dân địa phương, gần gũi họ để dễ bề hoạt động
cho cách mạng Việt Nam, Bác đã trao đổi với các cán bộ cùng đi là cần phải học
tiếng Thái Lan càng sớm càng tốt. Ai cũng hoan nghênh, và mọi người đều sốt
sắng thực hiện chủ trương đó. Có người hăng hái đề ra mỗi ngày phải học 50 từ
mới, người này thì 40 từ, người kia thì 30 từ,... Bác cười và căn dặn: “Tùy các
chú, nhưng phải đều đặn và liên tục thì mới có kết quả”. Với Bác Hồ, mỗi ngày
Bác chỉ học 20 từ Thái Lan. Ngày nào bận công tác đoàn thể thì hôm sau Bác
quyết học bù cho đủ. Âm thầm, lặng lẽ, kiên trì, đều đặn và liên tục, nên sau 3
tháng kết quả thật khả quan: Bác đã đọc thông, viết thạo tiếng Thái Lan. Do đó,
mọi người Thái Lan ở địa phương đều quý mến cán bộ “Thầu Chín” (bí danh của Bác
Hồ khi hoạt động bí mật bên Thái Lan), vì Bác đã gần gũi họ, tiếp xúc với họ
bằng tiếng Thái (8).
Ngoài học viết báo, Bác còn tích
lũy vốn ngôn ngữ và văn học nữa, nên đã tranh thủ đọc các sách của những nhà
văn, nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng: Shakespeare, Dickens bằng tiếng Anh; Lỗ
Tấn bằng tiếng Trung; Hugo, Zola, Anatole France, Léon Tolstoi bằng tiếng Pháp.
Bác đã viết tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp gồm những tài liệu chống thực
dân Pháp, trích trong sách của người Pháp viết và hăng hái viết vở kịch Con
Rồng tre bằng tiếng Pháp nhân dịp Khải Định sang Pháp dự triển lãm thuộc địa.
Vở kịch bị Chính phủ Pháp cấm, nhưng Câu lạc bộ ngoại ô Pa-ri đã đem diễn, được
các nhà phê bình văn nghệ khen hay (9).
Phương pháp học ngoại ngữ của Hồ Chí Minh
Vì Hồ Chí Minh không mấy khi có
thầy dạy ngoại ngữ, nên nhiều khi thầy dạy của Người lại chính là bản thân
mình. Người đã tự tìm cách học, tự học và tự rèn luyện đến khi đọc thông viết
thạo và nói giỏi một ngoại ngữ mới. Và khi nghiên cứu về những cách mà Hồ Chí
Minh đã dùng để học nhiều ngoại ngữ khác nhau trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn,
chúng tôi nhận thấy rằng, Người cũng đã dùng những phương pháp học ngoại ngữ cơ
bản và hiệu quả nhất được cả thế giới tổng kết và truyền tụng.
Một là, phải kể đến niềm yêu
thích ngôn ngữ mới và không sợ mắc lỗi khi nói cũng như sử dụng văn phạm. Bác
Hồ thích học ngoại ngữ vì nhiều lý do, một trong số đó là điều mà Người đã xác
định ngay từ ban đầu, đó là biết tiếng Tây để hiểu Tây, và hiểu Tây thì mới
thắng được Tây. Chính niềm mong mỏi giải phóng cho đồng bào đã tạo động lực cho
Người học hỏi các thứ tiếng khác để học được những tinh hoa của nhân loại, nêu
cao tinh thần cộng sản quốc tế,…
Hai là, phải học từ vựng một cách
có hệ thống. Người đã học từng từ vựng, bằng cách hỏi chính người bản xứ, như
những người lính giải ngũ trên tàu, về các đồ vật xung quanh, ghi tên và nhớ
cách phát âm của chúng. Người đã học từng chút một mà không có sách hướng dẫn.
Ba là, để học tốt, phải vận dụng
kiến thức đã biết, bằng cách thường xuyên sử dụng nó. Học cách ghi nhớ, luyện
tập những từ đã học, viết các câu, bài luận làm sao sử dụng nhiều nhất những từ
vựng đã biết. Như vậy, cần phải liên hệ chúng, tưởng tượng một chủ đề nào đó và
liên kết các từ đã biết có liên quan đến một chủ đề. Bác Hồ đã ghép từng câu
ngắn, câu dài, thành đoạn, thành bài văn và Người còn dùng một cách vô cùng hữu
ích là tập viết báo bằng thứ tiếng mà mình học. Ngoài ra, Người còn học viết
truyện ngắn, học từ những văn hào nổi tiếng. Có thể kể tên nhiều truyện ngắn và
kịch tiêu biểu của Người, như Pari (1922, Nhân đạo), Lời than vãn của bà Trưng
Trắc (1922, Nhân đạo), Con người biết mùi hun khói (1922, Nhân đạo), Vi hành
(1923, Nhân đạo), Đoàn kết giai cấp (1924, Người cùng khổ), Con rùa (1925,
Người cùng khổ), Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu (1925, Người cùng
khổ) (10),... Điều này cho thấy, Người đã không chỉ học giỏi ngoại ngữ mà còn
trở thành một người giỏi về sử dụng ngôn ngữ của một nước khác.
Bốn là, tạo ra cho mình một “môi
trường” ngoại ngữ đó cũng là một yếu tố tác động lớn tới việc thông thạo ngoại
ngữ như người bản địa. Người học có những cách như ghi từ vựng lên những nơi dễ
thấy nhất. Hồ Chí Minh đã ghi lên cánh tay mình, học những cuốn brochure nhỏ
trở đi. Học tiếng trong chính môi trường tiếng đó, Người đã bôn ba khắp các
nước. Đến đâu là học ngay ngoại ngữ đó, dù hằng ngày, Người bận rộn với việc
kiếm sống bằng những công việc lao lực.
Năm là, học thường xuyên, đều
đặn, kiên trì. Có lần nói chuyện với thanh niên, Bác cho biết: Để học được
ngoại ngữ Bác phải kiên trì mỗi ngày học thuộc mười từ, học ở mọi nơi, mọi lúc
cho kỳ thuộc, có khi viết các từ đó lên cánh tay để vừa làm vừa nhìn vào đó cho
nhớ. Hôm sau lại học mười từ khác, cứ thế mà tích lũy dần như ta bỏ tiền tiết
kiệm hằng ngày vào ống.
Những bài học quý trong học tập tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc
học ngoại ngữ
Học đi đôi với hành
Đây là một trong những lý thuyết
để học, bất kể môn học nào: toán, lý, hóa... nhưng không phải ai cũng áp dụng
được. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người ham học từ nhỏ và không khó nhận ra cần
phải thực hành để những điều đã học “ngấm” vào mình. Người đã tìm mọi cách để
thực hành. Người đã chứng minh rằng: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không
bền”.
Người học trong công việc, cuộc
sống nhiều hơn là học sách vở.
Trong một bài báo, ông Nguyễn Huy
Hoan - nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh kể lại, một câu chuyện vào năm
1961 khi Bác về làng Sen lần thứ hai. Nói chuyện với các cụ già, Bác tâm sự:
“Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào tôi cũng phải học. Công việc cứ tiến mãi, ngày
càng nhiều, ngày càng mới, không học thì không theo kịp, công việc sẽ gạt mình
lại phía sau”. Và Bác nhắc nhở các lãnh đạo xã, huyện đang có mặt: “Một mặt
Đảng phải đào tạo, dìu dắt đồng chí trẻ, một mặt đảng viên già phải cố gắng mà
học” (11).
Bác vẫn áp dụng cách học ấy cho
đến cuối cuộc đời. Trong những ghi chép cuối cùng của Bác vẫn còn rất nhiều từ
ngữ, định nghĩa chuyên môn về khoa học mà Người ghi chép để học, để tìm hiểu và
áp dụng trong quản lý và lãnh đạo đất nước.
Nhận xét về Chủ tịch Hồ Chí Minh,
tờ báo Diễn đàn Nhân dân Ba Lan đã viết: “Mặc dù tuổi cao, Người không những
giữ được hình dáng trẻ trung mà còn giữ được sự trong sáng và trí tuệ minh mẫn
của người trai trẻ” (12).
Tự học và tự thực hành để ghi nhớ
kiến thức
Tự học là hoạt động có mục đích
của con người, là điều cần thiết trong quá trình tiếp nhận tri thức. Với Chủ
tịch Hồ Chí Minh, tự học có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những yếu
tố quyết định tạo nên trí tuệ của Người.
Trong lý lịch tự khai tại Đảng
Cộng sản Pháp cũng như tại một số đại hội, hội nghị của Quốc tế Cộng sản, Bác
thường khiêm tốn ghi ở phần trình độ học vấn là: Tự học. Hay trong bài nói
chuyện tại Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam ngày 1-9-1961,
Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm sự: Về văn hóa tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết
phổ thông: 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới
nghe ra-đi-ô lần đầu. Nhưng chúng ta ai cũng biết, Người có một trình độ học
vấn rộng lớn, uyên bác mà cả thế giới phải khâm phục và thừa nhận.
Nhà nghiên cứu Vasiliep đã viết
trong tác phẩm Về cách mạng Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ủy ban Khoa học
xã hội, 1990): Hiếm có chính khách nào của thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ
Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong
cuộc đời…
Qua các tài liệu lịch sử cho
thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã miệt mài học tập cả cuộc đời, nói đúng hơn là
không ngừng tự học. Với Bác, nguyên lý và phương thức học được tóm gọn trong
mấy câu sau: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”. Cuộc
đời hoạt động cách mạng của Người cũng chính là cuộc đời tự học bền bỉ. Làm
cách mạng bằng tự học và tự học để làm cách mạng, hai việc này luôn tương hỗ
cho nhau. Người học ngoại ngữ, học viết báo, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin,
nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, đặc biệt là văn
hóa phương Đông và văn hóa phương Tây.
Truyền đạt kiến thức và phương
thức học từ những điều giản dị nhất
Từ kinh nghiệm tự học suốt đời
của mình, Bác đã truyền dạy những gì mình biết cho người khác bất cứ khi nào có
thể. Và phương pháp truyền thụ của Bác vô cùng giản dị, dễ hiểu với một thái độ
ôn tồn và khích lệ người học.
Bác đã dạy, việc học tập phải xuất
phát từ yêu cầu thực tế thiết thực, không phô trương, hình thức, phải học cặn
kẽ, thấu đáo, cụ thể và sâu sắc đến tận bản chất vấn đề.
Người biết và sử dụng thông thạo
trên 10 ngoại ngữ nhờ tự học chứ không qua một trường đào tạo chính quy nào.
Người học ở sách báo, đồng nghiệp, bạn bè, nhân dân. Người học từ thực tiễn
sinh động ở các nước đế quốc, nước thuộc địa, ở phong trào cách mạng trên thế
giới. Phát biểu với sinh viên Trường Đại học Băng Đung trong chuyến thăm
In-đô-nê-xi-a năm 1959, Người nói: “Khi còn trẻ tôi không có dịp đến trường
học. Cuộc sống, du lịch và làm việc là trường đại học của tôi. Trường đại học
ấy đã dạy cho tôi khoa học xã hội, khoa học quân sự, lịch sử và chính trị. Nó
dạy cho tôi yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ và hòa bình; căm ghét áp bức,
ích kỷ…” (13).
Đó chính là bài học sâu sắc về
tấm gương tự học viết văn, viết báo, nhất là tự học ngoại ngữ của Bác Hồ để
phục vụ Tổ quốc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tìm ra con đường cứu
nước, cứu dân, giải phóng dân tộc Việt Nam nói riêng và sự nghiệp đấu tranh của
nhân dân tiến bộ trên thế giới nói chung. Ngày nay, công lao to lớn của Chủ
tịch Hồ Chí Minh và những bài học mà Người rút ra trong quá trình 30 năm đi tìm
đường cứu nước, cứu dân như đã nói ở trên, vẫn còn giữ nguyên giá trị./.
------------------------
1. Phạm Văn Vĩnh: Vì sao Bác Hồ
giỏi nhiều tiếng nước ngoài, Báo Tuổi trẻ Thủ đô, số 20, năm 2000
2. Kể chuyện tài ngoại giao của
Bác Hồ, http://tuoitre.vn/Cuoc-doi-Su-nghiep-Tu-tuong/243449/ke-chuyen-tai-ngoai-giao-cua-bac-ho.html,
ra ngày 18-2-2008
3. Nguyễn Đức Thụy (1910 - 1990):
Hồi ký,
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/tai-ngoai-giao-cua-bac-ho-voi-tq-va-tuong-gioi-thach,
ra ngày 18-5-2009
4. Hoàng Kỳ: Học tập ý chí và
phương pháp tự học của Bác Hồ, Báo Giáo dục và Thời đại (online),
http://www.gdtd.vn/channel/3002/200910/Hoc-tap-y-chi-va-phuong-phap-tu-hoc-cua-Bac-Ho-1908561/,
ra ngày 3-10-2009
5. Trung tâm Thông tin công tác
tư tưởng (Ban Tuyên giáo Trung ương): 117 Chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007
6, 7. Hoàng Kỳ: Học tập ý chí và
phương pháp tự học của Bác Hồ, đã dẫn
8. Phạm Văn Vĩnh: Bác Hồ học
ngoại ngữ, Hà Nội mới cuối tuần số đặc biệt Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch
Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2000)
9. Hoàng Kỳ: Học tập ý chí và
phương pháp tự học của Bác Hồ, đã dẫn
10. Phạm Văn Vĩnh: Bác Hồ học
ngoại ngữ, đã dẫn
11, 12. Phạm Vũ: Hồ Chí Minh -
những bài học sống mãi, Báo Tuổi trẻ online, ngày 11-5-2010
13. Hoàng Kỳ: Học tập ý chí và
phương pháp tự học của Bác Hồ, đã dẫn
Phạm Ngọc Huệ - Tạp chí Cộng sản