TS. Lê Thống Nhất

Nhiều ngành đào tạo đưa ra điểm chuẩn cao chót vót, còn ngành sư phạm nhiều trường phải hạ tận đáy để tuyển sinh. Thủ tướng đã khẳng định: "Nếu không quan tâm đặc biệt đến đội ngũ thầy giáo, cô giáo thì đổi mới giáo dục sẽ không thành công". Bài viết chia sẻ suy nghĩ về việc này.

Từ chuyện "Ngày xửa, ngày xưa..."

Câu chuyện tự dưng trở thành nhà giáo

Đấy là câu chuyện của những lứa lớp toán đặc biệt đầu tiên mà Bộ Giáo dục thời ấy đặt ở Đại học Sư phạm Vinh (bây giờ là Đại học Vinh). Hồi ấy, không có hướng nghiệp gì hết mà trường Đại học mà chúng tôi theo học đều do "tổ chức phân công". Chỉ trừ một số ít đi học Đại học ở nước ngoài thì còn lại đều "bị" vào học sư phạm luôn tại Đại học Sư phạm Vinh. Chủ trương của GS Nguyễn Thúc Hào, Hiệu trưởng, lúc ấy là tận dụng nguồn từ các lớp toán đặc biệt để xây dựng đội ngũ cho Đại học Sư phạm Vinh.

Thế là chúng tôi đành nói đùa nhau về 3 nguyện vọng chọn trường Đại học cho mình:

1. Đại học Sư phạm Vinh

2. Trường Văn hoá 12/9 (tên mật danh thời chiến tranh phá hoại của Đại học Sư phạm Vinh)

3. Trường của GS Nguyễn Thúc Hào làm Hiệu trưởng

Chúng tôi đã tự dưng trở thành nhà giáo mà không có quyền lựa chọn gì hết! Sau 4 năm Đại học, một số ở lại Khoa Toán, Khoa Lý, còn một số trở thành giáo viên về các địa phương.

Lứa của tôi, có bạn Trần Văn Khải vào dạy Quốc học Huế mà ngay "mẻ đầu" của mình, sau 3 năm đã có học trò Lê Bá Khánh Trình, Huy chương Vàng với điểm tối đa và Giải Đặc biệt cho Lời giải hay tại IMO 1979.

Không chỉ ở Đại học Sư phạm Vinh, mà lứa toán đặc biệt của chúng tôi ở Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐH KHTN, ĐHQG hiện nay), rất nhiều bạn cũng trở thành nhà giáo (chắc cũng không do lựa chọn mà theo "tổ chức phân công").

Những thầy cô giáo thủa này, bây giờ tất cả đã về hưu. Dù dạy học ở đâu, các bạn đều là các thầy cô giáo dạy tốt.

Một thời chúng tôi được học các thầy cô giỏi

Suốt cả thời đi học phổ thông, tôi may mắn được học các thầy cô giáo giỏi, các thầy: Đặng Hữu Thiều, Trần Văn Hạo, Nguyễn Thái Hoè, Nguyễn Văn Bàng, Trần Tuệ, Lê Quang Phan, Hà Huy Hân, Đào Văn Phong, Lê Huy Hùng, Nguyễn Đình Nhân, Nguyễn Mộng Hy, Nguyễn Đình Huân, Lê Đình Sơn, ...; các cô: Nguyễn Thị Lộc, Trần Thị Hiền, Lương Thị Mùi, ...

Không có thầy cô giỏi thì tôi và các bạn tôi khó mà có thể đạt được kết quả học tập tốt.

Những thầy cô giỏi không chỉ mang đến cho chúng tôi những kiến thức bộ môn mà còn ảnh hưởng tới chúng tôi từ nét chữ, lời nói và cả phong cách sống.  Nhân bài viết này, cho tôi tri ân tới các thầy cô.

Bởi vậy khi nghĩ đến những thế hệ học sinh tương lại bị thiếu các thầy cô giỏi, thật là chạnh lòng buồn cho giáo dục tương lai. Đó sẽ là thiệt thòi lớn cho học sinh.

Những nhà khoa học trở thành nhà giáo

Rất nhiều các nhà khoa học được đào đạo ở những chuyên ngành khoa học cơ bản, không theo ngành sư phạm nhưng đã trở thành những nhà giáo giỏi khi dạy kiến thức phổ thông. Về môn toán, chúng ta có thể kể ra nhiều thầy là giảng viên ở các trường Đại học hay Viện nghiên cứu: Nguyễn Văn Mậu, Nguyễn Vũ Lương, Hà Huy Khoái, Phạm Văn Hùng, Trần Nam Dũng, Lê Bá Khánh Trình, Lê Anh Vinh, Nguyễn Khắc Minh, Vũ Đình Hoà, Nguyễn Minh Đức,...

Thế hệ các thầy giáo trên, trừ thầy Lê Anh Vinh còn trẻ, còn lại hầu như cũng nghỉ hưu hoặc ngoài 50 rồi.

"Nhất Y, Nhì Dược, tạm được Bách khoa, bỏ qua Sư phạm"

Tiêu chí trên đã có từ thời xưa và bây giờ lại có vẻ vẫn đúng với Sư phạm. Nhiều ngành đạo tào nổi lên như xu hướng của từng giai đoạn: Ngoại thương, Tài Chính, Luật, Kiến trúc, Xây dựng, Giao thông, Công nghệ Thông tin,... và bây giờ thêm các ngành thuộc lực lượng vũ trang: Công An, Quân đội.

Gần hai mươi năm trở lại đây học sinh giỏi chọn ngành Sư phạm hầu như rất ít. Các thủ khoa điểm tối đa thi trung học phổ thông quốc gia hầu như không ai chọn ngành Sư phạm và các Huy chương quốc tế năm nay hình như cũng thế!

Đến lý giải nguyên nhân học sinh giỏi không chọn ngành Sư phạm

Nghề dạy học là một nghề khó

Bởi nghề này "đối tượng sản xuất" và "sản phẩm" là con người nên để trở thành nhà giáo cần phải có tố chất phù hợp (khả năng diễn đạt, phẩm chất đạo đức tốt, kiên trì, nhẹ nhàng,...) và học tốt: kiến thức bộ môn sẽ dạy (không chỉ ở mức độ sơ cấp mà cả mức độ cao cấp), giáo dục học, tâm lý học, phương pháp dạy học.

Nhiều học sinh giỏi cảm thấy mình không có những tố chất phù hợp nên không chọn nghề dạy học. Trong thực tế, có những người thầy giỏi về kiến thức chuyên môn nhưng không thể là thầy dạy giỏi.

Nghề dạy học có nhiều rủi ro cao

Bởi môi trường làm việc của nghề dạy học là tiếp xúc với con người: học sinh và phụ huynh nên cảnh "làm dâu trăm họ" sẽ theo mình suốt đời. Người giáo viên vừa phải theo "khuôn phép" chuẩn mực, lại vừa phải linh hoạt, sáng tạo vì "trăm người, trăm tính". Một sơ suất về lời nói, hành động đều có thể dẫn tới "nguy hiểm" cho bản thân. Càng ngày, cuộc sống hiện đại càng phát triển dễ dẫn tới sự bận bịu của phụ huynh nên sự phối hợp của giáo viên với phụ huynh càng khó, thời gian cha mẹ dành cho con dễ bị giảm sút dẫn đến "trăm sự nhờ thầy". Nhưng mặt khác yêu cầu của phụ huynh với giáo viên, với nhà trường ngày càng khắt khe hơn. Thậm chí một số phụ huynh nhìn thầy cô như những người làm "dịch vụ" mà mình đã trả tiền sòng phẳng nên tinh thần "tôn sư, trọng đạo" bị sa sút, sẵn sàng lên mạng xã hội tố cáo thầy cô mà chưa chịu tìm hiểu nguyên nhân. Bởi vậy đời sống tinh thần của giáo viên đôi lúc bị ức chế là cho tình yêu nghề nghiệp dần giảm và cực đoan chấp nhận "an phận, thủ thường".

Những mặt xấu của xã hội mà thầy cô phải gánh chịu đã tác động không ít tới học sinh trung học phổ thông khi lựa chọn nghề dạy học. Ngay cả khi bố mẹ làm nghề dạy học mà cũng khó khuyên bảo con theo nghề của mình.

Nghề dạy học có mâu thuẫn về thu nhập

Nếu chỉ sống bằng tiền lương thì nghề dạy học có thu nhập không khá hơn các nghề khác mặc dù "giáo dục là quốc sách hàng đầu". Đặc biệt là chuyện tiền thưởng chỉ mang tính tượng trưng, bởi ở các trường công lập thì nguồn tiền thưởng có phải do phấn đấu "sản xuất", "tăng năng suất" thì nguồn thưởng được tăng theo đâu?

Bác sĩ mở phòng khám, y sĩ ngành dược mở hiệu thuốc chỉ cần xin cấp phép, nhưng giáo viên dạy thêm đã được gọi là "quốc nạn".

Bản thân tôi nếu không nhờ dạy thêm thì chẳng có con đường nào để lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Bởi vậy xã hội cũng như ngành giáo dục cần phân biệt dạy thêm ra 2 loại: tích cực và tiêu cực, chỉ cấm dạy thêm tiêu cực, còn tại sao lại coi dạy thêm chỉ có 1 loại và cấm?

Mâu thuẫn về thu nhập với các ngành khác cũng là yếu tố không nhỏ để học sinh trung học phổ thông nhìn vào thế hệ trước và không chọn ngành Sư phạm.

Học Sư phạm hiện nay ra khó xin việc

Tra từ khoá "sinh viên sư phạm thất nghiệp" ra 2.150.000 tin chỉ trong 0,69 giây. Để vào các trường công lập phải chờ có biên chế, mà biên chế không phải cứ tăng vì quy mô trường công lập đâu dễ mở rộng? Muốn có chỗ trống để ứng cử vào trường công lập thì phải có người chuyển đi hoặc về hưu. Các thủ tục hành chính đâu dễ dàng? Hiện tượng "chạy xin việc" với giá cao đã xảy ra ở nhiều nơi.

Con số dự kiến vào năm 2020 sẽ có 70.100 sinh viên sư phạm tốt nghiệp (41.000 cấp Tiểu học, 12.200 cấp trung học cơ sở và 16.900 cấp trung học phổ thông) ra trường không có việc làm (theo VOV ngày 5/6/2016). Tất nhiên có nguyên nhân là dù làm tăng số sinh viên sư phạm thất nghiệp nhưng các trường sư phạm vẫn tuyển sinh đều đều, kể cả hạ chuẩn hết cỡ để tuyển sinh. Tại sao lại như thế?

Theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 yêu cầu bình quân mỗi năm đào tạo mới để thay thế, bổ sung khoảng hơn 55.000 giáo viên. Đối với 7 trường Đại học Sư phạm trọng điểm thì tổng chỉ tiêu đào tạo chưa đến 10.000, còn lại phần lớn chỉ tiêu là các trường sư phạm của địa phương, thậm chí là của các trường dân lập, tư thực. Hầu hết các trường Cao đẳng Sư phạm địa phương cũng biến thành trường Đại học. Bài toán này, Chính phủ cùng ngành Giáo dục phải có giải pháp.

Chúng tôi sẽ bàn thêm về giải pháp ở một bài viết sau. Mong các chuyên gia, các bạn trao đổi thêm về vấn đề này. Bởi từ "đầu vào" thấp thì để có chất lượng "đầu ra" cao là cả một bài toán khó giải.

Không có những thế hệ giáo viên tốt kế cận nhau thì giáo dục rất dễ rơi vào khủng hoảng, dù chương trình đổi mới có hay đến đâu!

Theo: bigschool.vn