Tóm tắt: Bài nghiên cứu này trình bày những vấn đề về tài chính đại học
công lập bao gồm:
(i) Giới thiệu tóm tắt các mô hình tài chính đại học trên thế giới
và chính sách tài chính đại học công lập ở một số quốc gia;
(ii) Phân tích thực trạng cơ chế tự chủ tài chính cho đại học công
lập tại Việt Nam và chỉ ra những hạn chế của cơ chế tài chính đại học của Việt
Nam hiện nay;
(iii) Trên cơ sở tham khảo các kinh nghiệm quốc tế và thực trạng
cơ chế tài chính cho đại học công lập Việt Nam, bài nghiên cứu đã đưa ra các
kiến nghị hoàn thiện tài chính đại học công lập tại Việt Nam.
1. Các mô hình tài chính đại học
trên thế giới và chính sách tài trợ của chính phủ cho các trường đại học công
lập ở một số quốc gia
1.1. Các mô hình tài chính đại học trên thế giới
Tự chủ tài chính là một phần của tự chủ nói chung nên mô hình tự
chủ tài chính đại học gắn liền với mô hình tự chủ trong quản trị đại học.
Theo Hauptman (2007) đã tổng hợp bốn mô hình về tài chính cho giáo
dục đại học, trong đó có ba mô hình tài chính liên quan trực tiếp đến các
trường đại học công lập gồm:
Mô hình 1: Miễn học phí hoặc áp dụng học phí thấp
Theo mô hình này thì nguồn tài chính chủ yếu của các trường đại
học công là được cấp từ ngân sách nhà nước, học phí chỉ là tượng trưng và thu
khá thấp, nguồn ngân sách nhà nước chiếm trên 90% còn dưới 10% là học phí.
Theo mô hình này thì các trường hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn tài
trợ của chính phủ, học phí hoàn toàn bị kiểm soát.
Mô hình được Mỹ áp dụng vào thập niên 50 và 60, sau đó một số quốc
gia khu vực Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan cũng đã áp dụng hơn một nữa
thế kỷ.
Để có thể áp dụng thành công mô hình này, các quốc gia cần phải có
đủ năng lực tài chính cho giáo dục đại học.
Mô hình 2: Học phí được hoàn trả sau khi tốt nghiệp
Theo mô hình này thì ngân sách nhà nước sẽ đóng vai trò là
nguồn đầu tư ban đầu cho các trường đại học công lập, những đối tượng thụ hưởng
dịch vụ giáo dục đại học phải trả tương xứng với chất lượng của dịch vụ cung
cấp theo phương thức vay tín dụng và trả sau khi tốt nghiệp thông qua hệ thống
thuế thu nhập cá nhân và hệ thống ngân hàng.
Quốc gia Úc đã áp dụng mô hình này cuối những năm 1980 thông qua
chương trình hỗ trợ đại học.
Sau đó Anh và Thái Lan cũng đã bắt đầu áp dụng các mô hình tương
tự như của Úc từ năm 2006.
Hai điều kiện then chốt của mô hình này là (1) Mức độ đầu tư ban
đầu của ngân sách nhà nước và các thành phần khác đủ hình thành một đại
học công lập có chất lượng;
(2) Nhà nước cần thiết lập được một cơ chế hữu hiệu nhằm thu hồi
nợ vay của sinh viên sau khi tốt nghiệp[1].
Mô hình 3: Tăng học phí kết hợp với các chính sách tài trợ
Mô hình này yêu cầu học phí phải được tính toán sao cho có thể bù
đắp một phần đáng kể các chi phí hoạt động của trường, đồng thời hướng đến các
chính sách hỗ trợ học phí đối với các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Các nước áp dụng thành công mô hình này là Mỹ, New Zealand và
Canada.
Gia tăng học phí được xem như một giải pháp chủ yếu nhằm chia sẻ
chi phí giáo dục.
Nhiều quốc gia ở Châu Âu và Châu Phi thiết lập cơ chế học phí song
song: những sinh viên không hội đủ những điều kiện nào đó về kết quả học tập
thì không được theo học miễn phí mà phải đóng học phí ở mức cao.
1.2. Chính sách tài chính đại học công lập (nguồn tài trợ cho
các trường đại học công lập) ở một số quốc gia
Bảng 1.1 dưới đây cung cấp số liệu tài chính các trường đại học
công (Tiểu bang) của Mỹ, theo đó tỷ trọng học phí gia tăng hàng năm trong tổng
nguồn tài trợ.
Bảng 1.1: Tài trợ cho các trường đại học công (Tiểu Bang) tại Mỹ giai
đoạn 1980-2005
Tỷ
trọng nguồn thu Đại học Công của các Tiểu Bang
|
1980
|
1990
|
1995
|
2000
|
2005
|
Chính
quyền địa phương (tỷ USD)
|
19,2
|
39,2
|
42,9
|
63,2
|
71,9
|
Học
phí (tỷ USD)
|
4,3
|
11,3
|
16,5
|
21,5
|
34,0
|
% học
phí trong tổng chi cho ĐT
|
18%
|
22%
|
22%
|
25%
|
32%
|
Nguồn: Các Văn phòng Điều hành giáo dục Đại học Các Tiểu bang
(Phòng tài chính giáo dục)[2]
Ngoài nguồn tài trợ của chính quyền địa phương-Tiểu Bang, chính
quyền Liên Bang cũng có tài trợ cho các trường đại học công ở Mỹ.
Nếu tài trợ từ ngân sách nhà nước địa phương (Tiểu Bang) chủ
yếu để đầu tư cho cơ sở vật chất thì nguồn tài trợ từ ngân sách nhà
nước Liên Bang hỗ trợ cho nghiên cứu cho giảng viên và học bổng cho sinh
viên nghèo cũng như tín dụng cho sinh viên khác.
Nguồn học phí và các hoạt động dịch vụ đào tạo và khoa học dùng để
trả lương cho đội ngũ cán bộ, giảng viên của các trường công tại Mỹ.
Dù là nguồn tài trợ của nhà nước tăng về quy mô qua các năm, nhưng
nguồn thu học phí có quy mô tăng mạnh hơn, dẫn đến tỷ lệ nguồn thu học phí
trong tổng nguồn thu của các trường đại học công tại Mỹ tăng mạnh qua các năm
(từ 18% năm 1980, lên 32% năm 2005-Bảng 3).
Tài trợ Đại học công ở Pháp: Nguồn tài trợ chính cho các trường
đại học công là ngân sách nhà nước trung ương (chính phủ, Bộ) chiếm tới 75%-80%
sử dụng cho cơ sở vật chất và chi thường xuyên;
Tài trợ của ngân sách vùng và Liên minh châu Âu-EU cho các dự án
nghiên cứu chiếm từ 5%-10%; Nguồn học phí chiếm rất ít, từ 3%-5%.
Học phí cho sinh viên sở tại của đại học Pháp rất thấp khoảng 500
Euro/năm.
Chính phủ cũng dành một tỷ lệ nhỏ học bổng cho sinh viên nghèo.
Khác với Mỹ, tài trợ của các doanh nghiệp ở Pháp chỉ dành cho một
số học bổng cho nghiên cứu sinh hoặc tài trợ nghiên cứu theo hợp đồng với doanh
nghiệp, không có tài trợ cho cơ sở vật chất[3].
Tài trợ Đại học công ở Thụy Điển (2015): Tài trợ trực tiếp từ ngân sách nhà
nước chiếm 60%. Các nguồn tài trợ từ các Quỹ Nhà nước (trung ương, địa
phương): 25%; Tài trợ từ doanh nghiệp và khác chiếm 5%; Nguồn học phí
chiếm 10%[4]
Tài trợ Đại học công ở Liên Hiệp Anh (UK)-2014: Tài trợ trực tiếp từ ngân sách nhà
nước theo các nước/vùng là khác nhau:
Tại Anh tổng tài trợ từ ngân sách nhà nước chiếm 63% tổng
nguồn thu dành cho học bổng, cơ sở vật chất, tài trợ giảng dạy và nghiên cứu),
37% còn lại nguồn thu tư nhân bao gồm chủ yếu là tiền tín dụng cho sinh viên
vay (học phí) và tài trợ từ doanh nghiệp (tỷ lệ nhỏ);
Tại Xứ Weles tổng tài trợ từ ngân sách nhà nước chiếm 70%
tổng nguồn thu, 30% còn lại nguồn thu tư nhân bao gồm chủ yếu là tiền tín dụng
cho sinh viên vay (học phí) và tài trợ từ doanh nghiệp;
Tại Scotland tổng tài trợ từ ngân sách nhà nước chiếm 80%
tổng nguồn thu, 20% còn lại nguồn thu tư nhân bao gồm chủ yếu là tiền tín dụng
cho sinh viên vay (học phí) và tài trợ từ doanh nghiệp;
Tại Bắc Ireland tổng tài trợ từ ngân sách nhà nước chiếm 68%
tổng nguồn thu, 32% còn lại nguồn thu tư nhân bao gồm chủ yếu là tiền tín dụng
cho sinh viên vay (học phí) và tài trợ từ doanh nghiệp.
Học phí ở các trường đại học thuộc Liên Hiếp Anh cũng chia thành
hai loại: Học phí tài trợ và học phí cho vay.[5]
Tài trợ cho Đại học công ở Úc. Hiện nay Úc có 39 đại học công[6] và
03 (ba) đại học tư.
Nhìn chung, các truờng đại học tại Úc khá ít về số lượng (trên
duới 40 trường cho 22 triệu dân) và khá đồng đều về chất lượng.
Sự khác biệt chính yếu của các đại học Úc là các chương trình
nghiên cứu hậu đại học, các kết quả nghiên cứu và trợ cấp nghiên cứu, nhất là
các trợ cấp xin được từ Hội đồng Nghiên Cứu Úc châu (Australian Research
Council, ARC).
Các đại học tại Úc phảỉ cung cấp thông tin về các nguồn thu chi
hàng năm cho Bộ Giáo dục-Nhân dụng-Liên hệ Chỗ làm của Chính phủ Liên bang.
Chi tiết tài trợ của chính phủ liên bang cho đại học cũng được
thông báo trong ngân sách liên bang hàng năm.
Bảng 2.2 tóm lược nguồn tài trợ cho các trường đại học công
của Úc trong năm 2008.
Bảng 1.2: Nguồn tài trợ cho Đại học công tại Úc, Năm 2008
Nguồn
tài trợ
|
Số
thu theo nguồn tài trợ
|
|
Ngàn
Đô la Úc
|
Phần
trăm (%)
|
Tài
trợ của chính phủ liên bang
|
8 179
090
|
43,15
|
Tài
trợ của chính phủ bang & địa phương
|
715
830
|
3,78
|
HELP
& học phí có bảo trợ trả trước
|
3057847
|
16,13
|
Học
phí toàn phần
|
4 202
477
|
22,17
|
Thu
nhập Đầu tư
|
521
277
|
2,75
|
Thu
nhập Tư vấn & Hợp đồng
|
882
980
|
4,66
|
Các
nguồn thu nhập khác
|
1 396
408
|
7,37
|
Nguồn: Australian Bureau of Statistics (2010: Bảng 30:3);
Australian Government (2009: 3-4).
Tại Liên Bang Nga, một nước có nền kinh
tế chuyển đổi như Việt Nam, trong những năm qua, cùng với sự mở rộng mạng lưới
trường đại học tư, Liên Bang Nga đã có chính sách sắp xếp lại các trường đại
học công lập.
Theo đó, chính phủ Liên Bang Nga chọn ra 40 trường hàng đầu để nhà
nước đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đội ngũ trong
vòng 5 năm.
Cùng với tăng cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ, các trường đại
học công cũng tăng học phí, thu hút sinh viên ngoại quốc với học phí cao
hơn để nâng cao thu nhập cho đội ngũ giảng viên[7].
Tóm lại, xu hướng trên thế giới là trao quyền tự chủ cho các đại học công
lập, và Nhà nước vẫn giữ vai trò quan trọng trong cung cấp tài chính cho cơ sở
vật chất và nghiên cứu khoa học.
Trừ Pháp, học phí cho sinh viên ở các nước có tỷ trọng ngày càng
tăng, nhưng có chính sách hỗ trợ tín dụng cho sinh viên của chính phủ.
2. Cơ chế tự chủ tài chính cho đại
học công lập tại Việt Nam
Có nhiều văn bản liên quan đến tự chủ đại học công lập tại Việt
Nam (Nghị quyết 14 của Chính phủ (14/2005/NQ-CP ban hành ngày 2 tháng 11 năm
2005); Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ; Nghị
định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ; Nghị quyết số
77/NQ-CP năm 2014; Nghị định 16/2015/CP ngày 14 tháng 2 năm 2015….).
Theo các quy định của Nghị định 16/CP và Nghị quyết 77/NQ-CP, thì
có các hình thức tự chủ tài chính sau đây:
(i) Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và
chi đầu tư;
(ii) Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường
xuyên;
(iii) Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm một phần chi
thường xuyên (do giá, phí dịch vụ sự nghiệp công chưa kết cấu đủ chi phí, được
Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá, phí
chưa tính đủ chi phí);
(iv) Tự chủ tài chính đối với đơn vị được Nhà nước bảo đảm
chi thường xuyên (theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, không
có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp).
Với các mô hình như trên, cơ chế tự chủ được xác định trên cơ sở 2
văn bản, Nghị quyết 77/NQ-CP (2014) áp dụng đối vơ cơ sở giáo dục đại học công
tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên và chi đầu tư.
Các cơ sở giáo dục đại học công tự chủ theo các cơ chế còn lại áp
dụng Nghị định 43/CP (2006).
Cũng cần hình dung rằng, cơ chế tự chủ hiện nay được xây dựng trên
cơ chế “đề nghị-giao” giữa cơ sở giáo dục đại học công lập và cơ quan chủ quản.
Cụ thể là theo quy định tại Điều 4 Nghị định 43/CP (2006) “Nhà
nước khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi sang hoạt động theo
loại hình doanh nghiệp, loại hình ngoài công lập nhằm phát huy mọi khả năng của
đơn vị trong việc thực hiện các hoạt động của đơn vị theo quy định của pháp
luật.
Các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi sang loại hình doanh
nghiệp, loại hình ngoài công lập được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, đất
đai, tài sản nhà nước đã đầu tư theo quy định của pháp luật”.
Điều này có nghĩa là chính bản thân đơn vị sự nghiệp công nói
chung, cơ sở giáo dục đại học công lập nói riêng, trên cơ sở nhận định đầy đủ
về tình hình tài chính, khả năng của mình, tự quyết định và đề xuất Nhà nước
cho phép chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính.
Cũng cần lưu ý rằng, việc các cơ sở giáo dục chuyển sang cơ chế tự
chủ không làm thay đổi bản chất “công” của các trường này, nghĩa là các cơ sở
giáo dục đại học này vẫn là công lập, của Nhà nước.
Về nguyên tắc tự chủ được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm tự chủ về
cơ cấu, tổ chức, về tuyển dụng, về học thuật…
Tuy nhiên, trong khuôn khổ phần viết phục vụ cho đề tài, chúng tôi
chỉ đề cập các nội dung liên quan đế cơ chế tài chính của các cơ sở giáo dục
đại học công lập nói chung, cơ sở giáo dục công lập được trao quyền tự chủ nói
riêng.
2.1. Loại hình tự chủ về chi thường xuyên và chi đầu tư
Loại hình tự chủ cho cơ sở giáo dục công lập về chi thường xuyên
và chi đầu tư được xem là loại hình tự chủ cao nhất trong các mô hình tự chủ ở
Việt Nam hiện nay.
Các cơ sở giáo dục đại học thuộc nhóm này được gọi bằng một tên
khác ngắn gọn hơn là “tự chủ tài chính cao”.
Nguồn tài chính của đơn vị-Nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp tự chủ về chi thường xuyên và
chi đầu tư hình thành từ các nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công,
nguồn thu phí theo quy định về phí, lệ phí, nguồn thu khác theo quy định của
pháp luật (ví dụ nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, tặng cho…), nguồn ngân sách
cấp cho các nhiệm vụ không thường xuyên, nguồn vốn vay (gồm: Kinh phí thực hiện
nhiệm vụ khoa học và công nghệ - đối với đơn vị không phải là tổ chức khoa học
công nghệ; kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình, dự án, đề
án khác; kinh phí đối ứng thực hiện các dự án theo quyết định của cấp có thẩm
quyền; vốn đầu tư phát triển; kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động
sự nghiệp theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kinh phí thực hiện nhiệm
vụ đột xuất được cơ quan có thẩm quyền giao).
Đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, nguồn thu chủ yếu là
từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, cụ thể là các khoản thu từ học phí, lệ
phí.
Theo quy định tại Nghị định 86/CP (2015), dù là đơn vị sự nghiệp
tự chủ cao, học phí của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công
lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định của Chính phủ được
xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ
quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính đủ chi phí đào tạo.
Cụ thể học phí được xác định với mức trần đối với các chương trình
đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm
kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên
ngành đào tạo từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 (kể cả các cơ sở
giáo dục đại học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện thí
điểm đổi mới cơ chế hoạt động-Bảng 2.1
Bảng 2.1: Mức trần học phí theo Nghị định 86 (2015)
ĐVT:1.000 Đ/tháng/Sinh viên
Khối
ngành, chuyên ngành đào tạo
|
Từ
năm học 2015-2016 đến năm học 2017-2018
|
Từ
năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020
|
Năm
học 2020-2021
|
1.
Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản
|
1.750
|
1.850
|
2.050
|
2.
Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách
sạn, du lịch
|
2.050
|
2.200
|
2.400
|
3. Y
dược
|
4.400
|
4.600
|
5.050
|
Theo đó, học phí đào tạo tính theo tín chỉ, mô-đun: Mức thu học
phí của một tín chỉ, mô-đun được xác định căn cứ vào tổng thu học phí của toàn
khóa học theo nhóm ngành, nghề đào tạo và tổng số tín chỉ, mô-đun toàn khóa
theo công thức dưới đây:
Học
phí tín chỉ, mô-đun
|
=
|
Tổng
học phí toàn khóa
|
Tổng
số tín chỉ, mô-đun toàn khóa
|
Tổng học phí toàn khóa = mức thu học phí 1 học sinh, sinh viên/1
tháng x 10 tháng x số năm học.
Tự chủ trong chi đầu tư và chi thường xuyên: Các đơn vị này được chủ động sử
dụng các nguồn tài chính được giao tự chủ, bao gồm nguồn thu từ hoạt động dịch
vụ sự nghiệp công, nguồn thu phí theo quy định được để lại chi và nguồn thu hợp
pháp khác, để chi thường xuyên.
Cụ thể:
Chi thường xuyên (chi tiền lương, chi hoạt động chuyên môn, trích
khấu hao tài sản cố định:
Đối với các nội dung chi đã có định mức chi theo quy định của cơ
quan nhà nước có thẩm quyền, căn cứ vào khả năng tài chính, đơn vị được quyết
định mức chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý cao hơn hoặc thấp hơn mức chi do
cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và quy định trong quy chế chi tiêu nội
bộ của đơn vị.
Các nội dung chi chưa có định mức chi theo quy định của cơ quan
nhà nước có thẩm quyền, căn cứ tình hình thực tế, đơn vị xây dựng mức chi cho
phù hợp theo mức độ được tự chủ tài chính của từng loại đơn vị sự nghiệp công
lập và theo quy chế chi tiêu nội bộ.
Riêng đối với việc chi lương, theo quy định tại Điều 12 Nghị định
16/CP, cơ sở giáo dục đại học chi lương theo hệ số, ngạch, bậc và phụ cấp do
Nhà nước quy định.
Trường hợp có điều chỉnh tiền lương, đơn vị tự đảm bảo điều chỉnh
tiền lương tang thêm từ nguồn thu của đơn vị.
Đối với phần thu nhập tăng thêm, các đơn vị được chủ động sử dụng
Quỹ bổ sung thu nhập để thực hiện hiện phân chia cho người lao động trên cơ sở
quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, theo nguyên tắc gắn với số lượng, chất
lượng và hiệu quả công tác của người lao động.
Tuy nhiên, để đảm bảo mức chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ
quản lý không quá chênh lệch so với người lao động, nghị định mới quy định, khi
phân bổ thu nhập tăng thêm thì hệ số thu nhập tăng thêm của chức danh lãnh đạo
đơn vị sự nghiệp công tối đa không quá 2 lần hệ số thu nhập tăng thêm bình quân
thực hiện của người lao động trong đơn vị.
Chi đầu tư. Căn cứ vào nhu cầu đầu tư, khả năng tài chính, đơn vị chủ động
xây dựng danh mục các dự án đầu tư, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Trên cơ sở phê duyệt, đơn vị quyết định dự án đầu tư (bao gồm nội
dung về quy mô, phương án xây dựng, tổng mức vốn, nguồn vốn, thời gian triển
khai…).
Đơn vị sự nghiệp công được vay vốn ưu đãi của Nhà nước hoặc hỗ trợ
lãi suất.
Căn cứ theo yêu cầu phát triển của đơn vị ở từng giai đoạn, Nhà
nước xem xét bố trí vốn cho các dự án đầu tư đang triển khai, các dự án đầu tư
khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trích lập quỹ: Hàng năm, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí, nộp thuế
và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác theo quy định; phần chênh lệch
thu lớn hơn chi, đơn vị được sử dụng để trích lập các quỹ phát triển hoạt động
sự nghiệp; quỹ bổ sung thu nhập; quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi.
- Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư trích tối thiểu
25% chênh lệch thu lớn hơn chi cho quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.
- Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được quyết định
mức trích Quỹ bổ sung thu nhập (không khống chế mức trích).
- Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi được trích tối đa không quá 3
tháng tiền lương, tiền công trong năm của đơn vị.
Vấn đề sử dụng quỹ và các giới
hạn về chi tài chính đối với cơ sở giáo dục đại học công.
Mặc dù là một đơn vị tự chủ, cơ sở giáo dục đại học tự chủ hoàn
toàn về chi đầu tư và chi thường xuyên, sau khi đã cân đối thu-chi, còn thừa,
vẫn không được tự do trong việc quyết định sử dụng các khoản trích lập quỹ của
mình. Cụ thể:
- Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp: Để đầu tư xây dựng cơ sở vật
chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc; phát triển năng lực hoạt
động sự nghiệp;
Chi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ; đào tạo nâng cao
nghiệp vụ chuyên môn cho người lao động trong đơn vị;
Góp vốn liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và
ngoài nước (đối với đơn vị được giao vốn theo quy định) để tổ chức hoạt động
dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và các khoản chi khác (nếu
có).
- Quỹ bổ sung thu nhập: Để chi bổ sung thu nhập cho người lao động
trong năm và dự phòng chi bổ sung thu nhập cho người lao động năm sau trong
trường hợp nguồn thu nhập bị giảm.
Việc chi bổ sung thu nhập cho người lao động trong đơn vị được
thực hiện theo nguyên tắc gắn với số lượng, chất lượng và hiệu quả công tác.
Hệ số thu nhập tăng thêm của chức danh lãnh đạo đơn vị sự nghiệp
công tối đa không quá 2 lần hệ số thu nhập tăng thêm bình quân thực hiện của
người lao động trong đơn vị.
- Quỹ khen thưởng: Để thưởng định kỳ, đột xuất cho tập thể, cá
nhân trong và ngoài đơn vị (ngoài chế độ khen thưởng theo quy định của Luật Thi
đua khen thưởng) theo hiệu quả công việc và thành tích đóng góp vào hoạt động
của đơn vị.
Mức thưởng do thủ trưởng đơn vị quyết định theo quy chế chi tiêu
nội bộ của đơn vị.
- Quỹ phúc lợi: Để xây dựng, sửa chữa các công trình phúc lợi; chi
cho các hoạt động phúc lợi tập thể của người lao động trong đơn vị; trợ cấp khó
khăn đột xuất cho người lao động, kể cả trường hợp nghỉ hưu, nghỉ mất sức; chi
thêm cho người lao động thực hiện tinh giản biên chế.
2.2. Cơ chế tự chủ tài chính tự cho các cơ sở giáo dục đại học
công lập theo hình thức đảm bảo chi thường xuyên, tự đảm bảo một phần chi
thường xuyên và được Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên
Nguồn tài chính của cơ sở giáo dục đại học công: Về cơ bản, nguồn tài chính của ba
loại hình cơ sở giáo dục đại học này là giống nhau, bao gồm các nguồn thu sau:
- Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, bao gồm cả nguồn
ngân sách nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá tính đủ
chi phí
- Nguồn thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí được để lại chi theo
quy định
- Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có);
- Nguồn ngân sách nhà nước cấp cho các nhiệm vụ không thường xuyên
quy định
- Nguồn vốn vay, viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật.
Điểm khác biệt trong nguồn tài chính của 3 cơ chế tự chủ này ở chỗ
là nếu cơ sở giáo dục công tự đảm bảo chi thường xuyên thì ngân sách sẽ cắt
khoản chi này, nếu chỉ tự chủ một phần chi thường xuyên thì được thêm “Nguồn
ngân sách nhà nước hỗ trợ phần chi phí chưa kết cấu trong giá, phí dịch vụ sự
nghiệp công”.
Còn đối với các cơ sở giáo dục đại học được Nhà nước đảm bảo chi
thường xuyên (theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, không có
nguồn thu hoặc nguồn thu thấp) thì nguồn thu từ phí, lệ phí…là không có.
Trích lập các quỹ: Hàng năm, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí, nộp thuế và
các khoản nộp ngân sách nhà nước khác theo quy định;
Phần chênh lệch thu lớn hơn chi, đơn vị được sử dụng để trích lập
các quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; quỹ bổ sung thu nhập; quỹ khen thưởng
và quỹ phúc lợi.
Ngoài ra, Chính phủ cho phép các đơn vị được trích lập các quỹ
khác theo quy định của pháp luật sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
Về mức trích, căn cứ vào mức độ tự chủ tài chính như sau:
- Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp: đơn vị chưa tự bảo đảm một
phần chi thường xuyên trích tối thiểu 15%; đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi
thường xuyên, nếu có kinh phí tiết kiệm chi và số tiết kiệm chi lớn hơn một lần
quỹ tiền lương thực hiện thì trích tối thiểu 5%.
- Quỹ bổ sung thu nhập: đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên trích
tối đa không quá 3 lần quỹ tiền lương; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường
xuyên trích tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương;
Đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên trích tối đa không
quá 01 lần quỹ tiền lương.
- Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi: Đơn vị tự bảo đảm chi thường
xuyên và chi đầu tư; đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên trích tối đa không quá
3 tháng tiền lương, tiền công trong năm của đơn vị;
Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên trích tối đa không quá
2 tháng tiền lương, tiền công; đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên
trích tối đa không quá 01 tháng tiền lương, tiền công
Tự chủ trong chi thường xuyên
Tuỳ từng mô hình tự chủ trong số 3 mô hình này (có tự chủ chi
thường xuyên hay không) mà quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập là khác
nhau. Cụ thể như sau:
Đối với cơ sở giáo dục đại học tự đảm bảo chi thường xuyên
Trường được sử dụng các nguồn thu sự nghiệp, nguồn thu từ phí, lệ
phí và các nguồn thu hợp pháp khác cho việc chi thường xuyên.
Nghĩa là trường sẽ chủ động trong việc quyết định các khoản chi
này.
Tuy nhiên, cần hình dung rằng quyền này của trường không phải là
tự chủ hoàn toàn, tự do hoàn toàn mà phải được thực hiện trên cơ sở các quy
định về mua sắm tài sản nhà nước, đấu thầu…
Đối với cơ sở giáo dục đại học công tự đảm bảo một phần chi thường
xuyên cũng có quyền tự chủ tương
tự như trường tự chủ chi thường xuyên.
Tuy nhiên, quyền này bị giới hạn hơn, cụ thể “Căn cứ vào nhiệm vụ
được giao và khả năng nguồn tài chính, đơn vị được quyết định mức chi hoạt động
chuyên môn, chi quản lý, nhưng tối đa không vượt quá mức chi do cơ quan nhà
nước có thẩm quyền quy định”.
Riêng đối với các khoản chi không thường xuyên, cả ba mô hình tự
chủ này đều phải chi theo quy định của Luật ngân sách.
Nghĩa là quyền tự chủ đối với các khoản chi này là không có.
2.3. Vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp
Điều kiện để cơ sở giáo dục đại học công được vận dụng cơ chế tài
chính như doanh nghiệp.
Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 nêu rõ, đơn vị tự bảo đảm
chi thường xuyên và chi đầu tư được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp
(công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều
lệ), khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Hoạt động dịch vụ sự nghiệp công có điều kiện xã hội hóa cao, Nhà
nước không cần bao cấp; giá dịch vụ sự nghiệp công tính đủ chi phí (bao gồm cả
trích khấu hao tài sản cố định);
Được Nhà nước xác định giá trị tài sản và giao vốn cho đơn vị quản
lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
Hạch toán kế toán để phản ánh các hoạt động theo quy định của các
chuẩn mực kế toán có liên quan áp dụng cho doanh nghiệp.
Khi được phép vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp, các đơn
vị sự nghiệp được xác định vốn điều lệ và bảo toàn vốn; được huy động vốn, đầu
tư vốn ra ngoài đơn vị;
Quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định theo doanh
nghiệp; quản lý doanh thu, chi phí và phân phối lợi nhuận; thực hiện chế độ kế
toán, thống kê như doanh nghiệp.
Như vậy, cơ chế tài chính như doanh nghiệp là cơ chế tài chính
được phép vận hành với các cơ sở giáo dục đại học công thuộc mô hình tự chủ về
chi thường xuyên và chi đầu tư khi đã thoả mãn những điều kiện nhất định.
Nói cách khác, sự vận hành cơ chế tài chính như doanh nghiệp có
thể xem là một “bậc cao” hơn của tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên và chi
đầu tư.
Một trong những điều kiện quan trọng để có thể đạt được cơ chế vận
hành tài chính như doanh nghiệp đó là “Giá dịch vụ sự nghiệp công tính đủ chi
phí (bao gồm cả trích khấu hao tài sản cố định)” (Điều 21 Nghị định 16/CP).
Trong khi đó, cũng theo quy định tại Điều 10 khoản 1 Nghị định này
thì trong lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công “Đến năm 2020: Tính đủ chi
phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản
cố định”.
Kết hợp cả hai quy định nêu trên ta thấy, ít nhất là cho đến năm
2020 mới có cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ và được cho phép vận hành
theo cơ chế tài chính như doanh nghiệp.
Quyền hạn và những hệ luỵ của cơ sở giáo dục đại học công vận dụng
cơ chế tài chính như doanh nghiệp.
Theo quy định tại Điều 21 khoản 2 Nghị định 16/CP về cơ chế tự chủ
tại các đơn vị sự nghiệp công, cơ sở giáo dục đại học công nếu đáp ứng đầy đủ
các điều kiện như trên sẽ được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp, một
khi đã được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp, cơ sở giáo dục tự chủ
sẽ có quyền:
a) Được xác định vốn điều lệ và bảo toàn vốn;
b) Được vay vốn, huy động vốn, đầu tư vốn ra ngoài đơn vị theo quy
định của pháp luật;
c) Quản lý, sử dụng, trích khấu hao tài sản cố định theo quy định
áp dụng cho doanh nghiệp;
d) Quản lý doanh thu, chi phí và phân phối lợi nhuận; thực hiện
chế độ kế toán, thống kê áp dụng như doanh nghiệp.
Các quy định này cho đơn vị sự nghiệp công thực hiện tự chủ khá
nhiều quyền quan trọng, ví dụ như quyền “huy động vốn” bằng các kênh như doanh
nghiệp, hay quyền “đầu tư vốn ra ngoài đơn vị”…
Tuy nhiên, một quyền mà có lẽ các trường tự chủ (có thể nói thuộc
hang tự chủ cao nhất) ở đây mong muốn, đó là quyền tự mình xác định giá dịch vụ
sự nghiệp, hay giá học phí, lệ phí… thì lại không được đề cập.
Điều đó có nghĩa là việc xác định học phí cho dù trường đại học tự
chủ hoàn toàn về chi thường xuyên và chi đầu tư, và đã thoả mãn các điều kiện
để được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp, thì việc xác định học phí
vẫn phải tuân thủ các quy định kết hợp giữa quy định của Nghị định 43/CP (2006)
“Đơn vị sự nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thu phí, lệ phí phải
thực hiện thu đúng, thu đủ theo mức thu và đối tượng thu do cơ quan nhà nước có
thẩm quyền quy định.
Trường hợp nhà nước có thẩm quyền quy định khung mức thu, đơn vị
căn cứ nhu cầu chi phục vụ cho hoạt động, khả năng đóng góp của xã hội để quyết
định mức thu cụ thể cho phù hợp với từng loại hoạt động, từng đối tượng, nhưng
không được vượt quá khung mức thu do cơ quan có thẩm quyền quy định”.
Và mức khống chế cụ thể liên quan đến học phí thì đã được xác định
khác cụ thể bởi quy định của Nghị định 86/CP (2015) đã trình bày ở trên.
Như vậy, một khi được phép vận dụng cơ chế tài chính như doanh
nghiệp nhưng giá cả dịch vụ được cung cấp thì lại không được xác định một cách
tự do theo các quy luật cung cầu và cạnh tranh của thị trường thì thật sự cơ
chế tài chính như doanh nghiệp sẽ chỉ dừng lại ở chỗ “như doanh nghiệp”, nghĩa
là một cơ chế tài chính doanh nghiệp nửa vời.
Hệ luỵ của cơ chế tài chính như doanh nghiệp đối với các trường
đại học tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên và chi đầu tư.
Mặc dù cho đến nay chưa có trường đại học công lập tự chủ nào được
giao vận hành cơ chế tài chính như doanh nghiệp, tuy nhiên, theo lộ trình xác
định giá dịch vụ, đến năm 2020 sẽ có các cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện để
vận dụng cơ chế tài chính này và dự kiến đây sẽ là cơ chế phổ biến đối với các
trường đại học công trong lộ trình giảm dần sự bao cấp của ngân sách đối với
lĩnh vực này.
Do đó việc xem xét và phân tích về cơ chế tự chủ này vẫn thực sự
cần thiết.
Hệ luỵ đầu tiên có thể nhìn thấy chính là sự không rõ ràng trong cơ chế tự
chủ này.
Hiện nay ở Việt Nam vẫn tồn tại hai hệ thống các trường đại học,
đó là đại học công lập và ngoài công lập (tư thục).
Theo quy định tại Nghị định 86/CP (2015) về học phí thì “Cơ sở
giáo dục ngoài công lập tự quyết định mức thu học phí”, với quy định này thì các
trường ngoài công lập đang vận hành theo cơ chế tài chính hoàn toàn như một
doanh nghiệp thực sự.
Trong khi đó, với các trường công lập, cơ chế tài chính này như đã
đề cập ở trên là cơ chế tài chính của doanh nghiệp một cách nửa vời.
Bởi vì, theo cơ chế này trường vừa phải tuân thủ các quy định áp
dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công nói chung (ví dụ về thu học phí, về mua
sắm tài sản công…) đồng thời lại phải gánh chịu các nghĩa vụ như một doanh
nghiệp (nộp thuế, hạch toán kế toán…).
Sự nửa vời trong cơ chế này sẽ dẫn đến kết quả là cơ chế tài chính
không rõ ràng và hệ quả tất yếu là các trường đại học công thực hiện tự chủ sẽ
không mạnh dạn trong việc xin áp dụng cơ chế này.
Điều này tất yếu dẫn đến kết quả là chủ trương giảm mạnh bao cấp
của Nhà nước đối với các trường sẽ không thể thực hiện theo lộ trình như mong
đợi.
Hệ luỵ thứ hai có thể hình dung được từ cơ chế tài chính vận hành như doanh
nghiệp là khả năng cạnh tranh kém của loại hình trường đại học tự chủ này so
với các trường ngoài công lập.
Bởi với cơ chế tài chính này, gần như trường không còn được sự hỗ
trợ tài chính từ Nhà nước, tất cả nguồn tài chính phụ thuộc vào khả năng xoay
sở của trường.
Như vậy, về bản chất trường sẽ vận hành như một trường ngoài công
lập.
Trong khi đó, các trường ngoài công lập lại được tự do sử dụng các
nguồn thu của mình trong việc mua sắm, tự do thu phí phù hợp với chất lượng
dịch vụ cung cấp.
Như vậy, cơ chế tài chính này đối với các trường công sẽ là một sự
“trói tay trói chân” trường, do đó khả năng cạnh tranh với các trường khác
ngoài công lập sẽ bị hạn chế đi rất nhiều.
Hệ luỵ thứ ba, đó là sự thiếu kiểm soát về chất lượng giáo dục, toàn bộ các quy
định của Nghị định 43/CP (2006), Nghị định 16/CP (2015) hay Nghị quyết 77/NQ-CP
(2014) đều đề cập chủ yếu đến cơ chế tài chính cũng như sự quản lý tài chính.
Một vấn đề quan trọng cần quan tâm trong giáo dục nói chung và
giáo dục đại học nói riêng là chất lượng giáo dục.
Thiếu các quy định chặt chẽ về kiểm soát chất lượng giáo dục sẽ
dẫn đến hệ luỵ các trường công lập tự chủ vận hành theo cơ chế tài chính như
doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ về tài chính, “quên” mất
rằng mình vẫn là một trường đại học công.
Hệ luỵ là chất lượng giáo dục đi xuống trong quá trình giảm bao cấp
của Nhà nước.
Hệ luỵ cuối cùng chính là quy định không rõ ràng về “Quản lý doanh thu, chi
phí và phân phối lợi nhuận; thực hiện chế độ kế toán, thống kê áp dụng như
doanh nghiệp”.
Các trường đại học công lập thực hiện tự chủ và vận hành cơ chế
tài chính như doanh nghiệp thì suy cho cùng vẫn là một trường công lập trong hệ
thống giáo dục quốc dân, vẫn là một đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước
giao thực hiện các nhiệm vụ cụ thể...
Tuy nhiên, như khẳng định của Điều 21 Nghị định 16/CP “Đơn vị sự
nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được vận dụng cơ chế tài
chính như doanh nghiệp (công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước
nắm giữ 100% vốn điều lệ)…”, các trường này sẽ có cơ chế tài chính như công ty
Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Cũng theo quy định tại Điều 38 Nghị định 71/CP (2014) về đầu tư
vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà
nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thì việc phân phối lợi nhuận thực hiện:
Lợi nhuận của doanh nghiệp sau khi bù đắp lỗ năm trước theo quy
định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, trích Quỹ phát triển khoa học và công
nghệ theo quy định của pháp luật, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, phần lợi
nhuận còn lại được phân phối cho các thành viên góp vốn, bù lỗ, trích các quỹ….
Quy định này có vẻ không phù hợp lắm với cơ chế tài chính của
trường công ví dụ việc nộp vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp,
quỹ này không liên quan gì đến hoạt động của các trường.
Do đó cần thiết có các quy định cụ thể hơn về phân phối lợi nhuận
cho các trường này.
3. Kiến nghị về hoàn thiện cơ chế tài chính cho đại học công lập
Việt Nam
3.1. Quan điểm và vai trò của Nhà
nước đối với đại học công lập
Giáo dục là một trong những điều khoản quan trọng nhất trong ngân
sách của các chính phủ.
Ở Mỹ đã và đang có những quan điểm khác nhau về giáo dục công (1)
ủng hộ sự tồn tại của trường công để đảm bảo tính công bằng trong tiếp cận giáo
dục, tạo ra vốn nhân lực của quốc gia và sự ổn định chính trị;
(2) Tăng tính hiệu quả bằng tồn tại hệ thống trường công và trường
tư trong thị trường giáo dục có cạnh tranh;
(3) Tăng chất lượng trường công bằng các biện pháp tạo ra thị
trường “học bổng” cạnh tranh, thay đổi mô hình quản trị đối với trường công.
Các quan điểm ủng hộ giáo dục công dựa trên khung phân tích của
kinh tế học phúc lợi.
Theo đó, đã đề xuất các câu hỏi cơ bản sau: tại sao chính phủ tham
gia tích cực vào sự nghiệp giáo dục mà không để cho thị trường cung cấp?
Lý thuyết kinh tế học phúc lợi cho rằng thị trường không cung cấp
hàng hóa một cách hiệu quả nếu hàng hóa đó là hàng hóa công, loại hàng hóa làm
tăng ngoại tác hay được cung cấp một cách độc quyền.
Lập luận này ủng hộ sự can thiệp của chính phủ vào thị trường giáo
dục có liên quan với tính hiệu quả kinh tế.
Một lập luận khác cho rằng cũng cần phải tính đến sự công bằng
trong giáo dục và từ đó đưa ra quan điểm đối với giáo dục công.
Họ cho rằng tiếp cận giáo dục là một nguồn quan trọng của sự thay
đổi trong xã hội, giáo dục là một hàng hóa quan trọng dành cho tất cả mọi công
dân.
Điều gì đặc biệt làm cho chính phủ không những cung cấp giáo dục
mà còn tạo ra giáo dục?
Lý thuyết xây dựng nhà nước cho rằng giáo dục công tạo ra vốn con
người đồng thời tạo cho người dân có niềm tin sâu sắc vào hệ thống chính trị.
Quan điểm khác lại cho rằng, các trường tư là nguồn cạnh tranh cho
các sinh viên muốn dành tòan bộ nguồn lực của họ để sản xuất ra vốn con người.
Theo quan điểm này, phát triển trong một quá trình dân chủ, tự do
hóa là dễ dàng hơn một hệ thống các trường công được bảo hộ mà không có sự cạnh
tranh.
Một trong những vấn đề chủ đạo trong các cuộc tranh luận về giáo
dục công là chi phí cho nó có cao hay không.
Các tranh luận này buộc chúng ta phải đối diện trước câu hỏi: Vậy
chi phí cao hơn có cho ta nền giáo dục tốt hơn hay không?
Gần đây, nhiều Tiểu Bang ở Mỹ đã tập trung vào các kế hoạch nâng
cao chất lượng trường công bằng cách gia tăng đáng kể giới hạn lựa chọn thông
qua một hệ thống hóa đơn trợ cấp (voucher system).
Phương pháp tiếp cận này chủ yếu là cung cấp các hỗ trợ tài chính
trực tiếp cho sinh viên chứ không cho các trường công.
Mỗi sinh viên có thể được cấp một hóa đơn trả học phí trang trải
cho các trường học có chất lượng nào mà gia đình của sinh viên thích nhất.
Lý thuyết cho rằng tác động của cạnh tranh trong thị trường giáo
dục cũng giống như trong các thị trường khác.
Các trường học tồi sẽ có quá ít sinh viên đến học và buộc phải
đóng cửa.
Hơn thế, quan điểm cạnh tranh giáo dục cho rằng, khi tạo ra chính
sách học phí có thể khuyến khích các nhà đầu tư mở thêm trường học mới tại
những khu vực có trường học chất lượng kém.
Theo quan điểm này, một số bang ở Mỹ đã thử nghiệm hệ thống hóa
đơn trợ cấp giáo dục từ chính phủ cho sinh viên nghèo, và các sinh viên này sẽ
lựa chọn trường có chất lượng tốt hơn bất chấp đó là trường công hay trường tư[8].
Nhìn vào các quan điểm, tranh luận nêu trên, có thể thấy một điểm
chung là sự công nhận vai trò của trường công trong tạo ra vốn con người và
nâng cao lợi thế cạnh tranh của một quốc gia.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của trường công, nhà nước có thể
tạo ra thị trường giáo dục có cạnh tranh bằng cách cho hình thành hệ thống các
trường tư và thay đổi phương thức tài trợ và đa dạng hóa mô hình quản trị
trường công.
Theo tôi, Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường và đang hội nhập
sâu vào nền kinh tế thế giới, và ở mức độ nhất định thị trường giáo dục đã hình
thành (có các loại trường công, trường tư, trường quốc tế và cạnh tranh với
nhau).
Vì vậy, chúng ta cũng phải chấp nhận thực tế là ở Việt Nam có thị
trường giáo dục, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp có mức độ cạnh tranh ngày
càng cao.
Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia vai trò của nhà nước đối với
giáo dục không hề giảm trong điều kiện có thị trường giáo dục.
Vai trò của nhà nước đối với giáo dục nói chung và giáo dục đại
học nói riêng thể hiện chỗ, thứ nhất tạo ra môi trường pháp lý, cơ chế chính
sách tốt cho hệ thống giáo dục hoạt động có hiệu quả; thứ hai nhà nước phải tham
gia đầu tư vào giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng theo các mức độ
và hình thức khác nhau, thông qua các cơ sở giáo dục công lập nhưng phải mang
lại hiệu quả.
3.2. Kiến nghị về cơ chế tự chủ
tài chính và nguồn tài trợ cho đại học công lập Việt Nam
Từ phân tích cơ chế tự chủ tài chính cho đại học công lập tại Việt
Nam cũng như kinh nghiệp quốc tế nêu trên, dưới đây xin đề xuất một số kiến
nghị về hoàn thiện cơ chế tài chính cho đại học công lập tại Việt Nam.
Thứ nhất, theo chúng tôi cùng với thực
hiện cơ chế tự chủ đại học nói chung, Việt Nam cần hoàn thiện cơ chế tài chính
cho các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Với tên gọi là cơ sở đào tạo công lập hay trường công có nghĩa là
phải có sự đầu tư của nhà nước.
Tuy nhiên, hiện số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập của
Việt Nam là quá lớn trong bối cảnh nguồn chi ngân sách nhà nước cho giáo
dục bị eo hẹp.
Theo số liệu thống kê, tính đến năm 2015, cả nước có 303 trường
trung học chuyên nghiệp và đào tạo nghề chuyên nghiệp (175 trường công lập và
128 trường ngoài công lập);
Số lượng các trường cao đẳng, đại học là 445 trường, trong đó số
trường công lập là 357 và ngoài công lập là 88, cả nước có 1.467 cơ sở đào tạo
nghề gồm 190 trường cao đẳng nghề, 280 trường trung cấp nghề, 997 trung tâm dạy
nghề.
Theo số liệu tham khảo một số trường đại học công lập và tư thục,
chi phí đơn vị của Việt Nam tương đương 450-700 đô la Mỹ/năm bằng 20%- 30% GDP
bình quân đầu người của năm 2016, trong khi theo số liệu của Ngân hàng Thế giới
năm 2005, ở các nước OECD, GDP/người khoảng 24.000 USD (2005), chi phí đơn vị
12.000/Sinh viên, chiếm 50% GDP/người; Thái Lan thu nhập bình quân/người năm
2005 là 2900 USD, chi phí đơn vị bình quân cho sinh viên đại học là 3000 USD,
chi phí đơn vị lớn hơn 100% GDP/người.
So với các nước trong khu vực chi phí đơn vị của Việt Nam quá
thấp, vì vậy chi đầu tư cho cơ sở vật chất sẽ thấp.
Muốn nâng cao chất lượng đào tạo, yêu cầu đặt ra cũng phải tăng
đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ tương thích với đổi mới chương trình đào tạo.
Vì vậy, trường đại học công lập muốn tồn tại và đảm bảo chất lượng
phải có mức đầu tư tương ứng. Vậy nguồn tài trợ cho các trường đại học công lập
lấy từ đâu?
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp, giải pháp tốt nhất để
nâng cao chất lượng nhà nước cần giảm quy mô số lượng trường công để tập trung
ngân sách giáo dục cho số lượng số trường công cần được đầu tư.
Muốn gia tăng mức đầu tư cho trường công lập để nâng cao chất
lượng đào tạo cần hai nguồn chính là (1) ngân sách nhà nước; và (2) học phí.
Để tăng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo
dục đại học công lập, nhà nước cần có một chương trình tái cấu trúc lại khu vực
các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập nói chung, đại học công lập nói riêng.
Theo đó, cần phân loại sắp xếp tầm quan trọng các ngành đào tạo mà
nhà nước phải đầu tư, phân loại theo ngành học thuộc khoa học cơ bản, các ngành
thuộc khoa học ứng dụng, hay nói cách khác các ngành học phi thị trường không
có tính cạnh tranh và ngành học thị trường có tính cạnh tranh;
Phân loại các trường định hướng nghiên cứu và trường đào tạo thực
hành, phục vụ nhu cầu thị trường; Các trường công theo nguồn gốc hình thành,
theo cấp quản lý.
Từ việc phân loại theo các tiêu chí trên, sẽ đưa ra các mô hình tự
chủ về tài chính theo loại trường:
Loại trường nhà nước cần đầu tư và mức độ đầu tư (theo 3 mức độ
nêu trên); Loại trường nhà nước không đầu tư cần chuyển cho tư nhân để giảm
gánh nặng cho ngân sách đầu tư.
Thứ hai, trao quyền tự chủ tài chính cho
các trường trong xác định mức học phí để bù đắp chi phí đầu tư từ nhà nước còn
thấp.
Gia tăng học phí được xem như một giải pháp chủ yếu nhằm chia sẻ
chi phí giáo dục.
Tài chính dành cho giáo dục nghề nghiệp của các nước đang
phát triển đang như Việt Nam đối mặt với rất nhiều thách thức và khó
khăn.
Tuy nhiên, hầu hết các chính phủ đều sử dụng phương thức
cùng “chia sẻ chi phí” (cost sharing) giữa chính phủ và người học,
“thị trường hóa” đào tạo nhân lực.
Thường các trường công lập được nhà nước tài trợ nên mức học phí
cũng thấp hơn học phí ở các trường tư, mức độ cách biệt học phí tùy vào từng
ngành nghề và mức đầu tư của nhà nước.
Các trường sẽ đưa ra mức học phí cạnh tranh và cam kết các điều
kiện dạy và học cũng như chất lượng đầu ra với người học.
Thứ ba, dù là được nhà nước đầu tư
với mức độ khác nhau, và khi các trường đại học công lập đảm bảo các tiêu chí
về năng lực tự chủ đại học (Tự chủ đại học), thì có thể giao tự chủ hoàn toàn
về tài chính (được quyền quyết định nguồn thu, các khoản chi, đầu tư, trả
công…).
Thí dụ, ở Singapore có 3 trường đại học lớn là Đại học Quốc gia
Singapore (National University of Singapore – NUS), Đại học Công nghệ Nanyang
(Nanyang Technological University – NTU), Đại học quản trị Singapore (Singapore
Management University –SMU) được tự chủ hoàn toàn nhưng vẫn nhận ngân sách tài
trợ từ chính phủ.
Các đại học này tự chủ về quản trị, học phí, tiêu chuẩn tuyển
sinh, trả lương cho cán bộ giảng viên, sử dụng và phát triển hiệu quả nguồn tài
chính hướng đến phát triển học thuật và tất cả vì danh tiếng nhà trường.
Hội đồng trường được trao quyền giám sát và thực thi các mục tiêu
theo chiến lược của chính phủ và kiểm soát hệ thống đảm bảo chất lượng.
Rõ ràng cơ chế tự chủ đặc biệt là cơ chế tự chủ tài chính của
Singapore có rất nhiều ưu điểm, đã phát huy được quyền làm chủ của trường đại
học gắn với cơ chế giải trình.
Qua kết quả khảo sát các trường đang thực hiện Tự chủ đại
học tại Việt Nam đều gặp những vấn đề khó khăn liên quan đến các luật hiện
hành.
Quy chế Tự chủ đại học ghi trong Quyết định của Chính phủ là
được tự chủ nhưng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Trong khi đó nhiều điều
luật không ủng hộ việc tự chủ.
Đây là vấn đề mâu thuẫn trong thực hiện Quy chế Tự chủ đại
học hiện nay.
Ví dụ, tự chủ về tài chính, dùng tiền không phải từ ngân sách nhà
nước nhưng vẫn phải tuân thủ luật đầu tư, chi tiêu công…
Do đó để các trường công có quyền tự chủ hoàn toàn về tài chính,
cần sửa đổi các điều luật có liên quan.
Thứ tư, kinh nghiệm của các nước như đã
nêu, dù là tăng học phí để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, nhưng nhà
nước vẫn phải đảm bảo nguồn đầu tư cơ sở vật chất cho các trường công thì chất
lượng đào tạo mới được đảm bảo.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung, và đại học công lập nói
riêng là hoạt động phi lợi nhuận.
Như vậy, có nên chăng có loại hình trường theo mô hình doanh
nghiệp đối với trường đại học công lập theo cơ chế hiện hành?
Nếu có loại này thì có gọi là trường công? Vì vậy, theo chúng tôi
nên bỏ quy định này.
TÀI KIỆU THAM KHẢO
Đặng Văn Huấn (Nghiên cứu sinh tại đại học Portland State, Hoa
Kỳ), Giao quyền tự chủ cho trường Đại học: Kinh nghiệm từ quá trình cải
cách giáo dục đại học của Hàn Quốc, truy cập website http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&News=4696&CategoryID=6,
Ngày truy cập 15/10/2016
Harvey S. R. (2008), “Public finance-” 8th edit; Mc Graw Hill, 2008
Hauptman A.M. (2007) Higher Education Finance: Trends and Issues.
In: Forest J.J.F., Altbach P.G. (eds) International Handbook of Higher
Education. Springer International Handbooks of Education, vol 18. ; Publisher :Springer,
Dordrecht
Hauptman A.M. (2011), Cải cách tài chính tiểu bang cho đào tạo Đại
học Công như thế nào, trong sách của Donald E. Heller, Chính sách
giáo dục đại học công (tiểu Bang và Liên Bang), NXB Đại học Johns Hopkins,
Tái bản lần 2, 2011
Luật về tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường Đại học Pháp,
2007 (Loi relative aux libertés et responsabilités des universités)
McMeeking, K., (2005). A break-even analysis of UK universities.
Paper number 04/03. ISSN 1473 2904
Nghị quyết 77/NQ-CP năm 2014 về thí điểm đổi mới hoạt động cơ sở
giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017
Nghị định 86/2015/CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối
với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm
học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.
Tài liệu tham khảo:
[1]Theo Phạm Phụ (2010) thì tỷ lệ
hoàn vốn từ nguồn nợ vay của sinh viên Trung Quốc là 55% của Hàn Quốc là 64%,
còn đối với các nước phát triển thì cao hơn nhiều. Nhằm giảm bớt áp lực cho bộ
máy quản lý, nhiều quốc gia đã giao trách nhiệm cho vay và thu hồi nợ vay cho
hệ thống ngân hàng.
[2] Arthur M. Hauptman, Cải cách
tài chính tiểu bang cho đào tạo Đại học Công như thế nào, trong sách
của Donald E. Heller, Chính sách giáo dục đại học công (tiểu Bang và Liên
Bang), NXB Đại học Johns Hopkins, Tái bản lần 2, 2011
[3]Theo GS. Lê Văn Cường, Trường Đại
học Paris 1
[4]Annual Report 2015, trang 8
[5]Nguồn: London Economics (2015)
[6]Đại học công được định nghĩa là
các đại học mà nguồn thu nhập chính là tài trợ của chính phủ cấp liên bang và
bang.
[7] Phỏng vấn Phó hiệu trưởng
phụ trách đối ngoại trường Đại học Bách Khoa Saint-Petersburg (2015)
[8]Theo Harvey S. Rosen, giáo trình
“Public finance-Tài chính công” tái bản lần thứ 8; NXB Mc Graw Hill, 2008